Hoá thạch nhựa sắp trở thành tài nguyên quý giá?
“Tôi nghĩ rằng sẽ tới lúc con người không thể sản xuất được nhựa nữa. Khi đó, có thể chúng ta sẽ cần xem xét lại loại vật liệu từ rác thải này và bắt đầu khai thác nó.” – Shahar Livne
*Thế Nhân Sinh hay còn gọi là Kỷ Anthropocene là thuật ngữ được một số nhà khoa học sử dụng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử Trái Đất – kỷ nguyên địa chất mới có sự tác động rất nhiều của con người. Nhiều nhà khoa học cho rằng Kỷ Anthropocene bắt đầu vào ngày 16 tháng 7 năm 1945. Khi con người lần đầu tiên cho nổ bom nguyên tử. Vụ nổ đã để lại một dấu vết hóa học rõ ràng trên nền địa chất Trái Đất.
Rác thải nhựa được coi là mối đe dọa lớn lên môi trường và khí hậu Trái Đất. Con người tìm nhiều cách để giảm thiểu lượng tiêu thụ nhựa, từ dùng vật liệu thay thế đến tái chế nhựa thành những sản phẩm hàng ngày. Nhà thiết kế người Isarel Shahar Livne lại nhìn rác thải nhựa ở một khía cạnh khác – nguồn “quặng” cho sản xuất và thiết kế trong tương lai.
Trong Tuần lễ Thiết kế Hà Lan (Dutch Design Week) 2017, Shahar đã giới thiệu các sản phẩm làm từ một loại vật liệu gần giống đất sét. Các sản phẩm của Shahar nằm trong cùng hạng mục với nhiều sản phẩm sử dụng rác thải để tạo ra những sản phẩm mới như gốm sứ từ rác tiêu dùng hay các đồ dùng terrazzo làm từ cỏ… Thế nhưng, dự án của Shahar lại đi theo một hướng khác.
“…nhựa sẽ lai tạo với các vật liệu tự nhiên.”
Dự án của Shahar mang tên Metamorphism* – Sự biến chất. Với Metamorphism, Shahar nhìn nhận rác thải nhựa, theo thời gian, sẽ trở thành một phần của tự nhiên. Nhựa sẽ hòa trộn vào các tầng địa chất và dần trở thành một loại hóa thạch mới. “Thực tế thiên nhiên đã tiếp nhận nhựa rồi. Một lúc nào đó, nhựa sẽ lai tạo với các vật liệu tự nhiên”, Shahar chia sẻ
*Metamorphism (sự biến chất) là quá trình địa chất đề cập đến sự thay đổi về thành phần khoáng chất và kết cấu địa chất xảy ra do nhiệt độ, áp suất và các chất hóa học lỏng hoạt tính. Đây là quá trình liên quan đến sự hình thành kết cấu tầng của một vài loại đá.
Gần đây các nhà khoa học đã ghi nhận một loại vật liệu lai tạo mới mang tên Plastiglomerate (đá lai nhựa). Đó là những viên đá được tự nhiên tạo ra từ những vật chất thiên nhiên và nhựa. Và như thế nhựa đã trải qua bước đầu tiên trong quá trình hình thành đá.
Shahar cho biết: “[Từ đó], tôi thắc mắc rằng liệu nhựa có thể tồn tại qua một chu trình hình thành đá không. Tôi nói chuyện với các nhà địa chất. Họ đồng ý rằng nhiều khả năng nhựa cũng sẽ bị biến đổi địa chất sau một khoảng thời gian nhất định.”
Đó cũng chính là khởi nguồn cho ý tưởng về một loại vật liệu mới từ nhựa của Shahar. Cô gọi nó là Lithoplast. Lithos là một từ Hy Lạp cổ có nghĩa là “đá”, plast có nguồn gốc từ tiếng Latin plasticus và tiếng Hy Lạp plastikos nghĩa là “có thể nhào nặn được”.
Để làm ra Lithoplast, Shahar mô phỏng quá trình biến chất địa chất của tự nhiên với một tốc độ nhanh hơn. Shahar cho rằng trong tự nhiên, nhựa sẽ biến chất cùng các loại khoáng chất khác. Do đó, trong nghiên cứu của mình, cô trộn nhựa với bột đá hoa cương và bụi đá mỏ, vốn là chất thải từ ngành khai thác mỏ và chạm khắc đá.
Hỗn hợp này sau đó chịu tác động nhiệt và áp suất tương tự với quá trình biến chất tự nhiên. Kết quả thu được là một loại vật liệu có thể nhào nặn được như đất sét. Bề mặt của nó mang lại cảm giác giống đá.
Mặt khác, giống như nhựa, Lithoplast có kết cấu dẻo, phù hợp cho việc tạo hình. Điểm khác biệt của Lithoplast so với nhựa là nó duy trì ở trạng thái dẻo lâu hơn rất nhiều. Nhờ tính chất này mà Shahar có thể nhào nặn vật liệu bằng tay như thể với đất sét. Nhà thiết kế cho biết: “Quá trình tương tác với Lithoplast giống như đang làm thủ công vậy.” Biết đâu một ngày, bên cạnh thợ kim hoàn, chúng ta sẽ có cả thợ nhựa!
Theo Shahar thì trong một vài thế kỉ tới quá trình tương tự sẽ xảy ra với lượng rác thải nhựa không phân hủy đã xâm nhập vào trong đất. “Ngay bây giờ, chúng ta đã thấy sự kết hợp của nhựa và tự nhiên qua việc động vật sử dụng nhựa hay những loại đá mới có nhựa trong đó.”
“Trái Đất chẳng coi nhựa là thứ gì to tát cả.”
Shahar chia sẻ cô không tái chế nhựa mà đang nghiên cứu về tương lai của nhựa hóa thạch. Nhiều người không hài lòng với cách nhìn này của cô. “Một vài người tỏ ra giận dữ với tôi. Họ cho rằng khi bạn không chỉ rõ nhựa xấu hay tốt thì ý bạn là cứ hoải mái vứt rác thải nhựa đi… Chúng ta vẫn nghĩ nhựa là mối đe dọa cho Trái Đất, nhưng một nhà địa chất học đã bảo tôi rằng Trái Đất chẳng coi nhựa là thứ gì to tát cả.”
Dự án của Shahar mở ra một góc nhìn tích cực hơn về nền văn hóa xả thải hiện nay. “Tôi nghĩ rằng sẽ tới lúc con người không thể sản xuất được nhựa nữa. Khi đó, có thể chúng ta sẽ cần xem xét lại loại vật liệu từ rác thải này và bắt đầu khai thác nó.”
Giữa những dự án bền vững theo hướng giảm thiểu lượng tiêu thụ trong tương lai thì dự án Metamorphism là một hướng đi gợi mở. Bên cạnh việc tiêu dùng những gì tạo ra rác thải ít nguy hại hơn nhựa, chúng ta cũng cần tìm ra giải pháp khả thi và thực dụng nhất cho lượng rác thải nhựa khổng lồ đang có.
Tôi chưa từng hi vọng người xem sẽ hào hứng đến vậy chạm khi vào lithoplast. Giây phút họ cầm nó lên, khuôn mặt họ tràn ngập sự ngạc nhiên. Mọi người nghĩ rằng đây sẽ là thứ vật liệu nặng như đá, nhưng nó là nhựa nên nhẹ hơn rất nhiều.
Với Metamorphism, Shahar cũng không muốn áp đặt bất cứ ý kiến nào lên người khác. Điều cô muốn là tạo ra một không gian cho những suy nghĩ, ý tưởng và cách nhìn nhận mới về các vấn đề đương đại. Shahar cho rằng lithoplast không chỉ sẽ trở thành vật liệu mới, có tính ứng dụng trong cuộc sống mà còn là phương tiện kể lại câu chuyện về cả một thời đại, là một vật liệu cho thiết kế và sáng tạo.
Lithoplast có thể được ứng dụng vào những lĩnh vực quen thuộc như vật liệu trang trí hay xây dựng. Nhưng tham vọng của Shahar là có thể nghiên cứu sâu hơn theo hướng nhìn nhận nó như một phương tiện biểu hiện các hiện tượng tự nhiên. Cô muốn nó sẽ được làm thành vật dụng mà con người có thể liên hệ và tương tác được như đồ nội thất chẳng hạn.
Những nhà thiết kế như Shahar đang dùng những nhận thức về kỷ nguyên hiện tại, coi đó như nguồn cảm hứng cho những ý tưởng, sản phẩm và quá trình thiết kế. Mục đích của họ là dùng tác phẩm của mình để thay đổi văn hóa, định hình thái độ của công chúng theo hướng khách quan và cởi mở hơn, biến những thứ bỏ đi hôm nay thành cơ hội ngày mai.
Trong năm 2018, Shahar sẽ mang các sản phẩm làm từ Lithoplast tới các buổi triển lãm Ventura Future hay triển lãm Mutant Matte của Dutch Invertuals. Cô cũng có ý định sẽ xuất bản sách về nghiên cứu Metamorphism của mình. Hiện tại thì bạn có thể tìm hiểu cơ bản về dự án qua khóa luận tốt nghiệp của cô.
Nguồn: MaterialDriven và Next Nature Network
Ảnh: Alan Boom, Ronald Smits và Shahar Livne
Biên tập: Xanh Va