Chúng ta có đang dùng sai các thuật ngữ liên quan đến môi trường không?
Chúng ta bắt đầu tìm đến những sản phẩm và lối sống gắn mác “tốt cho môi trường” nhưng bạn đã hiểu đúng về những từ khóa ấy để chọn ra những thứ thực sự về môi trường chưa?
Khi nhận thức của xã hội về các vấn đề môi trường ngày càng tăng thì lượng thông tin về chủ đề này cũng nhiều lên, các doanh nghiệp cũng bắt đầu đưa ra những sản phẩm và chiến dịch marketing nhấn mạnh đến yếu tố bền vững, xanh, thân thiện với môi trường, hữu cơ… Vấn đề ở đây là những khái niệm này được dùng thay thế cho nhau khá tùy tiện khiến nhiều người không thực sự hiểu rõ sự khác biệt giữa chúng.
Tất nhiên, những thuật ngữ này đều thuộc trường từ vựng liên quan đến nhận thức về môi trường, về trách nhiệm xã hội. Thế nhưng để thực sự hiểu đúng, sống đúng và tiêu dùng đúng với ý nghĩa thực sự của mỗi thuật ngữ thì việc hiểu rõ từng thuật ngữ là điều cần thiết.
Nếu như ta lựa chọn một sản phẩm hay một lối sống chỉ vì một ‘từ khóa’ gắn với nó mà không nhìn ra bản chất tác động của nó lên môi trường thì đôi khi ta sẽ tạo ra kết quả ngược lại với những điều tốt đẹp mình mong muốn.
Green – Eco-friendly – Sustainable: Xanh – Thân thiện với môi trường (sinh thái) – Bền vững
Xanh: Từ khi ô nhiễm môi trường và việc bảo vệ môi trường thực sự được xã hội quan tâm thì từ xanh trong sống xanh, tiêu dùng xanh đã không còn đơn thuần để chỉ màu hay gặp nhất của lá cây nữa. Xanh đã trở thành một từ chúng ta thấy trong vô vàn bài viết, bài diễn thuyết, trên các sản phẩm, các xu hướng thiết kế… có liên quan đến khía cạnh bảo vệ môi trường. Xanh có thể coi như thuật ngữ bao hàm nhất cho lối sống tốt cho môi trường.
Thân thiện với môi trường (sinh thái): cũng mang ý nghĩa rộng, chỉ bất cứ điều gì không làm hại đến thiên nhiên.
Bền vững: hay Sustainable lại tiếp cận khía cạnh môi trường theo hướng tập trung vào tương lai. Theo Liên Hợp Quốc thì bền vững là những gì “không làm ảnh hưởng xấu đến khả năng tiếp cận nguồn lực cần thiết của thế hệ tương lai.”
Trong khi xanh hay thân thiện với môi trường chủ yếu tập trung vào những hành vi ở hiện tại thì bền vững lại xem xét cả tác động của những hành vi hiện tại đến tương lai sau này. Một thứ hay một hành vi được xem là bền vững khi nó vẫn mang lại những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường mà không gây ra ô nhiễm hay cạn kiệt tài nguyên trong tương lai.
So với ý nghĩa tổng quát quá rộng của xanh hay thân thiện với môi trường thì bền vững đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Một sản phẩm hay một hành vi có thể được gán mác xanh hay thân thiện với môi trường nhưng chưa chắc đã đủ tiêu chuẩn để được gọi là bền vững.
Ví dụ như một sản phẩm được làm ra từ nhiên liệu tái tạo được sẽ được coi là xanh hay thân thiện với môi trường nhưng quá trình tạo ra và đưa sản phẩm đó đến người dùng tiêu tốn quá nhiều năng lượng và không có cách xử lý sản phẩm thích hợp sau khi sử dụng thì đó chưa phải một sản phẩm bền vững.
Trên thực tế, chúng ta đã có nhiều sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường. Nhưng những sản phẩm thực sự bền vững thì chưa nhiều. Những thứ đang được gắn mác bền vững hiện nay nhiều khi chỉ mang nghĩa bền vững hơn so với những sản phẩm cùng loại mà thôi. Nhưng dù vậy, đó cũng đã là những nỗ lực đáng ghi nhận.
Clean – Nontoxic – Organic: Sạch – Không độc hại – Hữu cơ
Trong hoàn cảnh những mối đe dọa bệnh tật, đặc biệt là căn bệnh ung thư quái ác, được chứng minh là có liên hệ không nhỏ đến thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp thì một xu hướng mới trong những ngày này là sản xuất và quảng bá những sản phẩm an toàn. Đó là khi những khái niệm sạch, không độc hại và hữu cơ bắt đầu xuất hiện trên các sản phẩm và chiến dịch quảng cáo.
Trong ba khái niệm này thì sạch và không độc hại có vẻ khá giống nhau. Nếu như những sản phẩm sạch là những sản phẩm có các nguyên liệu không gây hại cho sức khỏe người dùng thì những sản phẩm không độc hại cần đảm bảo không có nguyên liệu nào ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.
Đối với sản phẩm sạch và không độc hại thì nguyên liệu làm ra chúng có thể là tự nhiên hoặc nhân tạo. Sạch có thể dùng cho các sản phẩm hoặc để chỉ lối sống. Còn không độc hại thường liên quan đến các sản phẩm về làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.
Hữu cơ thì khác. Thực chất, để được gọi là hữu cơ thì các sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn được quy định bởi các tổ chức của từng nước hoặc theo các bộ quy ước liên quan. Nhìn chung, các sản phẩm hữu cơ sẽ cần được sản xuất theo một quy trình nhất định để đảm bảo không dùng đến các hóa chất nhân tạo có hại cho con người hoặc môi trường.
Ngoài ra, hữu cơ cũng có thể dùng để chỉ lối sống và sản xuất (thường là nông nghiệp) không sử dụng các sản phẩm có chứa hóa chất nhân tạo có hại cho môi trường và con người. Đặc điểm của các sản phẩm hữu cơ là năng suất thường không cao bằng khi sử dụng hóa chất nhân tạo, khó bảo quản hơn và quá trình sản xuất thường cần đến nhiều thời gian, công sức và chi phí cao hơn.
Tất nhiên, lối sống và phong cách tiêu dùng bền vững và hữu cơ là những gì chúng ta đang hướng tới để mang lại những điều tốt nhất cho hành tinh này và chính nhân loại. Thế nhưng tùy vào điều kiện sống mà lựa chọn của mỗi người có thể khác nhau. Chỉ cần mỗi người hiểu rõ tác động từ những lựa chọn của mình lên môi trường và cố gắng giảm những tác động tiêu cực lên sinh thái xuống thấp nhất thì chúng ta có thể tạo ra những khác biệt cho trái đất.