Vạn Nhân Ký - Noãn: ‘Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh’ (Phần 1)

Nếu yêu thích thể loại truyện tranh và các đề tài về lịch sử Việt Nam thì “Vạn Nhân Ký” chắc hẳn phải là tập truyện dài kỳ mà bạn không được bỏ lỡ. Nằm trong chuỗi 7 tập truyện của “Vạn Nhân Ký” của bộ đôi tác giả Linh Thạch, với hỗ trợ biên tập và xuất bản từ Công ty sách Du Bút, tập đầu tiên với tựa đề “Noãn” vừa ra mắt công chúng vào tháng 3 vừa qua đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các độc giả. 

Giới thiệu một chút về tác phẩm: “Vạn Nhân Ký – Noãn” được lấy cảm hứng từ giai đoạn Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn. Truyện đưa người đọc đến với một không gian giả tưởng của kỷ XVIII, nơi nhân vật chính Lý Phúc Anh đang trên đường chạy trốn. Thời thế đảo điên, nghịch tặc dấy binh làm phản đã khiến cơ đồ trăm năm của dòng họ Lý sụp đổ. Sau hàng loạt cái chết của các tôn thất họ Lý, Lý Phúc Anh trở thành sự lựa chọn cuối cùng để thừa kế ngôi vương. Bị kẻ thù truy sát, chàng cùng gia quyến và những triều thần tâm phúc buộc phải trốn chạy khỏi kinh đô, nếm mật nằm gai chờ ngày phục quốc.

Tác giả của “Vạn Nhân Ký – Noãn” – Linh Thạch, cũng là nhà sáng lập của fanpage Học Viện An Nam, có nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng phiên bản màu của bộ “Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh” của Nhà xuất bản Trẻ. Trong nhóm, Thạch đảm nhận vai trò lên ý tưởng kịch bản, còn Linh sẽ biến những câu chữ ấy thành hình vẽ. 

Nhưng liệu có dễ dàng để đưa những câu chuyện lịch sử Việt Nam lên một trang giấy? Hành trình ròng rã 3 năm để thành hình 312 trang truyện của 2 tác giả đã diễn ra như thế nào? … iDesign đã có dịp liên hệ với Linh (Nguyễn Thùy Linh) – họa sĩ vẽ minh họa và cũng là một trong hai tác giả của “Vạn Nhân Ký – Noãn” để tìm hiểu nhiều hơn về tác phẩm.

Hiện tại, Linh đang là Họa sĩ minh họa/ truyện tranh, theo đuổi phong cách nửa tả thực, nửa truyện tranh như những bộ manga “Vinland Saga” (tạm dịch: Bản hùng ca Viking), “Berserk”, “Golden Kamuy”.

Cùng iDesign trò chuyện với Linh ngay thôi nhé!

Chào Linh. Điều gì ở đề tài lịch sử Việt thu hút sự quan tâm của bạn đến thế? 

Lịch sử không chỉ có những con số, ngày tháng năm, những sự kiện hay cuộc đời của các danh nhân. Lịch sử còn là câu chuyện của những con người bình thường, vô danh nên sẽ có rất nhiều câu chuyện với đủ thể loại, nhiều góc nhìn. Đó là điểm thú vị của lịch sử, và cũng là lý do mình chọn đề tài có vẻ gai góc này – bởi mình muốn khai thác một góc nhìn khác của sử Việt thôi.

Được biết, Linh và Thạch là anh em ruột và đều có xuất thân từ trường Đại học Mỹ Thuật. Truyền thống hoạt động mỹ thuật của gia đình đã truyền cảm hứng cho Linh và anh trai mình như thế nào? 

Từ khi sinh ra, mình đã “ngập” trong tranh ảnh, sách vở liên quan tới mỹ thuật các kiểu, nên chắc cũng phải ảnh hưởng ít nhiều rồi. Tụi mình may mắn được gia đình ủng hộ theo ngành mỹ thuật, bố mẹ mình đều hoạt động trong ngành nên cũng có những cảm thông và hỗ trợ – nhưng mặt khác cũng là một dạng “áp lực” để tụi mình phải làm tốt hơn, tốt hơn nữa. 

Bố mình (hoạ sĩ Nguyễn Trung Tín – hoạ sĩ thực hiện bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”, NXB Trẻ) đã cho mình nhiều lời khuyên trong việc tái hiện các chi tiết từ sử liệu.

“Học Viện An Nam” đã ra đời ra sao và mong muốn của hai bạn về sản phẩm chung này là gì? 

Học Viện An Nam ra đời từ một ý tưởng be bé là sẽ thế nào nếu các nhân vật lịch sử với những hệ tư tưởng và thời đại khác nhau cùng xuất hiện và tương tác với nhau trong cùng một khu vực nhỏ. Dần dần qua bàn bạc và tiến hành làm thì nó trở thành như giờ. Hiện tại, dự án Học Viện An Nam đang tạm dừng những truyện ngắn, tập trung vào mong muốn của mình là hoàn thành được 7 tập của “Vạn Nhân Ký”.

Ý tưởng của quyển “Vạn Nhân Ký – Noãn” đến từ đâu vậy nhỉ?

Thật ra, lúc đầu theo dự tính, mình chỉ tính làm một cuốn cỡ 60 – 80 trang, chỉ tập trung nói về tương tác giữa kiếm và người, rồi phát hành dạng tự in ấn ở mấy fes (sự kiện) thông qua Nam Binh Thần Khí thôi. Nhưng khi càng tìm hiểu và suy nghĩ về những nhân vật trong truyện, mình càng thấy không thể nào cứ xem nhẹ hoặc đặt vấn đề quá hời hợt khi nói về những con người phải sống trong một thời đại quay cuồng tới thế. Phải làm một cái gì đó cho đàng hoàng, ít ra là ở mức độ mà mình lúc ấy muốn đạt tới, nên mình đã tăng độ khó cho bản thân và đồng sự.

Tụi mình cho rằng những người sống ở thời đại đó cũng giống như chúng ta bây giờ, có những khó khăn, niềm vui, nỗi buồn, khổ đau của riêng họ và của cả một thời đại, họ có quyết tâm, có niềm tin riêng, và cả nỗi hối hận, tội lỗi sau khi đã hành động để đối mặt với thời đại của riêng mình. Dự án “Vạn Nhân Ký” với “Noãn” là tập 1 đã ra đời dựa trên suy nghĩ ấy.

Bạn có thể chia sẻ thêm về cái tên “Vạn Nhân Ký – Noãn”

“Vạn Nhân Ký” là tên dự án vì nó đủ mơ hồ nhưng lại biểu đạt được con đường đi của lịch sử, như đã nói ở trên, là câu chuyện của hàng vạn ngàn con người vô danh. Mỗi tập sẽ sử dụng bối cảnh và dàn nhân vật của một thời đại khác nhau nên mình không thể lấy tên luôn của một nhân vật hay thời đại nào cụ thể.

Tập đầu tiên tụi mình dựa theo tên lúc nhỏ của hình mẫu nhân vật chính là Nguyễn Ánh/vua Gia Long. Lúc nhỏ ông còn có tên là Noãn hoặc Chủng. Trùng hợp thay, Noãn (quả trứng) còn mang ý nghĩa biểu tượng cho sự bắt đầu. Về sau, tên của mỗi tập trong dự án “Vạn Nhân Ký” cũng đều đa nghĩa như thế.

Được biết, để “Vạn Nhân Ký – Noãn” thành hình, hai bạn đã mất 3 năm để tỉ mỉ nghiên cứu và sáng tác. Điều gì khiến dự án ngốn nhiều thời gian nghiên cứu đến thế? Việc mở rộng quy mô của dự án từ 80 thành hơn 312 trang truyện có khiến Thạch và Linh gặp khó khăn nào không?

Với mình thì vẽ (phác thảo, line – đi nét, tone – độ sáng hoặc tối tương đối của một màu, v.v) là dễ nhất, làm name (bố cục chia khung) dễ nhì, kịch bản thì khó thứ hai còn khó nhất chắc chắn là tư liệu rồi. Những tư liệu mới đầu đầy rẫy trên mạng hoặc sách vở thông thường thì thường rơi vào hai loại: một là toàn dữ liệu chữ, thông số; hai là toàn nói về vua chúa, hoàng hậu, công chúa, hoàng tộc, quan lại, binh lính không à (khóc). Dân chúng ăn gì mặc gì, chơi gì thì toàn là kiểu tự hào truyền thống văn hóa bao đời như bánh chưng bánh dày, áo bà ba, áo tứ thân, lễ hội, chăn trâu, v…v…. Và trời ơi, đã thế kỷ XVIII mà binh lính chưa dùng súng, toàn rựa mác giáo chém nhau là sao??? Phi lý quá thể. Nói chung là không khai thác được gì nhiều trong truyện của mình.

May đó chỉ là bề nổi thôi, nếu đào kĩ hơn, sâu hơn thì có nhiều sách tư liệu cả hình ảnh lẫn chữ viết thú vị hơn hẳn. Mình lót tay mấy cuốn tranh thời Pháp, Bồ Đào Nha (Viet Nam Dans le passé en gravures francaises) vẽ về quần áo, chợ búa và sinh hoạt dân chúng, quan lại thời đó, đẹp lắm các bạn ạ. Ngoài ra, sau một hồi hỏi han vòng quanh, tụi mình cũng đã làm quen và nhận những hỗ trợ, tư vấn từ các người anh, người thầy yêu thích lịch sử; nên sau cuốn “Noãn” mất quá nhiều thời gian để mình làm quen với quy trình mới này thì những cuốn sau có lẽ sẽ được hoàn thành nhanh hơn gấp đôi, gấp ba.

Việc nghiên cứu chính sử của dân tộc đã không mấy dễ dàng, với “Vạn Nhân Ký – Noãn”, đó còn dựa trên những câu chuyện dã sử. Đâu là khó khăn và thuận lợi của team trong quá trình nghiên cứu?
Nói về lúc tìm hiểu tư liệu thì có nhiều cái làm mình bất ngờ lắm. Nhưng đáng nói nhất chắc là khi mình biết được chuyện cuộc sống ngoài đảo của người dân vào thời điểm đó cũng cực kỳ sôi động và thú vị, có nhiều hoạt động làm ăn – sinh hoạt không kém gì những chuyện buôn bán, phố phường trong lục địa. Mình nhận ra là trước giờ các khía cạnh lịch sử được khai thác và chú ý tới của các sản phẩm văn hóa đại chúng thường thiếu tính đa dạng, ít đề cập được nhiều khía cạnh khác của thời đại lịch sử ngoài hoàng tộc, chuyện khởi nghĩa, đồng quê làng xã ca dao này nọ v.v…. cứ được nhắc đi nhắc lại mãi.

Về những câu chuyện dã sử, truyền thuyết truyền miệng trong dân gian thì có rất nhiều dị bản, và nhiều câu chuyện cũng rất ảo. Vì tụi mình xác định xây dựng một thế giới chính kịch, không phải “fantasy” nên bọn mình phải suy nghĩ tìm cách giải thích những nguồn gốc của các câu chuyện truyền miệng này.

Ví dụ: có một chuyện về một lần Nguyễn Ánh cưỡi trâu trốn chạy qua dòng nước chảy xiết, đến giữa dòng, nước mạnh nhấn chìm trâu nhưng bỗng có một con cá sấu xuất hiện và đỡ trâu lên, cứu ông thoát được lên bờ. Tụi mình nghĩ câu chuyện này thật ra như thế nào, các bạn đọc truyện sẽ thấy nhé (cười). 

(còn tiếp) 

Thực hiện: May

Thiết kế: Uyên Nguyễn

Hình ảnh Công ty sách Du Bút cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

idesign signature Linh Thạch may NXB Du Bút truyện tranh dã sử Việt Nam Vạn Nhân Ký - Noãn

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…