Sự ảnh hưởng của chất kích thích trong sáng tạo và câu hỏi đặt ra về phương pháp điều trị bệnh tâm lý
Một nghệ sĩ dù có tài năng đến mấy cũng sẽ có lúc họ rơi vào trạng thái trống rỗng và mất cảm hứng sáng tác. Thế nên trong bài viết này chúng ta sẽ tìm hiểu về sự ảnh hưởng của chất kích thích với sáng tạo, cũng như những tác hại nó đem lại.
Không có gì quá ngạc nhiên với sự hiện diện của các chất kích thích trong thế giới nghệ thuật, chúng đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của những nghệ sĩ bằng cách giúp họ nhìn thấy những viễn cảnh mà bình thường không dễ gì được chứng kiến. Một số người thậm chí còn cho rằng chúng giúp mở khóa một phần tiềm thức vốn thường bị áp đảo trong tâm trí chúng ta. Trên thực tế, một số nghệ sĩ thị giác vĩ đại nhất trong lịch sử đã tạo ra những kiệt tác nổi tiếng dưới ảnh hưởng của ma túy và rượu.
Tuy nhiên, giống như nhiều người bị rối loạn và phải vật lộn do sử dụng chất kích thích, một số nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới cũng phải trải qua những điều tương tự như bệnh tâm thần và các vấn đề sức khỏe khác. Vẻ đẹp và nguồn cảm hứng mà họ tạo ra đã trở thành niềm hy vọng cho những ai đang đối mặt với những vấn đề tương tự.
Vincent van Gogh: Rượu Absinthe và thuốc Digitalis
Vincent van Gogh được nhớ đến như là một danh họa đáng thương và u buồn nhất trong lịch sử hội họa. Những nỗi buồn của ông đã trở thành cảm hứng cho nhiều nhà làm phim và phòng vé luôn chật kín khi có một bộ phim về Van Gogh ra đời. Nhưng tác phẩm nghệ thuật của ông không chỉ là một cái nhìn thoáng qua về cuộc sống hàng ngày đầy phức tạp của người nghệ sĩ, mà nó còn cho thấy sức khỏe của ông với những chất kích thích mà ông đã lạm dụng.
Vị họa sĩ Hà Lan gây chú ý bởi tông màu vàng riêng biệt và chuyển động trong các bức tranh của ông, một điều mà nhiều người cho rằng đó là viễn cảnh ông thấy do sử dụng chất kích thích. Trong quá khứ, Van Gogh thường hay uống Absinthe, một loại rượu có nồng độ cồn cao phổ biến vào thế kỷ 19. Và thực tế cho thấy ông đã vẽ những ảnh hưởng của nó lên các tác phẩm của mình. Cũng như một số người cho rằng năng lực nghệ thuật của ông là do say xỉn, thì chính ông cũng thừa nhận về tác hại của loại rượu đó trong các lá thư với em trai Theo rằng:
Đáng tiếc thay, rượu không phải là chất duy nhất mà Van Gogh đã sử dụng để chữa bệnh. Bác sĩ của ông được cho là đã kê đơn thuốc Digitalis (lồng đèn tía), một phương pháp điều trị bệnh động kinh phổ biến vào thời điểm đó. Với nhiều người dùng cho biết thị giác của họ có màu vàng sau khi sử dụng. Người ta tin rằng loạt tranh “Hoa hướng dương” với tông màu vàng rực rỡ là do sự ảnh hưởng của thuốc. Đáng chú ý nhất là bức chân dung của bác sĩ Paul-Ferdinand Gachet của ông vẽ vị bác sĩ riêng đang tạo dáng bên cạnh một cây lồng đèn tía, thứ thuốc chữa bệnh cho Van Gogh.
Nếu Van Gogh được tiếp cận với các phương pháp điều trị toàn diện hơn đối với việc sử dụng chất kích thích và sức khỏe tâm thần, có lẽ di sản của ông sẽ bớt bi thảm hơn.
Pablo Picasso: Thuốc phiện
Có đến hàng trăm bức ảnh và video cho thấy hình ảnh Pablo Picasso với một bên cầm điếu thuốc và một bên cầm đồ ăn. Tuy nhiên, khi ông tạo dựng được tên tuổi của mình trong giới nghệ thuật Paris vào những năm 1920, ông nổi tiếng là đã đụng tới một số chất tệ nạn mang tính cực đoan hơn.
Thuốc phiện là một loại ma túy mà nhiều nghệ sĩ đã thử nghiệm và Picasso cũng không phải là ngoại lệ. Ông nổi tiếng là thường tụ tập bạn bè gồm những họa sĩ, nhà văn và thậm chí người yêu mình cùng nhau dùng thuốc trong xưởng tranh. Người ta nói không khó khi bắt gặp cảnh ông và những người bạn đang thơ thẩn trên sàn phòng tranh đầy khói thuốc và đi vòng quanh chiếc ống tẩu yêu thích của mình. Ông nói về mùi khói thuốc phiện dày đặc rằng đó là ‘thứ mùi tuyệt vời nhất trên thế giới.’
Tuy nhiên tai nạn năm 1908 đã kết thúc tháng ngày nghiện ngập của Picasso, một họa sĩ trẻ người Đức là Karl-Heinz Wiegels bị suy nhược tinh thần sau khi thưởng thức một ly cocktail gồm nhiều loại nhiều loại thuốc phiện trộn với nhau. Anh được tìm thấy trong tư thế treo cổ trên cây đèn trần. Sau cái chết thương tâm của chàng họa sĩ trẻ, cả Picasso và một số người chứng kiến đã thề cả đời không đụng vào một điếu thuốc nào nữa.
Thomas Kinkade: Rượu và chất Valium
Được mệnh danh là thiên tài trong việc sử dụng ánh sáng, Thomas Kinkade là một trong những nghệ sĩ được yêu thích nhất thế kỷ 20. Những bức tranh miêu tả đầy cảm xúc về phong cảnh bầu trời và những ngôi nhà đẹp như trong truyện cổ tích thường thấy trong các phòng khách trên khắp thế giới. Nhưng bất chấp những thành công trong sự nghiệp, ông đã mắc chứng rối loạn do sử dụng chất gây nghiện và mất vào năm 2012.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi được công bố sau khi ông qua đời, vị họa sĩ 54 tuổi này đã không thể qua được “cơn say cấp tính ethanol và diazepam” – một sự kết hợp chết người giữa rượu và Valium. Trong Y học, Valium được sử dụng để điều trị chứng lo âu, co giật và co thắt cơ.
Vào thời còn sống, Kinkade đã vẽ ra những khung cảnh vô biên về thế giới – hầu như không giống với những hình ảnh mà một người dùng các chất kích thích sẽ nhìn thấy. Nhưng giống như nhiều nghệ sĩ khác, ông sử dụng công việc sáng tạo của mình như một lối thoát cho cảm xúc. Với một cuộc ly hôn đang chờ giải quyết và các vấn đề tài chính đang rình rập, người họa sĩ đã lao vào một cơn điên cuồng với chất cồn, một điều mà những người thân cận nhất với ông đều thấy được.
“Thom tin rằng em ấy nên có thể kiểm soát được nó, và điều đó đã dẫn đến sự sa sút của chính em ấy”. Patrick Kinkade, anh trai của nghệ sĩ và là người phát ngôn cho tác phẩm của em mình giải thích.
Bất chấp sự ủng hộ của gia đình và một vài nỗ lực trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ, chủ nghĩa hiện thực lãng mạn của Kinkade đã bị đảo lộn bởi thực tế khắc nghiệt của việc lạm dụng chất gây nghiện. Câu chuyện của ông như một lời nhắc nhở sâu sắc về tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe tinh thần và cảm xúc thay vì che đậy sự phức tạp nghệ sĩ nói riêng và mọi người nói chung.
Andy Warhol: Thuốc Obetrol
Một trong những cái tên lớn của thời kỳ pop art, Andy Warhol được biết đến nhiều nhất với những bức tranh chân dung đầy màu sắc về những người nổi tiếng như Marilyn Monroe hay những tác phẩm cho các thương hiệu như món súp Campbell. Tuy nhiên, người nghệ sĩ của thế kỷ 20 cũng có liên quan nhiều đến văn hóa sử dụng chất kích thích để phục vụ công việc nghệ thuật của mình. Quan điểm nghệ thuật của ông đã tạo ra một đám đông yêu thích nghệ thuật mới, đó là một nhóm ngưỡng mộ nghệ thuật hiện đại và cùng chịu tác động của ma túy và rượu.
Năm 1963, Warhol tiếp xúc với thuốc Obetrol, một loại thuốc ăn kiêng amphetamine vào thời đó và là tiền thân của thuốc Adderall. Chất kích thích này đã trở thành một thói quen hàng ngày của ông, rất có thể nó đã thúc đẩy ông tạo ra các tác phẩm nghệ thuật điên cuồng khi sự nghiệp đang tiến triển. Với sự gia tăng của việc sử dụng ma túy để tiêu khiển trong xã hội vào những năm 1960, Warhol đã có vị trí hoàn hảo để vừa quan sát vừa tham gia vào một nền văn hóa mới về các chất thức thần.
Sau khi mang tiếng là một người “trữ hàng”, Warhol đã phải vật lộn với lo lắng và căng thẳng khi có trong tay một khối tài sản nghệ thuật lớn trải dài trên nhiều thương hiệu khác nhau. Giống như nhiều nghệ sĩ sử dụng chất ma túy (cho dù đó là thuốc kê theo toa hay để giải trí), sức khỏe tinh thần của Warhol là yếu tố hàng đầu dẫn đến việc sử dụng chất kích thích.
Thuốc kê đơn có thể là một cách hiệu quả để điều trị chứng lo âu và các rối loạn tâm thần cũng như một số hành vi, nhưng nó cũng có khả năng bị lạm dụng và gây hại lâu dài. Warhol qua đời năm 1987 ở tuổi 58 sau cuộc phẫu thuật cắt túi mật. Ông chưa bao giờ lành hẳn kể từ sau vết thương do đạn bắn vào những năm 1960, ông cũng bị mất nước và kiệt sức do dùng thuốc Obetrol hàng ngày.
Các tác phẩm của Warhol đã nổi lên trong thời đại của cơn sốt văn hóa đại chúng và việc sử dụng ma túy thử nghiệm. Một số tác phẩm được đánh giá cao nhất của ông đã được tạo ra trước khi sử dụng thuốc Obetrol hàng ngày và các loại thuốc khác. Trong khi người nghệ sĩ lập dị có thể đã phải vật lộn với sức khỏe tinh thần và thể chất, những đóng góp mang tính thời đại của ông cho nghệ thuật và văn hóa là một điều không thể phủ nhận.
Jackson Pollock: Chất cồn
Năm 1949, tạp chí LIFE đã xuất bản một bài báo nổi tiếng về Jackson Pollock khi đặt ra câu hỏi: “Ông ấy có phải là họa sĩ vĩ đại nhất còn sống ở Hoa Kỳ không?” Được biết đến với kỹ thuật nhỏ giọt mang tính cách mạng và những chuyển động đầy dứt khoát, có kiểm soát, Pollock đã mở ra một kỷ nguyên mới của nghệ thuật Hoa Kỳ trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Người đàn ông đến từ Wyoming đã làm điên đảo thế giới nghệ thuật thời đó, cũng như có tất cả các đức tính mà bất kỳ nghệ sĩ vĩ đại nào cũng có như sự trầm lặng của bản thân. Thường lên ống kính với vẻ ngoài nghiêm nghị và điếu thuốc ngậm trên môi, ông là một ví dụ điển hình về những nghệ sĩ tiên phong với phong thái bí ẩn thời nay, đi kèm với đó là một nét chấm phá về Miền Tây hoang dã.
Tuy nhiên, ông đã có một tuổi thơ khó khăn và điều đó khiến ông phải vật lộn trong công việc, cũng như những thói quen và hành vi hàng ngày. Là một người nghiện rượu có tiếng, Pollock đã uống rất nhiều rượu khi còn trẻ. Bên cạnh đó, cha của ông cũng là một người cũng phải vật lộn với rượu chè, thậm chí ông ta đã bỏ đi khi Pollock mới có 8 tuổi. Cha ông nhiều năm liền chỉ xuất hiện thoáng qua trong gia đình.
Cuộc đấu tranh mà Pollock phải đối mặt phản ánh qua tốc độ nổi tiếng của các tác phẩm. Ông đã phải chiến đấu với chứng bệnh trầm cảm, và một bác sĩ đã chẩn đoán ông còn mắc thêm chứng tâm thần phân liệt. Để đối phó với điều này, ông thường hay dùng đến chất cồn và điều đó dẫn đến những cơn tức giận thái quá.
Thật không may, tai nạn lớn nhất của ông cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy vị họa sĩ đoản mệnh. Vào ngày 11 tháng 8 năm 1956, ông uống rượu quá mức cho phép và gây tai nạn xe, cả ông và một trong hai hành khách nữ đã qua đời. Rượu và cơn thịnh nộ đã chứng tỏ một sự kết hợp gây chết người đối với vị họa sĩ 44 tuổi. Giống như nhiều người trước đó và sau này, Pollock đã cố gắng tự điều trị quá khứ bất hạnh của mình bằng rượu. Mặc dù nghệ thuật có thể là một cơ chế đối phó hiệu quả, nhưng nó sẽ chỉ có lợi nhất khi kết hợp với những liệu pháp và hệ thống hỗ trợ người bệnh hợp lý.
Mark Rothko: Chất cồn và thuốc chữa trầm cảm
Giống như nhiều nghệ sĩ thời hậu chiến khác, Mark Rothko cũng sử dụng các chất để làm xoa dịu nỗi đau của thực tế phũ phàng trong khi thúc đẩy bản thân sáng tạo. Là một người tiên phong vượt qua ranh giới trong nghệ thuật thế kỷ 20, Rothko đã phải vật lộn với nhiều khó khăn, bao gồm chủ nghĩa chống bài Do Thái trong Thế chiến thứ nhất, các cuộc hôn nhân rắc rối và các mối quan hệ cá nhân, cũng như chứng bệnh trầm cảm.
Các tác phẩm nghệ thuật của ông phản ánh cảm xúc của sự sống. Hình dáng góc cạnh chìm được bù đắp bằng các nét vẽ mềm mại, giúp nổi bật các lớp ý thức của con người và không gian bên trong tâm trí. Thật không may, tác phẩm nghệ thuật của Rothko lại không khiến người ta liên tưởng đến một con người nghiện rượu, thuốc lá và thuốc kê đơn. Vào giai đoạn cuối đời, ông đã phải dùng Sinequan và Valium, cùng với một loạt các chất khác để điều trị huyết áp cao, bệnh gút, lo âu và trầm cảm. Đáng chú ý hơn, ông là con trai của một dược sĩ cũng như là chủ đề tranh luận giữa các bác sĩ với nhau, ông đã nhanh chóng bị khuất phục bởi chính những chất được kê đơn để chữa bệnh của mình.
Rothko không phải là người duy nhất bị phản bội bởi những chất được cho là có tác dụng xoa dịu về mặt tinh thần. Giống như nhiều người, ông đã chuyển sang uống rượu để đối phó với cơn vật lộn trong cuộc sống, ông đã uống quá nhiều khi đang sử dụng thuốc theo toa. Những loại thuốc này có thể hữu ích khi được sử dụng một cách có khoa học, nhưng có thể đe dọa tính mạng và gây nghiện khi bị lạm dụng hoặc hiểu nhầm.
Hai bác sĩ chữa trị của Rothko thậm chí còn tranh luận về phương pháp điều trị cho ông, dẫn đến một cuộc tranh cãi y học vượt thời đại về các lựa chọn điều trị và quản lý việc chữa trị. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1970, vị nghệ sĩ 66 tuổi được phát hiện đã qua đời sau khi chống chọi với chứng trầm cảm do dùng thuốc quá liều và tự cắt cổ tay. Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng của Rothko đã xác định một kỷ nguyên lịch sử nghệ thuật, nhưng cũng cho thấy nhu cầu toàn diện hơn về chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Tạm kết
Nghệ thuật từ lâu đã trở thành một hình thức thể hiện và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ thông qua những thông điệp cuộc sống tinh tế. Dù có được sử dụng theo hướng tốt hay xấu, chúng tôi cũng không khuyến khích những người làm nghệ thuật nói riêng và mọi người nói chung lạm dụng các chất có ảnh hưởng đến sức khỏe.
Việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới có di chứng do bệnh tâm thần và rối loạn sử dụng chất gây nghiện là một minh chứng cho thấy sự cần thiết của các hình thức trị liệu bổ sung và quản lý sức khỏe con người. Thay vì sử dụng các chất kích thích và rượu, việc chữa lành thực sự có thể khả thi khi chúng ta nỗ lực tìm hiểu về những tổn thương tinh thần mà một người có thể mắc phải để tìm hướng điều trị phù hợp.
Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp