Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 4): Aquatint, Pointillism, Drip painting và Collage Art
Bên cạnh màu sắc và hình ảnh, những kỹ thuật đặc biệt cũng góp phần không nhỏ giúp người họa sĩ truyền tải cảm xúc bản thân lên những tác phẩm.
Trong bài viết lần này, chúng mình cùng khám phá thêm những kỹ thuật đặc sắc đã ra đời từ lâu và đến hiện tại chúng vẫn được áp dụng phổ biến trong nghệ thuật đương đại, tạo ra vô số tác phẩm xuất chúng. Vậy những kỹ thuật đó là gì?
Aquatint
Aquatint là kỹ thuật in được phát triển và sử dụng rộng rãi từ giữa thế kỷ 18 cho đến cuối thế kỷ 19 nhằm tạo nên những bản in có hiệu ứng âm sắc hơn là đường nét. Để thực hiện tác phẩm với kỹ thuật này, người họa sĩ sẽ phủ một lớp nhựa thông nóng chảy lên bề mặt tấm in được làm bằng đồng. Sau đó, tấm đồng này được ngâm trong bể Axit giống như cách in khắc, Axit sẽ ăn mòn vùng kim loại không có lớp nhựa thông để tạo ra các vùng rỗng âm đủ để bám mực.
Với kỹ thuật Aquatint, các thành phẩm tạo ra cho người xem cảm nhận giống như những bức tranh vẽ bằng màu nước. Sự chuyển màu có thể đạt được bằng cách thay đổi khoảng thời gian trong bể axit, thời gian càng lâu sẽ tạo ra các vùng bị ăn mòn sâu hơn, in ra các vùng màu tối hơn.
Francisco Goya được xem là bậc thầy của kỹ thuật Aquatint, các bản in của ông có độ chuyển sắc vô cùng tinh tế và chi tiết hình rất tỉ mỉ. Đến khoảng giữa thế kỷ 19, sau khi Goya qua đời, Aquatint phần lớn bị bỏ qua cho đến khi Edgar Degas, Camille Pissarro và Mary Cassatt cùng nhau bắt đầu thử nghiệm mới với nó.
Không chỉ dừng lại ở những bản đen trắng với một loại mực, thời kì này các họa sĩ bắt đầu sử dụng thêm màu sắc đa dạng hơn để đem đến hiệu ứng thị giác. Bên cạnh đó đến thế kỷ 20, Pablo Picasso và Georges Rouault đã sáng tạo thêm khi thay thế nhựa thông bằng đường nâng (Sugar-lift) để đem đến nhiều hiệu quả đặc sắc hơn cho những bản in sau này.
Pointillism (Kỹ thuật điểm họa)
Pointillism không chỉ là một kỹ thuật mà là chủ nghĩa vẫn còn in đậm và mang nhiều giá trị cho tới tận bây giờ. Với những nét vẽ hoặc các chấm màu sắc nhỏ lên bề mặt mà khi nhìn từ xa cho người xem cảm giác chúng hòa trộn vào nhau một cách trực quan. Georges Seurat và học trò của ông, Paul Signac đã tạo nên phong trào hội họa rẽ nhánh của Trường phái Ấn Tượng mà sau này được gọi là Tân Ấn Tượng – phát triển mạnh mẽ từ cuối những năm 1880 đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20.
Ở kỹ thuật điểm họa, người xem kết hợp cả thị giác và trí tưởng tượng của mình để pha trộn các điểm màu thành một dải sắc đầy đủ. Pointillism trái ngược hẳn với các phương pháp pha màu truyền thống là trộn các chất màu trên Palette để được một màu cuối cùng.
Với 4 sắc chính Đỏ, Lam, Vàng, Lục, các màu được đặt lên mặt tranh gần tương tự như kỹ thuật in CMYK để đạt được hiệu ứng ánh sáng mong muốn, điều này dẫn đến những bức tranh Pointillism có màu sắc sáng hơn so với những bức tranh pha màu theo cách truyền thống.
Ví dụ điển hình có thể nhìn thấy trong bức A Sunday Afternoon on the Island of La Grande Jatte của Georges Seurat.
Zoom kĩ vào bức tranh, ta sẽ nhìn thấy các điểm màu được đặt đan xem chồng lên nhau để tạo nên hòa sắc bắt mắt và độ tự nhiên trong lớp cảnh. Với những lớp cảnh xa, Pointillism cực kì hiệu quả để miêu tả lại bầu khí quyển khi bị lớp mây mù che bớt đi một phần.
Đến thời kì sau này, các họa sĩ đã cấp tiến hơn trong sử dụng màu sắc, biến bảng màu trở nên đa dạng hơn và bút pháp cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên theo các nhà phê bình, thời kì của Seurat và Signac vẫn là thời kì cho ra đời những tác phẩm Pointillism đỉnh cao nhất trong lịch sử hội họa.
Drip painting (Kỹ thuật vẩy sơn)
Drip painting là kỹ thuật không còn xa lạ với đại đa số công chúng, đặc biệt là những ai yêu thích các bức tranh của Jackson Pollock. Gắn liền với trường phái trừu tượng, kỹ thuật vẩy sơn được thử nghiệm vào nửa đầu thế kỷ 20 bởi các nghệ sĩ như Francis Picabia, André Masson và Max Ernst.
So với những kỹ thuật ở trên, Drip Painting mang nhiều yếu tố cảm xúc hơn, phương pháp vẽ hành động này khiến họa sĩ phải đạt tự do trong nhịp điệu và cảm nhận màu sắc một cách chủ động để những vệt sơn được đặt đúng nơi mà nó thuộc về. Khi xem các tác phẩm được ‘Drip’, phần nào đó chúng ta cảm thấy hỗn loạn nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tế và tiết chế để toàn bộ hòa sắc trở thành một tổng thể thống nhất.
Như đã nói ở trên, mặc dù không phải người sáng tạo ra nhưng Jackson Pollock đã biến Drip Painting thành kỹ thuật độc quyền của ông. Công cụ để ‘vẩy sơn’ của Pollock cũng vô cùng độc đáo và đa dạng, không dừng lại ở cây cọ lớn, lon màu hay xô, chậu, ông còn dùng cả gậy, ống tiêm và thậm trí…một con gà để thực hiện tác phẩm trừu tượng khổ lớn tràn đầy năng lượng của mình.
Collage Art (Kỹ thuật cắt dán)
Một trong số những kỹ thuật có phần quen thuộc với các nhà thiết kế ngày nay khi nó là một hình thức thiết kế phổ biến trong nhiều tác phẩm đại chúng. Collage Art hay nghệ thuật cắt dán xuất hiện phổ biến từ đầu thế kỷ 20 như một phần của hình thức sáng tạo mới lạ trong nghệ thuật hiện đại.
Tuy nhiên kỹ thuật này đã xuất hiện từ hàng trăm năm trước trong văn hóa của Trung Quốc hay Nhật Bản, nhưng phải đến khi Georges Braque và Pablo Picasso sử dụng Collage Art trong các tác phẩm Lập thể của mình nó mới thực sự trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Cắt từ nhiều hình ảnh khác nhau để Dán vào chung một khung hình, nghe cách thức có vẻ đơn giản nhưng chúng không hề dễ dàng một chút nào. Chủ yếu gắn liền với nghệ thuật thị giác, những hình ảnh riêng rẽ ấy phải cùng nhau tạo nên một câu chuyện cho tổng thể Collage Art, sắp đặt chúng với bố cục và màu sắc hợp lí để kích thích cảm xúc cho người xem.
Bên cạnh đó, kỹ thuật Collage còn được áp dụng ở nhiều phong cách, thời kì khác nhau của nghệ thuật từ Siêu thực, Dada cho đến Art Nouveau hay Pop Art.
Biên tập: Hoàng
Chủ đề liên quan:
- /Tách Lớp/ Đi tìm vẻ đẹp hội họa trong ‘The Art of Painting’ của Vermeer
- Hiểu hơn về trường phái Pointillist qua bức tranh ‘Một chiều chủ nhật trên đảo La Grande Jatte’ của Seurat
- Hơn 350 vết cắt giấy tạo nên một tác phẩm nghệ thuật phản ánh hình ảnh của một ý nghĩ
- Không chỉ là cắt dán, Collager Art còn là sự kết hợp độc đáo của nhiều trường phái nghệ thuật
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 1): Kỹ thuật hiệu ứng khí quyển và Alla Prima
- 2. Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 2): 4 kỹ thuật định hình hội họa thời kì phục hưng
- 3. Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 3): Impasto, Glaze, Trompe L’oeil và In khắc gỗ Nhật Bản