Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 3): Impasto, Glaze, Trompe L’oeil và In khắc gỗ Nhật Bản
Bên cạnh màu sắc và hình ảnh, những kỹ thuật đặc biệt cũng góp phần không nhỏ giúp người họa sĩ truyền tải cảm xúc bản thân lên những tác phẩm.
Tiếp tục cho hành trình khám phá các kỹ thuật hội họa, ở bài viết lần này chúng mình sẽ tìm hiểu những phương pháp đặc biệt tạo nên những hiệu ứng vô cùng bắt mắt. Vậy những kỹ thuật đó là gì? Tất cả sẽ có ở ngay dưới đây.
Glaze
Kỹ thuật Glaze được hình thành kể từ khi màu sơn dầu được phát minh, về lý thuyết kỹ thuật này là cách phủ một lớp sơn trong suốt lên một lớp sơn khác đã được sấy khô, thường lớp sơn dưới sẽ là một màu đơn sắc. Công việc này giống như chúng ta đặt một tấm kính màu lên một tấm ảnh đơn sắc để tạo nên sự đa dạng cho bức ảnh ấy. Điểm thu hút mà kỹ thuật Glaze đem lại là chúng tạo ra hiệu ứng thị giác kính màu “xuyên sáng” độc đáo mà không thể có được bằng cách pha màu trực tiếp.
Ở thế kỷ 17 khi màu sơn dầu bắt đầu phổ biến, Glaze là cách hữu hiệu để các họa sĩ tạo nên những màu sắc rực rỡ vì lúc đó số lượng màu rất hạn chế so với ngày nay. Ví dụ như để có màu tím người ta sẽ phủ một lớp trong màu xanh lam lên trên lớp sơn nền màu đỏ hoặc ngược lại. Đến thời điểm hiện tại, khi các sắc độ của màu đã đa dạng hơn, phương pháp này dùng để tạo ra những ánh sáng đặc biệt mà những cách khác khó có thể tạo ra độ hiệu quả tương tự.
Mặc dù mang đến nhiều điều kích thích, tuy nhiên, Glaze không phải không có những hạn chế. Điểm đầu tiên là nó khó có thể nắm bắt được màu sắc cuối cùng sau khi phủ sẽ ra sao so với độ hài hòa của tổng thể bức tranh vì độ dày hoặc mỏng của lớp sơn phủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tông màu và sắc độ. Vậy nên, Glaze chỉ nên áp dụng cho những mảng màu cục bộ.
Vermeer là bậc thầy của kỹ thuật Glaze, với phương pháp này ông đã tạo nên những điểm nhấn đặc sắc có một không hai qua các tác phẩm của mình. Trong Woman in Blue Reading a Letter với lớp phủ siêu mỏng tạo nên ánh sáng hài hòa cũng như độ bóng và trơn ở chiếc áo sa tanh xanh.
Girl with a Red Hat cũng là một ví dụ kinh điển khác, trong trường hợp này Vermeer khi vẽ chiếc mũ đỏ, việc đầu tiên của ông là tạo màu lớp dưới cho chiếc mũ với đỏ son và đen tuyền. Sau đó, các khu vực sáng hơn sẽ được Glaze bằng một lớp phủ mỏng màu sáng tinh khiết, trong khi các khu vực bóng mờ sẽ được làm sâu bằng một lớp dày hơn và có thể ở đây Vermeer sử dụng màu đen hoặc ultra marine.
Trompe L’oeil
Trompe L’oeil /trɒmp ˈlɔɪ/ là thuật ngữ xuất phát từ tiếng Pháp để chỉ đánh lừa thị giác, trong nghệ thuật, Trompe l’oeil là cách để họa sĩ đánh lừa mắt người xem về vật chất của vật thể đó thông qua việc tạo ra độ mờ ảo hoặc sắp xếp bố cục, hay nói cách khác là tạo ra ảo ảnh quang học cho các đối tượng được mô tả, gây hiệu ứng vật thể này tồn tại trong không gian ba chiều.
Một cách để dễ hình dung hơn về Trompe l’oeil, ví dụ xảy ra vào thời Hy Lạp cổ đại, khi được giải phóng khỏi những nghệ thuật cách điệu trước đó, họa sĩ Zeuxis đã vẽ những quả nho giống hệt như thật đến nỗi những con chim tưởng lầm và cố gắng ăn chúng.
Trompe l’oeil bắt đầu phổ biến ở thời kì phục hưng khi các họa sĩ vẽ trên trần nhà, họ muốn tạo ra hình ảnh tách biệt giữa thiên đàng và trái đất nên đã sắp xếp bố cục với phần đỉnh cao nhất là bầu trời, còn chân vòm là hình ảnh con người hoặc thiên thần đang vươn tới bên trên. Hay những họa tiết trên khung phào được vẽ 3-D để gợi cảm giác chân thực hơn.
Đến thế kỷ 17 và 18, Trompe l’oeil được áp dụng vào các tranh tĩnh vật để gợi thêm thu hút thị giác cho người xem, giống như những vật thể đó tồn tại ngoài không gian thật và người xem có thể cầm nắm được.
Impasto
Impasto là một trong những kỹ thuật phổ biến nhất cho đến ngày nay, dùng các lớp sơn dày được đắp nổi nhằm tạo nên vật chất cũng như hiệu ứng thị giác. Impasto đã tạo nên trào lưu mới cho hội họa khi kỹ thuật này được sáng tạo ra bởi các họa sĩ thời Baroque, trước đó ở thời phục hưng, trong các bức tranh đều có xu hướng làm mịn bề mặt để không nhìn thấy vệt bút.
Vào thế kỷ 17, Impasto được tạo nên để tái hiện lại bề mặt của các đối tượng bị ánh sáng cường độ cao chiếu vào, nhấn mạnh những điểm sáng hơn so với các vùng lân cận xung quanh. Điều này có thể thấy rõ trong những bức tranh của Rembrandt, Frans Hals hay Diego Velázquez, họ sử dụng kỹ thuật Impasto để tạo nên chất da nhăn nheo dưới ánh sáng, nếp gấp trên quần áo, những bộ giáp lấp lánh hay đồ trang sức.
Ngoài ra nó có thể tăng thêm tính biểu cảm cho tác phẩm, người xem có thể cảm nhận được bút lực và tốc độ mà nghệ sĩ thể hiện. Trường phái hậu Ấn Tượng là một ví dụ điển hình với kỹ thuật này. Trong những bức tranh của Van Gogh ta luôn thấy một cảm giác tự nhiên về màu, với cách pha màu rối ngay trên mặt toan và những lớp nổi do màu tạo thành, chúng tạo nên khoảnh khắc đắt giá cho các tác phẩm của Van Gogh.
Hiệu ứng cuối cùng là Impasto đem lại là tạo nên bố cục đặc biệt và cảm nhận về ba chiều cho tác phẩm khiến chúng giống như một tác phẩm điêu khắc. Trong bức Belshazzar’s feast, Rembrandt đã “thực sự điêu khắc” những viên ngọc trên áo choàng của nhân vật chính, cuốn ‘Kỹ thuật của những bậc thầy nghệ thuật vĩ đại‘ có viết:
“Rembrandt đã tạo hình dáng cho viên ngọc bằng một cây cọ cùn, những đường gờ và rãnh trên đó là hiệu ứng của phản chiếu hoặc bóng tối. Sau đó, ông ấy sử dụng một cây cọ mịn hơn cho phần đỉnh bằng màu vàng hoặc trắng để làm nổi bật ánh sáng phản chiếu thực tế.”
Kỹ thuật in khắc gỗ của Nhật Bản
In khắc gỗ Nhật Bản hay Mokuhanga là kỹ thuật được biết đến nhiều nhất để sử dụng trong nghệ thuật Ukiyo-e, áp dụng rộng rãi ở Nhật Bản trong thời kỳ Edo (1603–1868). Về kỹ thuật Mokuhanga có nhiều nét tương đồng với in khắc gỗ của phương tây, nếu phương tây sử dụng màu gốc dầu để in thì Mokuhanga sử dụng màu gốc nước vì chúng cung cấp nhiều màu sắc sống động hơn.
Để tạo ra một bản in khắc gỗ theo phong cách truyền thống của Nhật Bản, trước tiên người nghệ sĩ sẽ vẽ hình ảnh lên washi, một loại giấy mỏng nhưng bền. Sau đó, washi sẽ được dán vào một khối gỗ, và khắc hình ảnh lên bề mặt của nó. Tiếp theo là bôi mực lên bức phù điêu, một mảnh giấy sẽ được đặt lên trên nó và một công cụ phẳng gọi là baren sẽ giúp mực in vào giấy. Nếu muốn kết hợp nhiều màu sắc vào cùng một tác phẩm, các nghệ sĩ chỉ cần lặp lại toàn bộ quy trình, tạo ra các bản khắc gỗ riêng biệt và sơn mỗi bản bằng một sắc tố khác nhau.
Biên tập: Hoàng
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 1): Kỹ thuật hiệu ứng khí quyển và Alla Prima
- 2. Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 2): 4 kỹ thuật định hình hội họa thời kì phục hưng
- 3. Những kỹ thuật trứ danh của các danh họa (Phần 4): Aquatint, Pointillism, Drip painting và Collage Art