Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần 1)
Với chuyên mục nghệ sĩ Nhật này, iDesign sẽ đem đến cho bạn những họa sĩ tài năng của xứ mặt trời mọc trải dài suốt thế kỉ 20 đến ngày nay. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về thế giới Nhật Bản của thế kỉ 20 ra sao nhé!
Những cái tên tiêu biểu dưới đây đã được iDesign lựa chọn kĩ lưỡng. Trong quá trình chọn lọc, chúng tôi quyết định lược bỏ một số họa sĩ Nhật đã được nhiều người ở Việt Nam biết đến và tập trung vào những tên tuổi ít được biết đến hơn.
Uemura Shoen (1875-1949)
Uemura Shoen (tên thật Uemura Tsune) là một trong những họa sĩ nữ có tầm ảnh hưởng nhất trong giới hội họa vào thời Minh Trị. Phong cách vẽ của bà mang nét truyền thống cũng như lịch sử Nhật Bản (Nihonga) và các tác phẩm thể hiện vẻ đẹp của những người phụ nữ (bijin-ga).
Bà còn được coi là một nhà cách tân lớn trong thể loại bijin-ga mặc dù thực tế bà vẫn thường khắc họa các tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Nhật. Nhìn theo khía cạnh lịch sử, bijin-ga từng bị chỉ trích ở thời đại Taisho trong khi các tác phẩm của bà thể hiện thực trạng để phản ánh địa vị lớn hơn của phụ nữ vào thời bấy giờ. Trong quan niệm ở thời Tokugawa, hay Edo, phụ nữ được coi là tầng lớp thấp và thể loại này thường phản ánh hàm ý đó.
Ngay từ năm 15 tuổi, tác phẩm đầu tay Vẻ đẹp bốn mùa đã được hoàng tử Arthur, con trai của nữ hoàng Victoria mua lại. Điều này đã khiến cho tên tuổi của bà nổi lên nhanh chóng trong giới hội họa. Nhiều tác phẩm của bà được chính phủ lựa chọn để đem triển lãm chung ở Chicago năm 1893, bà trở thành họa sĩ trẻ nhất trong cuộc triển lãm.
Shoen đã nhận được nhiều giải thưởng và công nhận trong suốt cuộc đời của mình, đặc biệt là phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng Văn hóa. Bà cũng trở thành họa sĩ thứ 2 phục vụ chính thức cho Hoàng gia, người đầu tiên là Shohin Noguchi năm 1904. Năm 1949, bà qua đời vì bệnh ung thư, con trai Uemura Shoko cũng là một họa sĩ.
Ichijo Narumi (1877-1911)
Narumi Ichijo là một họa sĩ vào thời Minh Trị, phong cách của ông cũng chuyên về nét truyền thống Nihonga. Ban đầu, ông tự học vẽ theo phong cách của Kikuchi Yosai, và lúc sau đến Tokyo để theo học Watanabe Shotei. Các tác phẩm vẽ phụ nữ khỏa thân của ông từng bị cấm xuất bản, nên ông chuyển hướng sang vẽ minh họa.
Bước ngoặt trong sự nghiệp của ông là khi vẽ minh họa cho bìa sách và tạp chí, sự thành công của một số tác phẩm đã giúp ông được cộng tác với nhiều nhà xuất bản lớn. Không dừng lại ở sách, ông cũng được mời vẽ bìa phim ảnh. Ông mất khá sớm vào năm 34 tuổi, nguyên nhân được cho là do nghiện rượu. Vì sự nghiệp vẽ minh họa cho các bìa sách và tạp chí, ông chưa bao giờ ra mắt một bộ sưu tập nào.
Kumagai Morikazu (1880-1977)
Kumagai Morikazu được biết đến rộng rãi với những bức tranh tươi sáng và đầy màu sắc về động vật, thực vật và cuộc sống thường ngày. Trong suốt sự nghiệp lâu dài của mình, ông đã thử nghiệm với nhiều trường phái từ những ngày đầu với Dã Thú cho đến nét vẽ hoạt hình thương hiệu vào cuối sự nghiệp. Với hai trăm bức tranh, bản phác thảo, nhật ký và tài liệu được lưu giữ đã tiết lộ sự tận tâm của vị họa sĩ trong hành trình lưu giữ vẻ đẹp cuộc sống.
Trước khi tìm thấy phong cách riêng của mình, những năm giữa sự nghiệp, ông tập trung vào vẽ phong cảnh và tranh khỏa thân. Những thử nghiệm của ông trong giai đoạn là bàn đạp để ông phát triển phong cách riêng của mình sau đó. Các tác phẩm bắt đầu có nhiều màu sắc rực rỡ hơn và những bức chân dung dần ít chân thực hơn.
Năm 1950, Kumagai bắt đầu tìm ra được phong cách riêng và thực hiện nhiều tác phẩm nổi tiếng cuối đời. Các tác phẩm dần có nét đặc trưng bằng đường viền đỏ, màu sắc bão hòa, phong cảnh hàng ngày và các sinh vật sống tạo cảm giác bằng phẳng khiến người ta nghĩ đến nét hoạt hình. Là một đại diện của hội họa Nhật Bản hiện đại, ông hầu như không được biết đến ở quốc tế. Ngay cả ở trong nước, ông cũng chỉ được biết đến gần như nhờ các tác phẩm vào những năm cuối đời.
Kojima Torajiro (1881-1929)
Nhắc đến trường phái Ấn Tượng, Torajiro Kojima là một trong những cái tên có ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản. Khi 20 tuổi vào năm 1901, ông quyết định đến Tokyo để bắt đầu học tại trường nghệ thuật, nơi hiện nay là Đại học Mỹ thuật Quốc gia Tokyo. Vào thời điểm đó, hội họa Nhật Bản được chia thành hai nhánh “phương Tây” và “truyền thống”, và Kojima đã chọn truyền thống. Ông là một sinh viên rất tài năng và tốt nghiệp năm 1904, sau đó ông bắt đầu khám phá nghệ thuật tại nước nhà.
Phong cách vẽ ban đầu của ông không phải là Ấn Tượng, ông chỉ thực sự thay đổi sau khi du học tại Paris năm 1908. Bên cạnh việc học, ông cũng thường xuyên đi phương Tây để mua tranh của các danh họa nổi tiếng bấy giờ, toàn bộ các bức tranh này hiện được treo cùng với tranh của ông trong bảo tàng Ohara. Ông và người bảo trợ của mình là Ohara Magosaburo đều là bạn thân, sau khi Kojima mất sớm, Ohara mở bảo tàng để lưu trữ toàn bộ tác phẩm của bạn mình.
Nhờ việc đi nhiều nơi, Kojima đã học được nhiều phong cách vẽ ở khắp các nước Châu Âu cũng như thực hiện nhiều tác phẩm mang màu sắc phương Tây trong đó. Năm 1929, Kojima được Thiên hoàng mời vẽ cho một bức tranh tường và dự kiến đây sẽ là tác phẩm để đời của ông. Tuy nhiên, ông đổ bệnh và không kịp hoàn thành tác phẩm đó.
Yumeji Takehisa (1884-1934)
Yumeji Takehisa là một họa sĩ và nhà thơ, các tác phẩm hội họa của ông cũng thiên về nét truyền thống Nihonga và bijin-ga. Bên cạnh đó, ông cũng thực hiện các tác phẩm minh họa cho tạp chí, thiệp và các cuộc băng Washi ngày nay. Ông từng qua lại với nhiều phụ nữ và cũng là chủ đề chính trong các bức vẽ, tuy nhiên chỉ có 3 người được ghi nhận.
Ông không được đào tạo chính quy về nghệ thuật. Khi vẫn còn là một thiếu niên, ông đã học vẽ đường nét (line art) khi làm việc với một người thợ làm bút lông. Đến khi trở thành sinh viên, Yumeji bắt đầu gửi tranh minh họa cho các tạp chí và nhận thấy rằng mình có thể kiếm sống bằng việc bán tác phẩm nghệ thuật của mình. Năm 1905, ông được chọn làm họa sĩ minh họa cho một tạp chí sau khi thắng một cuộc thi họ tổ chức.
Quan điểm vẽ tranh thời đó của ông là ủng hộ chủ nghĩa xã hội và thực hiện một số tác phẩm phản chiến. Tuy nhiên, ông đã sớm rời bỏ hoạt động chính trị sau khi một số thành viên thuộc một tạp chí ông đã vẽ minh họa bị chính phủ xử tử. Kể từ đó, ông chủ yếu thể hiện hoạt động chính trị của mình qua thơ ca.
Sự nghiệp vẽ tranh minh họa và ra mắt các tập thơ của ông vô cùng thành công. Tuy nhiên, bất chấp sự nổi tiếng đó, Yumeji bị phớt lờ bởi các triển lãm nghệ thuật bảo thủ. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi ông là một nghệ sĩ ngoại đạo và xa lánh các hiệp hội nghệ sĩ. Không những hội họa, cộng đồng văn học đương thời cũng xa lánh ông. Ông mất năm 50 tuổi và phải đến những năm 1970, các tác phẩm của ông mới được người đời đề cao và tri ân.
Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp