Copenhagen giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu với kiến trúc chống chịu khí hậu
Với việc Copenhagen (thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Đan Mạch) đăng cai Đại hội Kiến trúc sư Thế giới UIA, thành phố đặt mục tiêu nêu gương về cách kiến trúc có thể giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Được TimeOut bình chọn là thành phố bền vững nhất thế giới vào năm 2021, thủ đô của Đan Mạch nổi bật với các tòa nhà và không gian công cộng được thiết kế vừa thân thiện với môi trường, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chúng bao gồm nhà máy điện CopenHill (do BIG thiết kế), được cho là “nhà máy điện biến chất thải thành năng lượng sạch nhất trên thế giới” và UN City (do 3XN thiết kế), nơi đã giành được Giải thưởng Công trình Xanh của Ủy ban Châu Âu năm 2012. Các công trình khác bao gồm Klimakvarter có khả năng chống chịu lũ lụt ở Østerbro và Dortheavej Residence, một dự án phát triển nhà ở giá cả phải chăng được xây dựng bằng gỗ.
Đại hội Kiến trúc sư Thế giới UIA lần thứ 28, do Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế tổ chức, diễn ra tại Copenhagen từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 7 năm 2023; với tham vọng là đặt ra một kế hoạch về cách kiến trúc có thể nhắm đến 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc vào năm 2030. Là thành phố đăng cai đại hội, Copenhagen cũng đã được UNESCO-UIA chính thức chỉ định là Thủ đô Kiến trúc Thế giới – danh hiệu này được giữ cho đến năm 2026.
Copenhagen tin rằng chiến lược quy hoạch đô thị của riêng mình có thể thiết lập khuôn mẫu để đạt được mục tiêu này. Điều này bao gồm các quy định nghiêm ngặt về tính bền vững của kiến trúc mới, cải thiện hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà hiện có của thành phố và cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm để phát triển đô thị.
Thành phố đã đầu tư một tỷ DKK (117 triệu bảng Anh) vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp kể từ năm 2005, kết quả là 45% người dân đạp xe đi làm hoặc đi học mỗi ngày. Cùng với việc cải thiện các làn đường dành cho xe đạp, dự án đã hỗ trợ các dự án tập trung vào xe đạp bao gồm cầu Lille Langebro và Karen Blixens Plads, nơi cung cấp bãi đậu xe có mái che cho hơn 2.000 xe đạp.
Ngoài ra, việc tái phát triển bến cảng của thành phố đã tạo ra các cơ hội kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương – nước hiện đủ sạch để có thể bơi lội.
Nước lạnh từ bến cảng cũng được sử dụng để hỗ trợ hệ thống làm mát khu vực, giúp tiết kiệm 70% năng lượng cần thiết cho điều hòa không khí truyền thống.
Sử dụng năng lượng cũng là mối quan tâm đối với các khách sạn của Copenhagen – gần 70% phòng khách sạn của thành phố có giấy chứng nhận sinh thái của bên thứ 3.
Các tòa nhà mới “mẫu mực” khác có thể kể đến bao gồm Trường mẫu giáo Forfatterhuset, nơi có những khu vườn tràn ngập thiên nhiên và tòa nhà chung cư Ressourcerækkerne tập trung vào cộng đồng.
Thành phố cho rằng cách tiếp cận mang tính bền vững là nhờ công của các kiến trúc sư tiên phong như Jan Gehl, người đã thúc đẩy kiến trúc lấy con người làm trung tâm trong thành phố từ những năm 1970.
Ngày nay, các hãng phim có trụ sở tại địa phương bao gồm Henning Larsen và COBE nằm trong số những công ty ủng hộ các hoạt động bền vững, bao gồm việc xây dựng các công trình bằng gỗ, phân tích vòng đời và tư duy kinh tế tuần hoàn.
Henning Larsen gần đây đã tiết lộ kế hoạch cho Marmormolen, “một trong những cấu trúc gỗ đương đại lớn nhất ở Đan Mạch”, trong khi COBE gần đây đã hoàn thành trạm sạc cực nhanh đầu tiên của thành phố dành cho ô tô điện.
Để biết thêm thông tin về tính bền vững và kiến trúc ở Copenhagen, hãy truy cập trang web VisitCopenhagen.
Tất cả các hình ảnh do Rasmus Hjortshøj (thuộc studio nhiếp ảnh và nghiên cứu Coast) thực hiện.
Dịch: May