Giới trẻ Việt không quan tâm văn hóa Việt? Đừng nhầm! (P.1)

“Giới trẻ Việt thờ ơ với văn hóa Việt”, “Họ rành sử Trung Quốc, Hàn Quốc hơn sử Việt”…không ít người sẽ phải thay đổi những nhận xét bi quan này khi gặp “người họa lịch sử”.

Tạ Huy Long, nhóm S River, Trịnh Bách, Trần Nguyễn Trung Hiếu, nhóm Tôi Xê Dịch, hay ba “gã khùng” Tam Dân Xã – những người trẻ miệt mài trên hành trình lội ngược dòng trở về với những giá trị truyền thống, làm sống dậy hồn dân tộc trong lĩnh vực văn hóa, giải trí và cả kinh doanh đương đại.

Từ sách, tri thức đến phim ảnh, giải trí

Tính đến thời điểm hiện tại, “Họa sắc Việt” là dự án mới nhất đưa những yếu tố dân tộc như hoa văn cổ, trang phục cổ ứng dụng vào các lĩnh vực văn hóa, kinh doanh đương đại. Trước đó, đã có “Hoa văn Đại Việt” và “Dệt nên triều đại” được tiến hành với hình thức gây quỹ tương tự. Đây chỉ là những ví dụ mới nhất cho việc đưa các yếu tố dân tộc vào sản phẩm văn hóa, giải trí – điều mà những người trẻ đang làm tốt đến bất ngờ, vượt lên hẳn những bi quan lâu nay về việc giới trẻ xa rời văn hóa dân tộc.

Trong 4 năm trở lại đây, trên thị trường văn hóa giải trí ngày càng xuất hiện nhiều tác phẩm khai thác yếu tố dân tộc. Về mảng sách và tri thức có truyện tranh “Truyền thuyết Long Thần Tướng” của nhóm Phong Dương Comics, sách tranh “Lĩnh Nam chích quái” của Tạ Huy Long, “con đường” phổ biến tri thức lịch sử của bộ ba Tâm Dân Xã, hay các dự án “Hoa văn Đại Việt”, “Dệt nên triều đại”, “Họa sắc Việt” (của nhóm S River) kể trên…

Bộ truyện tranh “Truyền thuyết Long Thần Tướng” do Nguyễn Khánh Dương, Thành Phong và Mỹ Anh sáng tạo với sự cố vấn về sử học của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức
Ảnh: Comicola.com

Bên mảng phim ảnh, có “Tấm Cám”, “Cô Ba Sài Gòn”(Ngô Thanh Vân đạo diễn), “Mẹ chồng” (Lý Minh Thắng đạo diễn) trên màn ảnh rộng, phim hoạt hình “Con rồng cháu tiên” (do nhiều đơn vị phối hợp sản xuất, nhà sử học Dương Trung Quốc cố vấn), phim hoạt hình ngắn “Tử chiến thành Đa Bang” (tập một mang tên “Giấy”, do dự án “Việt Sử Kiêu Hùng” thực hiện).

Làm ra một sản phẩm văn hóa – nhất là sản phẩm văn hóa có yếu tố truyền thống – khiến mọi người muốn bỏ tiền ra mua thì sức sống của sản phẩm đó sẽ lâu dài hơn, bởi kinh doanh văn hóa chính là cách tốt nhất để phát triển văn hóa.

Thậm chí, có những phim điện ảnh ở thời hiện đại nhưng vẫn lồng ghép yếu tố dân tộc qua các sản phẩm “con” như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Victor Vũ đạo diễn) với hình ảnh đậm chất dân tộc về Tết Trung thu của người Việt, đoạn phim hoạt hình ngắn “Cóc Tía” kể lại tích truyện cổ, hay phim mới “Lôi Báo” (cũng do Victor Vũ đạo diễn) với đoạn phim hoạt hình ngắn về tích truyện “Mị Châu, Trọng Thủy” và số phận của tướng quân Cao Lỗ minh họa bằng nét vẽ đầy lôi cuốn. Hấp dẫn và được khán giả đón nhận khi xem ở rạp, những đoạn phim hoạt hình ngắn nói trên cũng ít nhiều tạo được độ lan tỏa trên mạng xã hội.

Một cảnh phim trong “Cô Ba Sài Gòn”
Ảnh: hoahoctro.vn

Không thể phủ nhận, những tác phẩm có chăm chút như vậy thể hiện lòng yêu quý và tâm huyết của người Việt trẻ với các yếu tố văn hóa dân tộc. Việc đưa các yếu tố này vào những sản phẩm văn hóa mới cũng mang lại sức sống mới, lượng công chúng mới cho những yếu tố cổ nhưng chưa hề mất đi giá trị.

Giới trẻ Việt không quan tâm văn hóa Việt? Đừng nhầm!

Lý giải về sự xuất hiện ồ ạt những sản phẩm, dự án phục cổ, mượn hồn cổ, anh Nguyễn Khánh Dương – một trong các tác giả của truyện tranh “Truyền thuyết Long Thần Tướng” và cũng là người “đỡ đầu” các dự án gây quỹ cộng đồng cho “Hoa văn Đại Việt”,”Dệt nên triều đại”, “Họa sắc Việt” – nói với Đẹp: “Tôi có thể khẳng định, dựa trên quãng thời gian chúng tôi làm suốt thời gian vừa qua, người trẻ Việt Nam cực kỳ quan tâm đến văn hóa truyền thống Việt”.

“Chúng ta thường nghe những lời than phiền đầy bi quan rằng giới trẻ ngày nay chỉ quan tâm đến sử Trung Quốc, Hàn Quốc, không quan tâm đến sử Việt. Nhưng sự thực không phải vậy. Việc có nhiều bộ phim cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc càng làm tăng sự khao khát, thèm muốn hướng tới các sản phẩm văn hóa cổ trang của người Việt”, anh Dương phân tích.

Một mẫu thiết kế sử dụng họa tiết cá chép của tranh Hàng Trống của nhóm S River

Nguyễn Khánh Dương có cơ sở để tự tin vì “Truyền thuyết Long Thần Tướng”, bộ truyện tranh do anh cùng hai họa sĩ Thành Phong và Mỹ Anh sáng tạo nên với sự cố vấn về sử học của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, rất được công chúng đón nhận sau ba lần gây quỹ cộng đồng thành công. Bộ truyện cũng tạo được một nhóm độc giả hâm mộ riêng và hình thành nên một phong cách truyện tranh lịch sử mới ở Việt Nam.

Trước khi ra rạp, “Cô Ba Sài Gòn” cũng tạo nên một cơn sốt trên mạng về phong cách thời trang, lối sống và ngôn ngữ của Sài Gòn xưa. Điều này không dừng lại ở việc poster bắt mắt của phim được “chế” vô số lần trên mạng xã hội, mà thể hiện qua việc từ khóa “Sài Gòn xưa” trở thành trào lưu của thời hiện đại.

Với “Mẹ chồng”, dư luận không còn một chiều mà trở thành cuộc tranh luận: liệu phục trang và lối ứng xử trong phim đã thực sự mang hồn Việt, hay còn màu mè, phô trương? Có hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối, song việc phim tạo được tranh luận cũng cho thấy công chúng đã chú ý đến tính thực chất của yếu tố dân tộc trong phim Việt hiện đại, chứ không dừng lại ở hình thức.

Làm ra một sản phẩm văn hóa – nhất là sản phẩm văn hóa có yếu tố truyền thống – khiến mọi người muốn bỏ tiền ra mua thì sức sống của sản phẩm đó sẽ lâu dài hơn, bởi kinh doanh văn hóa chính là cách tốt nhất để phát triển văn hóa.

Nếu các sản phẩm văn hóa có sự nghiên cứu sâu sắc về những yếu tố dân tộc thì còn tạo nên hiệu ứng tốt hơn nữa. Do đó, những dự án như “Hoa văn Đại Việt”, “Họa sắc Việt” hay “Dệt nên triều đại” đã đặt mục tiêu cung cấp chất liệu cho phim ảnh Việt, giúp trang phục trong phim bám sát lịch sử mà vẫn đạt tính thẩm mỹ, hiện đại.

Tạo hình các nhân vật trong trích đoạn “Cóc tía” của phim “Hoa vàng trên cỏ xanh”
Ảnh: baomoi.com

Các dự án được nhắc tới trong bài, hầu hết đều đang duy trì hoạt động bằng cách gây quỹ cộng đồng, hy vọng trong tương lai sẽ có thể tự nuôi sống bản thân bằng hình thức kinh doanh. Nói kinh doanh nghe có vẻ hơi đậm mùi tiền bạc, nhưng thực tế, kinh doanh văn hóa là cách tốt nhất để phát triển văn hóa. Bất cứ cái gì miễn phí, xin cho, nhận tài trợ đều không thể phát triển được. Làm ra một sản phẩm văn hóa – nhất là sản phẩm văn hóa có yếu tố truyền thống – khiến mọi người muốn bỏ tiền ra mua, cảm giác của tác giả cũng sung sướng hơn nhiều, và sức sống của sản phẩm đó sẽ lâu dài hơn.


Nguồn: Đẹp Magazine

Cùng tác giả

#Tag

lịch sử long thần tướng nghệ thuật tam dân xã truyền thông văn hóa việt nam

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…