WGSN: Quá trình thay đổi nhận thức và xác định màu sắc của nhân loại
Suốt quá trình tiến hóa của nhân loại, chúng ta đã có sự liên kết giữa màu sắc và cảm xúc. Tuy vậy, đây cũng là một trong những cảm giác mang tính chủ quan và gây tranh cãi nhất từng có.
Giám đốc màu sắc tại WGSN hay World’s Global Style Network (trang chuyên dự đoán xu hướng thế giới có trụ sở tại Mĩ), Jane Monnington Boddy hé lộ lịch sử đầy thú vị về cách con người giao tiếp và xác định màu sắc, kèm theo là một hệ thống màu sắc hoàn toàn mới.
Màu sắc là một trong những phương thức giao tiếp thuần khiết và nguyên sơ nhất mà chúng ta có được. Những con ong bắp cày màu vàng có sọc đen cho thấy sự nguy hiểm trong khi những bông hoa màu hồng đáng yêu lại mời gọi sự thụ phấn. Suốt quá trình tiến hóa của nhân loại, chúng ta đã có sự liên kết giữa màu sắc và cảm xúc. Tuy vậy, đây cũng là một trong những cảm giác mang tính chủ quan và gây tranh cãi nhất từng có.
Henri Matisse nói rằng:“Việc tôi lựa chọn màu sắc không dựa vào bất cứ một lý thuyết mang tính khoa học nào cả. Tôi dựa vào khả năng quan sát, cảm giác, vào bản chất của sự việc. Đơn giản là tôi chỉ chọn màu nào phù hợp với cảm xúc mà thôi”. Con người có mối liên kết bản năng với màu sắc, và sự liên kết về tâm lý sẽ sâu sắc hơn tùy vào nền văn hóa và trí tưởng tượng. Vì thế, khi lựa chọn màu sắc, người ta thường có khuynh hướng bị tác động bởi yếu tố chủ quan. Không kể đến chứng mù màu, những thứ tôi nhận định là màu chàm thì đối với bạn có thể là màu tím. Berlin và Kay đã phát hiện ra vai trò của nền văn hóa trong cuốn sách Basic Colour Terms: Their Universality và Evolution, nói về cách những quốc gia phân loại màu sắc khác nhau như thế nào. Ví dụ, ở Hy Lạp và Nga, màu xanh lam nhạt và đậm được coi là hoàn toàn khác nhau như màu cam và tím.
Cách con người nhìn nhận màu sắc là khác nhau, ảnh hưởng bởi trải nghiệm cá nhân và văn hóa, đồng thời bị chi phối bởi hoạt động của nhãn cầu mắt mà cho ra nhiều mức quang phổ khác nhau. Con người là những trichromat – cá thể tam sắc; họ sở hữu 3 loại nhãn cầu phân biệt màu sắc cùng với khả năng nhận diện nó trong hàng triệu màu khác. Trừ chim và những loại côn trùng khác, hầu hết động vật có vú là dichcromat – cá thể nhị sắc, vì thế chúng chỉ có thể phân biệt 10,000 màu. Tuy nhiên, ở những năm 1940, nhà khoa học H.L. de Vries đã phát hiện ra rằng một số phụ nữ có thể là tetrachromat – cá thể tứ sắc, sở hữu 4 nhãn cầu mắt cho phép họ nhìn thấy và phân biệt nhiều dạng màu hơn.
Màu sắc khơi gợi cảm xúc nhiều hơn là lí trí. Vì thế, khi nói đến sản phẩm công nghiệp và sáng tạo, việc chọn lựa màu sắc dựa vào cảm xúc có thể dẫn đến sai lầm, thất vọng và lỗi trong quá trình sản xuất – đặc biệt khi màu sắc thường được quyết định trước yếu tố hình thái và chất liệu. Xuyên suốt lịch sử, các nhà khoa học, nghệ sĩ và nhà thiết kế đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc phát triển và duy trì ngôn ngữ màu sắc chung để giao tiếp và phân loại màu như cách mắt người nhìn nhận. Một ngôn ngữ màu sắc cân bằng tính khoa học và tư duy sáng tạo.
Sau khi Newton tạo ra vòng tuần hoàn màu sắc năm 1962, một trong những cá nhân tìm tòi để xác định màu sắc ngay sau đó là nghệ sĩ người Hà Lan, A.Boogert, ông đã viết một tập sách nói về việc khám phá màu sắc, sắc thái và tông màu khi pha các loại màu nước. Dài hơn 800 trang, Traité des couleurs servant à la peinture à l’eau (Các phương pháp pha màu nước) là cuốn sách về hướng dẫn vẽ và màu sắc cơ bản dễ hiểu vào thời đó. Thế nhưng nó chỉ được in ra một vài bản mà thôi.
Các thế kỉ sau, những nhà lý thuyết học và khoa học, từ Johann Wolfgang von Goethe đến J.C. LeBlon phát hiện ra nguyên lí vận động cơ học của màu sắc, mãi cho đến thế kỉ 19 thì một nghệ sĩ kiêm giáo sư A.H. Munsell mới kết hợp yếu tố nghệ thuật và “khoa học màu sắc” để tạo nên lý thuyết màu sắc hoàn chỉnh. Munsell thiết kế hệ thống dựa vào một thứ mà ông gọi là “perceived equidistance – sự cân bằng nhận thức” – hệ thống nhận định hình ảnh của con người về màu sắc. Đó là lần đầu tiên màu sắc được chính thức phân loại dựa vào 3 yếu tố: hue (dãy màu), value (độ sáng) và chroma (độ đậm nhạt), đây là điều mà Coloro – hệ thống mới nhất dùng trong game – đã lấy làm cơ sở mà phát triển.
Màu sắc là yếu tố cơ bản khi xây dựng thương hiệu và ảnh hưởng quá trình đưa ra quyết định từ khách hàng, tuy nhiên quá trình sáng tạo vẫn còn chứa những sai phạm – khi một nghệ sĩ chọn lựa màu, khi người cung cấp sản xuất nó; và khi một nhà tiếp thị phân tích màu sắc. Đã bao lần một màu hồng trung tính chuyển thành màu đỏ tươi khiếp sợ hay màu trứng cá rực rỡ biến thành một màu xanh thiên thanh bởi vì có nhiều cách nhìn nhận khi chọn màu (“sáng lên một tí”, “tối một chút”, “đậm hơn tí đi”).
Trong một cuộc khảo sát bởi ban thư kí của The Seoul International Color Expo, 92.6% trả lời rằng màu sắc là vô cùng quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định mua sắm của khách hàng, trong khi đó chỉ có 5 % dựa vào tiếp xúc trực tiếp. Một nghiên cứu thực hiện bởi Color Communications Inc cho biết chỉ mất 90 giây để một người nhận xét một thương hiệu và 62% đến 90% là ảnh hưởng bởi màu sắc. Màu sắc là yếu tố nội hàm để tạo ra ấn tượng ban đầu tốt đẹp – nếu sử dụng màu sắc không phù hợp, khách hàng có thể bỏ đi trước khi họ tìm hiểu thương hiệu và sản phẩm.
Thế thì, sau 100 năm kể từ khi hệ thống màu của Munsell ra đời, và 50 năm sau khi Pantone giới thiệu khái niệm lựa chọn màu sắc với thị trường bằng giải thưởng màu sắc của năm và chiến lược marketing tiên tiến, các chuyên gia màu sắc Trung Hoa CTIC và Ascential (công ty mẹ của WGSN và Cannes Festival of Creativity) đã tạo ra Coloro – một hệ thống hướng đến việc xác lập lại mối quan hệ giữa chúng ta với màu sắc.
Được phát triển với sự hợp tác của 80 chuyên gia ngành thời trang như Christian Kuhna đến từ Adidas, cùng với nguồn nhân lực của WGSN, Coloro ra đời với mục đích tạo ra một ngôn ngữ màu sắc logic và chuyên dụng cho thiết kế. Nó sử dụng một hệ thống xác định màu sắc dựa vào mật mã gồm 7 kí tự riêng biệt thể hiện nơi giao nhau của dãy màu, độ sáng và độ đậm nhạt, đồng thời đưa ra 1.6 triệu màu khác nhau để nhà thiết kế chọn lựa. Vì chúng ta có thể xác định nhiều màu hơn ở phần cuối có màu đỏ và tím của quang phổ màu – colour spectrum và ít hơn khi di chuyển qua phổ màu vàng, xanh lục và xanh lam, hệ thống được điều chỉnh để phản ánh điều này; do đó trong môi trường làm việc thời đại số, bạn sẽ thấy nhiều màu đỏ hơn là xanh lam. Cách mà hệ thống được thiết lập đồng nghĩa với việc chúng ta có thể khám phá Coloro dựa vào sự hiểu biết logic này.
Một nhà thiết kế công nghiệp ở Berlin, Hella Jongerius đã đặt ra nghi vấn và khám phá tiềm năng của màu sắc trong buổi triển lãm mới toanh tại bảo tàng thiết kế Luân Đôn.
Điều này mang lại ý nghĩa gì ở tương lai – những bộ quần áo hay cách chúng ta nhìn nhận thế giới – nếu những nhà thiết kế có thể tìm hiểu tính sáng tạo của màu sắc và đảm bảo rằng cái nhìn của họ là chính xác? Chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu kể từ lúc có những dãy màu nước và sách làm bằng vải. Ngày nay, màu sắc nên được đầu tư và coi trọng giống như bất kì một yếu tố nào trong ngành thời trang và thiết kế.
Tác giả: Jane Monnington Boddy
Người dịch: Đáo
Nguồn: It’s Nice That