Từ poster đến web: Mối tương quan giữa thiết kế in ấn và kỹ thuật số (Phần 1)
Trong hàng thập kỉ qua, hình ảnh luôn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử loài người. Từ những bản vẽ sơ khai trong hang động, những biểu tượng, chữ thư pháp cho đến các thiết kế web và in ấn ngày nay, chúng ta đều đã ưa thích nội dung trực quan từ những thuở sơ khai và luôn sử dụng chúng để truyền tải nhiều loại thông điệp khác nhau. Quá trình từ những bức tranh hang động đến màn hình nền máy tính, chắc hẳn thiết kế đã trải qua một chặng đường dài.
Trong bài viết này, hãy cùng iDesign khám phá mối liên hệ giữa thiết kế poster và thiết kế web. Cả hai cùng liên kết chặt chẽ và có chung một chức năng chính là giao tiếp với người xem thông qua hình ảnh. Cả hai đều bị tác động bởi những tiến bộ công nghệ và đang trong quá trình thay đổi thế giới quan của chúng ta, cũng như nghệ thuật nói chung. Qua nhiều năm phát triển, chúng ta đã thấy sự ra đời của nhiều phong cách thiết kế khác nhau mà các nghệ sĩ đã thử nghiệm và áp dụng cho các tác phẩm của họ. Bài viết này giúp bạn đi sâu vào tìm hiểu thêm về những phong cách phổ biến, cũng như khám phá di sản và cách chúng đã ảnh hưởng đến trải nghiệm hình ảnh của chúng ta trong ngày nay.
1. Phong cách Thụy Sĩ
Phong cách Thụy Sĩ, còn được gọi là phong cách Typographic Quốc tế, là xu hướng được phát triển với mục đích giao tiếp một cách đơn giản, rõ ràng và khách quan. Phong cách này xuất hiện lần đầu tiên ở Thụy Sĩ vào năm 1918 và sau đó phát triển mạnh mẽ vào những năm 1950, cũng là lúc châu Âu phát triển.
Nguyên tắc chính của phong cách này là hình thức phải tuân theo chức năng. Thiết kế sẽ lược bỏ mọi yếu tố trang trí thừa để sự chú ý của người xem chỉ tập trung vào nội dung.
Phong cách Thụy Sĩ là một phong cách dựa trên hệ thống lưới, đặc trưng là bố cục không đối xứng và kiểu chữ sans-serif. Trong thiết kế in ấn, ảnh chụp thường được ưa chuộng hơn hình minh họa, trong khi thiết kế web dường như không như vậy. Để các dự án thêm đặc biệt và trở nên độc đáo, các nhà thiết kế thường kết hợp các hình ảnh minh họa vào các tác phẩm trực tuyến của họ.
Kiểu chữ cũng là yếu tố chính của các thiết kế theo phong cách Thụy Sĩ. Sau Thế chiến thứ hai, vào thời điểm mà thương mại quốc tế bắt đầu phát triển, giao tiếp thẳng thắn giữa các thương hiệu và người tiêu dùng của họ trở nên rất quan trọng. Tất cả các thiết kế đều xoay quanh kiểu chữ, đó cũng là lý do vì sao phong cách này còn có tên là Typographic Quốc tế.
Mặc dù có vô số ví dụ thể hiện Phong cách Thụy Sĩ xuất sắc, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn hai ví dụ minh họa việc sử dụng xu hướng này trong in ấn và một ví dụ khác cho thấy phong cách này có thể được áp dụng trong thiết kế web.
Josef Müller-Brockmann
Josef Müller-Brockmann được coi là một trong những nhà thiết kế Phong cách Thụy Sĩ quan trọng và nổi bật nhất. Các tác phẩm của ông phần lớn chịu ảnh hưởng bởi phong trào nghệ thuật Bauhaus, với kiểu chữ được sử dụng nhiều và hình học chiếm ưu thế. Ông đã áp dụng các bố cục lưới nghiêm ngặt vào các thiết kế của mình, dựa vào toán học và hình học để tạo ra các thiết kế mạnh mẽ. Hiệu quả và đơn giản
Otl Aicher
Otl Aicher là một nhà thiết kế đồ họa và typhograper nổi tiếng người Đức. Ông đã từng thiết kế logo cho Lufthansa, nhưng các tác phẩm đáng chú ý nhất của ông là những bức tranh tượng hình mà ông thiết kế cho Thế vận hội mùa hè 1972 ở Munich. Mỗi chữ tượng hình đại diện cho một môn thể thao (ông đã thực hiện hơn 180 chữ tượng hình), và được tạo ra bằng cách sử dụng hệ thống lưới nghiêm ngặt, font chữ Univers và màu sắc tươi sáng. Otl được biết đến với các dự án đơn giản, gọn gàng và thiết kế kiểu chữ Rotis.
Kiểu chữ Klarheit Grotesk – Extraset
Klarheit Grotesk là một kiểu chữ được tạo bởi Extraset, toàn bộ trang web extraset đều theo phong cách Thụy Sĩ. Nhà thiết kế đã mạnh dạn sáng tạo sử dụng các yếu tố tương tác cùng với bố cục bất đối xứng, với màu chủ đạo là trắng đen và rất ít nội dung đồ họa. Có lẽ Typhography là nội dung chính của trang web này.
2. Phong cách ảo giác
Phong cách ảo giác khá dễ dàng nhận biết, một phong cách đặc biệt nổi lên vào nửa sau những năm 60. Nghệ thuật này bị ảnh hưởng nặng nề bởi Art Nouveau, một phong trào hippie nổi tiếng. Phong trào này đã ảnh hưởng đến văn hóa và nghệ thuật đại chúng bấy giờ dưới mọi hình thức như là cách ăn mặc, cư xử và nói năng. Mục đích của phong cách này là truyền đạt các thông điệp xã hội và tinh thần theo bất kỳ cách nào có thể .
Phong cách ảo giác hoàn toàn đi ngược lại với phong cách Thụy Sĩ bóng bẩy và sạch sẽ. Được đốt cháy bởi những màu sắc rực rỡ, hoang dã, thường là những màu neon, độ tương phản mạnh, hình ảnh uốn lược kết hợp với kiểu chữ gợn sóng và các yếu tố hào nhoáng, những tác phẩm này toát ra sự tự do và thu hút sự chú ý của người xem ngay lập tức .
Thời đại này đã ban tặng cho chúng ta một số tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và những thiết kế tinh xảo, những tác phẩm vượt thời gian và tiếp tục truyền cảm hứng cho khán giả cũng như nhiều nghệ sĩ trên toàn thế giới. Các đặc điểm của phong cách này thể hiện tốt trên thiết kế web và dưới đây là một số minh họa tính linh hoạt của phong cách bằng những ví dụ về thiết kế web và in ấn gây ảo giác tuyệt vời này.
Wes Wilson
Wes Wilson có thể là nhà thiết kế poster ảo giác nổi tiếng nhất, chịu ảnh hưởng nặng nề của phong trào Art Nouveau và văn hóa của San Francisco, nơi ông bắt đầu sự nghiệp của mình. Ông đã thiết kế poster quảng bá về buổi hòa nhạc cho Bill Graham và một số ban nhạc rock đáng chú ý nhất vào thời điểm đó, bao gồm Jefferson Airplane, Grateful Dead, và những ban nhạc khác. Các poster của ông luôn đặc trưng bởi màu sắc rực rỡ, tươi sáng, hình ảnh hấp dẫn và chữ viết thú vị. Ông đã phát minh ra font chữ ảo giác dễ nhận biết với các chữ cái xoáy tròn trông như thể chúng đang di chuyển và phong cách của ông được nhiều người coi là biểu tượng của phong trào hòa bình .
Milton Glaser
Milton Glaser là một nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng người Mỹ, được biết đến với biểu tượng I ♥ NY, cũng như các tác phẩm ấn tượng khác mà ông đã tạo ra cho DC Comics và nhiều chương trình truyền hình. Một trong những dự án đáng chú ý nhất mà anh đã thực hiện là tấm poster ảo giác được thiết kế cho album Greatest Hits của Bob Dylan vào năm 1967. Tấm poster mang tính biểu tượng cao bao gồm một mặt bên của Dylan toàn màu đen, tương phản với những đường nét hoang dã đầy màu sắc mô tả mái tóc xù của anh .
Adult Swim Singles 2016
Adult Swim Singles là một nền tảng âm nhạc phát hành một bài hát mỗi tuần để mọi người tải xuống miễn phí. Trang web được phát triển vào năm 2016 và lấy cảm hứng từ phong cách ảo giác thể hiện rõ trong các lựa chọn về màu sắc và hình dạng. Màu sắc đậm, sôi động và nội dung đồ họa đi kèm với mỗi bài hát là những gợn sóng nổi. Những yếu tố này được kết hợp với kiểu chữ sắc nét, dễ đọc, cho thấy sự khéo léo của nhà thiết kế web trong việc pha trộn các đặc điểm tiêu biểu của Psychedelic với các xu hướng hiện đại và mang đến cho chúng ta một trang web tuyệt vời.
Còn tiếp…
Biên tập: Thao Lee
Theo: qodeinteractive