Swiss Style từ Thụy Sĩ: Sạch sẽ, dễ đọc, khách quan
Mời bạn cùng iDesign tìm hiểu những nguyên lý, kiểu chữ và những họa sĩ tiên phong với các tác phẩm tiêu biểu thuộc trường phái Trung Âu nổi tiếng này nhé.
Nguyên lý
Sạch sẽ. Dễ đọc. Khách quan.
Đó là một số ít những từ khóa miêu tả về sức ảnh hưởng của Swiss Style – phong cách thiết kế dựa trên hệ thống lưới và tách biệt với hội họa ra đời vào thế kỷ 19.
Swiss Style, hay còn gọi là International Typographic Design bắt đầu với những ô lưới toán học, vốn là một cách cân đo thông tin hài hòa và dễ đọc nhất. Sử dụng hệ thống lưới trong thiết kế đã khiến cho việc phân chia cấp bậc nội dung trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là khi thiết kế web vì tính linh hoạt, chắc chắn, dễ kiểm soát, rạch ròi và phù hợp theo nhiều tỷ lệ vàng. Bên cạnh đó, Swiss Style còn ít nhiều liên quan đến bố cục bất đối xứng, kiểu chữ sans serif và sự ưa chuộng nhiếp ảnh hơn hình minh họa.
Những nhà cách tân của trường phái này đã kết hợp các yếu tố của những xu hướng nghệ thuật khác để tạo nên vẻ đẹp và sự tinh giản của phong cách Swiss Style ngày hôm nay. Những yếu tố từ Bauhaus, De Stijl và The New Typography xuất hiện rải rác xuyên suốt các tác phẩm của những nhà tiên phong Swiss Style như Ersnt Keller, Max Bill, Josef-Müller Brakmann và Armin Hofmann.
Kiểu chữ
Hiểu rõ phong cách Swiss Style chính là hiểu rõ giá trị của kiểu chữ. Đó chính là kiểu chữ sans serif cổ điển kết hợp hài hòa liền mạch với hệ thống lưới của Swiss Style. Có người cho rằng, ở Swiss Style, thiết kế nên chú trọng vào mặt nội dung chứ không phải những chỗ điểm xuyến dư thừa. Bằng việc cắt giảm những chỗ không cần thiết, Swiss Style khiến người xem không bị phân tán để thấy rõ thông điệp cần truyền tải trong bản thiết kế. Vì thế, những kiểu chữ đại diện cho Swiss Style thường nổi trội những yếu tố chính này của trường phái:
Akzidenz-Grotesk
Có lẽ Akzidenz-Grotesk, được thiết kế bởi Berthold Type Foundry năm 1896 là kiểu chữ gây ảnh hưởng nhất của phong cách này. Đây là kiểu chữ được sớm sử dụng rộng rãi và được lưu hành ở Mỹ dưới cái tên “Standard” (tạm dịch: Tiêu chuẩn) hoặc “Basic Commercial” (thương mại điển hình). Đây có phải là kiểu chữ đầu tiên của Swiss Style hay không, hiện vẫn đang gây tranh cãi.
Univers
Adrian Frutiger, một trong những nhà thiết kế kiểu chữ có tầm ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, đã tạo ra Univers năm 1954. Tách bỏ một số yếu tố từ Akzidenz-Grotesk, Frutiger tạo ra kiểu chữ đầu tiên theo một hệ chữ gia đình, cho phép sử dụng một kiểu chữ (thay vì nhiều kiểu) theo nhiều kích cỡ và tỉ trọng khác nhau, tạo nên một hệ chữ đơn giản đẹp đẽ. Được Danberry & Peignot sản xuất năm 1957, bộ chữ này đã đến tay của Haas Type Foundry trước khi được lưu hành vào năm 2007 (cùng với Linotype) bởi Monotype.
Helvetica
Khi Max Miedinger và Eduard Hoffmann tạo ra Helvetica năm 1957, họ có lẽ không biết đây sẽ là bộ chữ sans serif đầy tranh cãi vì nó… phổ biến khắp mọi nơi. Họ cũng không nghĩ kiểu chữ này sẽ truyền cảm hứng cho điện ảnh. Vì gần 60 năm sau, với 88% đánh giá từ Rotten Tomatoes, và Simon Garfield xem Helvetica là “đại chúng vì thỏa mãn nhiều yêu cầu trong thời đánh máy hiện đại.”
Những họa sĩ tiên phong
Ernst Keller, được biết đến rộng rãi như “Cha đẻ của thiết kế Swiss”. Năm 1918, Keller nhận vị trí giảng dạy tại trường nghệ thuật thủ công Kunstgewerbeschule ở Thụy Điển. Sự nghiệp giảng dạy của ông đánh dấu sự khởi đầu hệ thống lưới đặc trưng của Swiss Style, cùng quan điểm rằng nội dung của thiết kế nên chú trọng vào kiểu chữ. Nhưng Keller không biết, sau này, một số học trò của ông đã trở thành nhà tiên phong kiến tạo cuộc cách mạng International Typographic Style.
Armin Hofmann, cùng với Emil Ruder, đã thành lập trường thiết kế Schule für Gestaltung năm 1947 và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy đầy tính cách tân. Phần lớn các tác phẩm của Armin chú trọng vào các hình dạng đồ họa trong khi vẫn giữ được sự đơn giản và khách quan. Tác phẩm của ông, bị ảnh hưởng bởi giáo lý của Ernst Keller, thường tận dụng typography trên minh họa. Hiện nay, giáo án của Hofmann đã được điều chỉnh nhưng vẫn được giảng dạy rộng rãi tại Trường Thiết kế ở Basel, Thụy Sĩ.
Josef Müller-Brockmann, sinh viên của Keller, có nhiều tác phẩm xoay quanh hệ thống lưới và kiểu chữ Akzidenz-Grotesk. Sau khi tiếp quản vị trí giảng dạy của Keller tại Kunstgewerbeschule và mở công ty thiết kế riêng của mình, Müller-Brockmann đã giúp truyền bá nghệ thuật thẩm mỹ của Thụy Sĩ vượt xa biên giới châu Âu bằng cách mở tạp chí Neue Grafik (tạp chí thiết kế đồ họa mới) với Franco Vivarelli, Hans Neuberg và Richard Paul Lohse.
Max Bill và Otl Aicher mở trường riêng của họ ở Ulm, khoảng 125 dặm về phía đông bắc của Hofmann và Trường Thiết kế Ruder. Bill – được biết đến không chỉ như một nhà thiết kế, mà còn vì các luận án kết nối với Phong trào hiện đại, thường được xem là “có sức ảnh hưởng quyết định nhất đến thiết kế đồ họa Thụy Sĩ”. Trường của ông ở Ulm có cả những khóa nghiên cứu về các dấu hiệu và biểu tượng. Những giáo án này đều nói về tính khách quan và dễ đọc của International Typographic Style, nhằm tạo ra nội dung để mọi người dễ dàng nhìn nhận và hiểu rõ.
Lưới, sans serifs, và hình ảnh – đó là ba yếu tố khiến Swiss Style phổ biến khắp thế giới, tiếp tục truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ và nhà thiết kế mỗi ngày. Có thể việc Helvetica được sử dụng rộng rãi không định nghĩa được International Typographic Style, nhưng đó là một sự nhắc nhở liên tục về ảnh hưởng từ đất nước Thụy Sĩ đã khiến cuộc sống của chúng ta đơn giản và gọn ghẽ hơn.
Nguồn: Printmag.com
Người dịch: Long Hwarang