Sông Cái Distillery: ‘Rượu Gin gần giống với rượu thuốc của ông bà mình’

Sông Cái là dòng Gin đầu tiên và duy nhất của Việt Nam. Chữ Sông Cái trong tên thương hiệu, có nghĩa là “Sông Mẹ” – dòng sông lớn trong khu vực, là nguồn nước chính cho nền nông nghiệp và nâng đỡ đời sống tinh thần cho cộng đồng sống dọc theo dòng sông. Tương tự như vậy, Sông Cái Distillery ra đời, đại diện cho vẻ đẹp và sự hào sảng của những người con đất Việt bằng cả sản phẩm và ngôn ngữ hình ảnh của thương hiệu.

Nhân dịp Tết, hãy cùng iDesign trò chuyện với Sông Cái Distillery và đặc biệt tìm hiểu về hộp quà Tết Tân Sửu 2021, với những nét văn hóa Ta trong một sản phẩm rượu Tây nhé!

Rượu Gin theo quy định của quốc tế là dòng rượu mạnh chưng cất có sử dụng quả Juniper (Bách Xù), và những thảo mộc khác. Thế nên chia sẻ với iDesign, Sông Cái Distillery cho biết, dòng rượu Gin là cách kể câu chuyện của những loại thảo mộc chân thực nhất đến với người thưởng thức. Bởi qua cách chưng cất, rượu Gin chắt lọc lấy những mùi hương tinh túy nhất của nguyên liệu thảo mộc, vẫn là những hương vị thân thuộc đó đã đi bên ta qua bao năm tháng. Và cùng nhau, ta nhớ lại những hương vị thân thương này, qua những cách kết hợp hoàn toàn mới. 

Vốn nguyên liệu của rượu Gin Sông Cái đến từ sự kết hợp hương vị của quả bách xù truyền thống cộng với những thảo mộc rừng được thu hái thủ công nơi miền núi cao Tây Bắc và những loại hoa độc đáo của Việt Nam. Đây cũng là vùng đất của nơi người ta có thể tìm kiếm các loài thực vật tươi tốt và hoang dã chỉ bằng một chuyến cuốc bộ trong rừng. Cái đẹp của quy trình này còn đến từ việc từng mẻ nhỏ được chưng cất bằng nồi đồng trực tiếp trên bếp lửa.

Logo của Sông Cái Distillery sử dụng biểu tượng liềm và dao đi rừng kết hợp cùng hình ảnh các cặp lá cách điệu đại diện cho thảo mộc rừng núi và đặt tất cả trên nền “chàm” đậm đặc trưng truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao.

Nhãn sau được nhìn xuyên thấu qua chai, lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống, thể hiện tính cách đặc trưng của vùng đồng bằng: Trù phú, rực rỡ đa sắc màu, mang lại sức sống văn hoá dân gian hoài cổ trong bối cảnh hiện đại. Hai nét sắc thái riêng biệt này thể hiện sự phong phú, đa dạng của đất nước Việt Nam.

Từ những ngôn ngữ hình ảnh đó, sự kết hợp của Sông Cái Distillery với S-River cho những thiết kế nhãn chai như một lẽ đương nhiên, bởi đây là một đơn vị tư vấn thiết kế có tiếng về sự tâm huyết và đam mê nghệ thuật hội họa dân gian truyền thống mà điển hình nhất là sứ mệnh số hóa các họa tiết tranh dân gian Hàng Trống.

Hộp quà Tết năm nay của Sông Cái Distillery gồm các họa tiết tranh dân gian Hàng Trống (thể hiện ở nắp hộp quà, nhãn chai rượu, hình trang trí trên cặp chén đong, các mẫu thiết kế của bộ bao lì xì may mắn), màu Hồng Điều cổ truyền của dân tộc, chất liệu giấy dó thủ công trên nắp hộp quà, que khuấy làm bằng tre Việt Nam, cặp chén đong được làm thủ công từ sứ của Làng Gốm Sứ Bát Tràng.

“Canh Nông Vi Bản” – tác phẩm chứa đựng ý nghĩa “Lấy nông nghiệp làm gốc” của dòng tranh dân gian Hàng Trống đã được tái hiện lại với những chi tiết đặc trưng như hình ảnh con trâu, bông lúa, hoa Sen – quốc hoa của dân tộc, dải lụa màu Hồng Điều… Chúng xuất hiện xuyên suốt trên toàn bộ hộp quà và các sản phẩm đi cùng.

Thay cho màu xanh chàm đặc trưng của thương hiệu và cũng thay vì sử dụng màu đỏ tươi thường thấy, màu Hồng Điều cổ truyền được sử dụng để tượng trưng cho sự may mắn và tài lộc. Đặc biệt, đây là màu sắc làm từ đất son, vốn không có sẵn trong tự nhiên và cũng là một trong năm màu sắc chủ đạo thường được sử dụng trong phong cách tranh dân gian Hàng Trống.

Nắp hộp quà được in trên chất liệu giấy Dó – một loại giấy thủ công truyền thống của Việt Nam được làm từ cây Dó. Quy trình làm giấy Dó khá kỳ công, người nghệ nhân phải cẩn trọng, tỉ mỉ từ lúc cắt thân cây, đem hấp, tách vỏ, gọt bẩn, đập vỏ để tách sợi, rồi sau cùng cho vào khung ép và đem phơi nắng. Giấy Dó bền và dai, thậm chí có thể tồn tại tới hàng trăm năm cùng với đặc tính chống côn trùng vốn có. Loại giấy này đóng một vai trò quan trọng trong tranh vẽ, sách và tài liệu truyền thống dân gian của người Việt Nam, phù hợp với ngôn ngữ hình ảnh mà Sông Cái muốn thể hiện. Cảm giác thô dịu khi tiếp xúc với bề mặt giấy Dó cũng thật quen thuộc, giống như ta đang được tiếp xúc với chính loài cây Dó này nói riêng và thiên nhiên cây cỏ nói chung.

Ngoài ra, tre cũng được dùng thay cho những chất liệu hiện đại như thép không gỉ, inox, nhựa… để tạo nên chiếc que khuấy trong hộp quà.

Cặp chén đong (jigger cup) được làm thủ công bởi những nghệ nhân tại Làng Gốm Sứ Bát Tràng – làng nghề thủ công mỹ nghệ với bề dày lịch sử hơn 500 năm, vốn từ xa xưa được ưu ái dùng làm quà biếu cho đến đồ cống phẩm ngoại giao trong cung đình.

Quá trình lên ý tưởng và thực hiện phần thiết kế hình ảnh cho Hộp quà Tết 2021 của Sông Cái DistilleryS-River là khoảng 03 tháng. Bao gồm xuất phát điểm từ việc nghiên cứu, lựa chọn và tái hiện các chi tiết của tác phẩm tranh Hàng Trống “Canh Nông Vi Bàn”, sau đó là chọn thành phần nào của hộp quà sẽ thể hiện được những hình ảnh thiết kế đó, như tranh mặt hộp, nhãn chai rượu, cặp chén đong bằng sứ, bộ bao lì xì may mắn… Cuối cùng là lên phương án khả thi, thử nghiệm sản phẩm mẫu, rồi chỉnh sửa lại chi tiết hay màu sắc cho hoàn thiện.

May mắn là ngay từ những ý tưởng đầu tiên về Hộp quà Tết 2021, thì về mặt hình dáng, kích thước, cơ chế mở nắp hộp, chất liệu, hình ảnh… đã tương đối khớp so với sản phẩm cuối cùng. Chỉ có các thành phần bên trong là được hoàn thiện dần theo thời gian triển khai kế hoạch, bởi việc lựa chọn kết cấu, bố cục các vật phẩm, chất liệu bên trong của hộp cũng như việc xây dựng các nội dung ấn phẩm truyền thông đi kèm đòi hỏi quá trình nghiên cứu, thử nghiệm một cách chi tiết và cẩn thận, không thể gấp gáp mà làm giảm chất lượng và tăng rủi ro cho sản phẩm. Có thể nói sản phẩm cuối cùng giống khoảng 90% so với ý tưởng ban đầu.

Nhưng cũng có lắm khó khăn trong quá trình đó, bởi phần lớn những công ty làm bao bì đều quen với một số mẫu và chất liệu phổ biến trên thị trường. Điều này cũng dễ hiểu bởi những thiết kế mới, độc đáo sẽ đòi hỏi thời gian lâu hơn để tìm hiểu, làm quen với chất liệu, chưa kể đến rủi ro phải thử mẫu rất nhiều lần mới thành công hoặc thậm chí không làm được. Chất liệu cổ lại có đặc điểm chung là không hoàn toàn phù hợp với cách thi công máy hoặc in ấn hiện đại thông thường, vốn được thiết kế đặc dụng cho những chất liệu công nghiệp. Thế nên số lượng nhà cung cấp các chất liệu cổ có thể chấp nhận làm theo yêu cầu đặt hàng đặc biệt của Sông Cái cũng không dễ tìm.

Trong đó, chất liệu “khó nhằn” nhất có lẽ chính là giấy Dó. Vì là giấy thủ công nên bề mặt không được nhẵn, mịn, và không dễ thi công in ấn, cắt dán như các loại giấy hiện đại ngày nay, nhưng đổi lại chúng vẫn giữ những nét cổ điển, gần gũi, dân dã cùng màu sắc rất riêng.

Khó thứ nhì là màu Hồng Điều, bởi cần nhiều thời gian để nghiên cứu và thử nghiệm từng sắc độ màu, kiểm chứng các bản in mẫu thực tế để lựa chọn được sắc độ chính xác nhất với màu Hồng Điều cổ truyền của cha ông, đồng thời phải phù hợp để sử dụng được trên mọi chất liệu của thành phần hộp quà (bìa, giấy dó, giấy mỹ thuật, gốm sứ…).

Rất may mắn là Sông Cái tìm được đối tác rất tâm đầu ý hợp như S-River, là đơn vị rất tâm huyết, đã có vốn kiến thức rất sâu sắc về những họa tiết cổ của Việt Nam, nên chỉ cần Sông Cái Distillery đưa ra đề bài là S-River có thể giải quyết được ngay.


Phỏng vấn: Nam Vũ
Thiết kế: Tuyết Nhi
Ban biên tập iDesign

Cùng tác giả

#Tag

design Distillery gin iD interview idesign signature Sông Cái Tết Nguyên Đán

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Dự án Rebranding Bát Tràng Museum: ‘Mờ Nờ cảm thấy tự hào và như được sống cùng thời với bác Thắng khi truy tìm và hiểu về bác’
Bát Tràng Museum là bảo tàng tư nhân đầu tiên được chính phủ cho phép trong làng Bát Tràng, do Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Vũ Đức Thắng sáng lập.…