‘Sợi Mắc Sợi Mành’: Dự án minh họa kiến trúc văn hóa Việt Nam của Todd Huynh
Lấy cảm hứng từ kiến trúc văn hóa Việt Nam, “Sợi Mắc Sợi Mành” là dự án gồm 12 bức tranh do tác giả Todd Huynh – Huỳnh Minh Thống (Graphic Designer) thực hiện.
Việt Nam là đất nước có 54 dân tộc anh em, chính vì vậy, đây cũng là vùng đất của nhiều nền văn hóa đặc sắc và một trong những nét đặc trưng của những nền văn hóa đó chính là kiến trúc. Với bộ sưu tập tranh này, tác giả muốn tôn vinh vẻ đẹp của di sản kiến trúc bằng cách đưa chúng vào không gian siêu thực.
Trong không gian này, những câu chuyện dân gian truyền miệng được hình thành, những nét văn hóa đặc trưng của những di sản đó được bộc lộ rõ nét qua hình ảnh bầu trời, mây, sông, biển … vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của quê hương Việt Nam.
Dưới đây là góc nhìn của Todd Huỳnh về sự đa dạng của văn hóa Việt Nam mà chúng mình sắp sửa khám phá.
1. Hoàng (Cổng Ngọ Môn – Cố Đô Huế)
Cảm hứng: Hai bên kinh thành là Cồn Dã Viên và Cồn Hến, mang ý nghĩa Tả Thanh Long Hữu Bạch Hổ, làm thế “rồng chầu hổ phục” để tỏ ý chỉ tôn trọng vương quyền, đây cũng là nguồn cảm hứng để bức tranh HOÀNG được vẽ nên. Phía trên với mây vảy rồng, tầng thấp hơn là mây vân hổ để diễn tả ý nghĩa trên.
Ngọ Môn là cổng lớn nhất trong bốn cổng chính của Hoàng thành và là vành đai thứ hai ở Cố đô Huế. Hai bên thành là hòn Dã Viên và hòn Hến, tượng trưng cho “Thanh Long ở phía Đông, Bạch Hổ ở phía Tây”, thể hiện sự tôn kính vương quyền của Kinh thành Huế.
2. Rồng Chầu Rắn Cuốn (Thành Nhà Hồ)
Cảm hứng: Bức tranh không diễn tả theo nghĩa suy vong như vận mệnh nhà Hồ. Từ cổ chí Kim, rồng luôn là biểu tượng quyền uy của vương triều, đế vương. Xung quanh vùng đất kinh đô này là con sông Mã, được xem như là long mạch với nhiều chi giang đổ vào. Mỗi chi giang lại được xem là chi long mạch hợp vào long tổ. Xét về nghĩa ấy yếu tố tự nhiên, nó thật sự là vùng đất đúng nghĩa “rồng chầu rắn cuốn”, bức tranh muốn thể hiện sự uy lực của một vùng đất hiểm yếu và sự bền vững của tòa thành này.
3. Namazu (Chùa Cầu – Hội An)
Cảm hứng: Ở cảng thị Hội An ngày xưa cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là Con Cù, người Nhật gọi là Namazu, người Hoa gọi là Câu Long. Đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe ở Hội An. Theo thần thoại Nhật Bản, Namazu là một con cá trê khổng lồ. Mỗi khi con thuỷ quái đó di chuyển, quẫy mình thì khiến trái đất rung chuyển, nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người dân được bình yên làm ăn buôn bán.
4. Gốm Trời (Tháp Chàm – Tháp Po Klong Garai – Ninh Thuận)
Cảm hứng: Do điều kiện khí hậu khô và nóng, nên ngoài nông nghiệp ra, người Chăm ở Nam Trung Bộ còn phát triển mạnh nghề gốm và nghề dệt. Bức tranh cũng được lấy ý tưởng chính từ những làng nghề này. Những sợi chỉ dệt nên những khung cảnh như đất gốm, được mặt trời nung nấu tạo nên một văn hoá bản địa đặc trưng.
5. Như Nguyệt (Đình So – Hà Nội)
Cảm hứng: Bức tranh lấy cảm hứng từ kiến trúc đình So hoà hợp cùng với thiên nhiên. Đình So càng trở nên trầm mặc, uy nghi hơn khi màn đêm buông xuống – lúc con người không còn hiện hữu, nhường lại không gian riêng cho cảnh vật và đất trời. Bóng trăng trên cao rọi sáng chiếu soi xuống Đình So, tô thêm vẻ đẹp cho nơi đây, rực lên một trang sử hào hùng của các anh hùng thời kỳ lập nước.
6. Duyên (Tháp Phước Duyên – Chùa Thiên Mụ)
Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Từ xa có thể nhìn thấy ngôi tháp bảy tầng vươn cao trên đỉnh đồi Hà Khê bên sông Hương. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật, bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng, nơi trước đây có thờ tượng Phật bằng vàng.
7. Son (Thành Cổ Loa – Hà Nội)
Bên cạnh yếu tố lịch sử, thành Cổ Loa luôn gắn liền với câu chuyện Trọng Thuỷ – Mỵ Châu với một niềm sắc son, chung thuỷ của người con gái Việt. Bức tranh SON muốn lột tả góc độ đó của câu chuyện, hình ảnh lông ngỗng bồng bềnh như mây cùng bầu trời như ngàn mũi tên bay tạo nên vẻ đẹp vừa sắc vừa nhẹ.
8. Ngọc (Tòa Minh Lâu – Lăng Minh Mạn)
Cảm hứng:
“ Long lanh ngọc đính trên sa
Thảnh thơi một mái khuất xa thị thành
Thú vui cao sĩ ẩn mình
Nằm trong mây khói bồng bềnh khói thu.”
(Hoàng Phủ Ngọc Tường, dịch)
Tòa Minh Lâu nằm trong tổng thể kiến trúc Lăng Minh Mạng với 17 bậc thềm đá Thanh dẫn vào khoảng trời xanh mát bóng cây và ngát thơm mùi hoa dại. Bức tranh chọn góc nhìn u tịch với chiếc vòm bao trùm, ở giữa có một điểm sáng là Tòa Minh Lâu với phía sau là vải rồng xanh đen tể hiện sự bí bách, thương tiếc nhưng không quên lột tả sự uy nghi, vĩ đại của một đức vua đã băng hà.
9. Cao Sơn Cảnh Hành (Cổng Đền Hùng)
Cảm hứng: Bức tranh là toàn cảnh cổng Đền Hùng được đặt trong không gian rực rỡ. Bên trên là ánh sáng chiếu rọi từ mặt trời, lấy hình ảnh từ chiếc trống đồng Đông Sơn, một biểu tượng văn hoá cũng như minh chứng khẳng định tính lịch sử của huyền thoại các vua Hùng. Mặt đất là cánh đồng xanh mượt, đại diện cho nền văn minh lúa nước, cũng là niềm tự hào của người Việt Nam. Bao nhiêu thế kỷ trôi qua, con người và cây lúa luôn gắn bó bền chặt: từng giọt mồ hôi của người nông dân rơi xuống ruộng, thấm vào đất để sinh ra những hạt gạo trắng nuôi dưỡng nhân dân.
10. Yàng (Nhà Rông – Tây Nguyên)
Trong văn hoá của tất cả các dân tộc Tây Nguyên, mọi hoạt động sinh hoạt cộng đồng đều mang hình ảnh đường tròn. Từ lễ hội đâm trâu, hoạt động cúng tế thần linh, cầu mùa màng, sinh hoạt… cho đến hình ảnh đặc trưng văn hoá cồng chiêng cũng sử dụng hình tròn. Bức tranh lấy cảm hứng từ vòng tròn đó. Nơi nhà Rông dưới mây cuộn vòng ánh lên màu kim loại tạo nên sức ảnh hưởng, vẻ đẹp và sự bền bỉ của văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên.
11. Quy (Tháp Rùa – Hà Nội)
Nhắc đến Hồ Gươm, Hà Nội không thể không nhắc đến Tháp Rùa – biểu tượng của thủ đô ngàn năm văn hiến. Kiến trúc của công trình này tuy nhỏ nhưng ẩn chứa ý nghĩa lịch sử, dấu tích vượt thời gian mà không nơi nào có thể thay thế được.
12. Sao (Chùa Ngọc – Tam Chúc – Hà Nam)
Cảm hứng: Giữa không gian thiên nhiên hùng vĩ ấy, Chùa Ngọc hiện lên như ngôi sao sáng giữa nơi đất trời hội tụ, con người và cảnh sắc hài hoà làm một, chốn linh thiêng, thanh tịnh. Bồng lai tiên cảnh giữa trần gian. Ngôi chùa như một đàn tế trời để cảm tạ sự ưu ái mà thiên nhiên đã dành tặng cho con người.
Biên tập: Midori
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. 4 xu hướng minh họa lý tưởng cho dự án tiếp theo của bạn
- 2. Cảm hứng thiết kế kỳ 33
- 3. Phỏng vấn Yuko Shimizu: “Cạnh tranh xấu xí chỉ xảy ra khi mọi người làm những điều tương tự nhau”
- 4. Vẻ đẹp đặc trưng của từng công viên Quốc gia qua loạt hình minh họa của Trey Ingram
- 5. Thông điệp bảo vệ đa dạng sinh học từ những chiếc poster của Rui Ma