Series 19 Nguyên Tắc Tâm Lý Học Người Dùng (Phần 4)

Một sản phẩm dành cho người dùng không những cần được chăm chút kỹ lưỡng về mặt thẩm mỹ bên ngoài (UI—User Interface), mà còn là sự tính toán khôn khéo trong từng trải nghiệm nhỏ nhặt nhất (UX—User Experience).


Chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, UI/UX là một cụm từ rất quen thuộc và phổ biến mà chắc chắn bạn sẽ gặp phải khi bắt đầu tìm hiểu trong lĩnh vực thiết kế giao diện. Cùng với sự phát triển thần kỳ và tốc độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, con người hiện đang dành rất nhiều thời gian để giao tiếp với các thiết bị máy móc như điện thoại (smartphone), máy tính bảng (tablet), laptop, PC, TV thông minh (smart TV)… và sắp tới sẽ là các loại kính thông minh (Google Glass), VR (Hololens), tủ lạnh, máy giặt… Vậy nên trong tương lai, UI/UX sẽ là một ngành nghề có rất nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển.

Vì đối tượng sử dụng chủ yếu và duy nhất ở đây là con người, cách tốt nhất để tạo ra trải nghiệm mượt mà là thấu hiểu sâu sắc các thói quen sử dụng, sở thích và xu hướng hành vi của người dùng. Hay nói cách khác, phải nắm bắt được tâm lý và mong muốn của khách hàng, thì chúng ta mới có thể giúp họ giải quyết được đúng vấn đề.

Hôm nay, chuỗi bài mà iDesign muốn giới thiệu đến các bạn bao gồm 19 nguyên tắc tâm lý học, được tổng hợp bởi Jon Yablonski – người đã sáng lập nên Law of UX và Human by Design vô cùng nổi tiếng, cộng thêm một số nguồn tham khảo chính như: Nielsen Norman GroupMedium. Các nguyên tắc tâm lý học (bao gồm cả các định luật Gestalt) sẽ được mổ xẻ và phân tích dưới góc nhìn chuyên môn trong lĩnh vực UI/UX, bên cạnh những ví dụ minh hoạ trực quan dễ hiểu, hy vọng sẽ mang đến cho bạn các giá trị kiến thức nền tảng và tổng quát nhất trên con đường phát triển sự nghiệp UI/UX.

Phần 4 của chuỗi bài viết sẽ bao gồm 4 nguyên tắc cuối cùng sau:

  • Hiệu Ứng Khoảng Cách (Serial Position Effect)
  • Định luật Tesler
  • Hiệu ứng Von Restorff
  • Hiệu ứng Zeigarnik

16/19 – Hiệu Ứng Khoảng Cách (Serial Position Effect)

Nên đặt những phần thông tin ít quan trọng nhất nằm ở giữa, vì ở vị trí đầu và vị trí cuối con người thường có xu hướng ghi nhớ lâu dài hơn.


Không phải tự nhiên mà ta rất dễ ghi nhớ dãy ABC, XYZ trong bảng chữ cái, còn dãy nằm giữa hầu như không mấy người nhớ được chính xác. Hermann Ebbinghaus, là một nhà Vật lý học người Đức tiên phong trong nghiên cứu thực nghiệm về trí nhớ, với học thuyết hiệu ứng khoảng cách (serial position effect), ông phát hiện rằng việc sắp xếp thứ tự các mục thông tin cũng tạo nên sự ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ghi nhớ của con người.

Nói rõ hơn, trong học thuyết của Hermann Ebbinghaus còn có hai khái niệm đi kèm theo, một là“hiệu ứng thiên kiến” (còn gọi là “tác động đầu tiên”Primacy Effect), nghĩa là các ấn tượng ban đầu dễ dàng khiến con người dựa vào đó mà ghi nhớ, thứ hai là recency effect (tạm dịch “tác động gần đây”), chỉ những thứ mới vừa xảy ra tức thì, cũng khiến con người ta khó quên. Hay nói cách khác, khoảng thông tin ở giữa sự kiện dường như rất dễ bị trôi vào quên lãng.

Trong thiết kế giao diện, hãy chú ý đến các vị trí góc trái và phải trên màn hình, vì tại những vị trí này người dùng dễ ghi nhớ thao tác. Hầu hết các ứng dụng đều đặt vị trí mục ‘Home’ và ‘Profile’ nằm ở đầu và cuối danh sách.

Masudur Rahman

Còn tuỳ chọn ‘Signout’ cũng rất thường thấy khi đặt ở vị trí cuối menu dropdown.

 Udara

17/19 – Định luật Tesler

Sự phức tạp từ phía người dùng sẽ chuyển thành sự phức tạp của đội ngũ phát triển, nếu chúng ta không nhận định được mức giới hạn của hệ thống máy móc.


Giữa những năm 1980, trong khoảng thời gian khi làm việc tại Xerox PARC, Larry Tesler đã nhận ra một điều, chú ý đến sự tương tác giữa con người và máy móc tất nhiên là điều quan trọng, nhưng cách thức mà giữa các hệ thống tương tác với nhau cũng quan trọng không kém.

Trong một cuốn sách mang tên ‘Designing for Interaction’ (Tạm dịch: ‘Thiết kế để tương tác’), có đăng một đoạn phỏng vấn của Larry Tesler, khi ông lần đầu đề cập đến Định luật bảo toàn sự phức tạp (Law of conservation of complexity). Đối với ông, mỗi hệ thống máy móc đều tồn tại một mức độ phức tạp nhất định, và không thể cắt giảm thêm. Hay nói cách khác, sự phức tạp từ phía người dùng sẽ chuyển thành sự phức tạp của đội ngũ phát triển, nếu chúng ta không nhận định được mức giới hạn của hệ thống máy móc.

Tập trung vào trải nghiệm người dùng và cắt giảm đi những thứ phức tạp là điều đúng đắn nên làm. Nhưng nên nhớ mọi thứ đều có những rào cản nhất định và cần thời gian dài để phát triển theo hướng tiện lợi hơn. Ngay bây giờ, bạn không thể đòi hỏi hệ thống điều khiển máy bay khiến bạn dễ học hỏi và làm quen như lái xe máy được.

Two Pilots Sitting Inside Plane

Hãy mang đến sự đơn giản cho cả đôi bên, phía người dùng và phía đội ngũ phát triển sản phẩm. Đôi khi để hệ thống làm việc hiệu quả và đầy đủ các chức năng cần thiết, cần phải để người dùng chịu một ít khó khăn. Vì vậy, nếu bạn đang là một nhà phát triển sản phẩm, hãy cố gắng giữ mọi thứ ở mức cân bằng, và ứng dụng phương châm tối giản vào tuỳ trường hợp cho phép.


18/19 – Hiệu ứng Von Restorff

Để những phần thông tin quan trọng thu hút ánh nhìn và sự chú ý từ phía khách hàng.


Vào năm 1933, nhà tâm lí học Hewig Von Restorff công bố một nghiên cứu tiết lộ rằng chúng ta có thiên hướng ghi nhớ một thông tin trong một danh sách nếu nó khác biệt và nổi bật. Chẳng hạn, nếu bạn có một danh sách chứa các dãy số, và có một chữ cái ở giữa, thì khả năng cao là bạn sẽ nhớ chữ cái đó – đơn giản vì nó khác với tất cả những thông tin còn lại trên danh sách. Hiện tượng này được gọi là Hiệu ứng Von Restorff.

Còn được biết với một cái tên khác hiệu ứng cô lập (Isolation Effect), giữa đám đông mọi người sẽ có ấn tượng sâu sắc đối với các hình ảnh lập dị, đặc biệt hay khác thường. Bạn muốn làm người dùng nhớ nhất hình ảnh nào khi sử dụng sản phẩm của bạn? Đơn giản thôi, làm chúng trở nên nổi bật so với phần còn lại trong thiết kế.

 Luke Pachytel

Đó là lý do tại sao mà các nút CTA (Call-to-action) cần được thiết kế để người dùng nhận ra ngay, và không phải mất công tìm kiếm. Bằng việc vận dụng hiệu ứng này, ta có thể để những phần thông tin quan trọng nhất thu hút ánh nhìn và chiếm lấy sự chú ý từ phía khách hàng.

Anton Mikhaltsov

19/19 – Hiệu ứng Zeigarnik

Những việc làm khi còn đang dang dở sẽ khiến chúng “dính chặt” trong đầu hơn là sau khi đã hoàn thành.


Khi mọi người bắt đầu bất cứ việc gì, họ sẽ có khuynh hướng cố gắng hoàn thành cho xong thì thôi. Một khi bạn đã quyết định bước những bước đầu tiên, sẽ có điều gì đó thôi thúc bạn làm đến cùng.

Bluma Wulfovna Zeigarnik (1900-1988) là một nhà tâm lý học người Liên Xô, vào những năm thập niên 1920, khi cô bắt đầu đăng tải một học thuyết mô tả sự tác động của trí nhớ bởi những công việc đang thực hiện và sau khi hoàn thành chúng. Cô thấy rằng, những việc làm khi còn đang dang dở sẽ khiến chúng “dính chặt” trong đầu hơn là sau khi đã hoàn thành.

James G

Câu chuyện bắt nguồn từ việc trong lúc quan sát các những người tạp vụ trong một quán ăn, Zeigarnik đã nhận ra một điều kì lạ, khi thấy đa số họ có khả năng ghi nhớ những đơn đặt món dài và phức tạp rất lâu. Tuy nhiên khi phục vụ xong, họ hoàn toàn quên sạch những yêu cầu đó. Những đơn hàng đang phục vụ dang dở dường như “gắn chặt” trong não của những người phục vụ cho đến khi họ hoàn thành xong.

 Gal Shir

Hiệu ứng này được xem như là một giải pháp rất hiệu quả để giảm thiểu sự trì hoãn của người dùng. Như các bạn cũng thường thấy trong các nền tảng học trực tuyến như Duolingo, Udemy, Skillshare, Coursera…, họ thường khuyến khích và tạo động lực cho người học bằng cách đưa ra các thanh tiến trình (progress bar), làm người dùng có cảm giác phải hoàn thành cho xong.

Duolingo
Udemy

Không riêng gì trong lĩnh vực thiết kế, mà hiệu ứng Zeigarnik còn xuất hiện ở khắp mọi nơi trong đời sống, như khi vừa mới bước ra khỏi phòng thi, thì lượng kiến thức cũng bay sạch ra khỏi đầu. Hoặc ví dụ trong chuyện tình cảm, mọi người thường nhớ mãi một mối tình dang dở không thành trong quá khứ (“tình cũ khó quên”), hay các tập phim truyền hình thường kết thúc ở ngay giai đoạn cao trào nhằm tạo cho người xem tâm lý chờ đợi và háo hức để tiếp tục xem những tập tiếp theo.

(Hết)

Biên tập: Đông Đông

Cùng tác giả

#Tag

series 19 nguyên tắc tâm lý học tâm lý học người dùng tâm lý học thiết kế

iDesign Must-try

Mối tương quan giữa Nghệ thuật vs Tâm lý - (Phần 3)
Mối tương quan giữa Nghệ thuật vs Tâm lý - (Phần 3)
Dữ liệu thu thập được cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử, nghệ thuật là một công cụ hữu ích trong giáo dục, giúp củng cố tinh thần và…
Mối tương quan giữa Nghệ thuật và Tâm lý - (Phần 2)
Mối tương quan giữa Nghệ thuật và Tâm lý - (Phần 2)
Sự phát triển của tâm lý học nghệ thuật từ những năm 1950 đến 1970 đồng hành cùng sự phát triển của nghệ thuật trong suốt chiều dài lịch sử.…
Mối tương quan giữa Nghệ thuật và Tâm lý - (Phần 1)
Mối tương quan giữa Nghệ thuật và Tâm lý - (Phần 1)
Nghệ thuật là một trong những phương tiện quan trọng giúp phát triển trí tưởng tượng và xây dựng tiềm lực cho khả năng sáng tạo. Tâm lý học là…
Cùng chuyên gia Maximiliano Cabrera tìm hiểu 15 nguyên tắc mọi nhà thiết kế UI/UX nên biết
Cùng chuyên gia Maximiliano Cabrera tìm hiểu 15 nguyên tắc mọi nhà thiết kế UI/UX nên biết
Trong bài viết này, nhà thiết kế UX – Maximiliano Cabrera sẽ phân tích các nguyên tắc thiết kế quan trọng nhất cũng như các thiên kiến nhận thức (cognitive…
7 hiện tượng tâm lý người dùng trong thiết kế UX
7 hiện tượng tâm lý người dùng trong thiết kế UX
Đừng trở nên xấu xa và lạm dụng tâm lý học để thao túng người dùng cuối của bạn. Khi nhìn vào meme thú vị này, bạn có tự hỏi…
Checklist các câu hỏi giúp nhà thiết kế website kiểm tra sản phẩm của mình
Checklist các câu hỏi giúp nhà thiết kế website kiểm tra sản phẩm của mình
Là một nhà thiết kế sản phẩm, chúng ta nên biết một điều quan trọng rằng thiết kế chỉ là một bước trong quá trình phát triển sản phẩm. Thiết kế của…