Khám phá quy trình làm phim stop motion qua tác phẩm điện ảnh Coraline

Theo Laika Studio, có khoảng 35 animator đã tham gia vào dự án làm phim Coraline. Trung bình mỗi tuần, một người sẽ quay được khoảng 2 – 7 giây, và cả đoàn sẽ có tầm 90 – 100 giây của bộ phim sau 7 ngày lao động không ngừng nghỉ. Một công việc thực sự đáng nể!

Đôi nét về tác phẩm Coraline và kỹ thuật làm phim stop motion

Coraline chắc hẳn là cái tên không mấy xa lạ với những “fan cứng” của thể loại phim hoạt hình stop motion. Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh Neil Gaiman, bộ phim kể về “chuyến thám hiểm” của Coraline tại ngôi nhà mới. Một ngày nọ, cô bé phát hiện ra cánh cửa bí ẩn mở ra thế giới khác, nơi có cha, mẹ và những người hàng xóm quen thuộc nhưng đôi mắt lại được đơm bằng nút áo. Cũng từ đây, hàng loạt sự kiện ly kỳ, có phần rùng rợn đã xảy đến với cô bé.

Một poster của bộ phim (Nguồn: Laika)

Có thể nói rằng, chính cốt truyện hấp dẫn, đan xen những tình tiết kinh dị của cuốn tiểu thuyết đã khiến đạo diễn Henry Selick quyết định bắt tay vào thực hiện dự án này. Coraline được xưởng phim Laika sản xuất dưới dạng hoạt hình stop motion, cũng là kỹ thuật làm phim tương đối lâu đời của lịch sử điện ảnh. Theo đó, người ta sẽ chụp từng khung hình (trung bình khoảng 24 tấm ảnh cho mỗi giây của phim), sau đó từ từ di chuyển nhân vật và bối cảnh xung quanh, rồi lại chụp tiếp khung hình mới. Quá trình này lặp đi lặp lại khiến cho người xem có cảm giác như mọi thứ đang thực sự chuyển động đằng sau ống kính.

Quy trình làm phim stop motion được triển khai như thế nào trong Coraline?

Như thường lệ, quy trình làm một bộ phim hoạt hình stop motion sẽ bao gồm 3 giai đoạn chính, đó là: Chuẩn bị sản xuất (Pre-production), quay phim (Production) và hậu kỳ (Post-production). Thông qua tác phẩm Coraline, chúng ta sẽ cùng khám phá cách những nhà làm phim sản xuất một bộ phim stop motion, từ lúc thai nghén ý tưởng cho đến khi chính thức ra mắt khán giả.

Giai đoạn chuẩn bị sản xuất

Xây dựng kịch bản là bước đầu tiên trong quá trình sản xuất bộ phim. Đối với Coraline, đạo diễn Henry Selick đã có cơ hội gặp gỡ và bàn bạc với tác giả Neil Gaiman trước khi cuốn tiểu thuyết được phát hành. Neil Gaiman từng chia sẻ rằng nếu đạo diễn làm phim dựa trên nguyên tác thì có lẽ Coraline sẽ chỉ kéo dài vỏn vẹn 47 phút. Vì vậy nên khi xây dựng kịch bản, đạo diễn Henry Selick đã thêm thắt, mở rộng một số chi tiết để câu chuyện trở nên hoàn thiện hơn. So với tiểu thuyết gốc thì người mẹ ở thế giới song song (Other Mother) có phần hài hước, xinh đẹp và ấm áp hơn trong những phân cảnh gặp gỡ đầu tiên với Coraline. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhân vật Wybie – cháu người chủ biệt thự – cũng giúp cho Coraline có thể chia sẻ nhiều hơn suy nghĩ của mình, thay vì độc thoại trong phần lớn cốt truyện gốc.

Коралина в Стране Кошмаров (6+)AVI - фото со съёмок фильма
Tác giả Neil Gaiman (trái) và đạo diễn Henry Selick (phải) trong quá trình thảo luận về bộ phim (Nguồn: Archives du 7e Art)

Sau khi hoàn thiện kịch bản, các họa sĩ sẽ tiến hành vẽ storyboard để có được cái nhìn cụ thể hơn về quá trình sản xuất tiếp theo. Storyboard càng chi tiết và hoàn chỉnh bao nhiêu thì việc quay phim sẽ càng dễ dàng và thuận lợi bấy nhiêu.

Storyboard và phân cảnh hoàn thiện một trích đoạn trong phim (Nguồn: Facebook Coraline)

Về phần xây dựng hình ảnh của bộ phim, đạo diễn Henry Selick đã lựa chọn họa sĩ minh họa người Nhật Tadahiro Uesugi là người phác thảo và đưa ra những ý tưởng chủ đạo cho tác phẩm. Việc Uesugi sử dụng bảng màu khá buồn tẻ trong thế giới thực đối lập với sắc màu tươi tắn, rực rỡ ở thế giới song song (Other World) đã khơi gợi nguồn cảm hứng lớn cho các nhà làm phim.

Còn đối với quá trình thiết kế nhân vật, các họa sĩ đã tốn khá nhiều thời gian để sáng tạo nên hình ảnh cô bé Coraline. Vô số bản phác họa đã được tạo ra để tìm kiếm lựa chọn thích hợp nhất cho tác phẩm.

Quá trình quay phim

Bước sang giai đoạn quay phim, nhà sản xuất sẽ tiến hành thu âm lời thoại của các nhân vật trước. Trong phim, diễn viên nhí Dakota Fanning đảm nhận vai trò lồng tiếng cho cô bé Coraline, Teri Hatcher vào vai người mẹ ở thế giới thực và thế giới song song trong khi John Hodgman lồng tiếng cho người bố ở cả hai thế giới. Nữ diễn viên Jennifer Saunders và Dawn French lần lượt vào vai quý bà April Spink và Miriam Forcible, Wybie do Robert Bailey Jr. đảm nhận, còn diễn viên McShane lồng tiếng cho nhân vật Mr. Bobinsky. Tất cả các diễn viên đều thu âm dưới sự chỉ đạo tỉ mỉ của đạo diễn Henry Selick. Ông là người trực tiếp đưa ra hướng dẫn, minh họa và tạo cảm hứng để mọi người có thể phát huy tối đa khả năng lồng thoại của bản thân.

Tiếp đến là quá trình tạo hình những con rối – cũng là nhân vật chính của mọi bộ phim hoạt hình stop motion. Từ “bộ xương” bằng thép và silicone phủ bên ngoài, người ta sáng tạo ra những con rối sao cho mọi bộ phận đều có thể chuyển động linh hoạt trước ống kính máy quay. Để giải quyết vấn đề biểu cảm của nhân vật, đoàn làm phim nghĩ ra cách “chia đôi” gương mặt của mỗi con rối thành hai phần – phần phía trên và phía dưới đôi mắt. Theo đó, khi ghép các bộ phận mắt, miệng và lông mày tương ứng, chúng ta sẽ thu được vô số biểu cảm gương mặt theo yêu cầu của từng phân cảnh. Xưởng phim Laika đã tạo ra khoảng 15.000 biểu cảm gương mặt khác nhau cho các nhân vật, trong đó, riêng Coraline đã chiếm tới 6.300. Một lưu ý nhỏ là tất cả các chi tiết kể trên đều được làm thủ công và sơn tay tỉ mỉ từng chút một.

Bên cạnh nhiệm vụ tạo hình nhân vật thì chuẩn bị phục trang cũng là một thử thách lớn với đoàn làm phim. Từng đường kim, mũi chỉ, từng chiếc nút áo, zipper… đều phải có tỷ lệ tương thích với chiều cao chừng hơn một gang tay của mỗi con rối. Bởi vậy nên tất cả phục trang trong phim đều được làm thủ công với mức độ hoàn thiện cực kỳ đáng nể. Deborah Cook, người phụ trách thiết kế trang phục chia sẻ rằng, riêng bộ pijama màu cam chấm bi của cô bé Coraline đã có tới 45 phiên bản khác nhau, tất cả đều được may bằng tay để phục vụ cho từng set quay cụ thể.

Không có mô tả ảnh.
Phục trang cho các nhân vật trong Coraline (Nguồn: Facebook Coraline)

Song song với quá trình tạo hình con rối, đoàn làm phim cũng bắt tay ngay vào việc xây dựng bối cảnh mà đạo diễn yêu cầu. Để hoàn thành tác phẩm điện ảnh này, người ta đã tạo ra khoảng 150 set quay khác nhau trong một xưởng phim có diện tích xấp xỉ 13.000 mét vuông. Với những bối cảnh yêu cầu chuyển động như Khu vườn diệu kỳ (Fantasic garden), nhiệm vụ của đạo diễn nghệ thuật Matt Sanders là phải đảm bảo sao cho từng nhành cây, chiếc lá đều có thể di chuyển sống động như thật.

Sau nhiều công đoạn chuẩn bị tỉ mỉ, các bộ phận chính thức bước vào quá trình quay phim theo kỹ thuật stop motion. Với phim hoạt hình truyền thống, người họa sĩ dùng bút vẽ để “biến hóa” chuyển động nhân vật, sang đến hoạt hình đồ họa vi tính, các phần mềm vẽ 3D trở thành vật bất ly thân với các animator (họa sĩ diễn hoạt). Còn với thể loại phim stop motion, animator được ví von như những “diễn viên chính” thông qua việc điều khiển từng cử động nhỏ của con rối. Như đã nói ở trên, với phim stop motion người ta sẽ chụp 24 tấm ảnh cho mỗi giây để tạo nên ảo giác vật đang chuyển động. Vì vậy sau mỗi lần chụp lại khung hình, animator sẽ phải điều chỉnh các bộ phận như mắt, miệng, lông mày, bàn tay, phục trang, bối cảnh… để phục vụ cho tấm hình tiếp theo.

Ngoài việc đảm bảo con rối có chuyển động linh hoạt, khẩu hình khớp lời thoại thì animator còn cần sáng tạo thêm các cử động của nhân vật cho những thước phim không có lời thoại trong kịch bản. Công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ cùng sự tập trung cao độ trong quá trình quay. Theo nhà sản xuất, có khoảng 35 animator đã tham gia vào dự án làm phim này. Trung bình mỗi tuần, một người sẽ quay được khoảng 2 – 7 giây, và cả đoàn sẽ có tầm 90 – 100 giây của bộ phim sau 7 ngày lao động không ngừng nghỉ. Một công việc thực sự đáng nể!

Xử lý hậu kỳ

Sau khi đóng máy, bộ phim sẽ bước sang giai đoạn xử lý hậu kỳ, bao gồm việc dựng phim, thêm hiệu ứng hình ảnh, âm thanh… Đạo diễn Henry Selick không muốn dựa dẫm quá nhiều vào đồ họa vi tính nên với những hiệu ứng có thể làm thủ công, ông khuyến khích mọi người phát huy tối đa khả năng sáng tạo của bản thân. Điều này có thể thấy rõ nhất trong phân cảnh con búp bê mang hình ảnh cha mẹ Coraline bị đốt cháy trong lò sưởi. Tuy chỉ có thời lượng vỏn vẹn 5 giây nhưng họa sĩ John Allan Armstrong đã mất khoảng 3 – 4 tuần với 1.200 bản vẽ để tạo ra hiệu ứng lửa cháy trông giống thật nhất. Tương tự, trong cảnh Coraline gặp Wybie bên ngoài ngôi nhà mới, nhóm tạo hiệu ứng sương mù gồm Patrick Wass, Peter Vickery và Aidan Fraser đã sử dụng đá khói và kỹ thuật ghép cảnh giúp hiệu ứng trở nên sống động hơn.

Để hoàn thành tác phẩm điện ảnh Coraline, xưởng phim Laika mất tới 4 năm cùng khoảng 500 nhân sự thuộc nhiều lĩnh vực cùng tham gia. Có thể nói rằng, đằng sau những thước phim đẹp mắt, sống động là hàng nghìn giờ lao động miệt mài của những người nghệ sĩ với niềm đam mê bất tận dành cho thể loại phim stop motion.

Hậu trường tác phẩm điện ảnh Coraline (Nguồn: Laika Studios)

Nguồn tham khảo:

  1. https://en.wikipedia.org/wiki/Coraline_(film)
  2. Phim tài liệu: The Making of ‘Coraline’

Cùng tác giả

#Tag

Coraline (2009) Henry Selick Neil Gaiman phim hoạt hình stop motion xưởng phim Laika Đông Đông

iDesign Must-try

Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
“Thiếu Niên Và Chim Diệc” là kết quả 7 năm lao động miệt mài, tỉ mẩn của 60 họa sĩ hoạt hình, với tốc độ hoàn thành trung bình chỉ…
‘Đẹp đến mức khó tin’: Bên trong tài năng của người sáng lập Studio Ghibli kín tiếng - Hayao Miyazaki
‘Đẹp đến mức khó tin’: Bên trong tài năng của người sáng lập Studio Ghibli kín tiếng - Hayao Miyazaki
Bài viết được thực hiện bởi Jyni Ong, thuộc trang tin tức It’s Nice That Từ “thiên tài” chắc chắn đã bị lạm dụng quá mức, nhưng sẽ không ngoa…
Nắng Thuỷ Tinh - MV full stop-motion đầu tiên của Việt Nam
Nắng Thuỷ Tinh - MV full stop-motion đầu tiên của Việt Nam
Nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 83 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ê-kíp phim điện ảnh Em và Trịnh ra mắt MV Nắng thuỷ tinh. Đây là MV…
Nghe Mai Vũ giải mã ‘Spring Roll Dream’ - Dự án hoạt hình stop motion thắng giải truyền cảm hứng tại liên hoan phim Cannes 2022 (Phần 2)
Nghe Mai Vũ giải mã ‘Spring Roll Dream’ - Dự án hoạt hình stop motion thắng giải truyền cảm hứng tại liên hoan phim Cannes 2022 (Phần 2)
Sẽ thật thiếu sót khi nói đến thành công của “Spring Roll Dream” mà không nhắc đến sự đầu tư của Mai Vũ dành cho phần lồng tiếng.  Do quá…
Nghe Mai Vũ giải mã ‘Spring Roll Dream’ - Dự án hoạt hình stop motion thắng giải truyền cảm hứng tại liên hoan phim Cannes 2022 (Phần 1)
Nghe Mai Vũ giải mã ‘Spring Roll Dream’ - Dự án hoạt hình stop motion thắng giải truyền cảm hứng tại liên hoan phim Cannes 2022 (Phần 1)
Ngày 28/5 vừa qua, cộng đồng sáng tạo Việt đã vô cùng tự hào khi hay tin Mai Vũ, đạo diễn phim “Spring Roll Dream” (tạm dịch: Giấc mơ gỏi…
Quảng cáo stop-motion của hãng xe đạp điện Hà Lan khiến những tên trộm phải bối rối với công nghệ chống trộm siêu an toàn
Quảng cáo stop-motion của hãng xe đạp điện Hà Lan khiến những tên trộm phải bối rối với công nghệ chống trộm siêu an toàn
Công ty xe đạp điện tử VanMoof của Hà Lan đã tạo ra công nghệ chống trộm an toàn đến mức ngay cả những tên trộm siêu trộm cũng không…