Sáng Tạo cũng cần có Quy Trình
Sáng tạo bao giờ cũng đến từ sự hiểu biết sâu rộng. Bạn càng ham muốn học hỏi bao nhiêu, sức sáng tạo trong bạn càng được lên tầm.
Mỗi ngày, hầu hết mọi người trong chúng ta đều thực hiện những hành động và suy nghĩ theo lối mòn lâu năm của thói quen. Đi cùng một con đường, ngồi mãi một chiếc ghế thân thuộc, rất khó để làm một hành động gì đó khác đi một chút, và đưa ra những ý tưởng mới lạ hơn so với thường ngày. Bạn có biết sức sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp ta nhìn nhận đúng đắn vấn đề đang mắc phải, dẫn ta đến những góc nhìn mới lạ để giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Đấy là lí do tại sao, mà một quy trình sáng tạo (creative process) cần được mọi người trên mọi lĩnh vực đặc biệt quan tâm đến.
“Sáng tạo không phải là cụm từ chỉ để nói về dân Thiết kế — mà là một phẩm chất vốn có của loài người. Sáng tạo là nền tảng cốt lõi cho sự đổi mới, là kĩ năng cần được phát triển một cách nghiêm túc”
Với đại đa số, không một ai dành dụm chút ít thời gian để suy ngẫm về quy trình làm việc hàng ngày ra sao. Nếu chịu tìm tòi, chắc chắn mỗi người rồi cũng sẽ tìm được cho mình một quy trình phù hợp với bản thân.
Đã gọi là sáng tạo thì không nên có bất kì khuôn mẫu hay sự bó buộc nào. Mỗi người đều có những ý tưởng, quy trình phù hợp nhất cho bản thân. Bài viết ngày hôm nay với hy vọng chia sẻ, gợi ý cho bạn, quy trình (gồm 4 bước) mà tôi cảm thấy phù hợp nhất đối với tôi. Bài viết này được xem như là bước khởi đầu giúp bạn chú ý hơn về quy trình làm việc của bản thân, để từ đó phát triển và cải tiến lại cho riêng mình.
1. Nghiên cứu, thu thập thông tin, tạo bản tóm tắt công việc (brief) và xác định mục tiêu
Bản thân tôi là một designer, và trước khi bắt đầu bất cứ một dự án nào đi chăng nữa, khoảng thời gian dùng để tìm hiểu, thu thập kiến thức và thông tin liên quan xoay quanh chủ đề dự án là rất quan trọng. Vì vậy tôi có thói quen, ghi chú lại tất cả mọi thứ, càng nhiều thông tin đa dạng thì càng tốt.
Khi đã nắm được những thông tin cần thiết, giúp tôi hình dung về công việc sắp tới mình chuẩn bị thực hiện. Tôi bắt đầu chọn lọc ra những tính từ (adjective) và từ khóa (keyword) phù hợp với mục tiêu của dự án đề ra. Một keyword nên giúp bạn hình dung ra được cảm giác, hay hình ảnh tưởng tượng trong phong cách thiết kế. Lấy ví dụ như keywork “thân thiện”, thì hình ảnh thiết kế nên được bo tròn, ít góc cạnh hoặc dùng tông màu ấm áp chẳng hạn,…). Nói chung một bản brief tốt, là tiền đề giúp bạn hiểu rõ mục tiêu cần đạt được, để từ đó bạn có thể thỏa sức sáng tạo mà không phải lo bị lạc đề.
2. Brainstorm
Cảm hứng, ý tưởng có thể đến từ bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Những đồ vật xung quanh, media, hay thứ gì đó phù hợp với tính từ mà bạn viết ra trong brief. Một trong những việc tôi hay làm nhất là lướt Internet, tìm hiểu và xem qua các dự án đã được thực hiện từ trước để làm nguồn cảm hứng, và cũng xem lại những dự án mình đã từng thực hiện. Tôi cũng có thói quen tải về rất nhiều hình ảnh để làm tư liệu tham khảo.
Việc quan trọng ở bước này là bạn cần học được cách tìm nguồn ý tưởng ở bất cứ nơi đâu. Sau khi cảm thấy đủ, tôi bắt đầu tạo dựng mối liên kết giữa chúng với nhau. Việc này như lắp ráp từng mảnh ghép riêng lẻ để tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh vậy đó.
Đây là giai đoạn chính yếu để sự sáng tạo và những ý tưởng độc đáo nhất xuất hiện. Nếu có một vài ý tưởng “điên rồ” ngoài lề thì cũng là một điều tốt. Tôi thường triển khai nhanh chóng các ý tưởng, xem chúng có khả thi hay không, nếu không thì chuyển sang các ý tưởng khác ngay để đỡ mất thời gian.Với cách làm này, bạn sẽ có được thật nhiều ý tưởng hay ho để chọn ra một cái lý tưởng nhất.
3. Tổ chức kế hoạch – Phác thảo concept
Bước phác thảo (sketching) là bước mà tôi cho là thú vị và hào hứng nhất trong toàn bộ quá trình sáng tạo. Giờ là lúc tôi nhìn lại mối liên hệ giữa các ý tưởng với nhau, và đây cũng là nơi các giải pháp thiết kế được thai ngén. Sketching và wire-framing, cung cấp cho tôi những yếu tố cần thiết, từ đó thực thi những giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Ở đây, điểm nhấn chính của sự sáng tạo chính là tập trung thực hiện các bản sketch với nhiều lần lặp đi lặp lại. Các bản sketch nên ngắn gọn và được thực hiện nhanh chóng, bạn không nên quá chú tâm đến tiểu tiết ở bước này. Vì điều quan trọng là bạn phải thử, phải trải nghiệm với nhiều phương án và phong cách thiết kế khác nhau. Ví dụ như là các kiểu typeface, màu sắc được sử dụng. Tại bước này, tôi cũng quyết định tác phẩm thiết kế của mình sẽ truyền tải thông điệp ra sao, hiệu ứng thị giác mà nó mang lại, hoặc animation sẽ ra như thế nào, và cả những rủi ro tiềm ẩn mà giải pháp có thể mắc phải.
Liên tục thay đổi, xem đi xem lại bản brief ban đầu, hoặc nếu cần có thể bổ sung thêm ý tưởng hay keyword đều được. Bởi dù sao, sáng tạo phải đúng đề, đúng brief thì mới chuyên nghiệp được. Trải qua rất nhiều lần sketching, tôi cuối cùng tìm được cho mình một hướng đi hay ho để áp dụng lên sản phẩm thiết kế.
Hay nói một cách khác dễ hiểu hơn, bạn đã tìm được cho mình một visual language (ngôn ngữ thị giác) giải quyết được nhữg mục tiêu ban đầu đã đề ra. Tôi hiểu rằng có đôi lúc, chỉ mới sketching và wire-framing thôi cũng đã tốn rất nhiều thời gian và công sức rồi. Nhưng điều đó là cần thiết và kết quả cuối cùng rồi sẽ rất xứng đáng!
4. Thực thi (execute) sản phẩm và hoàn thiện thiết kế
Đến lúc này con đường đi đã trở nên rõ ràng và chắc chắn hơn, do đã được thiết lập qua từng bước bước ở phía trên. Theo quan điểm của tôi, không bao giờ bắt tay vào thiết kế khi chưa hình dung được giải pháp cuối cùng sẽ ra sao.
Dĩ nhiên, giờ là lúc bạn chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trên sản phẩm, hoàn thiện chúng để cho ra một thiết kế tối ưu, hoàn mỹ nhất. Và một điều quan trọng nữa, thỉnh thoảng bạn thậm chí phải trở lại bước sketching khi phát hiện điều gì đó không ổn trong lúc thực thi sản phẩm cuối cùng. Tất nhiên là, tôi không khuyên bạn phá vỡ quy trình, hãy thêm vài chỉnh sửa tuy nhỏ nhưng cần thiết để chất lượng sản phẩm thêm phần hoàn thiện.
Lời kết
Có một bài học mà tôi nghiệm ra được trong suốt những năm tháng hành nghề, rằng muốn sáng tạo, bạn phải ‘thinking out of the box’ như mọi người vẫn thường khuyên, cái ‘box’ đấy chính là tâm trí của bạn. Làm một điều gì đó khác đi so với thói quen bản thân hay lề thói bình thường của xã hội, khiến bạn dường như mất đi sự an toàn dễ chịu. Thế nhưng cũng chính sự hiểu biết, nhận thức ấy khiến bạn bị trói buộc mãi ở việc đúng và sai. Suy cho cùng, tất cả tri thức đều là những thứ hình thành từ những trải nghiệm cá nhân hay văn hóa nơi bạn sống.
Vậy quay trở lại câu hỏi, làm thế nào để có thể ‘thinking out of the box’ đây?.
“Theo tôi, chúng ta cần nghĩ xa hơn những định kiến thông thường trong cuộc sống. Ta hãy để cho trí óc nhìn nhận cuộc đời này như những đứa trẻ thơ ngây mà không có chút dè chừng, suy tính. Ta cần tìm kiếm những góc nhìn đa chiều, đừng để bó buộc trong vùng hạn hẹp của tâm trí, mà ở đó chỉ có đúng và sai.”
Người dịch: Đông Đông
Nguồn: blog.prototypr.io