‘Emotion Recovery Project’: Thí nghiệm phục hồi cảm xúc con người ở thì tương lai của Khang Ng.
Ngày 27/06/2058, trích từ bản tin The World Times: “Phòng thí nghiệm THE EMOTION LAB (gọi tắt là T.E.L) được thành lập với mục đích khôi phục lại ‘tài sản’ cảm xúc vô giá mà con người từ lâu đã đánh mất trong thời đại công nghệ phát triển đỉnh cao. Với sự đầu tư hoành tráng và đầy tính nhân văn, dự án này hứa hẹn sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn thay đổi thế giới. Để thực hiện các thử nghiệm biến đổi cảm xúc, T.E.L đã tung ra bộ poster “Emotion Recovery Project” do Khang Ng. thiết kế nhằm kêu gọi các tình nguyện viên tham gia hỗ trợ dự án.”
Một câu chuyện ở thì tương lai nhưng lại mang đậm tính thời sự ở hiện tại được Khang Ng. hiện đang là Midweight Graphic Designer tại JobHopin, xây dựng nên cho dự án “Emotion Recovery Project”. Xuất phát điểm ban đầu của dự án là từ cuộc thi Show It Now năm 2020 với chủ đề “Cảm xúc” do Arena Multimedia tổ chức dành cho những bạn trẻ không chuyên, có niềm đam mê với Vẽ – Nhiếp ảnh – Thiết kế – Video. Với hạng mục “Cảm xúc về tương lai” Khang Ng. đã xuất sắc đạt giải nhất trong đợt 2 của cuộc thi. Tuy nhiên, bởi giới hạn tối đa chỉ 5 tác phẩm trong cùng một hạng mục nên sau khi kết thúc cuộc thi Khang Ng. đã tiếp tục thực hiện thêm để trọn vẹn cả 8 loại cảm xúc cơ bản của con người.
“Mình vốn thích làm các dự án về cộng đồng (nhưng vẫn chưa có cơ hội thực hiện) nên mình muốn dùng chủ đề này để thực hiện một dự án mang tính tác động nhận thức theo một hướng mới hơn là đơn thuần kêu gọi một cách trực tiếp.”
“Emotion Recovery Project” gây ấn tượng thị giác mạnh không chỉ về mặt thị giác mà còn về nội dung truyền tải độc đáo. Phát triển từ ý tưởng cảm xúc tương lai, Khang Ng. đã tự thiết lập thế giới năm 2058 với thực trạng “lệ thuộc” vào công nghệ hiện đại cùng sự tác động tiêu cực của nó đến cảm xúc con người ở thời điểm đó. Đây không chỉ là một giả tưởng có thể sẽ xảy ra ở thì tương lai mà ngay ở thời điểm hiện tại cũng đang có những dấu hiệu manh nha khởi phát.
“Con người dần lệ thuộc quá mức vào công nghệ thông minh khi họ không cần ra khỏi nhà mà vẫn có thể có được những thứ họ muốn, thậm chí không cần phải giao tiếp với mọi người quá nhiều vì đã có robot bầu bạn. Tuy nhiên, thứ đã vô tình mất đi lại chính là ‘cảm xúc’ khi robot khó mà sở hữu được những biểu thị tự nhiên như con người đã từng. Và cũng bởi con người lười gặp mặt nhau, ‘cảm xúc’ cũng dần bị mai một. Tương lai con người bị ‘robot hóa’ có lẽ sẽ không còn xa. Những cảnh báo được đưa ra, những dự án phi lợi nhuận được tiến hành nhằm khôi phục lại những cảm xúc – thứ được xem như tài sản vô giá của người.
Để không gian giả lập của chính mình có tính thuyết phục và rõ nét hơn, Khang Ng. còn nghiên cứu về Tâm lý học và sử dụng lý thuyết “Bánh xe cảm xúc” của Robert Plutchik làm nền tảng chính. Theo lý thuyết của nguyên tắc này, có 8 loại cảm xúc chính làm nền tảng cho 34000 những sắc thái cảm xúc khác nhau mà con người có thể trải nghiệm. Bao gồm: joy (niềm vui), sadness (nỗi buồn), trust (tin tưởng), disgust (ghê tởm), fear (sợ hãi), anger (giận dữ), surprise (ngạc nhiên) và anticipation (mong đợi).
“Mình đã dùng 8 loại cảm xúc cơ bản trong lý thuyết này để làm nền tảng hình thành nên bộ 8 poster miêu tả cảm xúc ấy. Mình đã tìm hiểu về các loại cảm xúc đó là gì, thể hiện qua biểu cảm ra sao… và nghiên cứu cách thể hiện nó làm sao vừa mang dấu ấn cá nhân vừa dễ hiểu.”
Các poster lấy hình tượng “con mắt” làm key visual bởi theo Khang Ng. những cảm xúc của con người hầu hết đều có thể được bộc lộ qua ánh mắt. Các poster đính kèm diễn giải sơ lược về cảm xúc được minh họa với phong cách minh họa 2D flat. Mỗi một poster cảm xúc sẽ được đính kèm logo thể hiện vị trí trên biểu đồ Robert Plutchik. Những font chữ dùng khái quát hóa định nghĩa từng loại cảm xúc trong các poster có sự dung hòa một số yếu tố của 2 phong cách rất trái ngược nhau là Acid Graphic và Minimalism.
Màu sắc đi theo từng loại cảm xúc: tươi sáng, gam màu nóng sẽ dành cho cảm xúc “Joy” (niềm vui); u tối trầm buồn thiên về gam lạnh sẽ dành cho “Sadness” (nỗi buồn); “Anger” (giận dữ) sẽ có các tông màu nóng được sắp xếp cho nổi bật cùng với biểu cảm ánh mắt,… Tất cả các màu dùng trong mỗi poster đều có sự liên kết với từng loại cảm xúc. Thêm vào đó bởi niềm yêu thích dành cho thể loại Abstract Art, nên những “con mắt” được Khang Ng. đặc tả trong “Emotion Recovery Project” còn truyền tải nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào mức độ cảm nhận cá nhân của người xem.
“Emotion Recovery Project” là dự án đầu tiên mà Khang Ng. dùng thử thách bản thân ở lĩnh vực illustration. Trong tương lai, Khang Ng. mong muốn có cơ hội thực hiện các dự án nâng cao nhận thức cộng đồng. Tất nhiên là sẽ mang phong cách tương tự như “Emotion Recovery Project” trong nhưng sẽ phát triển ở một mức cao hơn, mang đậm dấu ấn cá nhân nhiều hơn nữa.
Thưởng thức nhiều hơn các sáng tạo khác của Khang Ng. tại đây
Bài viết: Y.ink
Ảnh do nhân vật cung cấp