Dự án Quốc Tự: Khi con chữ kể câu chuyện nước mình
Với Quốc Tự, mỗi con chữ đều tượng trưng cho một nét văn hóa, một biểu tượng dân tộc. 29 chữ cái được vẽ kỳ công với nhiều phong cách khác nhau là 29 điều thú vị “rất Việt Nam”. Cùng iDesign chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng con chữ cùng câu chuyện mà chúng kể qua dự án Quốc Tự nhé!
Cộng đồng yêu chữ Việt Nam chắc hẳn vẫn còn nhớ về một dự án vô cùng đặc biệt được ra mắt vào năm 2013 mang tên Unlimited Letters. Đây là dự án cộng đồng với sự tham gia của nhiều hoạ sỹ nhằm minh hoạ từng con chữ trong bảng chữ cái tiếng Việt một cách sáng tạo, phá vỡ các quy tắc truyền thống về mẫu chữ cái Latinh. Dự án đã gây được tiếng vang lớn với công chúng lúc bấy giờ. Và một trong những người được truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất có thể kể đến chàng trai trẻ Nguyễn Thế Mạnh.
7 năm sau, cùng ngọn lửa đam mê chữ từ Unlimited Letters, Thế Mạnh viết tiếp sứ mệnh tạo ra sân chơi sáng tạo không giới hạn cho các hoạ sĩ và nhà thiết kế trẻ yêu chữ với dự án Quốc Tự. Với tinh thần không đổi “đến từ sáng tạo và quan điểm cá nhân” đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc, dự án đã nhận được sự đồng ý của 29 hoạ sĩ đến từ cả 3 miền.
“Ở thời điểm lúc đầu khi chỉ còn là ý tưởng, mình có hướng đến một bảng chữ cái mà mỗi chữ cái sẽ mang một hình ảnh của Việt Nam, cụ thể là những hình ảnh xưa cũ từ thế kỷ trước, gắn liền với ký ức tuổi thơ. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc kỹ lại với anh Vinh Vương – đồng tổ chức dự án – những hình ảnh hiện đại hơn, gắn với văn hóa nhiều hơn cũng được chọn lựa. Để thể hiện được tính đa dạng của văn hóa, mình mong muốn đưa vào thật nhiều phương pháp thể hiện mới.” – Thế Mạnh chia sẻ.
Tương đồng với Unlimited Letters, 29 con chữ lại một lần nữa được các nghệ sĩ thể hiện một cách “không giới hạn” để kể câu chuyện độc bản, táo bạo và đậm dấu ấn cá nhân của mình. Tuy vậy, với hơi thở thời đại kết hợp chủ đề văn hoá dân tộc, Quốc Tự vẫn mang những dấu ấn rất riêng.
“Tục Ăn Trầu đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Việt, tuy nhiên, tập tục này đang ngày càng bị mai một theo thời gian. Bằng cách thể hiện dưới hình thức đen trắng, sử dụng đường nét hình học gợi cảm giác kim loại, mình hi vọng sẽ mang đến tinh thần “di sản” cho con chữ. Bởi lẽ, nếu chúng ta không gìn giữ nét văn hoá này, một thời gian không xa, Tục Ăn Trầu sẽ chỉ còn tồn tại trong kí ức của những người lớn tuổi, tranh vẽ hay những trang sách vở mà thôi.” – Hoàng Sym
“Lạc Long Quân có bà vợ trẻ
Nàng Âu Cơ diễm lệ thướt tha
Bà sinh một bọc trứng ngà
Một trăm trứng nở thành ra trăm người
Đi theo cha, năm mươi về tới
Bỏ núi rừng ra mãi Biển Đông
Mẹ cha dòng dõi: tiên, rồng
Như rừng với biển khó lòng cùng nhau”
– Đại Việt Sử Thi – Hồ Đắc Duy
“Từ xưa đến nay, truyền thuyết về Quốc mẫu Âu Cơ mở đầu cho trang sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, vẫn là truyền thuyết in đậm dấu ấn văn hoá và lịch sử của nước Việt Nam. Vì những giá trị quá to lớn ấy, mà câu chuyện tình yêu rất đỗi thường ngày được lồng ghép vào trong đó gần như bị lu mờ. Gặp nhau – Yêu nhau – Giao hoan – Sinh nở – nhưng tình yêu của Âu Cơ và Lạc Long Quân lại như một bức tranh dang dở, vì sau tất cả, không có một cái kết nào cho câu chuyện tình yêu. Dù Lạc Long Quân đã từng thề thốt “Thuỷ hoả tương khắc nhưng âm dương hoà hợp.” nhưng vì vận mệnh, hai giống rồng – tiên vẫn không thể viết trọn câu chuyện tình.
Mình muốn truyền tải về truyền thuyết Quốc Mẫu Âu Cơ một góc nhìn khác hơn, gần gũi hơn, dễ dung nạp và thấu hiểu hơn khi mượn chuyện tình yêu để kể. Ngoài ra để nhấn mạnh vai trò của một người phụ nữ – người mẹ, đoạn giao hoan và đoạn sinh nở là 2 chi tiết ẩn mà mình mong muốn mọi người có thể nhìn thấy. Bên cạnh đó tổng thể bức tranh là sự chia cắt nhưng đối xứng, miêu tả một điều rằng dù phải đối diện với chia ly nhưng những tương đồng về mặt tình cảm vẫn là giá trị hàn gắn và dẫn đường.” – Lan Anh Ng
Khác với các dự án cá nhân, một dự án cộng đồng như Quốc Tự mang đến nhiều góc nhìn, nhiều cá tính nghệ thuật và sự đa dạng trong cách thể hiện tác phẩm. Từ đó, tạo ra sự bất ngờ, thú vị cho người thưởng lãm. Thuyền lớn sóng lớn, để hoàn thành một dự án cộng đồng tất nhiên không phải chuyện dễ dàng. Nhất là khi mỗi nghệ sĩ đều có lịch trình riêng. Thoạt đầu, Quốc Tự được định ngày ra mắt vào dịp Tết Canh Tý do đa phần hình ảnh có liên quan đến Tết. Tuy nhiên, do hơn một nửa số nghệ sĩ tham gia có lịch trình bận rộn thời điểm trước Tết, dự án đã phải hoãn lại đến cuối tháng 02/2020.
Vượt qua khỏi ý tưởng ban đầu là tạo ra một sân chơi nghệ thuật, Quốc Tự với thông điệp rất Việt và nhân văn của mình, đã trở thành một “cuốn truyện” để mỗi nghệ sĩ thể hiện mình. Đồng thời, lan tỏa nhiều hơn góc nhìn cá nhân về văn hóa, cũng như khuyến khích các nghệ sĩ trẻ không nên ngần ngại khai phá nhiều hơn văn hóa dân tộc.
“Đ – Đông Hồ là dòng tranh khắc gỗ dân gian xuất xứ từ làng Đông Hồ, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.
Được lấy cảm hứng từ những sự vật, con vật gần gũi trong đời sống của người dân VN, tranh đông hồ mang đến cho người xem trải nghiệm mộc mạc, chân phương nhưng cũng vô cùng tinh tế và hoa mỹ. Điển hình là các hình ảnh trong “Đám cưới chuột”, “Lợn Đàn”, “Đánh Ghen”, “Hứng dừa”, “Vinh Hoa”…
Dưới góc nhìn của 1 hoạ sỹ thế hệ trẻ, việc khắc hoạ lại nét đẹp văn hoá này quả thực là thử thách. Mình vừa muốn giữ lại nét đẹp nguyên gốc của tranh Đông Hồ, nhưng cũng muốn pha trộn thêm các yếu tố hiện đại hơn giống như phong cách của bản thân.” – Mạnh Hùng
“Em Thúy – Là một bức tranh do cố Họa sĩ Trần Văn Cẩn thể hiện vào năm 1943, bức tranh đơn giản đầy tinh tế, truyền tải đầy sự hồn nhiên trong sáng của em.
Đến với dự án lần này – chữ E mình muốn sử dụng phong thái hiện đại khỏe khoắn kết hợp với những họa tiết đơn giản để mô tả những hình tượng mang tính biểu tượng của Hà Nội – Chủ để Em Thúy mình mong mong muốn gửi gắm chút cũ Hà Nội những năm 1943 và pha lẫn chút mới của xu hướng hiện tại để mang lại sự gần gũi đến với mọi người.” – Hoàng Tâm
“Mình nhận chữ Ê và có 3 phần hình ảnh cần thể hiện: chữ Ê, con ếch và Sài Gòn. Mình nghĩ về một chú ếch mắc kẹt ở thành phố khá hỗn độn (cách mình cảm nhận về Sài Gòn). Mình chuyển từ màu tường vàng lúc phác thảo ban đầu vốn quen thuộc khi thể hiện VN thành tông màu dựa theo ảnh film mình chụp như một lăng kính nhìn khác với mình.” – Nguyễn Tất Sỹ
“Ngay khi nhận làm chữ H, trong đầu tôi đã nghĩ ngay tới cụm từ Hoa văn, Họa tiết. Theo dòng lịch sử, Mỹ thuật Việt Nam gắn liền với tôn giáo, với những mái đình, mái chùa cổ kính. Tôi đã sử dụng hai yếu tố họa tiết là dạng chữ cổ điển Fraktur và hoa văn trang trí song long hí châu (đôi rồng đùa ngọc) trên cửa cùa chùa Keo – Một trong những bảo vật quốc gia. Hy vọng với dự án này mọi người sẽ có cái nhìn đầy thiện cảm về các con chữ và lịch sử hơn nữa.” – Đỗ Thế Thành
“Chữ cái I trong bảng chữ cái tiếng Việt ngay lập tức gợi ra trong đầu hình ảnh của cây cột điện, nhưng mỗi bậc thang của cây cột điện lại nhắc nhớ về hình ảnh của một dãy nhà tập thể bao cấp cao tầng, cùng với sự xộc xệch, cắt xẻ trong kết cấu cũng như quy hoạch do chính các đường điện và cột điện mọc lung tung gây ra.” – Nguyễn Thế Mạnh
“Mình muốn mô tả lại texture KH.C.B.TÔNG của đời sống hiện đại Việt Nam, bên cạnh đó mình sử dụng màu sắc/crack texture để mô tả lại chất liệu của xi măng, mình làm bằng lưới Isometric.” – Nhật Ánh
“Tôi đã khai thác hình ảnh Lân thời Lê qua một cách thể hiện mang tính đương đại vuông cứng hơn bằng cách xếp từng ô Lego để thể hiện tác phẩm này. Một hình ảnh từ quá khứ mềm mại uyển chuyển đối với thô cứng của hiện đại qua một mặt gương. Một góc nhìn khác với cùng một sự vật qua thời điểm khác nhau, vẫn là lân mà không phải là lân.” – Đỗ Giáp Nhất
Để khắc họa chữ cái “M”, mình đã sử dụng hình ảnh nhân vật rối tiên nữ làm chủ đạo, trên nền chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam quen thuộc mà cụ thể ở đây là loại hình nghệ thuật múa rối nước – một nét đẹp truyền thống, giản dị nhưng vô cùng đặc sắc và tinh tế.” – Trịnh Hoàng Khả Ly
“Chữ N của mình khắc họa lại cuộc sống các khu tập thể cũ ở Hà Nội. Không thể phủ nhận sự thật là các khu nhà này đã cũ, xuống cấp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cũng như bất tiện cho cư dân. Nhưng với mình, những bức tường cũ bong tróc, những chiếc điều hòa đủ kích cỡ, những “chuồng cọp” nhô ra thụt vào muôn hình muôn vẻ, những cây lá xanh rì nhô ra từ khắp ngõ ngách…khiến cho các khu tập thể cũ giống như các thực thể sống, không ngừng vận động và thay đổi. Giống như một bản nhạc giao hưởng hỗn loạn nhưng có sức quyến rũ đặc trưng.” – Nguyễn Minh Ngọc
“Được chọn trúng làm về văn hóa của người Khmer-một đề tài khá lạ lẫm so với mình nên tác phẩm vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng mình cũng rất vui vì dự án đem lại cho mình một sự thách thức và có cơ hội để bản thân tìm tòi, khai thác về một văn hóa mà mình chưa từng biết đến. Mong rằng tác phẩm của mình ít nhiều sẽ là một điều ý nghĩa trong dự án để củng cố văn hóa nước nhà, xin cảm ơn mọi người.” – Nhi Hee
“Việc Cá Ông (Cá Voi) được ghi nhận nhiều lần đưa thuyền ngư dân vào bờ lúc giông to gió lớn nên được người dân xem như là một vị thần hộ mệnh cho cư dân vùng biển. Tín ngưỡng thờ Cá Ông hình thành để cầu yên cho các ngư dân ra khơi đánh cá và mong được mẻ cá lớn. Lấy cảm hứng từ tranh Làng Sình ở Huế, mình muốn truyền tải đến người xem nét văn hoá của vùng duyên hải miền trung và các tỉnh ven biển phía Nam Việt Nam.” – Trịnh Lâm Bảo Thắng
“Ầu ơ ( À ơi)… Con cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…”
Chữ Ơ trong những câu “ầu ơ”- những câu hát ru ơi à!
“Thế hệ của mình, những 9x đời đâu có lẽ là những đứa trẻ may mắn cuối cùng khi còn được nghe tiếng hát ru của mẹ, của bà để chìm vào giấc ngủ say. Trong nhận thức của mình, cánh cò cánh vạc…luôn là hình ảnh đầu tiên mỗi khi mình làm, nghiên cứu về đề tài dân gian Việt Nam. Sở dĩ nói như thế bởi những năm đầu tiên của thế kỉ XX, xã hội vẫn còn những thiếu thốn, những lạc hậu nên hình ảnh kiếm ăn, bươn trải của cò như phác họa cuộc sống của mọi người ngày đó và nó cũng là một phần trong ký ức tuổi thơ của mình. Vì vậy việc sử dụng hình ảnh cò theo tiếng ru êm làm tài nguyên để vẽ chữ lần này không chỉ đơn thuần là tạo hình chữ mà nó còn giúp mình nhớ về một phần thơ ấu tươi đẹp.” – Lê Đức Hùng
“Trong dòng chảy của lịch sử bóng đá Việt Nam – bằng những chiến thắng, sự kiên định, thấu hiểu và lòng tin bất diệt, HLV Park Hang-seo đạt được vị thế chưa từng có trong lịch sử Từng khoảnh khắc HLV Park Hang Seo trải qua với đội tuyển VIệt Nam cho thấy rằng 10 năm qua thứ chúng ta thiếu không phải là phép màu hay kỳ tích mà là một HLV có thể hiểu được chúng ta thật sự đang thiếu cái gì. Park Hang Seo – Người nâng tầm bóng đá Việt Nam.” – Trần Kiên
“Dự án lần này tham gia cũng là niềm ấp ủ bấy lâu nay của mình nhưng thực sự là với bộn bề cuộc sống mình không có thời gian để một mình làm đủ hết một bản chữ cái. Nên Nhân dịp được anh Vinh mời tham gia dự án cùng các anh chị em hoạ sĩ khác mình đồng ý ngay. Tại sao lại là chữ Q mà không phải chữ khác, bởi vì mình đã có ý tưởng ban đầu cho nó nhưng chưa thực hiện được, Q sẽ bắt đầu với Quy là con rùa, mình liên tưởng thêm đến hình tượng chúa rùa cõng bia ở Quốc Tử Giám. Mới đầu xuất phát chỉ có vậy, nhưng mình tiềm hiểu thêm về hình tượng rùa cõng bia thì vô tình tham khảo được câu ” thương thay cho phận con rùa, ở đình cõng hạc. Lên chùa cõng bia”. Thế là mình đúc kết lại tạo nên được tác phẩm này.” – Bi Rik
“Ruộng bậc thang Sapa là sự kết hợp hài hoà giữa cảnh nguyên thiên nhiên và sự sáng tạo của con người. Cùng với chất liệu màu nước để lột tả được sự nhẹ nhàng, dịu dàng của cảnh quan và một góc nhìn khác của kí tự R, tác giả hi vọng có thể đem được vẻ đẹp hiền hòa và rực rỡ ở nơi đây.” – Yen Nguyen
“Với chủ đề văn hoá Việt Nam của Quốc Tự, và chữ cái T. Mình muốn đem đến hình ảnh Chú Tễu nói riêng và rối nước nói chung tới người xem.
Chú Tễu là một nhân vật rối tiêu biểu trong hình thức múa rối nước tại Việt Nam. Tễu là đại diện cho hình ảnh anh nông dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong các vở diễn, Chú Tễu thường là một nhân vật dẫn truyện, luôn chế nhạo, diễu cợt, bình luận các vấn đề được đưa ra.” – Vũ Tuấn Anh
“Đối với những đứa trẻ lớn lên ở khu tập thể, từng hành lang, cầu thang, sân thượng, cửa sổ… đều gắn với những kí ức tươi đẹp về gia đình, bạn bè và những trò chơi con nít. Tôi là người đã có may mắn hưởng thụ toàn bộ tuổi thơ trong trẻo của mình ở một khu tập thể như thế. Khi nhận được đề tài cho dự án Quốc tự, chẳng còn gì cảm hứng hơn bằng những ngày xưa cũ đã xa. Chữ Ư là một chữ cái khó để xử lí, nhất là ở phần dấu, vì vậy thay vì thể hiện bằng mặt phẳng thông thường, tôi hướng đến một cái nhìn trừu tượng và đa chiều hơn, giống như khu tập thể trong kí ức của tôi, là một thế giới nhỏ để khám phá mỗi ngày.” – Trần Đức Minh
Để tìm hiểu thêm về dự án, bạn có thể truy cập vào trang Behance chính của Quốc Tự tại Link.
Biên tập: Khoa Nghi