Bí kíp luyện skill tăng level thẩm mỹ cho game thủ, à nhầm, designer | Phần 1: Kerning
Dạo này tôi hay sử dụng tàu điện ngầm để đi làm. Nhờ đó, tôi nhận ra rằng tàu điện ngầm là một không gian kỳ lạ, nơi mọi người luôn cố gắng để không chạm-mặt-đối-mặt với những người khác.
Một ngày đẹp trời, tôi đang ngồi trên tàu, chỉ còn vài trạm nữa là tới nơi. Trong lúc rảnh rỗi, tôi nhìn xung quanh xem có gì hay ho không và… Ô kìa! Có một biển quảng cáo ngay trước mặt. Thế nên, tôi đã làm điều mà một designer chắc chắn sẽ làm: quan sát và đánh giá nó.
Bài viết bởi tác giả Nicholas Soos — Creative Designer tại Digital Natives
Tổng thể trông khá đơn giản: có một dòng headline to và dày phía trên, một logo nhỏ phía dưới bên phải, một bức hình chàng trai trong bộ suit đã được cắt ghép cẩn thận, và cuối cùng là một bức tranh minh họa được che dưới tấm hình bên tay trái. Tôi đã phân tích từng chi tiết từ trên xuống dưới, dò xét tất cả cứ như tôi là thằng người máy hủy diệt trong bộ phim Terminator ấy. Và rồi tôi đã thấy nó….Cái thứ đáng sợ và nguy hiểm ấy nằm trong phần minh họa của poster, nó chính là những đường nét lởm chởm và lộn xộn, điểm cắt thì sai lệch và thậm chí còn để hở một khoảng trống nhìn vào là biết hình minh họa đã được thiết kế dở dang và cẩu thả. Và ngay lúc đó, tôi biết rằng đằng sau tác phẩm này là một tên designer nghiệp dư!
Các thiết kế nghiệp dư có thể qua mắt những người bình thường. Nhưng những lỗi thiết kế chắc chắn sẽ làm mất đi sự ấn tượng về tác phẩm trong mắt khách hàng và cả chính bạn cho dù những chi tiết có bé xìu xiu đi chăng nữa. Cho nên tôi xin giới thiệu với mọi người một vài bí kíp luyện rồng, à nhầm, bí kíp nâng cao thẩm mỹ ở dưới đây, và nếu chăm chỉ tập trung luyện tập, nó sẽ giúp một designer đi từ level nghiệp dư thành chuyên nghiệp sớm thôi.
Kerning

Một trong những yếu tố quan trọng nhất và dễ bị bỏ qua của thiết kế là typography. Bản thân nó giống như môn nghệ thuật truyền thống và có riêng một lịch sử vĩ đại cho mình với hàng ngàn cuốn sách và phim tài liệu về những con chữ kỳ diệu của loài người; thậm chí bạn và tôi có dành cả đời để nghiên cứu về chữ cũng không bao giờ trở thành bậc thầy về chúng.
Và kerning là một bầu trời riêng biệt trong typography luôn cần sự quan tâm đúng đắn của bất kì nhà thiết kế nào. Bạn có thể đã từng nghe đến nó trước đây và có khi còn dùng nó để gây ấn tượng với khách hàng rồi đúng không? Nhưng bạn có thực sự hiểu ý nghĩa của nó chưa? Về cơ bản, kerning là sự điều chỉnh thủ công khoảng cách giữa các chữ cái. Những nhà thiết kế chữ mặc dù đã đặt sẵn khoảng cách giữa các kí tự nhưng dĩ nhiên, điều này không thể áp dụng cho tất cả trường hợp. Ai cũng có thể gõ chữ lên một trang trắng nhưng nhiệm vụ của designer là đảm bảo những con chữ phải được đặt ở một khoảng cách hoàn hảo nhất.
Có kiến thức chuyên sâu về typography và mối tương quan của nó cho thấy mức độ tâm huyết và chỉn chu mà một nhà thiết kế chuyên nghiệp phải có. Dưới đây tôi xin giới thiệu một vài mẹo vặt và thủ thuật để giúp bà con nâng cao level kiến thức typography nhé!
Mối quan hệ dây mơ rễ má
Trước khi bạn đặt khoảng cách giữa các con chữ thì hãy nhớ sắm cho mình ít kiến thức về mối quan hệ dây mơ rễ má giữa chúng nhé. Mỗi kí tự chữ được tạo nên từ ba kiểu nét khác nhau: nét cong, nét thẳng và nét xiên. Việc tìm hiểu về đống dây mơ rễ má này sẽ trợ giúp bạn rất nhiều trong kỹ năng căn khoảng cách chữ đấy.

- Khi xử lý các chữ có nét thẳng, bạn sẽ cần nhiều khoảng trống nhất vì những con chữ có nét thẳng này thường được sử dụng làm đường cơ sở (baseline) để bạn biết các con chữ khác nên được sắp xếp như thế nào.
- Các nét cong sẽ yêu cầu khoảng cách hẹp hơn so với đường cơ sở vì chúng có nhiều khoảng trắng xung quanh các con chữ và nếu bạn giữ nguyên khoảng cách như các nét thẳng thì chúng sẽ trông rất xa.
- Cuối cùng, các nét xiên đáng sợ sẽ đòi hỏi sự chú ý nhiều nhất vì chúng có số lượng khoảng trắng lớn nhất và sẽ phải được thu hẹp càng chặt càng tốt để tạo khoảng cách hợp lý nhất.
Lật ngược mọi thứ
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc cụm chữ nào cần được kerning chặt chẽ thì hãy thử lật ngược thiết kế của mình lại xem. Tôi biết là nghe khá là kì cục nhưng đây là một cách rất hay ho để tìm ra những chỗ kerning sai.
Bộ não của chúng ta đã quen với việc đọc những con chữ theo hàng lối và khuôn mẫu nhất định. Việc phá vỡ thói quen đó sẽ giúp bạn level up khả năng tập trung vào những chi tiết khác biệt và bạn sẽ không còn bị phân tâm vì phải auto đọc nội dung nữa mà thay vào đó bạn sẽ có thể tập trung vào từng con chữ riêng biệt. Mẹo vặt đơn giản này là cách nhanh chóng cho bạn dễ dàng xác định khoảng cách không đồng đều giữa mỗi ký tự để bạn điều chỉnh chúng sao cho phù hợp.
Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo
À, tôi biết nghe có vẻ hơi ‘chuối’, nhưng bạn chỉ có thể nâng cao các kĩ năng và thẩm mỹ của mình qua việc luyện tập mà thôi. Càng tập luyện nhiều, tất cả các kĩ năng rồi sẽ trở thành bản năng của chính bạn. Một thói quen nữa mà chúng ta có thể tập là xem lại và đánh giá chính những thiết kế cũ của mình. Việc tìm ra được những lỗi sai và học tập từ nó là là bước cơ bản để đưa những junior designer lên tầm cao hơn.
Một bài tập online mà bạn có thể luyện tập là Kerntype. Kerntype là một game đơn giản mà bạn được cho một vài từ ngữ để tự chỉnh thủ công khoảng cách giữa các kí tự sao cho hợp lí nhất.


Hoặc nếu bạn còn mơ hồ về typography hay chỉ đơn giản là yêu thích các con chữ, bạn nên thử tìm đọc “A Type Primer” của John Kane nhé. Cuốn sách là một hướng dẫn thực tế kèm thực hành để bạn nắm được tất cả khía cạnh về thiết kế chữ và bố cục thiết kế đấy.
(còn tiếp)
Nguồn: Medium
Tác giả: Nicholas Soos
Biên dịch: Bầu
iDesign Must-try

International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 4)

International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 3)

International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 2)

International Typographic Style - Phong cách Ký tự pháp quốc tế (Phần 1)

Ký tự pháp đầu thế kỷ 20 - Từ Kiến tạo Nga tới Times New Roman (Phần 2)
