“Tunnel of Light” - đánh thức đường hầm xuyên núi ở Nhật Bản
Echigo-Tsumari Triennale là lễ hội nghệ thuật lớn nhất thế giới tại Nhật Bản. Tọa lạc tại trung tâm của vùng đất tuyết, Nhật Bản. Nơi đây là nhà của núi non và của vùng đất nông nghiệp Satoyama, nơi mà nhiều phương thức truyền thống trong nông nghiệp vẫn được áp dụng cho đến ngày nay. Tuy thiên nhiên phong phú là vậy, nhưng mảnh đất đang dần bị lãng quên do dân số nơi đây đang già hóa và giảm đi. Một thực trạng nghiêm trọng là nhiều người trẻ vùng quê chuyển lên các thành phố lớn vì cơ hội mưu sinh và học tập. Điều này dẫn đến số người già (65 tuổi trở lên) tại vùng đất chiếm 37% trong khi mức trung bình người già tại Nhật chỉ mới 27.7%. Lễ hội được tổ chức 3 năm một lần và sắp tới sẽ diễn ra tại thành phố Tokamachi và thị trấn Tsunan từ 29/07 – 17/09/18.
Do vậy, chương trình lễ hội năm nay đã mời các kiến trúc sư MAD để làm sống lại đường hầm Kiyotsukyo – tuyến đường lịch sử dài 750 m cắt ngang những đá tảng độc đáo, hướng tầm mắt ta đến toàn cảnh của một trong ba con đường cực dốc tại Nhật Bản.
MAD là văn phòng kiến trúc do Ma Yansong lập nên. Thường được biết đến như một bậc thầy của những đường cong, Ma Yansong đại diện cho một thế hệ kiến trúc sư mới của Trung Quốc. Anh học những cái hiện đại trong kỹ thuật của phương Tây, gom nhặt tinh thần siêu thực của bà thầy Zaha Hadid (một nữ Kiến trúc sư nổi tiếng người Anh gốc Iraq) kết hợp thêm những giá trị về tự nhiên của phương Đông để tạo nên kiến trúc của riêng mình.
Đề án của MAD được khắc họa dựa trên “Năm yếu tố” đất trời (Kim, Mộc, Thủy, Hoả, Thổ) biến đổi những danh lam thắng cảnh bên trong đường hầm lịch sử này bằng sự cảm thụ không gian kiến trúc và bầu không khí nghệ thuật. Những thiết kế khiến ta ngẫm lại mối giao thoa giữa người và đất trời, tìm cách để buộc lại sợi chỉ liên kết nét đẹp diễm lệ của mảnh đất này với dân địa phương lẫn khách du lịch.
“Kính tiềm vọng” (Mộc)
Phía trên con đường tiến vào hầm, có một “căn lều” gỗ nhỏ xinh bán đồ lưu niệm (với những mặt hàng thủ công tại địa phương) và cafe “cắm chốt” tại tầng trệt. Dịch vụ spa ngâm chân với nước nóng nằm gọn dưới mái che được dựng ở tầng trên. Thấu kính tròn “tiềm vọng”mở toang trên trần. Những thấu kính đặt quanh khu spa phản chiếu thiên nhiên xung quanh vào bên trong. Bằng cách thức tinh tế nhẹ nhàng, thiên nhiên chen chân vào không gian ấm cúng của nội thất gỗ, du khách có cơ hội thưởng ngoạn cảnh ngoài trời tự nhiên mê hồn trong lúc ngâm chân và thư giãn.
“Biểu cảm của sắc màu” (Thổ)
“Tiếng thơm” của cổng hầm sẽ lại lẫy lừng và một con đường hầm mới lạ hiện đại được kiến thiết lên. Ban đầu, con đường chỉ có những ánh đèn để soi đường dẫn lối ta băng qua, nhưng giờ đây nó lại khoác lên một dải ánh sáng màu khác nhau, thắp sáng từng nét nổi bật của thiên nhiên dọc con đường. Con đường hầm bắt trọn “biểu cảm” không gian, nhịp đập xung quanh, hòa cùng điệu nhạc huyền bí tạo nên bầu không khí năng động và tinh tế, thu hút sự tò mò nhất định trong lòng nhiều người chỉ dạo qua mà chưa hề biết đến nó.
“Bong bóng vô hình” (Kim)
Sự đổi mới trong điểm “vàng” đáng chiêm ngưỡng đầu tiên là “Bóng nước vô hình”. Kiến trúc tựa khoang tàu vũ trụ như thể mọc lên từ thế giới khác nhẹ nhàng soi bóng con đường hầm và khung cảnh xung quanh. Bức tường đối diện hẻm suối trong vắt chính là nhà vệ sinh. Chiếc cửa sổ bên ngoài được phủ một lớp kim loại chỉ được nhìn thấu một chiều từ trong ra, thách thức khái niệm công cộng và riêng tư. Đem đến sự thoát ly tĩnh lặng trong không gian cô độc, đây còn là một không gian “tuyệt mật “cho phép ta tìm thấy chính mình trong thế giới chung nhộn nhịp.
“Hạt sương” (Hỏa)
Điểm đáng thăm thú thứ hai chính là “Những hạt sương” hình cầu. Công trình “Hạt sương” gồm một dãy lỗ tròn phản chiếu như các khung cửa sổ huyền ảo. Dự án được đưa vào thực tế dùng để phản chiếu môi trường tự nhiên và những đốm tròn ấy xuất hiện như có như không tựa các phân tử nước. Chúng được treo đong đưa trên trần nhà và tường, nhưng biết ngừng chuyển động đúng lúc. Khi ai đó nhìn vào những chiếc gương lồi phát xạ đằng sau bởi luồng ánh sáng đỏ rực, họ sẽ cảm nhận được mối tương giao hai chiều cùng thiên nhiên. Mối giao cảm ấy tức thì trở nên diệu kỳ và ấm áp.
“Động ánh sáng” (Thủy)
Đỉnh cao của dự án “hồi sinh” này chính là công trình “Động Ánh Sáng”. Đường hầm được bao bọc bởi thép không gỉ đánh bóng một mặt. Chất thép này giúp phản chiếu hình ảnh những đá tảng mang hình thù đặc biệt, cây xanh phủ màu tươi tốt, và dòng nước nhuộm màu xanh ngọc trong không gian kín của đường hầm núi. Cơn gió nhỏ nhẹ nhàng làm gợn sóng mặt hồ nông. Ngược lại, hẻm núi phản chiếu dáng hình của động lên mặt hồ – Một ảo ảnh vô định của tự nhiên. Điều cốt yếu của “Động Ánh Sáng” chính là đem lại cả sự bừng sáng lẫn tĩnh lặng trong đường hầm đẫm sương và tối đen, khơi gợi cảm giác cô độc vĩnh cửu.
Tác phẩm “Đường hầm ánh sáng” dưới bàn tay MAD trở thành sự cải biến mang đậm chất nghệ thuật. Từ đó cho ta thấy nghệ thuật và tự nhiên có thể dung hòa với nhau như thế nào để làm sống lại một cộng đồng. Cứ mỗi một công trình cải biến là một không gian nên thơ, nơi đó vai trò của kẻ thưởng ngoạn được đề cao hơn, và trở thành khách tham quan say mê. Họ cứ thế đắm chìm trong thiên nhiên.
Nguồn: MAD
Người dịch: Jane
Ảnh & ảnh bìa: MAD
- Chìm đắm trong ảo ảnh của bảo tàng nghệ thuật kỹ thuật số tại Nhật Bản
- Lạc vào vương quốc hoa ảo của nghệ sỹ kỹ thuật số Miguel Chevalier
- Teamlab biến công viên Nhật Bản thành khu rừng cho Thượng Đế sinh sống
- Nhật Bản: Quán trà tổ chim trên cây long não 300 tuổi
- 5 thuật ngữ quen thuộc về thiết kế bền vững bạn nên biết