Âm nhạc - Cầu nối cho sự sáng tạo
Tôi luôn có cảm giác rằng mỗi khi tôi nghe một bài hát và chụp một bức ảnh, cả hai sẽ hoà quyện vào nhau, tựa như một bộ phim vậy. Và vào một ngày, tôi bỗng nhận ra rằng, âm nhạc còn có sức ảnh hưởng lên những tác phẩm của tôi nữa.
Tôi luôn nghe nhạc mỗi khi chỉnh sửa ảnh. Tôi cũng không biết phải miêu tả loại nhạc tôi nghe ra sao, có thể mọi người gọi nó là instrumental hip hop/jazz. Thể loại nhạc này có giai điệu khá mạnh mẽ và hơi gai góc một xíu.
Hãy nghe hai bài hát trên rồi thử nhìn vào những bức hình dưới đây xem.
Không biết bạn nghĩ sao, nhưng tôi thấy những bức ảnh của tôi đã làm tốt nhiệm vụ miêu tả âm nhạc bằng thị giác đấy chứ.
Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng tôi nghĩ âm nhạc mà tôi nghe có ảnh hưởng tới những bức ảnh tôi chụp. Ảnh hưởng đó có thể nhỏ thôi – nhưng tôi luôn chú ý đến tiểu tiết, và nếu có điều gì có thể làm cho những tác phẩm tôi tuyệt vời hơn, tôi nhất quyết sẽ làm điều đó.
Hãy nghe bài hát trên và nhìn vào những bức hình dưới đây thử nào.
Đây là thể loại nhạc tôi từng thích, và đó là những bức hình cũ tôi chụp. Gu âm nhạc thay đổi theo thời gian đã tác động lên phong cách chỉnh sửa hình ảnh của tôi. Một phần cũng bởi tôi đã trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi hơn và có được phong cách riêng của mình, nhưng tôi cũng cảm nhận thấy một phần là nhờ vào âm nhạc. Sự khác biệt trong âm nhạc có thể nhỏ thôi, nhưng tôi chắc là bạn nhận ra điều đó. Tôi cũng chắc là bạn nhìn thấy được sự khác biệt trong những bức ảnh; chúng sáng hơn, độ bão hoà màu cao hơn, nhiệt độ màu cũng dịu hơn.
Sau khi nhận ra sự thay đổi này, tôi tự hỏi không biết điều này có hay xảy ra không. Vậy nên tôi đã nói chuyện với một vài nhiếp ảnh gia khác, và nhận thấy điều tương tự với họ. Những tác phẩm của họ cũng phản ánh thể loại nhạc mà họ nghe. Những người nghe những thể loại nhạc vui tươi thường có những bức ảnh sáng hơn, và những người (như tôi) nghe thể loại nhạc u ám hơn thường có những bức ảnh tối hơn.
Và có một vài nghiên cứu củng cố cho điều này
Chúng ta có thể rõ ràng nhận thấy sự đồng bộ giữa loại nhạc mà chúng ta đang nghe với nhịp tim của chúng ta. Nhịp tim chậm với áp suất tâm trương cao làm cho ta cảm thấy buồn và chán nản. Nhịp tim đập nhanh là minh chứng rõ ràng của sự phấn khích, là lúc mà những giai điệu mơ màng kèm theo tiếng nhạc vui tươi làm bạn cảm thấy hân hoan, yêu đời. Chỉ cần một nốt nhạc cũng đóng góp một phần không nhỏ vào những ảnh hưởng đó. Một nốt âm thứ nghe có thể rất buồn và một nốt âm trưởng có thể gợi lên cảm giác vui vẻ.
Các nhà khoa học tại Đại học Missouri phát hiện ra rằng chỉ trong hai tuần nghe các thể loại nhạc vui vẻ, tâm trạng của một người có thể thay đổi đáng kể. Trong nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi Yuna Ferguson, một nửa sẽ được nghe nhạc vui tươi lạc quan, một nửa còn lại sẽ được nghe những bài nhạc mang tính trung lập. Và kết quả là nhóm được nghe nhạc vui tươi lạc quan có xu hướng cảm thấy vui vẻ hơn so với những người nghe nhạc mang tính trung lập.
Dĩ nhiên là âm nhạc không thể nào có khả năng biến tôi thành zombie hay điều khiển hoàn toàn quá trình chỉnh ảnh của tôi được, nhưng nó có thể ảnh hưởng lên não bộ, và qua đó ảnh hưởng lên cách mà tôi chỉnh ảnh. Tôi luôn cố gắng có một xu hướng nhất định khi chỉnh sửa ảnh, tuy nhiên thứ âm nhạc mà tôi nghe có thể ảnh hưởng đủ để làm cho độ tương phản trong bức hình của tôi cao thêm một tí và làm nó u ám đi một tẹo.
Vậy, chúng ta rút ra được điều gì?
Hãy sử dụng âm nhạc như một lợi thế trong việc thiết kế, vẽ vời hay bất cứ hoạt động nghệ thuật nào. Nếu bạn muốn tác phẩm của bạn có xu hướng thế nào, hãy chọn âm nhạc phản ánh đúng xu hướng đó. Nó sẽ giúp tác phẩm nghệ thuật của bạn tuyệt hơn nhiều đấy.
Nguồn: Medium.com
Người dịch: Hà Đình Nhân
iDesign Must-try

Cùng Minh Nguyễn thử nghiệm với Thiết kế đồ họa bằng lập trình sáng tạo - ‘CreAItive Coding’

Khi nội tâm được “vẽ ra” qua hình ảnh chú vịt lười biếng

Ngôi nhà sang chảnh của những chú cá.

Làm thế nào để theo kịp công nghệ và không bị bỏ lại phía sau

12 bài viết được yêu thích nhất tại iDesign năm 2022
