Dieter Rams: Nếu có thể làm lại, “Tôi không muốn trở thành 1 nhà thiết kế”

Nhà thiết kế nổi tiếng của Braun tâm sự kiến trúc đã ảnh hưởng đến công việc của ông như thế nào, về những điều Apple đã làm đúng và về những mẫu thiết kế ông cực kì ghét.

 

Gary Hustwit: Ông đã bắt đầu làm một nhà thiết kế như thế nào? Và ông đã tham gia khóa đào tạo nào?

Tôi bắt đầu theo học ngành kiến trúc tại Trường Nghệ thuật Wiesbaden năm 1947. Tôi có hứng thú với thiết kế nội thất, nhưng chủ yếu là về mảng kiến trúc. Sau khi học xong, tôi làm việc trong một công ty kiến trúc ở Đức, Apel – đối tác của Skidmore, Owings & Merrill – vì vậy tôi đã tiếp xúc trực tiếp với kiến trúc Mỹ. Đó là một khoảng thời gian tuyệt vời sau thời chiến; giống như là một khởi đầu mới tại Đức.


Hệ thống giá đỡ 606 của Dieter Rams thiết kế cho Vitsœ AIRSIDE

Một ngày nọ, một người đồng nghiệp của tôi nhìn thấy thông tin quảng cáo nói rằng Braun đang tìm thuê một kiến trúc sư. Anh ấy nói: “Sao cậu không nộp đơn cho họ? Có thể cậu sẽ được nhận”. Tại thời điểm đó, tôi không quan tâm lắm nhưng vì anh ta liên tục thúc ép nên tôi đã viết đơn xin việc. Tôi đã gặp anh em nhà Braun và trúng tuyển vào công việc ấy. Từ năm 1956 trở đi, tôi càng làm việc nhiều với các thiết kế công nghiệp. Mặc dù làm công việc thiết kế cho Braun và các công ty khác nhưng tôi vẫn không quên niềm đam mê kiến trúc của mình.

Ông có thể chia sẻ kiến ​​trúc đã ảnh hưởng đến công việc thiết kế của ông như thế nào?

Thật sự mà nói, kiến trúc đã ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt là lối kiến ​​trúc của những người ủng hộ Mỹ: Mies van der Rohe, Walter Gropius; đây là những kiến ​​trúc sư có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi. Thỉnh thoảng, tôi lấy ý tưởng từ những công trình tuyệt vời của họ ở Chicago và New York.

Nhưng nó cũng ảnh hưởng tôi theo những cách khác, như tiến trình thực hiện chẳng hạn. Các kiến ​​trúc sư chính của Apel và Skidmore, họ nghiên cứu từng chi tiết nhỏ và làm rõ tất cả mọi thứ. Điều đó đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều khi tôi bước vào lĩnh vực thiết kế công nghiệp. Trong thiết kế công nghiệp, tất cả mọi thứ thuộc quy trình đều phải được làm rõ trước với mô hình và nguyên mẫu, tất cả các chi tiết cho tất cả các phần. Nếu không sẽ không tiến hành giai đoạn sản xuất. Bạn phải nghĩ kỹ về những gì bạn đang làm và bạn sẽ làm nó như thế nào, bởi vì đối với cả kiến ​​trúc và thiết kế công nghiệp, chi phí thay đổi thứ gì đó sau quy trình cao hơn rất nhiều so với chi phí cho một sự chuẩn bị tốt. Vì vậy, tôi đã học được rất nhiều từ kiến ​​trúc.

Ông đã đặc trưng hóa cho triết lý thiết kế của bản thân như thế nào?

Tôi luôn cố gắng để mọi thứ trở nên bền vững. Ở đây tôi muốn nói đến sự phát triển của các sản phẩm bền lâu và không lỗi thời. Các sản phẩm cũng sẽ giữ được tính trung lập để bạn có thể sử dụng lâu. Tôi đã tóm lược triết lý của tôi trong 10 nguyên tắc và thực sự tôi rất ngạc nhiên với mọi người thời nay, đặc biệt là sinh viên, họ vẫn chấp nhận chúng. Tôi không mong khắc 10 nguyên tắc này trên đá vĩnh viễn. Chúng cần thay đổi theo thời gian. Nhưng dường như mọi thứ đã không thay đổi quá nhiều trong 50 năm qua. Vì vậy, ngay cả trong thời nay, chúng vẫn được chấp nhận.


Bộ điều khiển TS45, cuộn băng ghi TG60, loa mỏng L450 của Dieter Rams thiết kế cho Braun

Ông có thể cho tôi biết 10 nguyên tắc đó là gì không?

1. Thiết kế tốt phải sáng tạo.
2. Thiết kế tốt phải hữu ích.
3. Thiết kế tốt phải là thiết kế thẩm mỹ.
4. Thiết kế tốt là thiết kế làm cho sản phẩm trở nên dễ hiểu.
5. Thiết kế tốt phải trung thực.
6. Thiết kế tốt không phô trương.
7. Thiết kế tốt phải bền lâu.
8. Thiết kế tốt phải phù hợp trong từng chi tiết.
9. Thiết kế tốt phải thân thiện với môi trường.
10. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, thiết kế tốt là hãy thiết kế ít nhất có thể.

 

Thiết kế đã thay đổi như thế nào trong 50 năm qua?

Ngày nay, có 1 điều tôi không hài lòng, đặc biệt là trong giới truyền thông, đó là thiết kế đang được sử dụng như là một “công cụ kiếm tiền”. Tôi bực mình vì sự-tùy-tiệnthiếu-sáng-suốt khi có quá nhiều thứ không cần thiết được sản xuất và đưa ra thị trường, không chỉ trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mà còn trong lĩnh vực kiến ​​trúc, quảng cáo. Chúng ta có quá nhiều thứ vô dụng ở khắp mọi nơi. Và thậm chí theo tôi, điều này là vô nhân đạo. Đó là tình hình chung hiện nay và cũng là một bài toán nan giải.

Chúng ta cần phải giải quyết các nguồn lực một cách khác nhau, giống như cách mà chúng ta vứt bỏ mọi thứ. Chúng ta phải bỏ thói quen “xài một lần rồi vứt”. Mọi thứ đều-có-thể-và-phải bền. Chúng phải được thiết kế sao cho có thể tái sử dụng. Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến môi trường, không chỉ môi trường quanh bạn mà còn là cả thành phố và các nguồn tài nguyên khác. Đó là tương lai của thiết kế: Quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố cơ bản này. Nếu không thì tôi không chắc tương lai hành tinh chúng ta sẽ ra sao. Vì vậy, các nhà thiết kế phải mang trong mình một phần trách nhiệm về vấn đề này và để thực hiện tốt việc đó, chúng ta cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ chính phủ, để giải quyết các vấn đề môi trường và để định hình thành phố. Là nhà thiết kế, chúng ta không nên làm điều này cho chính mình, mà là cho cả cộng đồng. Cộng đồng cần được hỗ trợ, không chỉ để tương tác với nhau một cách dân chủ, mà còn là để sống một cách dân chủ.

Đó là điều tôi đã học được từ rất sớm. Trường Ulm – được thành lập như một người kế vị Bauhaus với sự trợ giúp của Hoa Kỳ cùng Kế hoạch Marshall trong những năm 50 – được thành lập với mục đích giúp mọi người tương tác với nhau một cách dân chủ hơn với sự trợ giúp của thiết kế. Bản thân tôi cho rằng ý tưởng đó rất thú vị và quan trọng, và nó cần được “hồi sinh” ngay thời nay.


Đồ nội thất Vitsœ và thiết bị điện tử Braun được trưng bày tại Bảo tàng Thiết kế của London năm 2009

Nếu bây giờ ông có cơ hội thiết kế một cái máy vi tính, nó sẽ trông như thế nào?

Nó sẽ giống như một trong những sản phẩm của Apple. Trên nhiều tạp chí hoặc trên Internet, mọi người hay so sánh các sản phẩm của Apple với những thứ mà tôi thiết kế, với đài phát thanh bán dẫn năm 1965 hoặc 1955. Về mặt thẩm mỹ, tôi nghĩ thiết kế của họ thật tuyệt vời. Tôi không coi đó là một sự bắt chước. Tôi xem đó là một lời khen.

Phản ứng của ông như thế nào khi nhìn thấy đồ vật với thiết kế kém?

Tôi sẽ tức giận. Những thứ phù phiếm, hào nhoáng cận đại khiến tôi thật sự phát điên. Với những thứ ngày xưa, tôi ít tức giận hơn vì chúng ở quá khứ. Nhưng tôi bực vì nhiều điều xấu, sai trái vẫn còn quá nhiều trong thế giới này. Những sản phẩm vô dụng, sai lệch, không trung thực là những điều khiến tôi tức giận.

Tất nhiên tôi cũng tức giận với việc không có nhiều thiết kế liên quan đến vấn đề môi trường. Ví dụ, tôi nghĩ rằng công nghệ năng lượng mặt trời cần được tích hợp nhiều hơn vào kiến ​​trúc mới. Chúng ta cần năng lượng tái sinh trong tương lai, hoặc là tích hợp nó vào các cấu trúc hiện có, hoặc là được ứng dụng rõ ràng hơn trong các cấu trúc mới. Chúng ta là những hành khách trên hành tinh này, và chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để giữ hành tinh này luôn “khỏe mạnh”.

Theo ông, quá trình thiết kế đã thay đổi như thế nào cùng công nghệ mới?

Tôi luôn quan niệm rằng đổi mới trong công nghệ là một vấn đề quan trọng. Ví dụ như trong 10 nguyên tắc đầu tiên, tôi đã nói rằng “Thiết kế tốt phải sáng tạo” thì ở đây tôi cũng muốn nói rằng chính sự đổi mới về mặt kỹ thuật, công nghệ – chứ không phải sự đổi mới về mặt ngoại hình – sẽ giúp chúng ta phát triển xa hơn. Đổi mới phải đổi từ bên trong và sau đó ảnh hưởng ra bên ngoài. Đó là những gì tôi hiểu về “sự đổi mới”.

Đó là lý do tại sao các công nghệ mới là vô cùng quan trọng. Chúng ta không nên lên án chúng hoặc ghét chúng mà chúng ta cần sống với chúng. Nhưng xin đừng lãng phí công nghệ hoặc sử dụng công nghệ để hủy hoại lẫn nhau. Thay vào đó, chúng ta nên sử dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống. Tôi không biết, trong 10 hoặc 20 năm nữa, chúng ta sẽ chiến đấu về việc liệu có đủ nước trên hành tinh này hay không hay liệu chúng ta có đang lãng phí những gì chúng ta có. Vì vậy, sẽ có những thách thức và những sự ưu tiên khác nhau mà chúng ta sẽ chỉ làm được khi có công nghệ mới.

Ông có muốn đề cập đến vấn đề nào khác nữa không?

Vâng, tôi không hoạt động tích cực trong lĩnh vực thiết kế nữa. Tôi chỉ làm một số việc trong lĩnh vực đồ gỗ là chủ yếu bởi vì tôi đã có những cam kết nhất định. Nhưng tôi vẫn rất quan tâm đến những gì đang xảy ra và tôi mong rằng chúng ta có thể làm việc với môi trường xung quanh một cách có ý thức hơn trong tương lai bởi điều này góp phần xây dựng một cuộc sống hòa bình hơn. Đó là lý do tại sao nếu có thể làm lại, tôi sẽ không muốn là một nhà thiết kế. Theo tôi, trong tương lai, việc sản xuất ra được nhiều thứ sẽ không quan trọng bằng việc chúng ta quan tâm về nơi chúng ta đang sống như thế nào.

Cuộc phỏng vấn được tổng hợp và biên tập với sự cho phép của tác giả. Để biết thêm về cuộc phỏng vấn của Rams và cuộc phỏng vấn với 70 nhà thiết kế khác, hãy mua “Helvetica / Objectified / Urbanized: Cuộc phỏng vấn đầy đủ” tại đây.

Source

Cùng tác giả

#Tag

bauhaus cảm hứng Kiến thức người nổi tiếng

iDesign Must-try

Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
László Moholy-Nagy (Phần 1)
László Moholy-Nagy (Phần 1)
László Moholy-Nagy là một nghệ sĩ thị giác và một nhà giáo dục nhiệt huyết với tầm ảnh hưởng khó thể đong đếm tới giáo dục, thực hành nghệ thuật…
Bauhaus (Phần 3)
Bauhaus (Phần 3)
Trong phần cuối cùng của loạt bài về Bauhaus, chúng ta tiếp tục tìm hiểu những tác phẩm tiêu biểu còn lại của ngôi trường.  “Tôi coi đạo đức và…
Bauhaus (Phần 2)
Bauhaus (Phần 2)
Bauhaus không thể đạt được thành công và sức ảnh hưởng khó lòng đo đếm của nó nếu không có đội ngũ giảng viên xuất chúng lại vô cùng đa…
Bauhaus (Phần 1)
Bauhaus (Phần 1)
Khi nói về một tập thể những người sáng tạo và giảng dạy có tầm ảnh hưởng lớn nhất với thực hành đa dạng nhất trong nghệ thuật, thiết kế…
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Sự rung cảm trước cái đẹp, cách mà con người thưởng thức hay những câu chuyện di sản – đời sống – con người làm cho Hiếu Y có những…