Nguyên tắc của Swiss Style và những tác động đến thiết kế phẳng
Vài tuần qua, tôi đã nghiên cứu sự chuyển dịch của ngành thiết kế – sang những xu hướng thẩm mỹ thiết kế phẳng hơn. Đầu tiên là phong cách thiết kế Skeuomorphic và lý do nó tồn tại trước khi không còn được “trọng dụng”. Tiếp theo là phong cách thiết kế phẳng, bắt đầu với việc nó đã “lạc trôi” như thế nào, và sau đó là lý do tại sao nó tạo ra một nền tảng mới cho thiết kế web.
Tôi đã từng đề cập rằng thiết kế phẳng chịu ảnh hưởng nhiều từ Swiss Design (hay The International Style of Design – Phong trào thiết kế quốc tế), vì vậy chúng ta cần hiểu thêm về Swiss Design và những nguyên tắc của nó.
Nguồn gốc của Swiss Design
Swiss Desgin đã bắt đầu trong Thế chiến II ở Thụy Sĩ, mặc dù các nhà sử học thích cái tên The International Style of Design hơn. Không chỉ nổi lên ở Thụy Sĩ, Swiss Design thậm chí còn gặt hái một số thành công lớn trong việc phát triển logo và xây dựng thương hiệu hình ảnh cho các tập đoàn Mỹ.
Swiss Design (hay The International Style of Design) nổi bật hơn hẳn các phong trào thiết kế trước đó như De Stijl, chủ nghĩa kiến tạo, Bauhaus và The New Typography, mặc dù không có bối cảnh chính trị và lịch sử như những phong trào ấy. Ở một số khía cạnh, nó cũng có thể được xem như một phản ứng chống lại việc đàn áp sự trừu tượng hình học của Đức Quốc xã, đặc điểm nổi bật của Swiss Design.
Phong trào này không chỉ giới hạn trong thiết kế đồ họa. Các kiến trúc sư như Le Corbusier và Phillip Johnson là một trong số những người được coi là một phần của The International Style of Design và phong trào này còn lan rộng hơn trong thế giới nghệ thuật. Các nhà thiết kế theo Swiss Design đã xem việc thiết kế như là một phần của sản xuất công nghiệp.
Họ tìm kiếm sự đơn giản và tin rằng vẻ đẹp thẩm mỹ xuất phát từ mục đích của thứ được thiết kế, chứ bản thân vẻ đẹp thẩm mỹ không phải là mục đích. Nói cách khác, họ tin rằng “chức năng luôn luôn quan trọng hơn hình thức”.
Họ xem các nhà thiết kế như những người truyền thông điệp, không chỉ là một nghệ sĩ, và tin rằng thiết kế nên dựa vào các nguyên tắc chung hợp lý được chứng minh bằng một phương pháp khoa học. Lý tưởng của họ về thiết kế là để đạt đến sự rõ ràng và trật tự, thiết kế không chừa chỗ cho sự lập dị hay cảm xúc cá nhân. Họ cũng xem thiết kế như một cái gì đó có giá trị xã hội và là một công việc nghiêm túc để theo đuổi. Chính thái độ của họ đã khiến thiết kế mang tính xã hội, phổ biến và khoa học.
Có lẽ nổi tiếng nhất trong các nhà thiết kế Swiss Design là Josef Müller-Brockmann, một nhà thiết kế, giáo viên và nhà văn. Ông cũng là người sáng lập và đồng biên tập của “Neue Grafik”, một tạp chí nổi tiếng. Brockmann theo đuổi một ngôn ngữ thuần túy và phổ biến để thiết kế đồ họa thông qua sự sắp xếp có mục tiêu. Müller-Brockmann là một trong những cái tên nổi tiếng, nhưng không phải là người duy nhất. Bạn có thể đọc thêm về một số nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng của Swiss style ở các link sau:
Các tác phẩm lan toả sức ảnh hưởng của các nhà thiết kế Swiss Design thường là poster – phương tiện truyền thông được xem là hiệu quả nhất lúc bấy giờ.
Các nhà phê bình đã lên án phong cách nhạt nhẽo và không mang dấu ấn cá nhân của phong trào, đồng thời họ cho rằng chính sự tập trung quá đỗi vào các nguyên tắc đã dẫn đến các “giải pháp” rập khuôn giống nhau. Còn những người ủng hộ lại cho rằng tính rõ ràng nhất quán của phong cách này đã dẫn đến sự hoàn hảo vô hạn của hình thức trong việc diễn tả trọn vẹn thông điệp mà không cần đến quảng cáo.
Những nguyên tắc của Swiss Design
Truyền tải thông điệp qua những gì đơn giản nhưng có mục tiêu là một nguyên tắc hàng đầu của Swiss Design. Mục tiêu ở đây là sự rõ ràng, có trật tự, và là một ngôn ngữ trực quan mà cả thế giới có thể hiểu được. Swiss Design tinh tế, không có nhiều họa tiết trang trí và cố gắng loại bỏ tất cả những thứ không cần thiết. Đó là một phong cách thiết kế ủng hộ chủ nghĩa tối giản. The International Style of Design tìm kiếm tính trừu tượng cực đoan dựa trên các hình dạng hình học đơn giản. Một chút trớ trêu là các hình dạng có thể đôi khi được cố tình thiết kế trừu tượng như vậy để mất đi ý nghĩa của nó, không phải chỉ để trang trí.
Để mang tính trật tự trực quan và có tổ chức, người ta đã sử dụng hệ thống lưới chữ (typographics grid), phương pháp hệ thống hóa giúp trình bày thông điệp rõ ràng. Đây cũng là một lý do khác khiến Josef Müller-Brockmann nổi tiếng khi nói về Swiss Design và các tác phẩm sử dụng hệ thống lưới của ông.
Kiểu chữ yêu thích của phong cách này là sans-serif, căn thẳng hàng lề trái, không căn lề phải.
Akzidenz Grotesk là phông chữ được ưa chuộng nhất, phông chữ này được đánh giá là thực dụng mà không bị cách điệu cũng như không mang yếu tố chính trị nào cả.
Có thể bạn đã biết, Akzidenz Grotesk chính là bản mẫu cho phông chữ Neue Haas Grotesk, sau này đổi tên thành Helvetica.
Các nhà thiết kế Swiss Design đã dùng nhiều kích thước khác nhau cho các chi tiết thiết kế để tạo ra hiệu ứng thị giác lớn hơn và cũng để gợi ý về sự phân cấp thông tin. Họ sử dụng “thang đo kích thước” để kiểm soát các thiết kế của mình cũng như để tạo “nhịp điệu” riêng cho tác phẩm. Bố cục được xếp theo xu hướng không đối xứng trên hệ thống lưới được xây dựng bằng toán học. Nhờ vậy, các khoảng trắng được chú ý hơn vì tính thẩm mỹ tối thiểu chung. Các nhà thiết kế cố gắng đạt “sự cân bằng bất đối xứng” giữa các chi tiết tích cực và tiêu cực trong cùng một thiết kế. Khi hệ thống lưới được xây dựng bằng toán học, chúng sẽ giúp tạo ra một thiết kế thống nhất trực quan. Sự thống nhất cũng được duy trì thông qua việc lặp đi lặp lại màu sắc và các hình học và được nhấn mạnh hơn khi thay đổi các hình học ấy.
Mặc dù tiêu điểm là các hình học trừu tượng, “nhiếp ảnh” cũng đóng một vai trò lớn trong Swiss Design. Một tấm ảnh khách quan được xem là một cách tuyệt vời để truyền tải thông điệp.
Swiss Design và xu hướng tới thiết kế phẳng
Đọc đến đây, bạn sẽ dễ nhận ra những ảnh hưởng của Swiss Design đến các xu hướng thiết kế hiện tại. Việc loại bỏ các chi tiết trang trí rườm rà và quay lại với các nguyên tắc thiết kế cơ bản chính là một nguồn động lực đằng sau sự “chuyển động” từ Skeuomorphic đến thiết kế phẳng.
Tôi ước một số người có thể vượt qua cách hiểu theo nghĩa đen của cụm từ “thiết kế phẳng”. Swiss Design không hoàn toàn bằng phẳng. Các poster trên rõ ràng chứng minh quan điểm đó.
Chiều sâu là một nguyên tắc cơ bản của thiết kế. Họ chỉ loại bỏ các chi tiết trang trí rườm rà chứ không phải chiều sâu
Chiều sâu là một nguyên tắc cơ bản của thiết kế. Họ chỉ loại bỏ các chi tiết trang trí rườm rà chứ không phải chiều sâu, mặc dù việc loại bỏ các chi tiết trang trí làm thiết kế trông có chiều sâu ngày càng được áp dụng theo những cách ít rõ ràng và thực tế hơn.
Thật thú vị khi Swiss Design – đôi khi bị chỉ trích là “công thức” và “nhàm chán” – đã cho ra những tác phẩm giống thiết kế thời nay: bỏ qua vấn đề trang trí, tập trung vào giải quyết các vấn đề với hiệu ứng, bố cục và sự thể hiện.
Những ví dụ và trò giải trí
Tôi đã nói qua một vài ví dụ về tác phẩm của Josef Müller-Brockmann trong bài đăng này cũng như hình ảnh từ Neue Grafik, tạp chí mà ông đã sáng lập (bên dưới). Nếu bạn truy cập công cụ tìm kiếm hình ảnh và nhập Swiss Design hoặc International Style, bạn có thể tìm thêm rất nhiều ví dụ, bao gồm cả các tác phẩm gần đây nhất theo phong cách này.
Dưới đây là một số trang có các ví dụ và thông tin về Swiss Style. Có thể bạn sẽ cảm thấy quen thuộc hơn với phong cách này sau khi xem vài bức ảnh!
- Swiss Origins – Graphic Design Highlights, 1933–1970
- Swiss Style Graphic Design
- Swiss Design
- Swissted — các ví dụ thời hiện đại của Swiss style
- Swiss design examples from Pinterest
- Swiss Design in a Historical Context
- Lessons From Swiss Style Graphic Design
- Understanding Swiss Style Graphic Design
Bạn cũng có thể quay lại công cụ tìm kiếm hình ảnh và nhập “thiết kế phẳng” để xem qua những điểm giống nhau giữa nó và Swiss style. Chúng rõ ràng không phải là một, nhưng bạn sẽ dễ dàng nhận ra thiết kế phẳng bị ảnh hưởng bởi Swiss Design như thế nào.
Tổng kết
Như một bản tóm tắt ngắn gọn, tôi sẽ liệt kê một số từ khóa mà tôi đã sử dụng trong suốt bài viết này để mô tả các nguyên tắc đằng sau Swiss Design:
- đơn giản, tối giản
- trật tự, rõ ràng, hệ thống lưới
- hình học, trừu tượng
- typography, dễ đọc
- hợp lý, có mục tiêu
- phổ biến, thống nhất
Phần lớn những gì chúng ta coi là “các nguyên tắc cơ bản của thiết kế” đều phát sinh từ Swiss Design và các phong trào ảnh hưởng đến nó. Trong khi nhiều phong cách thẩm mỹ đã “đến và đi”, nhưng các nguyên tắc hướng dẫn của Swiss Design chưa bao giờ rời bỏ chúng ta và nó chính là nền tảng cho thiết kế đồ họa kể từ đó.
Tác giả: Steven Bradley
Dịch giả: Thảo Tăng
Nguồn: vanseodesign