/viết một tay/ Tiểu thuyết đồ họa Beautiful Darkness: Sự thể nghiệm rùng rợn dưới vỏ bọc mộng mơ
Tiểu thuyết đồ họa (graphic novel) Beautiful Darkness vốn ra mắt bằng tiếng Pháp và lần đầu được xuất bản năm 2009 (NXB Drawn & Quarterly). Câu chuyện xoay quanh cô gái tí hon Aurora, vô tình nhận ra mình dần đóng vai trò là người lãnh đạo cho cả cộng đồng người tí hon sau một biến cố lớn. Thế nhưng, thứ tưởng chừng như cổ tích mới lạ dần chuyển thành một câu chuyện bệnh hoạn…
Cái tên Beautiful Darkness là sự phản ánh cho chính những gì được mở ra trong hơn 90 trang của quyển tiểu thuyết đồ họa này: một sự rùng rợn được lột tả tuyệt đẹp. Đây cũng có thể xem là sự thể nghiệm của các yếu tố đối lập của người chấp bút gồm Fabien Vehlmann và Marie Pommepuy về cuộc đua sinh tồn dưới vỏ bọc ngây ngô, trong sáng trong từng khung tranh màu nước của cặp đôi minh họa Kerascoët (bao gồm người viết truyện Marie Pommepuy và chồng là Sébastien Cosset).
*CÂN NHẮC: Bài viết có tiết lộ một vài chi tiết về nhân vật và cốt truyện chính với mong muốn đưa một bài review đầy đủ và giúp người đọc tiếp cận quyển graphic novel dễ hiểu hơn.
Các nhân vật quan trọng trong quyển sách gồm:
- Aurora: Người dẫn chuyện / nhân vật chính
- Plim: Người bạn thân của Aurora, xuất hiện từ các phân cảnh đầu
- Hector: Người tình của Aurora
- Zelie: cô gái được Aurora cứu giúp nhưng thực chất là một kẻ thao túng và máu lạnh
- Jane: Một nhân vật bí ẩn và là người Aurora mến mộ
- Timothy: Người bạn một mắt và nhút nhát của Aurora
- Rat: Chú chuột vừa là bạn của Aurora, vừa là kẻ về sau bị chính Aurora tiếp tay gây ra cái chết đẫm máu
- Giant: người đàn ông sống một mình trong ngôi nhà gỗ (ngôi nhà mà Aurora về sau chọn ở lại)
Beautiful Darkness đặt ra một thử thách vừa kì quặc vừa thú vị: Làm sao để người đọc vẫn cảm nhận được cái không khí ghê rợn nhưng vẫn không mất đi nét vẽ mộng mị, thần tiên của cặp đôi minh họa người Pháp Kerascoët? Làm sao để đưa người đọc vào sự chồng chéo đan xen của một thế giới bé nhỏ mà mắt người không thể nào nhìn thấy, vừa gợi ra sự phức tạp và đa dạng của một thực tế xã hội mà ta luôn biết đến?
Điều đặc biệt của tác phẩm này là sự tương phản từ phần tiêu đề, tính cách được các nhân vật bộc lộ trước mặt Aurora và đằng sau cô, lời nói đối nghịch với hành động của họ cho đến phần minh họa và nội dung. Mặc dù phần lớn cốt truyện xoay quanh Aurora, các phân đoạn nhỏ của câu chuyện cũng dành chỗ cho nhân vật phụ như các lát cắt sắc và gọn, hé lộ phần nào sự tương phản kì quặc và kinh hãi giữa các tương tác hòa nhã của nhân vật cùng tình huống khó khăn được đặt ra. Các nhân vật trong thế giới tí hon được cách điệu, có các đường nét mềm mại đáng yêu và phảng phất nét hoạt họa 2D thì cũng trong lúc ấy, một số nhân vật bí ẩn lại được tả thực vô cùng tỉ mẩn: các con thú sống trong rừng, Giant – người đàn ông khổng lồ và xác chết của cô bé không tên trong khu rừng (thực chất, là ‘ngôi nhà’ đầu tiên của Aurora và cộng đồng tí hon). Sự khắc họa tương phản này càng cho thấy thế giới vừa như một, vừa tách biệt của con người và các sinh vật bé nhỏ, giữa thiên nhiên và những nhân vật tí hon.
Các tình tiết liên tục đến và đi như guồng quay: Trong phân cảnh đầu – khi Aurora bị cuốn ra khỏi ‘ngôi nhà’ bởi những thứ nhớp nháp vây quanh khắp phòng, cho đến lúc nàng giúp mọi người chung quanh tìm kiếm thức ăn và chỗ trú, lạc người tình Hector và tìm lại được chàng nhưng người tình trở nên thờ ơ và thay đổi. Nhịp điệu của câu chuyện hầu như dồn dập và dứt khoát qua từng trang để cuốn người đọc vào những tình huống xen kẽ, và nếu không chú tâm, đủ nhanh để người đọc đánh rơi các chi tiết quan trọng. Sự tăng lên đột ngột của các tuyến nhân vật phụ cũng làm câu chuyện bỗng trở nên hỗn độn và như làm rối người đọc. Đến khi cao trào bắt được được bộc lộ: Plim – người bạn của Aurora trở thành một kẻ tráo trở và phản bội, Hector – người tình thực chất chỉ là một kẻ nông cạn và Zelie – kẻ dường như lấy đi hết mọi thứ của Aurora, tiết tấu câu chuyện mới dần trở nên chậm lại.
Cái chết của một vài nhân vật chỉ được hé lộ trong vài khung hình và để lại ‘khoảng trống’ mà người xem phải tự liên tưởng. Một số chi tiết không hề được giải thích mà cả một tác phẩm chỉ là câu chuyện theo mạch tuyến tính về mọi sự xảy đến với Aurora. Các sự tương phản về mặt thị giác và cách thể hiện trong Beautiful Darkness, thực chất, không chỉ tăng sự kịch tính cho mạch truyện mà còn gây ra sự tò mò đối với người đọc. Giữa chuyện và hình trong tác phẩm này, không hẳn phần hình đã giúp làm sáng tỏ phần chuyện mà càng khiến câu chuyện làm người đọc xôn xao và cứ mãi bàn tán về những ý nghĩa chung quanh nó. Ai yêu quý tác phẩm, vì thế, lại càng đăm chiêu nghĩ mãi về nó nhưng nếu ai đã bối rối thì lại từ đó, dễ trở nên khó chịu với tác phẩm này hơn.
Dù có là gì và được diễn giải theo nghĩa nào, Beautiful Darkness vẫn chưa hề thỏa mãn người xem với câu trả lời đầy đủ.
Aurora trong câu chuyện này, liệu là nạn nhân của một thế giới trưởng thành tàn khốc, một kẻ dại khờ trong xã hội đầy mưu mô và nhiễu loạn, hay có chăng chỉ là cách nhân hình hóa cho ngụ ngôn về những trải nghiệm sống còn của loài người để chống lại sự diệt vong vốn dĩ sẽ đến?
Khi lắp ghép lại toàn cảnh câu chuyện, vẫn có nhiều dấu hỏi lớn mà ta chẳng thể nào tìm được câu trả lời. Nhân vật nhút nhát không tên vẫn luôn trốn trong cái xác của cô gái đã chết, tại sao không hề có tương tác với các nhân vật khác cho đến tận cuối? Lí do gì mà một cô gái đã chết – trong giấc mơ của nhân vật vô danh – lại tỉnh giấc trong cảnh trí mùa thu và không hề được hé lộ cho lí do của cái chết ấy? Kể cả các nhân vật tí hon khi sống bên trong cho đến tận lúc chui ra khỏi cái xác được họ làm ‘nhà’, không một ai mảy may đến cái xác như một vật thể đã từng có sự sống hay đặt bất kì câu hỏi nào về ‘căn nhà’ đã mất của họ (thứ nhớp nháp đã đổ sập và bao quanh lấy Aurora và các nhân vật tí hon khiến họ phải chui ra bên ngoài, thực chất là máu người).
Nhưng đồng thời, dư âm đọng lại sau khi gấp lại tác phẩm này vì thế mà lắng sâu hơn. Sau mỗi lần lật giở lại, sự kinh hãi giữa cách các nhân vật giết chóc nhau hay sự thật rùng rợn đằng sau nét vẽ tựa như ngây ngô ấy lại đệm thêm những nỗi cô đơn phảng phất (như của Aurora và Timothy), hay những bi kịch gần như làm mờ đi ranh giới giữa thực và mộng (như cái chết của cô gái giữa khu rừng và giấc mộng về cô tỉnh dậy giữa mùa thu).
Kể cả tiếng cười được đệm vào – dù là giễu nhại hay ngờ nghệch – cho thấy sự hóm hỉnh không hề mất đi trong từng trang truyện. Nó như vừa làm nhẹ đi sự u ám trong không khí bao trùm câu chuyện, vừa đè nén sự kinh hãi chầu chực và chực nuốt chửng lấy người xem trong màu máu đỏ tươi ở những khung kế tiếp.
Thế thì quyển graphic novel này dành cho ai?
Liệu Aurora có phải là nữ anh hùng trong câu chuyện của chính mình hay chỉ là một sinh linh bám víu lấy sự sống mà thôi? Cái kết như khép lại một hồi, nhưng lại mở ra một hồi khác được gieo tiếp bởi sự tồn tại của chính nhân vật.
Tác phẩm không dành cho những trái tim ôm khư khư lấy các câu chuyện cổ tích xưa cũ. Không hề có một bài học nào trong Beautiful Darkness dành cho trẻ em cả. Nó chỉ cho ta thấy đằng sau một vẻ đẹp hư ảo là cuộc đời khắc nghiệt và ta không bao giờ có đủ mọi câu trả lời cho riêng mình; cái chết thì vừa tàn bạo lại vừa nhẹ hẫng như không.
Beautiful Darkness là một tác phẩm mà khi đã đọc thì phải đắm mình vào từng chi tiết, được xem nhiều lần để thấy sự lắt léo, đa tầng nghĩa. Phần minh họa màu nước thuần thục, tinh tế cũng là một sự nể trọng và có thể tiếp thêm cảm hứng cho những kẻ làm (hoặc yêu) nghệ thuật.
*Ảnh trong bài được scan chỉ với mục đích review tác phẩm, mọi bản quyền thuộc NXB Drawn & Quarterly
Thực hiện: Lệ Lin
Có sự tham khảo thêm từ
wikipedia, goodokbad, goodreads