Từ “ô cửa” nhìn ra thế giới: Quan sát trực diện từ bên trong (phần 2)

Tôi đã luôn giành sự yêu thích đặc biệt cho những ô cửa, những bo viền cho mọi điều tôi nhìn thấy bất kể là ngoài đời thực hay trong những tác phẩm nghệ thuật. Có điều gì đó thu hút bất chấp và khơi dậy những cảm xúc trong tôi. Những cảm xúc rất mạnh mẽ nhưng cũng rất khó để gọi tên.

Làm sao tôi có thể lý giải cho bạn hiểu rằng mọi thứ qua một khung cửa nhỏ xíu lại tuyệt vời hơn nhiều khi quan sát không qua bất cứ một màn chắn nào? Bạn có thể bảo tôi là người ưa những khuôn khổ, tự gò ép mình trong những kỷ luật cứng nhắc. Tuy nhiên tôi hiểu chính mình, tôi biết chính mình tự do nhiều hơn thế. Vậy tại sao thế giới qua ô cửa luôn lại là điều hấp dẫn mắt nhìn?

Bạn chắc hẳn đã từng ngắm nhìn toàn cảnh một điều gì đó thông qua một ô cửa sổ? Chắc hẳn rồi nhỉ? Và những nghệ sĩ họ cũng như thế, hàng trăm lần. Điều gì ở thế giới bên ngoài khiến sự thu hút tăng dần? Có nhiều góc độ để quan sát thế giới qua ô cửa sổ và trong nghệ thuật những góc độ được tận dụng triệt để để nâng cao khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ.

Chúng ta đều khá yêu thích những điều rõ ràng và những con số là minh chứng tuyệt vời cho điều rõ ràng ấy. Trong nghệ thuật không gì là giới hạn, đặc biệt là với sự sáng tạo, sự xuất hiện của những ô cửa có thể nhiều hơn con số tôi nhắc đến. Tuy nhiên với hiểu biết của chính mình và tôi cũng chẳng hề muốn bạn phải ngụp lặn trong thế giới nghệ thuật kỳ vĩ và miên man. Tôi quyết định gói gọn và cung cấp một con số tương đối chi li: 2. 2 là số lượng tổng quát cách thức để một ô cửa, hay dấu vết của một ô cửa xuất hiện trong tác phẩm nghê thuật. Nó có thể không quá cụ thể hay chính xác nhưng tôi nghĩ đủ để bạn nắm bắt dễ dàng cách mà ô cửa xâm nhập vào thế giới nghệ thuật như thế nào.

Phân tách những tác phẩm dựa trên góc độ của một nghệ sĩ chính là cách thức trực tiếp, trực diện nhất để họ cất lên tiếng nói của chính mình. Những ô cửa sổ được khai thác bằng cách thức trực diện này thường ít được xuất hiện trọn vẹn, thay vào đó có thể nhận biết các dấu hiệu từ những chi tiết đặc thù trong cấu trúc như lớp kính mờ, mép viền gỗ xù xì, màn rèm lay động, những chấn song kim loại,…

Một ô cửa cũng được tái hiện ở nhiều trạng thái mở toang, khép hờ, đóng chặt. Vô vàn những dấu hiệu từ tiểu tiết nhỏ nhặt đến toàn vẹn đủ để nghệ sĩ “xây dựng và lắp đặt” nên một ô cửa trong tác phẩm. Trong hội họa cách thức này được ưu ái hơn cả bởi chính là cách thức dễ dàng nhất để người nghệ sĩ đồng nhất được những cảm xúc của chính mình đến khán giả của họ. Cả một thế giới trong tầm mắt của người nghệ sĩ bạn yêu quý biến hóa kỳ ảo như thế nào?

Thông qua một ô cửa bạn có thể thấy được điều họ thấy, có thể sống trọn vẹn trong chính thế giới của họ. Diễn tả theo một cách khác nên thơ và liên tưởng, bạn chính xác là người nghệ sĩ đang ngắm nhìn và thưởng thức thế giới.

Sự cạnh tranh kịch tính

The Studio at Le Cannet, with Mimosa (1939 – 46), Pierre Bonnard đã mô tả quang cảnh bên ngoài phòng studio của ông – một ngôi nhà nhỏ với tên gọi là Le Bosquet (The Grove), ở Le Cannet, miền nam nước Pháp thông qua lớp cửa kính rộng lớn và chạm đất. Dấu hiệu của một khung cửa quá mức rõ nét: những song sắt thưa thớt, lớp kính trong suốt – một ô cửa được chăm chút kỹ lưỡng là màn chắn vô hình giữa không gian bên trong và bên ngoài studio. Trong tác phẩm khoảng cách quan sát không quá trực diện, góc nhìn chếch về phía trái, gợi nên sự mô phỏng phảng phất của cả hai không gian với sự cạnh tranh mơ hồ. Không gian phía trong studio, sau ô cửa sát gần và có chút mờ nhòe không rõ nét, vật thể được đặc tả cận nhưng màu sắc khá nhợt nhạt và yếu ớt.

https://ychef.files.bbci.co.uk/624x624/p09mblcb.jpg
The Studio at Le Cannet, with Mimosa (1939 – 46)

Đối lập là sự rực rỡ, thậm chí có phần quá quắt của sắc vàng mimosa bên ngoài lan tràn, xâm lấn vào không gian bên trong studio. Sự lãnh chiếm không gian từ ngoài vào trong bởi màn chắn khung cửa trong suốt mà càng thêm tỏ tường và ý nhị. Những nét cọ vàng dày đậm của sự phối kết của ánh sáng vùng Địa Trung Hải và sắc hoa mimosa ở bên ngoài trở nên mềm nhẹ, mỏng manh hơn khi xuyên qua ô cửa. Sắc vàng lan tỏa, ánh lên lấp lánh trên từng biểu bì của Pierre Bonnard và dường như là trên cả chính chúng ta – những người đang quan sát cùng một cảnh vật qua tác phẩm.

Cảm thức về gò ép không gian

Điểm đặc trưng của những tác phẩm lấy ô cửa làm chủ đề chính là sự gò ép về không gian. Điều này đặc biệt cụ thể trong những tác phẩm với góc nhìn trực diện. Không gian dù quãng đãng, bao la cũng sẽ bị bó chặt và đóng khung bởi những viền ô cửa vuông vắn. Chính sự thu hẹp về không gian, chỉ được phép quan sát cảnh quang bên ngoài thông qua sự giới hạn càng đẩy cao sự liên tưởng về khoảng không vô tận bị che lấp. Cảnh sông nước Venetian trong tác phẩm From a Venetian Window (1934) quá mức tươi sáng và đáng yêu nhưng buồn thay bạn sẽ chẳng bao giờ được phóng tầm mắt của mình để ôm trọn toàn bộ.

From a Venetian Window (1934)

Họa sĩ người Anh Christopher Richard Wynne Nevinson (1889 – 1946) đã dấy lên một quang cảnh sinh động, con nước xanh trong lăn tăn ánh nắng, những cánh buồm nâu đỏ trong ngày gió nhẹ,… nhưng cảnh vật tưởng phải trả dài cùng khắp lại bị đè nén, nằm gọn trong một ô cửa.

Sự gò ép còn ở mức cao hơn với sự tranh chấp không gian của một cánh cửa mở hờ, lớp kính mờ đục, chi tiết hoa lá dày đặc, tấm phong bạt kẻ sọc sắc màu, thậm chí đâu đó lấp ló cạnh tấm rèm là chiếc giường êm ái. Sự hội tụ của vô số vật thể xinh xắn bên trong vô tình đè ép hơn hơn cảnh sông nước quang đãng. Ánh sáng tinh tế, màu nước trong trẻo bên ngoài càng thúc đẩy mong muốn tận hưởng không gian, kích thích sự mơ tưởng về không gian sông nước rộng lớn, đầy sức sống trong tâm trí người thưởng thức. Nếu có hẹn với sông Venetian vào một ngày đẹp trời như thế, chắc hẳn cả Christopher và bạn cũng chẳng thể nỡ buông câu chối từ.

Không gian rộng lớn càng bị chèn ép càng kích thích cao độ sự nở rộng của chúng trong tâm tưởng. Con người là sinh vật tò mò, khao khát và mạnh mẽ. Một giới hạn không phải dùng để đánh gục mà chỉ là bước đà để chúng ta bướng bỉnh nhảy vọt qua.

Sự độc chiếm riêng tư

Điểm tuyệt vời nhất mà ô cửa cung cấp cho tác phẩm chính là góc nhìn. Một ô cửa đặc biệt là đem đến góc nhìn thuận lợi, người quan sát được cấp phép một không gian tiệm cận với thế giới bên ngoài. Hãy thử thay đổi mỗi chuyển động hay mỗi vị trí khác nhau để quan sát thông qua ô cửa, bạn đã có nhiều phương án tranh khác nhau cho cùng một cảnh vật. Với ô cửa, vị trí quan sát thường ngang tầm mắt hoặc có chiều hướng từ trên cao điều này do sự đặc thù trong vị trí lắp đặt ô cửa. Nếu vị trí ngang tầm mắt cho phép sự tiệm cận ở mức độ cao nhất, không gian bên ngoài sát kề bên trong, thì với góc nhìn từ trên cao qua một ô cửa lại đem đến sự thú vị khác: sự độc chiếm.

Góc độ quan sát trên cao, sẽ cho tác phẩm sự độc chiếm không gian. Quan sát toàn thể ở vị trí cao hơn hẳn toàn thể luôn mang đến ít nhiều cảm giác “thống trị và quyền lực”, mọi thứ trở nên nhỏ bé và dường như nằm gọn trong lòng bàn tay đưa đến sự thỏa mãn cho mắt nhìn và cả tâm trí. Tuy nhiên, sự độc chiếm với các tác phẩm mô tả cảnh quang bên ngoài thông qua một ô cửa sổ sẽ hơi khác biệt so với một tác phẩm với góc nhìn tương tự. Sự độc chiếm này mang tính riêng tư hơn nhiều bởi đặc trưng của ô cửa là sự chèn ép không gian.

Les rues de Paris, panneaux pour Henry Bernstein: Seconde série, La Place Vintimille

Phố xá lao xao, cư dân Paris trang nhã, xe ngựa lộc cộc trong Les rues de Paris, panneaux pour Henry Bernstein: Seconde série, La Place Vintimille được thu ép vào trong tầm mắt Edouard Vuillard (1868 – 1940). Biên độ tranh rất hẹp và chiều dài lại kéo đến vô cùng, một dấu hiệu mơ màng của ô cửa sổ đặc trưng cho kiến trúc cao tầng cổ điển châu Âu. Tác phẩm cùng một vị trí quan sát trên cao nhưng lại chếch ở hai góc khác nhau càng gia tăng sự bó hẹp trong quan sát. Sự độc chiếm mang tính riêng tư và bó buộc. Tựa như chính người xem đang thực sự chạm vào lớp kính lành lạnh của những ngày cuối thu để tham lam thu hết mọi nhịp chuyển động thường nhật của Paris phía ngoài. Len lỏi đâu đó là cảm thức mơ hồ về sự lén lút thích thú của một người quan sát tò mò với nội tâm sâu kín.

Một ô cửa trong tác phẩm dù kín kẽ, không một khe hở vẫn là cách thức đặc biệt mà người nghệ sĩ rộng mở lòng mình để đón chào thế giới.

Màn chắn hoàn hảo

Không gian bên ngoài được tái hiện qua ô cửa là một điều được ưu ái nhưng không phải là tất cả. Tầm mắt của nghệ sĩ còn chi li hơn thế và cụ thể hơn thế. Đôi khi, cửa sổ chỉ là một phông nền thú vị để nhìn ngắm rõ hơn những vật thể ở không gian bên trong.

View from the Artist’s Window (1825)

View from the Artist’s Window (1825) góc phòng xỉnh xẻo với những chậu hoa tươi tắn trong nắng vàng của Martinus Rørbye được tắm mình trong nắng vàng bên một ô cửa kính cũ – một ô cửa sổ đẹp nhưng không với dụng ý tăng cường sự liên tưởng về không gian bên ngoài. Với tác phẩm này ô cửa sổ chính xác dùng để che lấp, hướng tới sự tập trung vào vật thể ở không gian trong phòng. Những mép cửa trắng bạc màu đã làm tốt nhiệm vụ của nó, không gian phía xa bị ngăn cách để có thể hoàn toàn cảm thụ được sắc hoa nhẹ nhàng trong nắng phía trong. Vẫn là nét bút uyển chuyển và tinh tế cho cả hai không gian, nhưng với bên trong sự đặc tả cao độ hơn, có sự phân định rõ hơn từng mảng sáng tối nương theo độ chiếu của ánh sáng. Sự đối lập hấp dẫn mắt nhìn hơn với không gian sau cửa sổ nhòe sáng.

Sử dụng một ô cửa sổ để trực diện nhìn ra thế giới, nghệ sĩ đã cung cấp một đường tắt, bày ra những trải nghiệm có thể cảm nhận bằng liên tưởng qua mọi giác quan, để đón chào những người yêu mến nghệ thuật thâm nhập sâu vào cách thức họ nhìn ngắm và suy nghĩ về thế giới. Mắt nhìn đồng nhất mắt nhìn và có lẽ tâm tư sẽ đồng nhất tâm tư? Một trường liên kết thú vị, tinh tế và rất trực diện.

Chẳng cần ngao du ở những miền xa lạ chỉ một ô cửa sổ đã đủ làm thế giới bộc lộ nhiều kì diệu chất chứa. Điều đó có đủ thuyết phục bạn rằng, ô cửa luôn là một biểu tượng mạnh mẽ và hiệu quả để có thể ngắm nhìn thế giới?

Nếu không thích phương thức trực diện, hãy đón chờ phần tiếp theo để khám phá cách thức ngắm nhìn thế giới bằng sự ý nhị và sâu xa hơn nhé!

Thực hiện: Y.ink

Cùng tác giả

#Tag

hội hoạ nghệ thuật Series từ ô cửa nhìn ra thế giới Y.ink

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…