Tìm hiểu về sơn mài và Workshop ‘Nghệ thuật sơn mài trong thiết kế sáng tạo sản phẩm trang trí hiện đại’

Sơn mài là sự kế thừa kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống của Việt Nam. Tính phức tạp, tùy chỉnh trong việc kết hợp nguyên vật liệu; sự công phu, tỉ mỉ trong kỹ thuật thực hiện; cộng với yếu tố liên kết, phục vụ lẫn nhau giữa các làng nghề làm sơn mài đã nâng phẩm giá mỹ thuật sơn lên một tầm cao mới, giúp sơn mài trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Sơn mài là gì?

Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam. Sơn mài là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, từ dùng để gọi sơn mài (tiếng Anh: lacquer) thường được hiểu sang các đồ dùng sơn mỹ nghệ của Nhật, Trung Quốc. Kỹ thuật mài được những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đầu thập niên 1930 khám phá và đưa vào kỹ thuật tạo tác là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công sơn mỹ nghệ và tranh sơn mài Việt Nam. Thuật ngữ “sơn mài” và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh để hoàn thiện tác phẩm.

Hình lợn ở đình Thụy Phiêu thời Mạc trên cột thờ gác lửng với chất sơn ta còn lưu trên nền chạm
Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên

Một điều thú vị ở thể loại sơn mài là bản thân nó sở hữu những đặc điểm rất “ngược đời”: ví dụ muốn lớp sơn vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao; hay muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình.

Hầu hết các họa sĩ đồng ý rằng: kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước hiệu quả đạt được sau khi mài tranh.

Tranh sơn mài “Bình minh trên nông trang” của Nguyễn Đức Nùng (1958)
Nguồn ảnh: bantranh.com
Tranh sơn mài Phạm Trinh “Tiếng hò trên cánh đồng chiều”
Nguồn ảnh: Đông Phương Art

Tính phức tạp và tùy chỉnh trong việc kết hợp nguyên vật liệu trong tác phẩm sơn mài

Một sản phẩm sơn mài sử dụng khá nhiều nguyên liệu, bao gồm: sơn màu, sơn đen, gỗ, lá vàng/lá bạc, vỏ trứng, vỏ xà cừ (trai, ốc,…), màu vẽ, keo. Các sản phẩm mỹ nghệ sơn mài có thể nói là vô cùng đa dạng về màu sắc và nguyên liệu cấu tạo.

Chỉ riêng trong kỹ thuật dán bạc cho tranh sơn mài, đã có rất nhiều loại bạc khác nhau để người nghệ nhân có thể thỏa ý chế tác như bạc thếp (lá bạc, có ưu điểm là bền và sáng, thể hiện sự tinh tế, nâng cao giá trị cho tác phẩm), hay bạc dán, bạc xay (nhũ bạc), bạc dầm. 

Dát bạc lên tác phẩm sơn mài, nghệ sĩ trong công đoạn này là một thợ nghề thủ công
Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên

Nhiều nghệ nhân sơn mài còn kết hợp thếp bạc, cẩn vỏ trứng – vỏ xà cừ trên cùng một tác phẩm. Ngoài ra, người nghệ nhân còn dựa vào đặc điểm của từng loại vỏ trứng để phối hợp màu sắc sao cho phù hợp, như vỏ trứng gà có sắc trắng vàng sẽ tạo nên gam màu nóng, vỏ trứng vịt có sắc trắng xanh tạo nên gam màu lạnh. Ngoài ra, người nghệ nhân còn sáng tạo ra việc nướng vỏ trứng để tạo nên sắc độ màu đậm hơn.

Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên

Tương tự, tranh sơn mài khảm trai là loại tranh sử dụng vỏ của động vật thân mềm như trai, ốc xà cừ hoặc bào ngư, bởi những loài này có vẻ đẹp lung linh rất đặc biệt và giúp tăng tuổi thọ cho bức tranh sơn mài. 

Mỗi tác phẩm sơn mài cần hàng tháng trời để hoàn thiện. Các công đoạn cầu kỳ tạo nên tác phẩm cao cấp với tuổi thọ lên đến hàng trăm năm, nên cũng dễ hiểu sơn mài được xem là một trong những niềm tự hào của người Việt.

Yếu tố liên kết, phục vụ lẫn nhau giữa các làng nghề làm sơn mài 

Việc làm sơn mài luôn phụ thuộc vào thời tiết, cụ thể nó rất thích hợp với mùa xuân và những ngày mưa đầu hạ. Ngoài ra, việc làm nghề sơn mài không những chia theo khu vực sản phẩm mà còn có yếu tố liên kết, phục vụ lẫn nhau.

Ví như làng nghề sơn mài Hạ Thái, Làng nghề sơn mài Đình Bảng (Từ Sơn – Bắc Ninh) thường lấy quỳ vàng, quỳ bạc của làng Kiêu Kị (Gia Lâm), lấy giấy dó của làng Đông Cao, lấy vải màn của làng Đình Cả, lấy vóc hoặc sản phẩm chạm khắc của làng Phù Khê, lấy nguồn sơn thô của Phú Thọ, Yên Bái và lấy nguồn dầu trẩu, dầu trám của Lạng Sơn, Cao Bằng… Tuy nhiên, để gọi là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật địa phương phải kể đến làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp từ nhiều thế kỷ nay nổi tiếng khắp cả nước, nay là phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố 7km về phía bắc.

Hà Nội ngày nay vẫn là đầu mối tập trung nguyên liệu và các bậc chế tác nghệ thuật sơn mài nổi tiếng. Đa phần họ có gốc thành viên của các làng nghề truyền thống nhập cư Hà Nội và tạo nên 36 phố phường ngày trước.

Sơn mài thời hiện đại và phẩm giá đến từ khả năng khai thác chất liệu của những nghệ nhân Việt

Hiện nay, tranh sơn mài sử dụng nguyên liệu là sơn Nhật được dùng khá phổ biến. Do sơn ta có hạn chế là dễ gây tác động phụ cho người sử dụng. 

Ngoài ra, khi dùng sơn ta, tranh lại phụ thuộc vào thời tiết khá nhiều. Khi thời tiết có độ ẩm cao thì sơn càng nhanh khô, nếu thời tiết khô ráo (độ ẩm thấp) thì sơn rất lâu khô. Do vậy, sơn ta ít khi được dùng tại các nước có khí hậu khô ráo. Trong khi đó, sơn Nhật lại nhanh khô và làm cho việc ai đó muốn vẽ tranh ở nước ôn đới cũng có thể thực hiện được. 

Nhưng khi sử dụng sơn Nhật, để tranh được bóng, bây giờ người ta thường dùng một lớp sơn trong (sơn cánh gián) phủ ra bên ngoài tranh, còn nếu tranh sơn mài dùng sơn ta, chỉ cần lấy nắm tóc rối xoa lên tranh, hoặc dùng bàn tay có độ ẩm (có ít mồ hôi) xoa lên tranh, tranh sẽ rất bóng. Tranh sơn màu dùng sơn ta vẫn được ưa chuộng hơn vì sự công phu trong quá trình làm tranh và khi nhìn, nó tạo độ sâu cho bức tranh hơn.

Sơn mài ngày nay không chỉ còn ứng dụng sản xuất tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối… nó còn được phát triển để sản xuất các mặt hàng nội thất cao cấp như bàn ghế, giường tủ… Gốm sơn mài hiện là mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều nước.

… Nói rõ ra, Sơn Ta chỉ có công dụng trang trí, địa vị là ở trong trang trí. Mặc dầu ở Nhật, nghệ thuật sơn có tế nhị hơn cả, nhưng chưa một nước nào nghĩ đến tìm tòi, sử dụng nguyên liệu sơn một cách khác cổ truyền, phiêu lưu trong nghệ thuật sơn để tìm một con đường nào tăng phẩm giá mỹ thuật sơn bằng cách phát minh thêm khả năng của nó. Song, từ 1931 trở đi, nhờ sự tìm tòi thiết tha của một số họa sĩ có tài bỏ sơn dầu để chuyển hẳn về sơn mài, Sơn Ta đã vượt được ra ngoài nơi cầm hãm, ngang nhiên trên đường bao la của hội họa, cứ phương trời xa lạ mà tiến. Từ cái tráp, chiếc guốc, nó vượt lên bức họa lồng khung quý giá, từ một phương tiện phụ thuộc làm tôn vẽ đồ vật, nó trở nên một phương tiện độc đáo diễn đạt nổi tâm hồn người nghệ sĩ, một phương tiện lấn át cả sơn dầu. Quên dĩ vãng Sơn Ta đổi tên nhũn nhặn là Sơn Mài.”

Tô Ngọc Vân

Workshop ‘Nghệ thuật sơn mài trong thiết kế sáng tạo sản phẩm trang trí hiện đại’

Buổi thực hành Sơn mài với kỹ thuật thếp vàng, gắn trứng và mài hoàn thiện sản phẩm do Lamphong Studio hướng dẫn sẽ giúp những ai quan tâm và muốn trải nghiệm thực tế chất liệu sơn mài có thể tự tay tạo nên những tác phẩm sơn mài với những sáng tạo của chính mình. Thông qua workshop người tham gia có thể hiểu được các bước thực hiện các sản phẩm sơn mài, từ đầu đến khi hoàn thiện. Qua đó hiểu thêm về chất liệu thủ công truyền thống tuyệt vời này.

Lamphong sẽ cung cấp nguyên vật liệu như sơn, vóc, vỏ trứng, vàng lá và hướng dẫn người tham gia có thể hoàn thành một sản phẩm sơn mài đơn giản trong thời gian 90 phút. 

Đối tượng tham gia trải nghiệm trực tiếp là các khách mời và bạn đọc của các dự án Elle Decoration Vietnam, những người quan tâm đến Nghệ thuật sơn mài và sản phẩm của Lamphong Studio.

*Trẻ em cũng có thể tham gia làm thủ công, đối với trường hợp này khuyến khích có người lớn đi thực hành cùng các em.

Tổng thời gian chương trình kéo dài 2 giờ 30 phút.


Về đơn vị tổ chức

Lamphong Studio là xưởng thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, thực hiện các sản phẩm thủ công với các chất liệu dân gian truyền thống như Gốm, Sơn Mài, Đồng, Bạc..Những thiết kế của Lamphong Studio hướng lấy cảm hứng từ mỹ thuật truyền thống, sử dụng hoa văn hoạ tiết dân gian, những tích cổ để kể câu chuyện ngày thường hiện tại thông qua những sản phẩm quà tặng, trang trí, ứng dụng mang hơi thở của thời đại.

Lamphong luôn cố gắng theo đuổi con đường riêng cho sản phẩm thủ công, những sản phẩm nhỏ với độ hoàn thiện cao, bao bì và các ấn phẩm đi kèm chỉn chu, chú trọng đến từng chi tiết nhỏ. Những sản phẩm được tạo ra từ những nhà thiết kế trẻ mang niềm tự hào của tinh thần Việt. 


Timeline Chương trình (Dự kiến)

  • Chia sẻ, tản mạn: “Thiết kế sản phẩm dân gian Đương đại”, giới thiệu câu chuyện thiết kế, thực hiện các dự án con giáp hàng năm mà Lamphong đã thực hiện. (45 phút)
  • Giới thiệu chất liệu và quy trình làm sơn mài. (30 phút)
  • Hướng dẫn kỹ thuật thếp vàng, gắn trứng và mài hoàn thiện sản phẩm, những lưu ý mà người tham gia cần nắm trước khi bắt tay vào thực hiện. (30 phút)
  • Thực hành thếp vàng, gắn trứng và mài hoàn thiện sản phẩm dưới sự hỗ trợ và hướng dẫn của team Lamphong. (60 phút)
  • Khách tham gia chia sẻ về tác phẩm/ trải nghiệm của mình về sơn mài và về buổi hoạt động. (30 phút)

Sản phẩm mang về

Hoàn thành workshop này, người tham dự sẽ được mang về tác phẩm sơn mài do chính mình tạo ra. Và cũng sẽ có thêm thông tin, trải nghiệm về chất liệu sơn mài truyền thống.

Sản phẩm cụ thể: Đĩa gắn trứng, thếp vàng. Cá sơn mài.

Link đăng ký tham gia: tại đây

Tổng hợp và biên tập: May


ELLE Decoration Pop-Up Concept

Pop-Up Series là một format chương trình do ELLE Decoration khởi xướng từ năm 2022, với mong muốn tạo ra một không gian kết nối cộng đồng yêu nghệ thuật, thiết kế, văn hoá và phong cách sống.

Tiếp nối thành công của Season 1, Season 2 vào tháng 3 và tháng 4 năm 2023 với quy mô đặc biệt này sẽ diễn ra ở Gallery Medium (240B Pasteur) và Pop-Up Playground tại De La Sól – Sun Life Flagship (244 Pasteur) quận 3, TPHCM. Đây cũng là nơi 10 người bạn trong thế giới sáng tạo của ELLE Decoration sẽ giới thiệu góc nhìn, cảm thức của họ về không gian và văn hoá trong chiều dài một thập kỉ qua.

Chuỗi sự kiện sẽ kéo dài từ 3 đến 6 tuần bao gồm đa dạng các hoạt động, như: design talk, workshop, seminar, trình diễn, showcase, demo sản phẩm, giao lưu cùng nghệ sĩ vv.. phong phú, nhằm kết nối cộng đồng to lớn độc giả, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, nhà báo và sinh viên ngành nghệ thuật, cũng như các chủ nhà của các công trình đã từng xuất hiện trên ELLE Decoration. 

ELLE Decoration Pop-Up Office:

  • Thời gian: 10AM-6PM | Từ 27/03 đến 15/04
  • Địa điểm: Gallery Medium, 240B Pasteur, Q3, TP.HCM
  • Link sự kiện

ELLE Decoration Pop-Up Playground:

  • Thời gian: 9:30AM – 9PM | Từ 26/03 đến 11/04
  • Địa điểm: De La Sól – Sun Life Flagship, 244 Pasteur, Q3, TP. HCM
  • Link sự kiện

Cùng tác giả

#Tag

Elle Decoration ELLE Decoration Pop-Up Concept ELLE Decoration Vietnam may Nghệ thuật sơn mài Nghệ thuật sơn mài trong thiết kế sáng tạo sản phẩm trang trí hiện đại

iDesign Must-try

New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
New York School và thiết kế đồ hoạ Mĩ giữa thế kỉ 20 (Phần 1)
Làn sóng đầu tiên của thiết kế Hiện đại ở Mĩ là do những người nhập cư châu Âu tài năng tìm kiếm trốn thoát chủ nghĩa toàn trị chính…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Frida Kahlo
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Picasso
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 03/2023
/Maybe bạn nên … Đi/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ 1. Triển lãm ‘Alice ở…
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
/Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ - Rembrandt 
Series /Ta biết gì về loạt tranh tự họa của các nghệ sĩ?/ là loạt bài giới thiệu và phân tích về chùm tranh tự họa của các họa sĩ…
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…