The Devil Wears Prada tròn 15 tuổi: Khám phá 15 bộ phim tiêu biểu về giới thời trang
Thấm thoắt đã 15 năm trôi qua từ ngày The Devil Wears Prada ra mắt và trở thành tượng đài của những bộ phim mang đề tài thời trang. Hãy cùng dành những ngày giãn cách xã hội để thưởng thức lại tác phẩm trên và 14 bộ phim khác để hiểu thêm về một thế giới vừa rực rỡ, hấp dẫn vừa khắc nghiệt.
The Devil Wears Prada (2006)
Khi Andrea Sachs (Anne Hathaway), một sinh viên ngành báo chí mới tốt nghiệp được thuê làm trợ lý cho Miranda Priesley (Meryl Streep), tổng biên tập của tạp chí thời trang quyền lực Runway, bước ngoặt lớn đã diễn ra. Một người không mấy quan tâm đến ngoại hình và từng không coi trọng sự hào nhoáng bên ngoài sẽ phải làm sao để đối phó với một thế giới xa hoa, tàn nhẫn xoay quanh Miranda? Hài hước và gay cấn, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lauren Weisberger xuất bản năm 2003 vô cùng đáng nhớ và vẫn hợp thời sau hơn một thập niên ra mắt.
Yves Saint Laurent (2014)
Bộ phim Yves Saint Laurent của Jalil Lespert theo chân cuộc đời đầy biến động của một trong những nhà thiết kế thời trang vĩ đại nhất của Pháp, người có cuộc sống cá nhân và sự nghiệp liên hệ mật thiết với nhau. Từ khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu nhà mốt Dior năm 1957 đến khi thành lập thương hiệu riêng vào năm 1961, phim đi qua những sự kiện như cuộc gặp gỡ với tri kỷ Pierre Bergé, buổi trình diễn Ballet Russes năm 1976,.. và những nguồn cảm hứng, những ý tưởng muốn thử nghiệm của ông. Đạo diễn Jalil Lespert cố gắng truyền tải khả năng thiên tài và tâm tư phức tạp của nhà thiết kế, thông qua diễn xuất thuyết phục của Pierre Niney, người đã giành giải César cho Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.
Saint Laurent (2014)
Huyền thoại thời trang trong phim của Bertrand Bonello là một hình tượng đau khổ và tai tiếng. Đạo diễn đưa người xem đắm chìm vào những năm 1970, thời đại sôi động và điên rồ để khám phá cuộc phiêu lưu trong tâm trí của một nhà sáng tạo thiên tài. Diễn viên Gaspard Ulliel đóng vai một người đàn ông say sưa với công việc để quên đi những nỗi đau, sẵn sàng chết chìm trong những bữa tiệc, ma túy và tình ái.
Funny Face (1957)
Trước The Devil Wears Prada, đã có Funny Face, cũng là câu chuyện về nàng Lọ Lem nhưng ở thời đại khác. Dựa theo một vở nhạc kịch kinh điển, Joëlle hay Joe Stockton (Audrey Hepburn), một cô thủ thư đến từ Greenwich Village, trở thành gương mặt mới của Quality, tạp chí thời trang Mỹ, nằm dưới quyền biên tập viên toàn năng Maggie Prescott và nhiếp ảnh gia ngôi sao Dick Avery. Tại Paris thời hậu chiến, Joe và Dick yêu nhau, và dung hòa hai thế giới dường như tách biệt.
Coco Before Chanel (2009)
Từ thời thơ ấu ở trường nội trú cho đến những ngày đầu làm thợ may ở Paris trước khi cho ra mắt hãng thời trang riêng, bộ phim tiểu sử khắc hoạ đời sống lãng mạn của Gabrielle Chanel, người đã cống hiến cả tuổi trẻ cho công việc và những câu chuyện tình yêu.
Audrey Tautou hóa thân một cách duyên dáng vào vai nhà thiết kế đã giải phóng cơ thể phụ nữ bằng những trang phục năng động mà vẫn thanh lịch. Đạo diễn Anne Fontaine quan tâm đến giai đoạn trước vinh quang để kể câu chuyện về một người phụ nữ tổn thương từ tuổi thơ bị bỏ rơi và tình yêu bi thảm.
The Neon Demon (2016)
Một cô gái trẻ đến Los Angeles để bắt đầu sự nghiệp người mẫu. Sự nổi tiếng như vũ bão, vẻ đẹp và sự thuần khiết của cô đã khơi dậy lòng ghen tị và đố kỵ khiến có những kẻ liều lĩnh muốn cướp đi vẻ đẹp ấy. Từng tranh giải tại Liên hoan phim Cannes năm 2016, bộ phim của Nicolas Winding Refn cho thấy một Elle Fanning khác biệt nhất tính đến thời điểm đó.
Coco Chanel & Igor Stravinsky (2009)
Paris năm 1920, cái tên Coco Chanel xuất hiện khắp nơi. Những người Paris giàu có đổ xô đến cửa hàng ở số 5 phố Cambon để chiêm ngưỡng những sáng tạo nữ tính và tinh tế mang logo hai chữ C lồng vào nhau. Phía sau hậu trường vinh quang, nhà thiết kế tan nát cõi lòng sau khi người yêu Boy Capel qua đời trong vụ tai nạn xe hơi năm 1919, cho đến khi gặp nhà soạn nhạc Igor Stravinsky. Bị cuốn hút bởi sức hút và tính cách của người nghệ sĩ chạy trốn khỏi Cách mạng Nga, Coco Chanel quyết định đưa ông cùng vợ và các con vào sống tại một biệt thự riêng, và trở thành tình nhân của ông ta. Đạo diễn Jan Kounen đã thể hiện một mối tình lén lút, say đắm mà Anna Mouglalis và Mads Mikkelsen là hiện thân của cặp đôi thiên tài với cái tôi quá lớn.
Who Are You Polly Maggoo? (1966)
Một tác phẩm châm biếm về thời trang và truyền hình được hé lộ qua con mắt của họa sĩ kiêm nhiếp ảnh gia người Mỹ William Klein. Tại Paris năm 1966, Grégoire Pecque (Jean Rochefort) gặp gỡ người mẫu Polly Maggoo (Dorothy Mac Gowan) để làm một phóng sự truyền hình mang tên Who Are You Polly Maggoo ? Câu chuyện kỳ quặc đã không làm mất đi nét hấp dẫn tuyệt vời của giới thời trang sôi động những năm 60.
The Dressmaker (2015)
Trong bộ phim Úc của đạo diễn Jocelyn Moorhouse, minh tinh Kate Winslet hoá thân thành nhà tạo mẫu tài năng, trở về quê hương Úc sau khi có sự nghiệp thành công ở châu Âu. Sự trở lại mang chủ đích trả thù những người hàng xóm, kẻ chịu trách nhiệm gây ra những tổn thương thời thơ ấu của cô. The Dressmaker vẽ nên một bức tranh về một xã hội lạnh lùng, nơi những tin đồn và lời nói dối nuôi sống cộng đồng.
Phantom Thread (2017)
Câu chuyện về nhà thiết kế thời trang Reynold Woodcock (Daniel Day-Lewis), người thống trị London hào nhoáng của những năm 50. Một câu chuyện tình đẹp của Paul Thomas Anderson, với những bộ váy thanh lịch đã giành giải Oscar cho trang phục đẹp nhất năm 2018.
Zoolander (2001)
Bộ phim là một cuộc phiêu lưu điên rồ của chàng siêu mẫu ngây thơ do Ben Stiller thủ vai, đồng hành cùng người bạn diễn ăn ý Owen Wilson. Phim còn có rất nhiều những ngôi sao nổi tiếng xuất hiện trong vai trò khách mời như David Bowie, Milla Jovovich, Tom Ford, Natalie Portman và Lenny Kravitz.
Personal Shopper (2016)
Là gương mặt đại diện cho nhà mốt Chanel từ năm 2013, nữ diễn viên Kristen Stewart gây ấn tượng khi hoá thân thành cô trợ lý bị ám ảnh bởi hồn ma người anh song sinh, người thích mặc những chiếc váy Chanel mà cô đã đánh cắp từ người chủ.
Ready To Wear (1994)
Được quay trong tuần lễ thời trang Paris mùa xuân năm 1994, Ready To Wear đưa chúng ta vào guồng quay thời trang cao cấp bỗng bị đảo lộn bởi cái chết đáng ngờ của chủ tịch hiệp hội may mặc. Bộ phim đặc biệt đáng xem với bộ đôi nhân vật chính lịch lãm của hai quái kiệt điện ảnh Ý, Sophia Loren và Marcello Mastroianni.
Would I Lie To You? (1997)
Thất nghiệp và đầy tuyệt vọng, Eddie (Richard Anconina) giả làm người Do Thái để được một ông chủ cũng là người Do Thái tuyển dụng vào làm tại kho hàng dệt may. Đương nhiên là sự thật không thể che giấu được mãi.
Confessions Of A Shopaholic (2009)
Becky (Isla Fisher) mắc chứng nghiện mua sắm. Cố gắng che giấu chứng bệnh với những người xung quanh và đặc biệt là người sếp đầy sức hút, nữ chính sẽ phải đối mặt những gì trước nguy cơ đánh mất chính mình?
Biên tập:19August
Nguồn tham khảo
Các bài khác cùng chủ đề
- 1. Coco (2017): Khi cái chết không phải là chia xa
- 2. “Sự im lặng của bầy cừu” và nữ quyền trong thế giới đàn ông
- 3. “Inception”: Chuyện về những kẻ lang thang trong giấc mơ
- 4. Ngoài nàng Saoirse Ronan nổi loạn, “Lady Bird” còn 6 diễn viên xuất sắc khác
- 5. Bộ phim “Me and Earl and the Dying Girl” và hành trình của một người hùng
- 6. Vì sao “The Shawshank Redemption” (1994) vẫn là một thước phim kinh điển cho đến tận ngày nay?
- 7. Blade Runner (1982): Kẻ vĩ đại bị lãng quên (phần 1)
- 8. Blade Runner (1982): Kẻ vĩ đại bị lãng quên (phần 2)
- 9. “Isle of Dogs” và lý do khiến đây là bộ phim mang tính chính trị nhất của Wes Anderson
- 10. 10 bộ phim không thể bỏ qua tại Cannes 2018