Những họa sĩ Nhật Bản của thế kỉ 20 mà bạn nên biết (Phần 3)

Tiếp tục hành trình tìm hiểu về lịch sử của hội họa Nhật Bản, cùng tìm hiểu xem phần ba này sẽ giới thiệu cho bạn những họa sĩ nào!

Các họa sĩ Nhật trong giai đoạn này tiếp tục học hỏi từ phương Tây và kết hợp với những kỹ thuật vẽ truyền thống để tạo ra một sự giao thoa hoàn hảo. Bên cạnh đó, một số cá nhân cũng bắt kịp những sự kiện xã hội đương thời và thể hiện chúng qua các tác phẩm của mình.

Chikatoshi Enomoto (1898-1973)

Tác phẩm ” Một góc phố ngày xuân ở Ginza.” (1933)

Chikatoshi Enomoto bắt đầu theo học hội họa dưới sự dẫn dắt của Kaburaki Kiyokata và tốt nghiệp khoa Hội họa truyền thống (Nihonga) tại Trường Mỹ thuật Tokyo năm 1921. Năm 1922, ông lần đầu tiên có tác phẩm được chấp nhận tại một cuộc triển lãm do chính phủ tài trợ.

Tác phẩm “Ruy băng” năm 1940.

Ông thường vẽ các tác phẩm khổ lớn tương đương hai tấm lụa và gấp lại được, còn được gọi là Byobu. Bên cạnh đó, ông cũng được xếp vào nhóm bijin-ga dành cho các họa sĩ miêu tả nét đẹp của người phụ nữ.

Tác phẩm “Yogai” (1933) mô tả 2 người phụ nữ đang chơi yoyo bên cạnh cây thông Noel, đây là thời gian mà món đồ chơi này nhập khẩu vào Nhật.
Một tác phẩm nằm trong chuỗi các bức tranh vẽ các vận động viên trượt tuyết nữ.

Trong sự nghiệp họa sĩ của mình, Chikatoshi đã nổi tiếng với những bức tranh thể hiện nét hiện đại về những người phụ nữ xinh đẹp với gu thời trang tân thời. Ông có một sự hứng thú lớn với những vận động viên nữ trượt tuyết và thường xuyên đưa họ vào các tác phẩm. Năm 1932, các tác phẩm vẽ vận động viên của ông được đem đi thi tại Olympic mùa hè 1932 ở Los Angeles.

Shoko Uemura (1902-2001)

Shoko Uemura đang ngồi cạnh xem mẹ mình vẽ.

Nếu như Shoen Uemura (từng giới thiệu ở phần 1) thành công với trong việc mô tả vẻ đẹp của người phụ nữ, thì người con trai Shoko lại có hứng thú với vẻ đẹp thiên nhiên và động vật. Khi còn nhỏ, ông là một đứa trẻ thích côn trùng, hoa và chim rồi sử dụng son môi của mẹ mình để vẽ những chiếc mào chim. Ông có một sự hứng thú lớn đến các loài chim thuộc vùng Đông Á và thường xuyên vẽ chúng.

Tác phẩm “Con công” (1983) là một trong những tác phẩm nổi tiếng.
Tác phẩm “Nước ấm” năm 1988.

Năm 1948, ông đã mạo hiểm khi bí mật thành lập một nhóm nghệ sĩ tên Nitten Sozo Bijutsu (Nghệ thuật sáng tạo) với mong muốn cải cách hội họa truyền thống (Nihonga) và các phong trào hội họa quốc tế . Trong cuốn nhật kí của mình, ông có ghi chép lại những cảm xúc của mình khi hòa vào thiên nhiên với cây cỏ và động vật.

Tác phẩm “Tuyết rơi mùa xuân” (1982)
Một trong nhiều tác phẩm vẽ “Vịt Bắc Kinh”, bức tranh này thực hiện năm 1965.

Mặc dù có tư tưởng và phong cách vẽ trái ngược với mẹ, ông từng cho ra mắt một tác phẩm duy nhất gắn liền với một nhân vật lịch sử năm 1970. Đây là tác phẩm duy nhất của ông học hỏi theo nét vẽ của mẹ mình. Năm 1984, ông đã nhận được Huân chương Văn hóa mà mẹ ông từng nhận được năm xưa.

Ryuhei Koiso (1903-1988)

Ryuhei Koiso cũng từng theo học tại Đại học Mỹ thuật Tokyo nhưng theo ngành Mỹ thuật phương Tây. Ông nổi tiếng với những bức tranh chân dung của một người hoặc theo nhóm. Sau khi tốt nghiệp loại ưu, ông du học tại Pháp năm 1928. Bị sốc bởi tác phẩm “The Wedding at Cana” của Paolo Veronese tại Bảo tàng Louvre, điều này đã trở thành cảm hứng để ông theo đuổi vẽ tranh về một nhóm người.

Tác phẩm “Dáng người cô T” (1926) là một trong những tác phẩm nổi tiếng mà Koiso vẽ một người phụ nữ tên Toshiko mà ông mô tả là “có gương mặt phúc hậu.” Lúc vẽ, Toshiko đang nhìn lũ ong ngoài cửa sổ.
Tác phẩm “Giờ nghỉ của anh ấy” (1927)

Năm 1938, ông đến Trung Quốc với tư cách là một họa sĩ phục vụ quân sự cùng với Tsuguharu Fujita và những người khác, đã thực hiện các tác phẩm chiến tranh sau khi trở về Nhật Bản. Bản thân ông đã hăng hái thực hiện những tác phẩm chiến tranh nhưng không tổng hợp thành một cuốn sách. Vào những năm cuối đời, ông cho biết rằng mình không hề cảm thấy hài lòng vì các tác phẩm đó chỉ được thực hiện để nâng cao tinh thần chiến đấu riêng bản thân ông.

Tác phẩm “Mái tóc người con gái Nhật Bản” (1935) là một tác phẩm nổi tiếng bị thất lạc của ông và gần như không ai biết đến cho đến khi được bảo tàng hoàng gia Lee bên Hàn Quốc tiết lộ vào năm 2009. Được biết thì tác phẩm này từng được thái tử King Yi Un thời Joseon mua lại.
Tác phẩm “Tập hợp” năm 1977.

Sau chiến tranh, ông được mời làm giáo sư tại Đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Quốc gia Tokyo. Năm 1992, giải thưởng nghệ thuật Ryuhei Koiso được thành lập để tri ân đến ông, đây cũng là giải thưởng nghệ thuật lớn nhất tại Nhật Bản.

Munakata Shiko (1903-1975)

Munakata Shiko là một họa sĩ tranh khắc gỗ theo xu hướng Sasaku-hanga, khuyến khích nghệ sĩ tự sáng tạo thay vì chép lại và làm mới các tác phẩm in cũ theo phong cách riêng. Ngay từ hồi còn nhỏ, ông đã bộc lộ niềm đam mê với nghệ thuật. Sự nghiệp hội họa của ông bắt đầu bằng việc vẽ trang trí con diều cho các bạn cùng lớp.

Một trang minh họa cho bộ lịch vào năm 1958, các tác phẩm vẽ cho bộ lịch của ông vô cùng nổi tiếng cả trong và ngoài nước.
Tác phẩm “Oshira – Vị thần của tơ tằm” (1968)

Họa sĩ truyền cảm hứng đầu tiên cho ông chính là Vincent van Gogh, sau khi xem các tác phẩm tĩnh vật của danh họa người Hà Lan, ông đặt mục tiêu trở thành một Van Gogh của nước nhà. Tuy nhiên, sự nghiệp vẽ tranh sơn dầu của ông đã gặp không ít trở ngại, thành công chỉ đến với ông khi chuyển sang vẽ tranh khắc gỗ.

Bộ tranh gỗ “Ranh giới nhân gian – Từ con người đến thần thánh” nằm trong số một chuỗi tác phẩm tôn giáo được ra mắt năm 1940. Đây cũng là bức tranh khắc gỗ lớn nhất hiện nay.
Một tác phẩm khổng lồ khác của ông là “Công chúa vùng Ontakaage” (1964) với hình ảnh 4 người phụ nữ tượng trưng cho 4 mùa trong năm.
Một phiên bản nhỏ hơn của bức tranh, từ trái qua là đông, thu, hạ và xuân.

Sự nghiệp vẽ tranh khắc gỗ của ông đã đem lại tiếng vang lớn trong cộng đồng nghệ thuật nước nhà, rất nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Kết hợp với những hiểu biết của mình về Phật giáo, Munakata đã cho ra mắt nhiều tác phẩm mang tính chất tín ngưỡng cao. Ông từng đi du lịch đến phương Tây để học tập và giảng dạy tại một số trường nước ngoài, tên tuổi của ông cũng được giới hội họa phương Tây biết đến.

Saburo Miyamoto (1905-1974)

Saburo Miyamoto là một họa sĩ sơn dầu theo phong cách hiện thực của phương Tây hiện đại. Những ca sĩ, nữ diễn viên và vũ công ballet là những người mẫu thường xuất hiện trong tranh của ông. Bên cạnh đó, ông cũng nắm bắt được văn hóa đô thị tràn đầy năng lượng của thời đại mình trong việc mô tả những người phụ nữ sống ở những vị trí khác nhau trong xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc vẽ, ông còn thể hiện được vai trò và góc nhìn sâu rộng trong công việc họ đang theo đuổi.

Tác phẩm “Màn chống muỗi” (1939)
Tác phẩm “Nữ diễn viên” (1961)

Từ năm 1940 đến 1945, ông cùng Ryohei Koiso trở thành những họa sĩ phục vụ cho chiến tranh tại Trung Quốc. Cũng ở giai đoạn này, ông đã cho ra mắt một loạt những tác phẩm phản ánh chiến tranh và được đánh giá cao. Các tác phẩm của ông trong giai đoạn này đã đem lại cho người xem những cái nhìn sâu sắc mà chiến tranh để lại. Sau khi chiến tranh kết thúc, Miyamoto được bổ nhiệm làm giáo sư tại một số trường cao đẳng và đại học nghệ thuật.

Tác phẩm “Cuộc gặp giữa Tướng Yamashita và Tướng Percival” (1942) mô tả hội nghị giữa các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản và Anh dẫn đến sự đầu hàng của Singapore và hơn 100.000 quân Anh.
Tác phẩm “Ngôi nhà chết chóc” (1945-1946) được xem là một kiệt tác chiến tranh khi ông vẽ lại cảnh một gia đình đang hoảng loạn bên cạnh một người đàn ông khỏa thân đã chết.
Một trong những tác phẩm tĩnh vật nổi tiếng của ông.

Bên cạnh đó, ông cũng có nhiều tác phẩm vẽ tĩnh vật bằng sơn dầu, cũng như phát triển tranh khắc gỗ vào nửa sau của sự nghiệp. Nhiều tác phẩm của ông từng được dùng làm bìa tạp chí và tem bưu điện.

Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp

Cùng tác giả

#Tag

Chikatoshi Enomoto Họa sĩ Nhật Bản TK 20 hội họa Nhật Bản Japanese artist Japanese culture lịch sử nghệ thuật Munakata Shiko nhật bản Ryuhei Koiso Saburo Miyamoto Shoko Uemura sơn dầu

iDesign Must-try

Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Noh là loại hình nghệ thuật sân khấu sớm nhất ở Nhật Bản và vẫn được biểu diễn cho đến ngày nay. Được phát triển vào thế kỷ 14, Noh…
Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Những bức vẽ cô bé có gương mặt ‘hờn dỗi cả thế giới’ trị giá triệu USD của Yoshitomo Nara
Yoshitomo Nara sinh năm 1959 tại Aomori, là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật và âm nhạc…
Đáng yêu thật đó! Đóa hoa nhỏ đang cười
Đáng yêu thật đó! Đóa hoa nhỏ đang cười
Những nụ cười tỏa nắng của bông hoa nhỏ hồn nhiên đã được Saki ghi lại hoàn hảo, cảm giác chân thực đến người xem cũng đã không ít lần…
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
Những gò cỏ nhấp nhô ở Cánh đồng Kurkku đã ngụy trang thành một khu vực thiền định để đọc sách và nghỉ ngơi. Được khai trương vào tháng trước…
Ánh chiều thanh khiết bao phủ ngọn đồi ở Los Angeles trong những bức tranh của Seth Armstrong
Ánh chiều thanh khiết bao phủ ngọn đồi ở Los Angeles trong những bức tranh của Seth Armstrong
Hoạ sĩ Seth Armstrong, đến từ Los Angeles, tập trung vào các bảng màu với độ bão hòa cao như xanh lá cây và xanh lam để tái hiện phong…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…