Này kẻ sáng tạo, liệu bạn có dám giết chết ‘bé cưng’ của mình?
Câu hỏi chính xác và đầy đủ là: Liệu bạn, kẻ đang quay cuồng trong thế giới của sáng tạo, đã bao giờ phá hủy nghệ thuật đầy tâm huyết của chính mình? Câu hỏi đã rõ, hãy trả lời đi nào?
Nếu câu trả lời là có thì xin chúc mừng bạn đã đứng vào trong danh sách những nghệ sĩ, những kẻ sáng tạo dũng cảm nhất hành tinh. Nếu câu trả lời là không và không bao giờ, vậy xin dành vài phút cho bài viết này, biết đâu bạn có thể thay đổi suy nghĩ đấy!
Bé cưng của tôi tuyệt nhất trần đời!
Bạn có thấy quen thuộc không? Mấy câu cảm thán ngạo mạn ấy đảm bảo đã từng không ít thì nhiều xuất hiện trong đầu bạn khi bạn bắt tay vào thực hiện một dự án sáng tạo. Sự hào hứng đó giúp bạn tự cỗ vũ mình trong suốt quá trình hoàn thiện, bạn dồn toàn bộ công lực để chứng kiến khoảnh khắc bé cưng của mình chào đời trong huy hoàng. Một bé cưng vô giá và hoàn mỹ nhất! Tưởng tượng đến hàng tá lời ngợi khen ồ ạt ập đến, danh tiếng của bạn tăng vùn vụt và…
Thôi ảo tưởng đi nào!
Thực hiện nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng và đơn giản như thế (dù đôi khi thực sự có ngoại lệ nhưng nó khá hiếm hoi). Quá nhiều sự trúc trắc ập đến và bạn phải lao vào chỉnh sửa, vặn nắn điên cuồng để tác phẩm khớp hoàn toàn với những hình dung về nó từ đầu. Mức độ hào hứng và tự tin đang tỉ lệ nghịch với thời gian, từ ý tưởng đến hiện thực là một quãng đường quá xa. Càng cố cứu vãn, nó dường như càng tụt khỏi tầm tay và thời gian đang dẫn bạn vào ngõ cụt không hồi kết. Bế tắc.
À còn một viễn cảnh khác hay ho hơn, tác phẩm đã hoàn thiện. Ở một cách nói khác nó tốt để bạn dừng lại quá trình sáng tạo và thỏa mãn với những gì mình đạt được và có thể nhận được một số lời khen ngợi. Ngắm nhìn và ngắm nhìn thành quả mà mình đã đổ nhiều tâm huyết và chợt nhận ra nó dường như không đủ tốt đến vậy. Nếu câu chuyện tiếp tục và là người cầu toàn có lẽ bạn sẽ xấu hổ với những điều mình đã tạo ra. Tuyệt vọng.
Với những ví dụ mà tôi đưa ra, bạn – kẻ sáng tạo, sẽ chọn làm gì? Kiến nghị của tôi là: giết nó đi, ngay và luôn trước khi bạn bế tắc và tuyệt vọng hơn nữa.
Những ‘vụ hành hình kinh điển’
Quay trở về quá khứ, có lẽ bạn biết hoặc chưa biết nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe một vài vụ hành hình điển hình. Vào một ngày mùa đông rét mướt, Michelangelo Buonarroti (1475 – 1546) tiến hành hành quyết những đứa con tinh thần của mình trước khi thần chết gõ cửa. Chậm rãi châm lửa và thảy hết những tác phẩm tinh xảo vào đó. Phấn đỏ, giấy trắng, mực in,… tất cả làm mồi cho ngọn lửa dữ dội hơn bao giờ hết.
Ánh lửa chập chờn nhảy múa hiển hiện trong mắt Michelangelo khi ông thản nhiên chứng kiến những bức tranh của mình hóa thành luồng khói dày đặc và từ từ tàn vào hư vô. Đây là cảnh có thể khiến bất kỳ nhà sưu tập nghệ thuật nào cũng phải trụy tim. Những tác phẩm dù là nhỏ nhất được tạo ra từ bàn tay tài hoa của nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ vĩ đại thời Phục Hưng cũng khiến người yêu mến nghệ thuật sẵn sàng dùng hết sức lực để bảo vệ. Nhưng thật không may, sự cầu toàn đến mức khó chịu đã thúc đẩy ông biến nó thành tàn tro.
If you knew how much work went into it, you wouldn’t call it genius. (Tạm dịch: Nếu biết hàng tá những nỗ lực đã đổ ra, bạn sẽ chẳng thể nào gọi đó là tuyệt tác.)
Michelangelo
Hội họa là một nỗi ám ảnh đến cả cuộc đời Claude Monet (1840 – 1926). Ông vẽ hoa súng tận 250 lần, định tuyến lại toàn bộ con sông thành một cái ao trong vườn chỉ để cho việc hoàn thiện tác phẩm. Và khi những bức vẽ không đạt được mức tiêu chuẩn cao ngất ngưỡng của chính mình, Monet xé toạc hay ném thẳng nó xuống sống không chút chần chừ. Minh chứng trực quan cho câu cảm thán quen thuộc “Mọi công sức đều đổ sông đổ biển” là đây. Nghệ thuật làm khổ Monet nhiều như cách ông làm khổ nghệ thuật của mình.
“Cuộc đời tôi không có gì khác ngoài thất bại, và tất cả những gì còn lại tôi phải làm là phá hủy những bức tranh của mình trước khi tôi biến mất.”
Claude Monet
Francis Bacon trong suốt 15 năm lao động nghệ thuật đằng đẳng, số lượng tác phẩm chỉ vọn vẻn dừng lại ở con số 14 vô cùng ít ỏi. Đó là 14 tác phẩm may mắn còn sống sót sau những cuộc hiến tế lạnh lùng và tàn nhẫn của Francis Bacon. Ở những năm tháng cuối đời, bàn tay ông vẫn còn lăm lăm dao rọc để sẵn sàng kết liễu những đứa con tinh thần không còn vừa mắt của mình. Độ tàn nhẫn của ông còn đến mức cực đoan hơn nhiều, sẵn sàng bỏ tiền mua lại tranh của chính mình chỉ để phá hủy nó ngay lập tức vì nó không còn đẹp như ban đầu.
‘Mọi hành động sáng tạo đều là bước đầu của sự hủy diệt’ – Picaso
Câu hỏi đặt ra là tại sao những bậc thầy tài hoa ấy lại nhẫn tâm đến thế? Những tác phẩm ấy với những người yêu mến nghệ thuật của họ đều là vô giá và họ luôn có thể kiếm được bộn tiền, thậm chí là những lời tung hô mù quáng từ nó. Vậy tại sao họ lại phá hủy những tâm huyết hàng giờ liền chỉ bằng một mồi lửa hay con dao bén nhọn?
Câu trả lời đầu tiên là sự cầu toàn và danh tiếng. Những người lao động nghệ thuật, đặc biệt là những người đã tạo được tên tuổi với một cộng đồng hâm mộ nhất định chính xác là những người cầu toàn nhất. Nghệ thuật là nơi dùng cảm hứng để bắt đầu, nhưng để chuyên nghiệp và thành công, cảm hứng không nên và không thể là nơi dựa dẫm. Tỉ mỉ, chăm chỉ và cầu toàn mới là chìa khóa thành công.
Một tác phẩm thực chất luôn không bao giờ đạt được điểm mốc của sự hoàn thiện. Cái gọi là một tác phẩm hoàn thiện thực chất chỉ là ở mặt hình thức. Khi kết thúc một chi tiết cuối cùng cho tác phẩm cũng là lúc khởi động cho một quá trình quá trình khác: sự tự đánh giá và được đánh giá. Loại bỏ, chỉnh sửa hoặc bất cứ điều gì để tác phẩm tiến gần hơn đến ngưỡng hoàn hảo ảo mộng. Sự cầu toàn được sử dụng nhiều hơn bao giờ hết để bảo chứng cho mức độ thành công và danh tiếng.
Khi một đứa con tinh thần không làm hài lòng chính người tạo ra nó thì khó có thể khiến công chúng chấp nhận, kéo theo sự danh tiếng giảm dần. Và điều đó đem lại cảm giác không mấy hài lòng cho những người chuyên nghiệp. Danh tiếng giúp những tác phẩm của họ tiếp cận nhiều hơn với người thưởng thức, danh tiếng càng lớn thế giới nghệ thuật của họ sẽ ngày một mở rộng. Vậy sửa nó hoặc phá hủy nó? Nói một cách hình tượng hóa những người nghệ thuật chính xác là những kẻ khổ sai với con mắt khắc nghiệt nhất trần đời. Phá hủy có lẽ được ưu ái hơn.
“Art is never finished, only abandoned.” (Tạm dịch: Nghệ thuật không hề có kết thúc, nó chỉ bị ruồng bỏ.)
Leonardo da Vinci
Giữa lựa chọn và phá hủy, điều gì sẽ tốt hơn?
Thực sự không có một mẫu số chung cho từng trường hợp cụ thể. Nhưng xét về nhiều khía cạnh việc phá hủy có vẻ “hời” hơn một chút. Nếu giữ lại một tác phẩm không hài lòng và chỉnh sửa nó liên tục, thời gian và công sức mà bạn đã bỏ ra sẽ cảm ơn bạn rất nhiều. Sẽ không cần quay về bắt đầu từ con số 0, từ nét đầu tiên trên nền trắng tinh. Tuyệt nhỉ khi chỉnh sửa vài nét mọi chuyện có thể đi vào quỹ đạo ban đầu. Nhưng thực chất sẽ chẳng nhiều may mắn đến vậy khi quá trình tự đánh giá luôn liên tục và không hồi kết. Những nghệ sĩ lớn họ luôn hiểu, càng mất nhiều thời gian và công sức để thực hiện một tác phẩm sẽ càng khiến nó nặng nề. Định nghĩa về sáng tạo luôn đi kèm với sự mới mẻ, nên yêu cầu cho một tác phẩm từ người thưởng thức cũng phải là cảm giác tươi mới.
Tôi luôn nhớ một bài tập nhỏ trong môn Nguyên lý thị giác nâng cao của giáo sư Ulrich Klieber – người thầy đáng kính và thương mến mà tôi đã may mắn được học. Chỉ với khoảng thời gian cố định, tịnh tiến từ vài giây, vài phút và không giới hạn, phải hoàn thành xong việc vẽ lại một con cá. Một vật thể và những bức tranh ở thời gian khác nhau tạo ra những phiên bản khác nhau.
Điều thú vị là phiên bản ngắn nhất chỉ vài giây lại là phiên bản dường như tốt và đạt được sự hài lòng hơn cả. Trong suốt bài học, dưới sự hối thúc, gấp gáp của giáo sư ngay bên cạnh những phác thảo của tôi tràn ngập, cảm giác hài lòng căng tràn. Điều luôn được nhấn mạnh cho bài học đó là:
Dù tác phẩm ngốn của bạn bất kể bao lâu, có thể hàng ngày, hàng giờ, hàng năm thì cảm giác mà nó mang lại nhất định chỉ là sự tươi mới như thể bạn tạo ra nó trong vài giây.
Tạo ra một tác phẩm rất dễ dàng, bạn, những người sáng tạo luôn đủ sẵn sàng cho việc đó cả cuộc đời. Vậy tại sao phải chăm chăm vào đứa con tinh thần đang dần làm cạn kiệt sức lực, tiêu tốn từng phút giây quý giá của bạn? Nếu quá mệt mỏi trong chọn lựa chỉnh sửa, hãy một lần thử phá bỏ nó đi và tạo ra một điều mới. Đừng để những cảm xúc tiêu cực, sự mệt mỏi, bất lực lan tràn trong tác phẩm của bạn.
Mỗi tác phẩm đều là cách bạn biểu lộ mình cho cả thế giới. Liệu bạn có muốn xuất hiện với phiên bản tệ nhất của chính mình?
Phá hủy ư? Như thế nào và khi nào?
Này đừng lo lắng như thế! Hãy luôn nhớ bạn là kẻ luôn điên cuồng trong sự sáng tạo. Làm việc với sự sáng tạo là làm việc với ý tưởng, những tác phẩm chỉ là những buổi trình diễn hé lộ nho nhỏ những ý tưởng tuyệt vời đang chất chứa trong đầu bạn thôi. Hãy nhớ ý tưởng, những điều thuộc về con người bạn, về nội tâm bạn mới là điều quan trọng nhất và cần được trân trọng hơn cả. Bạn có thể thay đổi hình thức và cách thức trình diễn để phù hợp nhất cho việc tuồn những điều tuyệt vời nhất từ bên trong của bạn.
Thời điểm để quyết định hành quyết một đứa con tinh thần hoàn toàn phụ thuộc vào chính bạn. Đừng băn khoăn, khi bạn thực sự muốn ném nó vào thùng rác, xé toạc nó thành trăm mảnh hay hóa chúng thành tàn tro thì hãy cứ tiến hành đi, bạn đúng thời điểm rồi!
À và kết liễu như thế nào thì tôi cũng vừa cung cấp một vài cách đơn giản: quăng, xé, đốt. Dễ thực hiện và hiệu quả luôn cao. Bạn có thể sáng tạo thêm nhiều cách khác, tùy thuộc vào tâm trạng. Hãy cứ sáng tạo ngay cả trong việc phá hủy, có lẽ cảm giác sẽ không tệ như bạn tưởng đâu!
Sau cuộc hành quyết, có thể cảm giác hối hận sẽ trào lên. Cách giải quyết là hãy nhặt nhạnh từng mảnh tan tác, lưu giữ như bảo vật hay sử dụng chúng cho một tác phẩm hoàn toàn mới. Sẽ có những thú vị không ngờ đấy!
Nghệ thuật luôn nằm trong bạn. Hãy dọn đường những điều không làm bạn đủ hài lòng để thẳng tiến mở rộng bờ cõi nghệ thuật của chính mình. Yên tâm đi nào, phá hủy những bé cưng tinh thần không phải là phá hủy nghệ thuật của bạn.
Và trước khi bắt đầu lễ hành quyết những đứa con tinh thần của mình, hãy nâng niu nó lần cuối cùng và thầm thì nho nhỏ: “Thank you, next!”
Thực hiện: Y.ink