Nấm, Thế giới Cổ tích và Alice ở Xứ sở Thần tiên (Phần 3)

Ở hai phần trước, tác giả Mike Jay dẫn dất người đọc đến những câu chuyện được kể về các trải nghiệm ảo giác gây ra bởi các loài nấm ‘ma thuật’. Hai loài nấm nổi tiếng được nhắc đến trong lịch sử lẫn minh họa trong các câu chuyện cổ tích bao gồm loài liberty cap và loài nấm tán giết ruồi (fly agaric).

Ở phần này, tác giả kết nối những kiến thức trước đó với một tác phẩm nổi tiếng của Lewis Carroll, cho thấy một sự hòa quyện kì lạ và mở ra những điều thú vị đằng sau một câu chuyện kinh điển của nền văn học thế giới.



Minh họa cho Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở Diệu kì bởi Salvador Dalí

Hãy chuyển sang sự kết hợp nổi tiếng và thường xuyên được tranh luận nhất về nấm, ảo giác và truyền thuyết cổ tích trong Alice’s Adventures in Wonderland (1865). Cuộc phiêu lưu của Alice có thể hiện kiến thức trực tiếp về loài nấm gây ảo giác không?

Những cảnh trong tác phẩm này đã trở nên quá quen thuộc với vô số độc giả: Alice, khi rơi xuống hang thỏ, gặp con sâu bướm đang đậu trên một cây nấm và nói với cô bằng “giọng uể oải, ngái ngủ” rằng nấm là chìa khóa để điều hướng trong cuộc hành trình kỳ lạ này: “Một bên của nấm sẽ khiến cậu cao lên, bên còn lại sẽ làm cho cậu trở nên ngắn tũn đi”. Alice cắn một đoạn từ mỗi bên của cây nấm và bắt đầu một loạt các lần biến đổi kích thước chóng mặt trước khi học được cách duy trì kích thước bình thường. Trong suốt phần còn lại của cuốn sách, cô tiếp tục lấy cây nấm để vào nhà của Nữ công tước, tiếp cận lãnh địa của March Hare cũng như trước khi dấn thân vào khu vườn bí mật với chiếc chìa khóa vàng.

Minh họa của Lewis Carroll trong bản viết gốc cho tác phẩm.
Không có một phần gợi ý nào của tác giả về việc cây nấm ở phân cảnh này
có phải là nấm tán giết ruồi hay không.

Kể từ những năm 1960, Cuộc phiêu lưu của Alice thường được xem như một khởi đầu của các tác phẩm văn học có liên quan đến thuốc phiện, một hướng dẫn bí truyền đến các thế giới khác được mở ra bởi các chất thức thần. Đáng nhớ nhất có thể kể đến bài hát của Jefferson Airplane, “White Rabbit” (1967), gợi lên cuộc hành trình của Alice như một con đường khám phá bản thân, nơi những lời khuyên cũ kỹ của cha mẹ được truyền đạt lại trong nội tại bởi những ‘dược thần cho não’ . Cách diễn dịch này thường bị các học giả chuyên nghiên cứu về Lewis Carroll bác bỏ.

Tuy nhiên, các loại thuốc và trạng thái ý thức khác thường chắc chắn đã tạo nên một niềm say mê sâu sắc đối với Carroll và ông đã đọc về chúng một cách ngấu nghiến. Sự quan tâm này có thể được thúc đẩy bởi sức khỏe yếu ớt của nhà văn với chứng mất ngủ và chứng đau nửa đầu thường xuyên. Ông đã điều trị bằng các biện pháp vi lượng đồng căn, bao gồm nhiều loại có nguồn gốc từ các loại cây có chất kích thích thần kinh như aconite belladonna. Thư viện của Lewis Carroll bao gồm các sách về vi lượng đồng căn cũng như các văn bản thảo luận về các loại thuốc thay đổi tâm trí, có cả bản trích yếu kỹ lưỡng của F. E. Anstie, Stimulants and Narcotics (1864). Ông như bị thôi miên khi chính mắt trông thấy cơn động kinh của một sinh viên Oxford trong lần xuất hiện tại ngôi trường ấy. Vào năm 1857, vị nhà văn cũng đã đến thăm Bệnh viện St Bartholomew ở London để chứng kiến ​​phương pháp gây mê bằng chloroform, một thủ thuật mới đã thu hút sự chú ý của công chúng bốn năm trước khi nó được dùng cho Nữ hoàng Victoria trong thời gian bà lâm bồn.

Phiên bản hoạt hình Alice in Wonderland của Disney (1951, đạo diễn: Clyde Geronimi)
nguồn:zexcs@tumblr

Tuy nhiên, có vẻ như những cuộc hành trình kì ảo của Alice không nhờ vào những trải nghiệm thật từ chất thức thần của tác giả. Carroll – trong cuộc sống hàng ngày còn là Mục sư Charles Dodgson – được đánh giá như một người chén rượu chỉ ở mức độ vừa phải. Theo quan sát có được từ thư viện sách cá nhân của ông thì nhà văn phản đối việc cấm rượu, rất ghét hút thuốc lá và đã viết một cách ngờ vực trong các bức thư của mình về sự hiện diện phổ biến của các chất gây nghiện mạnh như thuốc phiện trong syrup và các thuốc bổ có tính xoa dịu tinh thần.

Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu của Alice có thể bắt nguồn từ trải nghiệm ảo giác do nấm gây ra. Học giả Michael Carmichael đã chứng minh rằng, vài ngày trước khi bắt đầu viết câu chuyện, Carroll đã đến thăm thư viện Bodleian của Oxford, nơi có bản sao của cuộc khảo sát về thuốc phiện mới xuất bản không lâu của Mordecai Cooke, The Seven Sisters of Sleep (1860).

Bản sao của cuốn sách này ở Bodleian vẫn còn nguyên phần lớn các trang chưa bị cắt bớt, ngoại trừ trang nội dung và chương viết về loài nấm tán giết ruồi, có tựa đề “Sự lưu đày của Siberia”. Carroll đặc biệt quan tâm đến nước Nga (Siberia là khu vực địa lý có phần lớn diện tích nằm trong nước Nga và sát nhập vào Nga từ thế kỉ 17 -n.d): đó là quốc gia duy nhất ông từng đến thăm bên ngoài nước Anh. Và, như Carmichael từng phát biểu, Carroll “sẽ ngay lập tức bị quyển The Seven Sisters of Sleep của Cooke thu hút vì hai lý do rõ ràng hơn: anh ta có bảy chị em gái và là một người mất ngủ lâu năm”.

Một phiên bản năm 1910 của Alice in Wonderland
Nguồn: Michael Moon bookshop

Giống như phần còn lại của cuốn sách, chương về loài nấm tán giết ruồi của Cooke là một tư liệu nguồn quý giá về những truyền thuyết của loại ‘thần dược’ quen thuộc với thế hệ người dân thời Victoria lúc ấy. Nó đề cập đến lời kể của Everard Brande về gia đình J. S. và tóm gọn các mô tả khác nhau về trải nghiệm đối với loài nấm gây ảo giác của người dân Siberia, bao gồm các chi tiết được xuất hiện trong Các cuộc phiêu lưu kì lạ của Alice. “Các ấn tượng sai lệch về kích thước và khoảng cách là điều thường xảy ra”, Cooke ghi lại trong quyển sách của ông. “Một đống rơm nằm trên đường trở thành vật thể đáng gờm mà để vượt qua nó, cần có cái gan lớn đủ để làm sạch một thùng gỗ chứa rượu hoặc dọn xác thân cây sồi Anh bị quật ngã.”

Giả thuyết này chỉ mang tính gợi ý và ta không thể nói chắc chắn liệu Carroll có đọc cuốn sách có tại Bodleian hay bất kỳ bản sao nào khác của cuốn sách viết bởi Cooke. Có thể tác giả đã bắt gặp ghi chép về loài nấm ở Siberia trong nguồn khác – ví dụ như chúng ta biết rằng ông sở hữu một bản sao cuốn The Chemistry of Common Life (1854) của James F. Johnston, trong đó có đề cập đến nấm tán giết ruồi và các triệu chứng ảo giác liên quan đến sự thay đổi kích thước – hoặc có thể chỉ đơn giản là Lewis Carroll đã chỉ dùng trí tưởng tượng phong phú của mình để thổi hồn cho tác phẩm của mình.

Nhưng một số liên hệ với các trường hợp có ở Siberia được báo cáo rộng rãi vào thời bấy giờ dường như có nhiều khả năng hơn so với ý tưởng rằng Carroll đã viết nên câu chuyện từ chính trí tưởng tượng hay những truyền thống lâu đời được ẩn giấu về các loài nấm ‘ma thuật’ ở nước Anh. Nếu thật là vậy, Lewis Carrol không phải là người khởi xướng cho việc sử dụng thuốc phiện bí mật hay là một quý ông thời Victoria hoàn toàn ngây ngô với những kiến ​​thức bí ẩn về thuốc phiện. Trải nghiệm trong thế giới kì lạ mà Alice có được dường như ở lưng chừng, giống như phần lớn văn học cổ tích và giả tưởng thời Victoria, trong một vùng biên giới giữa những điều tưởng chừng như ngây thơ với các loại thuốc phiện ấy và việc biết những thứ liên quan sâu rộng hơn về chúng.

Hình ảnh các chú lùn di chuyển một cây nấm tán giết ruồi (fly agaric)
trên một tấm thiệp mừng năm mới ở Đức (khoảng năm 1900)

Ngày nay chúng ta đọc chúng [các tác phẩm như Alice – n.d] ở một vị trí rất khác, khi thời kì này các loại nấm ‘ma thuật’ được tiêu thụ rộng rãi hơn nhiều so với thời Victoria hay thực sự là bất kỳ thời đại nào trước đây. Trong văn hóa của các trải nghiệm từ thuốc ảo giác đang phát triển giờ đây, người ta chỉ bắt gặp nấm tán giết ruồi ở những vùng biên xa xôi. Ngược lại, nấm psilocybin là một hiện tượng toàn cầu, được trồng và tiêu thụ ở hầu hết mọi quốc gia trên trái đất và thậm chí còn xâm nhập vào liệu pháp tâm lý lâm sàng. Ngày nay, loài nấm liberty cap là biểu tượng của một cuộc đấu tranh chính trị mới: nó gợi ra các tranh luận về quyền được ‘tự do nhận thức’ (cognitive liberty), quyền tự do và hợp pháp để được thay đổi ý thức của chính mình.


Tác giả bài viết – Mike Jay – đã có nhiều bài viết về lịch sử khoa học và y tế. Những cuốn sách của Jay về lịch sử thuốc phiện bao gồm High Society: Mind-Altering Drugs in History and Culture và cuốn sách gần đây nhất của ông là Mescaline: A Global History of the First Psychedelic.
Bài viết này được đăng trên trang The Public Domain Review tháng 10/2020.


Lược dịch: Lệ Lin
Nguồn: The Public Domain Review


Cùng tác giả

#Tag

Alice lạc vào xứ sở thần tiên fly agaric liberty cap mike jay nấm

iDesign Must-try

Alice in Wonderland qua nét vẽ của “cha đẻ” Lewis Carroll
Alice in Wonderland qua nét vẽ của “cha đẻ” Lewis Carroll
Chúng ta đã biết đến những bức tranh minh họa câu chuyện “Alice’s Adventures in Wonderland” và “Through the Looking Glass” dưới nét vẽ tài hoa của họa sĩ John…
Nấm, Thế giới Cổ tích và Alice ở Xứ sở Thần tiên (phần 2): Hành trình trở thành biểu tượng của nấm
Nấm, Thế giới Cổ tích và Alice ở Xứ sở Thần tiên (phần 2): Hành trình trở thành biểu tượng của nấm
Hình ảnh về loài nấm từ lâu đã gắn liền với những điều siêu nhiên trong nghệ thuật và văn học, từ những cây nấm xếp thành hình tròn trong…
Nấm, Thế giới Cổ tích và Alice ở Xứ sở Thần tiên (phần 1): Cuộc ‘đi cảnh’ đầu tiên được ghi nhận
Nấm, Thế giới Cổ tích và Alice ở Xứ sở Thần tiên (phần 1): Cuộc ‘đi cảnh’ đầu tiên được ghi nhận
Hình ảnh về loài nấm từ lâu đã gắn liền với những điều siêu nhiên trong nghệ thuật và văn học, từ những cây nấm xếp thành hình tròn trong…
Bộ ảnh kết hợp ‘chất điên’ của Mad Hatter vào thời trang
Bộ ảnh kết hợp ‘chất điên’ của Mad Hatter vào thời trang
Alonso Murillo là một stylist thời trang, nhà sản xuất, giám đốc sáng tạo và nghệ thuật hiện đang sống tại thành phố Mexico (Mexico). Anh luôn đam mê và…
10 điều thú vị về thời kì Victoria tại Anh (P.1)
10 điều thú vị về thời kì Victoria tại Anh (P.1)
Bạn nghĩ đến điều gì khi nhắc tới thời đại Victoria*? Tôi gần như luôn nghĩ về tàu hỏa hơi nước, Bảo tàng Victoria & Albert, Sherlock Holmes, Jack the…
Phát hiện lại & tái thẩm định minh họa hiếm có của Salvador Dalí cho ‘Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở diệu kì’
Phát hiện lại & tái thẩm định minh họa hiếm có của Salvador Dalí cho ‘Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở diệu kì’
Một thành tựu vượt bậc giữa những minh họa tuyệt vời cho tác phẩm của Caroll trong một thế kỉ rưỡi từ khi nó xuất hiện.