Phát hiện lại & tái thẩm định minh họa hiếm có của Salvador Dalí cho ‘Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở diệu kì’
Hai bậc thầy của sự huyễn hoặc và thâm thúy, trong cùng một tác phẩm.
* Viết bởi Maria Popova
Vào năm 1865, một nhà toán học thời Victoria (Anh) đã viết nên câu chuyện thần tiên; nó trường tồn như một trong những quyển sách thiếu nhi được yêu thích nhất và là một tuyệt tác triết học hiện đại, nhân rộng sự thông thái qua mỗi lần đọc. Đấy là một trong những tác phẩm hiếm hoi của nhân loại, bên cạnh Vitruvian Man của Leonardo da Vinci, tinh tế và liên tục kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học và triết học.
Gần một thế kỉ sau, trong bài giảng văn năm 1961, tựa đề “Where Do We Go from Here,” Marcel Duchamp tiên đoán rằng những nghệ sĩ mới của tương lai “như Alice ở Xứ sở diệu kỳ… sẽ dẫn ta đi qua tấm gương thấu suốt của đôi mắt để tiến đến một sự biểu hiện sâu sắc hơn.” Ông là người đặt nền tảng khái niệm chung giữa câu chuyện về nhà toán học Charles Dodgson đã mơ ước trong một chiều đi thuyền thế kỉ trước đó, trước khi ông trở thành Lewis Carroll, và sự nở rộ của phong trào nghệ thuật siêu thực.
Cái nhìn sâu sắc của Duchamp được củng cố vững vàng vào tám năm sau, khi một biên tập viên có tầm nhìn tại NXB Random House đặt ông vua siêu thực Salvador Dalí (11/05/1904 – 23/01/1989) minh họa câu chuyện kinh điển của Carroll cho phiên bản độc quyền và nhỏ gọn của series sách trong tháng của NXB. Dalí tạo ra 12 bức tranh khắc trên bản kẽm (heliogravure) — một tranh đầu sách (ở trang đầu trong sách, thường ở bên trái và trang bên phải là tựa đề sách), được ông kí tên ở mỗi quyển trong phiên bản này và một tranh minh họa cho mỗi chương.
Trong hơn một thế kỉ, sự kết hợp kì lạ của hai thiên tài này vẫn là một tạo tác bí ẩn, được giữ gìn bởi các nhà sưu tầm và học giả. Để kỉ niệm 150 năm của quyển sách, NXB Đại học Princeton thổi hồn lại phiên bản minh họa Những cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở diệu kì do Dalí minh họa — một thành tựu vượt bậc giữa những minh họa tuyệt vời cho tác phẩm của Caroll trong một thế kỉ rưỡi từ khi nó xuất hiện, với lời giới thiệu mới từ Mark Burstein, người đứng đầu Lewis Carroll Society of North America (Tổ chức Lewis Carrol tại Bắc Mỹ), và nhà toán học Thomas Banchoff, người từng làm việc chung và có quen biết với Dalí.
Trong lời giới thiệu, Burstein cân nhắc tới sự hợp lưu sáng tạo tự nhiên giữa Carroll và những nghệ sĩ thuộc trường phái siêu thực:
[“Với cả Carroll và những nghệ sĩ siêu thực, thứ mà vài người gọi là điên rồ có thể được nhìn nhận bởi những người khác là sự thông thái. Thậm chí quá trình sáng tạo của Carroll và các nghệ sĩ siêu thực cũng tương tự nhau. Các họa sĩ trường phái này thực hành ‘thuyết tự động’ (automatism – sự biểu hiện các hành động không thuộc về ý thức hay có chủ ý) trong văn viết lẫn tranh vẽ của họ; Carroll gọi việc kể câu chuyện ban đầu của ông là “không cần phải gồng lên hay gượng ép“, cho rằng “mỗi ý tưởng và hầu hết từng từ ngữ của các cuộc đối thoại là tự thân xuất hiện… khi sự tưởng tượng trở nên dày đặc trong tôi một cách tự nhiên, hay khi nhân vật dù mệt mỏi vẫn có xu hướng hành động nhiều hơn, bởi vì cô ấy cần nói điều mà cô phải nói.”
Hơn nữa, ảnh cắt dán (collage) là một công cụ nghiêm túc của các họa sĩ siêu thực; Carroll phát minh ra thuật ngữ portmanteau — kết hợp các từ lại với nhau — và tạo ra “Jabberwocky,” ví dụ nổi tiếng về từ lóng mới, ám chỉ từ ngữ vô nghĩa thuần túy trong ngôn ngữ tiếng Anh (hoặc gần như thế). Những sinh vật như mome rath (loài hai chân, không có tay, có hai mắt và nhúm lông ở trên đầu), tove (loài sinh vật tò mò, giống con lửng, có mõm dài và xoắn), bread-and-butter-flies (loài côn trùng có hai cánh được làm từ bánh mì và bơ), cũng trong quyển Through the Looking-Glass, có thể là sản phẩm trò chơi của các họa sĩ siêu thực, Exquisite Corpse (một cách thức tập hợp lại nhóm từ hay hình ảnh với nhau do nhiều họa sĩ siêu thực cùng nhau cộng tác; người thực hiện sau có thể không biết gì về tác phẩm của người trước và được quyền làm bất kì điều gì họ muốn theo một luật chơi cố định).“]
Tự thân Dalí đã ứng dụng một số kĩ thuật của nghệ sĩ siêu thực vào cách hiểu câu chuyện. Để diễn họa Alice — nhân vật chính xuất hiện trong mỗi chương — ông tái sử dụng hình ảnh cô gái đang nhảy dây mà ông từng vẽ lần đầu cách đó hơn ba mươi năm. Dalí đặt hình tượng kì lạ, tĩnh tại và như đang giữa chuyển động, gần như là một biểu tượng, vào 12 bức tranh minh họa — một sự lựa chọn vừa có phần theo thuyết tự động, vừa là một kĩ thuật cắt xén (cut-up), như thể đang vang vọng lại câu thần chú ở trang đầu của Carroll: “The rest next time — ” “It is next time!” (Thời gian còn lại tiếp theo — Đó chính là lần sau!)
Nguồn: brain pickings
Dịch: Lệ Lin