Nấm, Thế giới Cổ tích và Alice ở Xứ sở Thần tiên (phần 1): Cuộc ‘đi cảnh’ đầu tiên được ghi nhận

Hình ảnh về loài nấm từ lâu đã gắn liền với những điều siêu nhiên trong nghệ thuật và văn học, từ những cây nấm xếp thành hình tròn trong các câu chuyện cổ tích đến Alice của Lewis Carroll. Điều này cho ta biết gì về kiến thức trước đây về những loài nấm gây ảo giác? Tác giả của bài viết này – Mike Jay – xem xét các báo cáo ban đầu về những ảo ảnh do nấm gây ra và cách một loài đặc biệt trở thành mô típ cổ tích của vùng đất thần tiên thời Victoria.


Mike Jay đã có nhiều bài viết về lịch sử khoa học và y tế. Những cuốn sách của Jay về lịch sử thuốc phiện bao gồm High Society: Mind-Altering Drugs in History and Culture và cuốn sách gần đây nhất của ông là Mescaline: A Global History of the First Psychedelic.
Bài viết này được đăng trên trang The Public Domain Review tháng 10/2020.


The Intruder (1860) bởi John Anster Fitzgerald
nguồn: Wikimedia Commons

Trải nghiệm ảo giác gây ra bởi nấm lần đầu được ghi lại ở Green Park (London, Anh) năm 1799. Giống như nhiều trải nghiệm được ghi nhận vào thời ấy, nó thường diễn ra một cách tình cờ. Một người đàn ông được xác định trong báo cáo y tế sau đó với tên viết tắt “J. S.“, có thói quen hái những cây nấm nhỏ trong công viên vào các buổi sáng mùa thu và nấu chúng thành nước dùng cho bữa sáng của gia đình. Nhưng vào một giờ sau khi hoàn thành nó trong buổi sáng đặc biệt ấy, mọi thứ bắt đầu trở nên kỳ lạ. J. S. nhận thấy những đốm đen và đốm màu kỳ lạ làm gián đoạn tầm nhìn của mình. Anh dần trở nên mất phương hướng và gặp khó khăn trong việc đứng và di chuyển xung quanh. Cả gia đình đều than phiền việc bị đau bụng và tê lạnh tứ chi. Ý niệm về những con cóc độc nảy ra trong đầu và anh loạng choạng ra đường để tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng trong vòng một trăm thước, J.S. đã quên mất mình sẽ đi đâu hay tại sao và bị phát hiện đi lang thang trong trạng thái đầy hoang mang.

Tình cờ thay, một bác sĩ tên Everard Brande đang đi ngang qua khu vực này của thị trấn, ông đã được gọi để chữa trị cho J. S. và gia đình. Cảnh tượng mà vị bác sĩ chứng kiến bất thường đến nỗi anh đã viết lại và đăng nó trên tờ báo The Medical and Physical Journal vài tháng sau đó. Các triệu chứng của gia đình J.S. tăng lên và giảm xuống theo từng đợt choáng váng; đồng tử của họ giãn ra, mạch đập rung lên và hơi thở gấp gáp, định kỳ trở lại bình thường trước khi chuyển sang cơn khủng hoảng khác. Tất cả đều tập trung vào nỗi sợ hãi rằng họ sẽ chết ngoại trừ đứa con trai út tám tuổi tên là “Edward S.”, người có triệu chứng kỳ lạ nhất. Đứa bé đã ăn một phần lớn nấm và bị “tấn công bằng những tràng cười không ngớt” mà những lời đe dọa của cha mẹ bé không có cách nào ngăn lại. Edward dường như đã được đưa vào một thế giới khác và chỉ trở lại trong sự ép buộc để nói những điều vô nghĩa: “khi bị đánh thức và bị thẩm vấn, đứa bé trả lời khá dửng dưng, ‘có’ hoặc ‘không’, như em đã làm với mọi câu hỏi khác, rõ ràng là không có liên quan đến những gì đã được hỏi”.

Một minh họa trong quyển sách của James Sowerby,
Coloured Figures of English Fungi or Mushrooms (1803).
Các loại nấm số 1,2,3 được đánh dấu phía trên đều thuộc loài liberty cap

Bác sĩ Brande đã chẩn đoán tình trạng của gia đình là “tác hại của một loài nấm agaric rất phổ biến, không bị nghi ngờ là có độc“. Ngày nay, chúng ta có thể cụ thể hơn: đây là cơn say bởi loài nấm có tên Psilocybe semilanceata, thứ “nấm ma thuật” mọc phong phú trên khắp các ngọn đồi, đồng hoang, chung cư, sân gôn và sân chơi ở Anh vào mỗi mùa thu.

Nhà minh họa thực vật học James Sowerby, người đang thực hiện tập thứ ba của cuốn Coloured Figures of English Fungi or Mushrooms (1803) , đã gián đoạn lịch trình của mình để đến thăm J. S. và xác định các loài được đề cập. Hình minh họa của Sowerby bao gồm loài nấm được đề cập trên (do loài P. semilanceata có hình dáng trông giống như loại mũ có tên liberty cap nên còn được gọi là liberty cap mushroom) khá đặc trưng, cùng với một loài trông tương tự (hiện được công nhận là đầu tròn thuộc giống Stropharia).

Lời kể của Brande về những gì tận mắt chứng kiến với gia đình J. S. tiếp tục được trích dẫn trong các tài liệu về thuốc phiện thời Victoria trong nhiều thập kỷ, nhưng thế kỷ 19 dần trôi qua mà không có bất kỳ xác định rõ ràng nào về việc loài nấm P. semilanceata (liberty cap) là chất gây ảo giác. Cho đến những năm 1950 khi Albert Hoffman – nhà hóa học người Thụy Sĩ – người phát hiện ra LSD, chuyển sự chú ý của mình sang loài nấm gây ảo giác ở Mexico. Hợp chất Psilocybin, người anh em họ hóa học của LSD, cuối cùng đã được chiết ra từ nấm vào năm 1958 và tổng hợp trong một phòng thí nghiệm của Thụy Sĩ vào năm 1959, được xác định có trong các loài nấm liberty cap vào năm 1963.

Minh họa của Richard Doyle từ tác phẩm
In Fairyland: A Series of Pictures from the Elf-World (1870)
nguồn: Bảo tàng nghệ thuật Boston

Mặc dù các đặc tính “ma thuật” của loài nấm ấy hầu như không được công nhận, ý tưởng rằng nấm có thể gây ra ảo giác đã bắt đầu lan rộng hơn ở châu Âu trong thế kỷ 19. Song song với mối quan tâm khoa học ngày càng tăng đối với các loại nấm độc hại và gây ảo giác, một khối lượng đồ sộ của truyện cổ tích thời Victoria kết nối nấm và cóc với yêu tinh, tiểu tiên, những ngọn đồi rỗng và việc vô tình đưa các đối tượng đến thế giới thần tiên, một thế giới với các góc nhìn được xoay chuyển cùng với các linh hồn cổ xưa.

Có sự tương đồng của thế giới kì ảo này với những thế giới khác được tạo ra bởi ảo giác thực vật trong các nền văn hóa Tân Thế giới, nơi nấm chứa psilocybin đã được sử dụng trong nhiều thiên niên kỷ. Có thể nào truyền thống cổ tích thời Victoria, bên dưới vẻ ngoài ngây thơ của nó, hoạt động như một sự kết nối với truyền thống ẩn chứa kiến ​​thức về trải nghiệm ảo giác? Liệu tác giả của những câu chuyện kỳ ​​ảo này – ví dụ như Alice ở xứ sở thần tiên – có biết về sức mạnh của một số loại nấm để dẫn những du khách không nghi ngờ đến vùng đất mê hoặc? Họ, có lẽ, thậm chí viết từ kinh nghiệm cá nhân?

Trải nghiệm ảo giác từ nấm của gia đình J. S. vào năm 1799 là điểm khởi đầu hữu ích cho những thắc mắc như vậy.

Nó cho thấy loài nấm liberty cap đang phát triển ở Anh vào thời điểm đó và trở nên phổ biến ngay cả ở các công viên của London. Ngoài ra, những bằng chứng về các trải nghiệm trên còn chứng minh rằng tác dụng gây ảo giác của nấm rất xa lạ, thậm chí còn chưa từng được nghe đến: chắc chắn đủ bất thường để một bác sĩ ở London thu hút sự chú ý của các đồng nghiệp uyên bác của mình. Tuy nhiên, cùng lúc đó, các học giả và nhà tự nhiên học đã nhận thức rõ hơn về việc sử dụng rộng rãi các chất cồn từ thực vật ở các nền văn hóa khác ngoài phương Tây. Năm 1762, Carl Linnaeus, nhà phân loại học vĩ đại và là cha đẻ của ngành thực vật học hiện đại, đã biên soạn danh sách đầu tiên về các loài thực vật có thể gây say: một chuyên khảo có tên Inebriantia, tập hợp một dược điển toàn cầu mở rộng từ châu Âu (thuốc phiện, cây kì nham) đến Trung Đông (nhựa cần sa, cà độc dược), Nam Mỹ (lá coca), Châu Á (trầu không), và Thái Bình Dương (kava). Việc nghiên cứu về những loài thực vật như vậy đã xuất hiện bên lề các nghiên cứu cổ điển, dân tộc học, văn hóa dân gian và y học để trở thành một chủ đề riêng.


Phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu hành trình ma thuật của nấm từ những văn hóa họa tiết và trang trí bằng hình ảnh đơn thuần, cho đến biểu tượng của thế giới thần tiên!


Lược dịch: Lệ Lin
Nguồn: The Public Domain Review


Cùng tác giả

#Tag

Alice lạc vào xứ sở thần tiên chuyện cổ tích fairyland Heirstory illustration lewis carroll nấm nature

iDesign Must-try

Chú mèo trong ‘khu vườn chữa lành’ của zzoya
Chú mèo trong ‘khu vườn chữa lành’ của zzoya
Bắt đầu với suy nghĩ vẽ ra những điều mình thích, zzoya đã dần lan tỏa một nguồn năng lượng đáng yêu đến những khán giả của mình. Có thể…
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Đến hẹn lại lên, thời khắc chuyển giao năm cũ, chào đón năm mới là dịp để các artist Việt tham gia vào cuộc chơi “Vẽ linh vật của năm”.…
Minh họa sách thiếu nhi trong trẻo của Mark Janssen
Minh họa sách thiếu nhi trong trẻo của Mark Janssen
Mark Janssen là một họa sĩ minh họa xuất thân tại học tại Học viện Nghệ thuật ở Maastricht, Hà Lan. Sau khi tốt nghiệp năm 1997, ông vẽ minh…
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Studio Ghibli như Cô bé người cá Ponyo, Hàng xóm của tôi là Totoro, Lâu đài bay của…
Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian của họa sỹ Francisco Fonseca
Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian của họa sỹ Francisco Fonseca
Francisco Fonseca là một nghệ sĩ đường phố và họa sĩ minh họa sống ở Porto, Bồ Đào Nha. Bị mê hoặc bởi những kiến trúc nhuốm màu thời gian…
Minh họa ‘Vũ Trụ Cò Bay’ của Phương Mỹ Chi: Cái khó ở chỗ điều tiết sự tham lam khi khai thác chất liệu 
Minh họa ‘Vũ Trụ Cò Bay’ của Phương Mỹ Chi: Cái khó ở chỗ điều tiết sự tham lam khi khai thác chất liệu 
Ngày 18/09 vừa qua, ca sĩ Phương Mỹ Chi chính thức công bố album mới mang tên “Vũ Trụ Cò Bay”, đánh dấu chặng đường 10 năm ca hát của…