10 tác phẩm nổi bật báo hiệu xuân về của các họa sĩ trên khắp thế giới
Vậy là một năm mới lại đến với chúng ta, hãy cùng chiêm ngưỡng 10 tác phẩm về mùa xuân của các họa sĩ trên khắp thế giới nhé!
Sandro Botticelli, Mùa xuân, c.1482
Mùa xuân (La Primavera) là một trong những công trình vĩ đại của thời kỳ Phục hưng và được xem là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất lịch sử. Ở trung tâm bức tranh nổi tiếng nhất của Botticelli là hình ảnh thần Vệ nữ với một thiên thần bay trên đầu. Xung quanh nữ thần là sáu người phụ nữ với hai người đàn ông. Tất cả mọi người đều đang đứng dưới một hàng cây cam chín mọng.
Một số nhà phê bình cho rằng người phụ nữ đứng phía trước và đang rải hoa hồng là Primavera, hiện thân của mùa xuân. Còn ở bên phải là thần Zephyrus đang nắm lấy tiên nữ Chloris. Theo thần thoại thì cả hai đã kết hôn với nhau và Chloris được hóa thành Flora, nữ thần của mùa xuân. Một số người tin rằng bóng hình người đứng cạnh mặc đồ họa tiết hoa hồng có thể đại diện cho sự biến đổi của Chloris thành Flora. Nhìn chung thì đây là lễ kỷ niệm thời khắc chín muồi và thế giới sẽ lại có thể tiếp tục sinh sôi vào mùa xuân.
Pieter Brueghel the Younger, Mùa xuân, 1622-35
Nhiều tác phẩm của Pieter Brueghel the Younger mô tả chi tiết cuộc sống của những người nông dân làm công việc hàng ngày của họ. Ông đã lấy các bản phác thảo của cha mình là Brueghel the Elder và lên màu cho chúng. Mùa xuân (Spring) là bản vẽ của cha ông năm 1565 mô tả một nhóm người đang cùng nhau chuẩn bị đất, gieo hạt và sẵn sàng chăn nuôi cho mùa hè. Chúng ta có thể nhìn thấy những người đàn ông và phụ nữ đang làm việc trên các khu vườn chung, một nhóm đàn ông khác đang đan dây leo thành giàn, và phía xa là một nhóm người đang nhảy múa cùng nhau. Bức tranh là một sự mô tả về tinh thần đoàn kết tuyệt đẹp trong lao động.
Nicolas Poussin, Mùa xuân, 1660-4
Nicolas Poussin là bậc thầy vĩ đại của chủ nghĩa cổ điển Pháp và phong cảnh Arcadia nói riêng. Một trong những tác phẩm vĩ đại cuối cùng của ông là The Four Seasons được thực hiện cho Hồng y Richelieu từ năm 1660 đến năm 1664 và hiện được treo ở bảo tàng Louvre. Viễn cảnh của ông về mùa xuân bắt nguồn từ hai nhà thơ Milton và Virgil. Chúng ta có thể thấy vườn địa đàng Eden trước khi sụp đổ, khung cảnh Adam và Eve khỏa thân đang chỉ tay vào Cây Tri thức. Hãng cây xanh bao quanh họ rất tươi tốt và rực rỡ, đây là một phong cảnh La Mã tráng lệ được mô tả trong Georgics của Virgil. Và mặc dù họ nhìn về phía trái cấm, chúng ta không thấy con rắn nào trong vườn Eden của Poussin. Đây là thời điểm mùa xuân của thế giới, rất lâu trước khi mùa đông của sự sụp đổ ập đến.
Katsushika Hokusai, Chim sẻ đậu trên cành anh đào, 1834
Hoa anh đào, quả táo, trái đào và hoa mận là những hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân sắp đến ở Nhật Bản. Ở quốc gia này, hoa có tầm quan trọng đặc biệt như một biểu tượng bản chất nhất thời của vạn vật, vì hoa chỉ nở đẹp vào mùa xuân và sẽ tàn ngay sau đó. Katsushiki Hokusai là một trong những họa sĩ ukiyo-e (tranh khắc gỗ) vĩ đại nhất của Nhật Bản vào thế kỉ 19. Bộ tranh Những bông hoa nhỏ năm 1834 của ông bao gồm tác phẩm trên. Những dòng Hán tự ở bên cạnh là một bài thơ haiku của Setsuman có nội dung:
Bức tranh tập trung tâm trí bạn vào khoảnh khắc tĩnh lặng duy nhất đó, một khoảnh khắc độc nhất được đóng khung lại khỏi sự tác động của thời gian.
Pierre-Auguste Renoir, Chậu hoa mùa xuân, 1866
Spring Bouquet là một tác phẩm khá sớm của Renoir khi ông vẽ lúc mới 25 tuổi. Khách hàng quen của ông là gia đình La Coeur và họ đã mua tranh ủng hộ trong suốt những năm 1860. Đây là tác phẩm xuất hiện trước khi ông tạo ra những siêu phẩm thuộc trường phái Ấn tượng vào những năm 1870. Chúng ta có thể thấy được nhiều ảnh hưởng của Gustave Courbet trong việc tả thực một cách chính xác. Mặc dù vậy, đây vẫn là bức tranh có độ tươi sáng và tràn đầy sức sống với những màu sắc và bông hoa như thể bung ra khỏi khung tranh để chạm đến người xem. Bên cạnh đó, chiếc bình hoa bằng sứ mang phong cách Nhật Bản tạo điểm nhấn.
Alfred Sisley, Cánh đồng cỏ vào mùa xuân, 1880/1
Sisley có lẽ là một trong những họa sĩ bị bỏ qua nhiều nhất trong nhóm các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng. Tuy nhiên, ông lại người theo đuổi trường phái này ngay từ những đầu cùng với Pissarro và Monet, Và ông cũng chưa bao giờ quay lưng lại với Trường phái Ấn tượng như Renoir và Monet đôi khi thường làm. Cánh đồng cỏ vào mùa xuân của ông hiện đang được giữ trong Bộ sưu tập Tate ở London.
Năm 1880, Sisley buộc phải rời Paris vì lý do tài chính và ông chuyển đến vùng nông thôn phía tây thành phố. Các tác phẩm của ông lúc này như được bừng lên một sức sống mới. Trong bức tranh, ông đã mô tả một hình ảnh giản dị đáng chú ý; cây cối vẫn trơ trụi và không có một chút bông hoa anh đào nào. Nhưng ở phía trước, ông vẽ cô con gái nhỏ của mình như một biểu tượng của sự tái sinh của một cuộc sống mới như bức La Primavera của Botticelli.
Claude Monet, Một vườn cây ăn quả vào mùa xuân, 1886
Một vườn cây ăn quả vào mùa xuân của Monet đôi khi được các nhà phê bình khen ngợi là tác phẩm tuyệt nhất trong tất cả các tác phẩm về mùa xuân thuộc trường phái Ấn tượng. Tác phẩm cho thấy vườn cây ăn quả thuộc khu vườn tại Giverny ở Normandy, gắn liền với ngôi nhà mà ông đã thuê từ năm 1883 và sau đó được mua lại hoàn toàn. Cũng chính tại khu vườn đó, những con đường dẫn nước và những cây cầu đã truyền cảm hứng cho những tác phẩm về hoa súng sau này của ông. Đây cũng được xem là những ví dụ kinh điển về cơn sốt màu tím violet (violetmania) thời bấy giờ.
Trong vườn cây ăn quả vào năm 1886, ông đã vẽ cảnh này với vòm hoa táo phủ đầy như thể chiếu sáng toàn bộ khung cảnh. Người ngồi bên dưới được cho là con gái của tình nhân lúc bấy giờ của Monet, mẹ cô bé đồng thời cũng là người vợ thứ hai của ông sau đó.
Vincent van Gogh, Cây anh đào, 1888
Van Gogh đến vùng Arles vào tháng 2 năm 1888. Khi đó thời tiết xấu, nhưng chỉ trong vòng hai tuần, trời đã thay đổi và hoa bắt đầu kết trái. Ở đây, ông đã bắt tay thực hiện một loạt các tác phẩm về cây cối nở hoa, và hình ảnh hoa nở trở thành biểu tượng tâm linh của sự tái sinh. Một vẻ đẹp sinh ra sau mùa đông khắc nghiệt giống như một tác phẩm nghệ thuật được tạo ra sau nhiều đau khổ và thất vọng. The Pink Peach Tree là một trong ba tác phẩm được vẽ vào mùa xuân năm đó, cùng với Pink Orchard và White Orchard. Do gió lớn vào thời gian đó, Van Gogh đã phải cắm giá vẽ của mình xuống đất trước khi bắt đầu làm việc.
Yoshu Chikanobu, Ngắm hoa anh đào, 1894
Yoshu Chikanobu là một trong những họa sĩ sĩ vĩ đại của thời Minh Trị (1868-1912). Trong bộ ba mộc bản của mình, ông giới thiệu cho người xem các cung nữ của Hoàng cung Chiyoda ở Tokyo, họ rời cung điện để đi ngắm hoa anh đào nở.
Hoa anh đào rất được coi trọng trong văn hóa Nhật Bản, điều đó được thể hiện qua phong tục Hanami (ngắm hoa anh đào), mọi người sẽ ra ngoài ngắm hoa và tổ chức dã ngoại dưới những tán cây. Thực tế thì phong tục này đã phổ biến trên khắp Nhật Bản ít nhất là từ thế kỷ thứ 8. Hoa anh đào nở trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 dọc theo khắp miền bắc của đất nước.
Georgia O’Keeffe, Mùa xuân, 1923/4
Cùng với chồng Alfred Stieglitz của mình, Georgia O’Keeffe là một cái tên chủ chốt của Chủ nghĩa Hiện đại tại Mỹ. Nhiều bức tranh của cô về phong cảnh và hoa hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghệ thuật ở Chicago, bao gồm cả tác phẩm Mùa xuân năm 1924 của cô. Năm 1929, O’Keeffe bắt đầu thường xuyên đến New Mexico, nơi có nhiều mối liên hệ với các tác phẩm của bà. Vào mùa xuân, bà mô tả studio của chồng mình theo một lối đơn giản, không có cửa sổ với những tán lá dày đặc, nhiều hoa oải hương, hoa cà và tông màu xanh lá cây. Những mảng xanh như trôi nổi trên cao và hòa thành một với những đám mây.
Biên tập: Navi Nguyễn
Nguồn: Culture Trip