Thế giới hoạt hình thần tiên khi chưa có Disney là Lotte Reiniger, giấy và kéo

Trước khi có Disney, Reiniger đã kể những câu chuyện huyền ảo trong các bộ phim hoạt hình bằng nghệ thuật cắt bóng (paper silhouettes) được làm thủ công tỉ mẩn.

Lotte Reiniger làm việc cho bộ phim hoạt hình năm 1953 của bà,
The Magic Horse, với các bức tranh được cắt bằng tay.
Keystone Press, via Alamy

Bài viết bởi Devi Lockwood


Bài viết này là một phần của loạt bài Overlooked viết về những tài năng đã khuất, bắt đầu từ năm 1851 nhưng đã không được đăng trên tờ The New York Times.


Walt Disney Productions nổi tiếng tới mức tên hãng luôn đồng nghĩa với thành công của các bộ phim hoạt hình, thế nhưng một thập kỉ trước khi hãng phim ra đời, đã có một người tiên phong khác của loại hình nghệ thuật ấy – Lotte Reiniger.

Sự nghiệp làm phim của Reiniger kéo dài 60 năm. Trong thời gian đó, bà đã tạo ra hơn 70 bộ phim hoạt hình cắt bóng, bao gồm các phiên bản của Cinderella, Puss in BootsHansel and Gretel. Bà có lẽ được biết đến nhiều nhất với bộ phim câm năm 1926 của mình, The Adventures of Prince Achmed, phiên bản được dựng lại từ The Arabian Nights (Nghìn lẻ một đêm), trở thành một trong những phim hoạt họa được dựng trọn vẹn đầu tiên trên thế giới.

Charlotte Reiniger sinh ngày 2 tháng 6 năm 1899, tại quận Lugenburg của Berlin (Đức) trong gia đình của Karl và Eleanor (Raquette) Reiniger. Bà học tại Charlottenburger Waldschule về scherenschnitte, nghệ thuật cắt hình và thiết kế trên giấy bằng kéo. Hình thức nghệ thuật này có nguồn gốc từ Trung Quốc và sau đó trở nên phổ biến ở Đức.

Reiniger làm các tác phẩm cắt bóng hình người, bao gồm cả những thành viên trong gia đình mình.

Tôi bắt đầu sử dụng các tác phẩm cắt bóng của mình cho vở kịch cá nhân, xây dựng một nhà hát cắt bóng thu nhỏ để trình diễn những vở kịch của Shakespeare,” bà viết vào năm 1936 trên tạp chí Sight and Sound.

Ban đầu, bà muốn trở thành một nữ diễn viên nhưng tham vọng đó đã thay đổi trong những ngày thời niên thiếu, khi Reiniger gặp đạo diễn kiêm diễn viên Paul Wegener sau một buổi thuyết giảng của ông ở Berlin về những khả năng của hoạt họa trong điện ảnh. Bị cuốn hút bởi những bộ phim của ông, như The Student of Prague (1913) và The Golem(1915), bà đã thuyết phục bố mẹ đăng ký vào một nhóm kịch tại Trường diễn xuất Max Reinhardt, nơi Wegener giảng dạy.

Reiniger thường cắt các tác phẩm hình bóng của những diễn viên trong đoàn, điều này đã gây ấn tượng cho Wegener.

Ông sớm nhờ Reiniger giúp đỡ với bộ phim năm 1918 của mình, The Pied Piper of Hamelin, bản chuyển thể của câu chuyện dân gian về người đàn ông được thuê thổi sáo ma thuật để dụ chuột ra khỏi thị trấn nước Đức. Khi dân thị trấn từ chối trả tiền, nhân vật chính bèn chơi một giai điệu khác để thôi miên trẻ em và dẫn họ ra khỏi thị trấn, mãi mãi không ai có thể gặp lại chúng. Wegener đã nhờ Reiniger giúp ông làm chuyển động những con chuột bằng gỗ cho bộ phim.

Máy tricktisch của Reiniger, hay trick table (bàn đánh lừa thị giác),
đã tạo thêm chiều sâu cho hoạt hình 2D.
Grete Karplus/Ronald Grant Archive, via Alamy

Giờ thì tôi chỉ có một khao khát – đó là được làm phim.

bà từng viết.

Công việc với Wegener dẫn đến việc bà được nhận vào Viện nghiên cứu văn hóa ở Berlin, nơi nữ nghệ sĩ gặp nhà sử học nghệ thuật Carl Koch. Ông sau đó trở thành hôn phu và người cộng tác trong các bộ phim của bà. Phim hoạt hình ngắn đầu tiên của họ là The Ornament of the Heart in Love (1919), kể về hai người yêu nhau đều là vũ công ba lê và vật trang trí giữa họ đại diện cho cảm xúc của cả hai.

Sự rung động xúc cảm trong các tác phẩm của bà đã thu hút sự chú ý của một người bảo trợ, nhân viên ngân hàng Louis Hagen, người sở hữu một công ty điện ảnh và đang muốn đầu tư vào tài năng mới. Hagen đã mời Reiniger và nhóm các nhà sản xuất, thiết kế của bà sử dụng xưởng vẽ của ông ở Potsdam, Đức; nơi bà cùng cộng sự của mình tạo ra Prince Achmed, bộ phim dài đầu tiên của họ.

Âm nhạc, có lẽ trái lại, rất quan trọng đối với bộ phim câm. Nhóm đã làm việc sớm với nhà soạn nhạc Wolfgang Zeller, người đã tạo ra hiệu ứng âm thanh cùng những nốt sáo và một chiếc glockenspiel*. Sau đó, nhóm đã quay những cảnh của họ theo điệu nhạc, những nốt nhạc thúc đẩy hành động và đánh dấu sự chấm dứt bằng cảm xúc.

*Glockenspiel (mộc cầm) là một nhạc cụ bao gồm một bộ các phím được điều chỉnh và sắp xếp theo kiểu bàn phím của piano, sử dụng dùi để gõ, tạo ra âm thanh.

Công việc được Reiniger thực hiện một cách tỉ mỉ. Bắt đầu với hơn 250.000 khung hình, cô và ê-kíp của mình chỉ sử dụng hơn 100.000 trong bộ phim, kéo dài trong 1 giờ 21 phút, mỗi giây với 24 khung hình. Bộ phim mất ba năm để hoàn thành và được công chiếu tại Volksbühne, hay Nhà hát Nhân dân tại Berlin, khi Reiniger 27 tuổi.

Một cảnh trong bộ phim ‘Cuộc phiêu lưu của Hoàng tử Achmed’,
bộ phim chuyển thể tuyệt vời của ‘Nghìn lẻ một đêm’.
SZ Photo/Bridgeman Images

Bộ phim cho thấy tiềm năng tuyệt vời của hoạt hình. Vị hoàng tử đã đánh bại một đội quân quỷ để giành lại nàng công chúa. Những chú chim chiến đấu với phù thủy và thầy phép. Những chú ngựa cùng cất cánh bay.

Đạo diễn phim người Pháp Jean Renoir đã xem Prince Achmed trong đêm khai mạc tại Paris, và sau đó nhớ lại rằng ông đã muốn thốt lên với Reiniger rằng “Cô thật sự có đôi tay phép thuật tuyệt vời.

Reiniger đã thiết kế một quy trình phức tạp để thực hiện các bộ phim của mình. Bà cắt các tứ chi của mỗi nhân vật bằng bìa cứng màu đen và chì mỏng, sau đó nối chúng lại với nhau bằng bản lề dây. Để phục vụ cho việc nghiên cứu, bà đã dành hàng giờ tại Sở thú Berlin, xem cách các con vật di chuyển ra sao.

Bắt đầu với Prince Achmed, bà cũng đã tạo ra một phiên bản đầu tiên của máy ảnh đa năng, mang đến cho hoạt hình 2D một chiều sâu chưa từng được khám phá, sự chuyển động cũng như độ phức tạp. Bà gọi thiết bị của mình là tricktisch, hay cái bàn ảo giác.

Reiniger đã mô tả quá trình của mình theo cách này:

“Nhân vật và phông nền được đặt trên bàn kiếng. Ánh sáng mạnh hắt lên từ bên dưới khiến bản lề dây biến mất và làm bật lên những hình bóng đen như kiểu chạm nổi. Máy ảnh treo phía trên chiếc bàn này, chĩa xuống bức tranh đã được dựng sẵn phía dưới.”

Sau khi chụp ảnh lại, Reiniger và nhóm của mình di chuyển các nhân vật vào vị trí tiếp theo và chụp lại cảnh đó lần nữa. Bà viết:

Điều quan trọng là bạn phải biết cách di chuyển các nhân vật như thế nào để có thể đạt được hiệu ứng sinh động.”


Jack and the Beanstalk (Jack và cây đậu biết nói), 1955,
Primrose Productions / BFI National Archive


Khi xem lại Cinderella cho The New York Times năm 1928, Charles Morgan đã viết, “Những hình thù nhỏ bé màu đen cười nhạo bạn từ một thế giới của riêng chúng mà chủ nghĩa tự nhiên không thể nào xâm nhập!”

Khoảng thời gian Hitler nắm quyền, Reiniger và chồng rời Đức sang Pháp, Ý và Anh, nơi họ hợp tác với các nghệ sĩ múa rối, nhà tài trợ và nghệ sĩ khác trước khi trở về Berlin vào năm 1944 để chăm sóc mẹ của bà. Năm 1948, họ chuyển đến London, nơi họ gia nhập một nhóm nghệ sĩ địa phương.

Sau đó, Reiniger đã đạo diễn một loạt phim thiếu nhi ngắn cho BBC. Chồng bà mất năm 1963, và bà cũng ngừng làm phim. Tuy vậy năm 1972, Reiniger vẫn được công nhận với giải thưởng Golden Reel tại Liên hoan phim Berlin vì những đóng góp cho điện ảnh Đức. Hai năm sau, Viện Goethe đã tài trợ cho bà chuyến đi diễn thuyết ở Canada và Mỹ.

Sự hồi sinh của Reiginer càn quét khắp Bắc Mỹ,” tờ báo The Globe and Mail của Canada đã viết.

Chuyến lưu diễn đã truyền cảm hứng cho bà thực hiện một vài bộ phim ngắn cuối cùng, bao gồm The Rose and the Ring (1979), bản chuyển thể dài 24 phút của tác phẩm hư cấu châm biếm năm 1854 của William Makepeace Thackeray,Düsselchen and the Four Seasons, một bộ phim dài hai phút hoàn thành vào năm 1980.


Bà qua đời vào ngày 19 tháng 6 năm 1981, tại Dettenhausen, Đức. Lúc ấy Reiniger 82 tuổi.

Mặc dù The New York Times không viết bài về cái chết của bà vào thời điểm đó, nhà phê bình phim của tờ báo – A.O. Scott – nhớ về bà trong một bài viết năm 2018, nhắc đến những người phụ nữ thầm lặng đã nâng tầm nghệ thuật làm phim thế giới.

Ca ngợi Reiniger như “một sự hòa quyện giữa điều kì diệu và ma quái,” Scott viết rằng, “những hình ảnh mơ mộng của người phụ nữ ấy dường như chạm vào tập hợp của những điều vô thức, gợi ra thế giới thần tiên của Disney và trở thành tiền thân của Tim Burton.”


Nguồn: The New York Times

Cùng tác giả

#Tag

Disney Heirstory hoạt hình lịch sử hoạt hình lịch sử nghệ thuật lịch sử thiết kế Lotte Reiniger phim ảnh phim hoạt hình

iDesign Must-try

Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
“Thiếu Niên Và Chim Diệc” là kết quả 7 năm lao động miệt mài, tỉ mẩn của 60 họa sĩ hoạt hình, với tốc độ hoàn thành trung bình chỉ…
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate vừa giới thiệu ứng dụng mới, Procreate Dreams trên iPad, giúp người dùng vẽ chuyển động và làm hoạt hình dễ dàng và tối ưu hơn. Procreate là một ứng…
‘Đẹp đến mức khó tin’: Bên trong tài năng của người sáng lập Studio Ghibli kín tiếng - Hayao Miyazaki
‘Đẹp đến mức khó tin’: Bên trong tài năng của người sáng lập Studio Ghibli kín tiếng - Hayao Miyazaki
Bài viết được thực hiện bởi Jyni Ong, thuộc trang tin tức It’s Nice That Từ “thiên tài” chắc chắn đã bị lạm dụng quá mức, nhưng sẽ không ngoa…
Dự án hoạt hình ‘U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ’ của Sun Wolf Animation Studio
Dự án hoạt hình ‘U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ’ của Sun Wolf Animation Studio
Bộ phim hoạt hình “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ” lấy hình tượng con nghê làm nhân vật chính và kiến trúc lấy cảm hứng từ phố cổ Hội…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…