Thiết kế đồ họa có cứu được mạng người? 6 poster tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng trong lịch sử
Thiết kế đồ họa có cứu được mạng người không? Cùng nhìn lại những tác động tích cực của thiết kế trong các vấn đề về sự sống và cái chết qua 6 poster trực quan, có tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng trong lịch sử.
Được sử dụng để cảnh báo hoặc truyền đạt thông tin về các triệu chứng, phòng ngừa và nhiễm trùng, thiết kế đồ họa đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền bệnh truyền nhiễm, giúp mọi người tiếp cận các thông điệp y tế.
Ví dụ về điều này có thể được nhìn thấy trong các đồ họa mạnh mẽ được sử dụng để nâng cao nhận thức về HIV/AIDS trong những năm 1980 hay các chiến dịch NGO trong đợt bùng phát Ebola 2014 và 2015. Xa hơn nữa, các poster trong Thế chiến II đã giáo dục những người lính về nguy cơ mắc bệnh sốt rét, và trong những năm 1950, Marie Neurath đã làm việc với các quan chức y tế ở Nigeria để đưa hệ thống thiết kế thông tin Isotype nổi tiếng sử dụng trong việc chống lại sự lây lan của bệnh phong.
Các chuyên gia truyền thông ở Anh đã từng hỏi, “Vì sao chính phủ không khai thác kỹ năng của chúng tôi trong một chiến dịch thông tin toàn quốc cho đại dịch COVID-19? Sức khỏe cộng đồng nằm trong mọi sự thay đổi hành vi. Chiến lược y tế công cộng sống hoặc chết tùy thuộc vào hiệu quả của truyền thông,” tác giả Sonia Sodha đã viết trên tờ The Guardian. “Cho đến nay, các chuyên gia truyền thông là những người có kinh nghiệm trong cách xử lý việc này.”
Những ngày gần đây, điều này đã bắt đầu thay đổi. Đến buổi thứ 10 của các cuộc họp báo hàng ngày, những bục giảng xuất hiện thông điệp “Stay Home, Protect the NHS, Save Lives” (Ở nhà, bảo vệ Dịch vụ Y tế Quốc gia, cứu lấy mạng người) được hiển thị với nền màu vàng sáng, viền các đường gạch màu đỏ như các biển cảnh báo.
Tháng trước, Liên Hợp Quốc đã công bố một bản tóm tắt mở đầu tiên cho các nhà sáng tạo ở khắp mọi nơi để giúp nâng cao nhận thức, chia sẻ hiểu biết về coronavirus và cách ngăn chặn sự lây lan của nó. “Ai ở đâu ở yên chỗ đấy nhưng vẫn có thể gặp gỡ nhau, thông điệp cần có nội dung mới mẻ, sáng tạo giúp điều chỉnh các hành vi cá nhân và thúc đẩy hỗ trợ xã hội cần thiết,” một lời kêu gọi hành động được tuyên bố. Đi kèm đó là các bản tóm tắt kiến thức và thông điệp được WHO cung cấp, cùng với phản hồi kêu gọi việc phiên dịch “các thông điệp quan trọng về sức khỏe cộng đồng sang các ngôn ngữ khác nhau, các nền văn hóa, cộng đồng và nền tảng khác nhau, đến với mọi người, ở mọi nơi”
Một chiến lược y tế công cộng sống hoặc chết tùy thuộc vào hiệu quả của truyền thông.
Rebecca Wright và tôi đồng sáng lập GraphicDesign& để thiết kế mang lại lợi ích đến với mọi người. Các dự án của chúng tôi chứng minh cách thiết kế đồ họa tác động đến những gì ta nhận thấy, những gì ta hiểu và những hành động chúng ta thực hiện. Trong hai năm qua, chúng tôi đã khởi xướng triển lãm, sản xuất sách về sức khỏe và chính trị. Với đại dịch COVID-19, hai thế giới này va chạm với nhau. Nhìn về quá khứ, chúng ta thấy kết quả khi yếu tố này (thiết kế đồ họa) tạo điều kiện và hỗ trợ yếu tố kia (sức khỏe, chính trị).
Các tác phẩm và lời dẫn sau đây là những trích đoạn từ một phần trong cuốn sách có tiêu đề “Thiết kế đồ họa có thể cứu sống bạn không?”, chúng chỉ ra vai trò quan trọng của thiết kế trong việc truyền đạt các thông điệp sức khỏe cộng đồng. Thiết kế có những tác động tích cực trong các vấn đề của sự sống và cái chết.
Sơ đồ số liệu thống kê về tỷ lệ tử vong của quân đội Anh trong Chiến tranh Crimea của Florence Nightingale năm 1958
Florence Nightingale đã tới Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1854 để hỗ trợ chiến dịch Crimean War của Anh. Cô và 28 y tá đã thu thập dữ liệu về sức khỏe của binh sĩ trong bảy tháng, cô gặp phải căn bệnh phổ biến và nhận ra được rằng quá trình quan liêu cản trở đến việc giao hàng thiết yếu. Dữ liệu được phân tích cùng nhà thống kê William Farr. Hình dung của Nightingale về nguyên nhân cái chết đã hỗ trợ một báo cáo về điều kiện mặt trận, nhằm ủng hộ việc cải thiện vệ sinh và quản lý. Biểu đồ của cô cho thấy phần lớn cái chết của quân lính Anh trong cuộc chiến có thể phòng ngừa được. Mặc dù không tạo ra đồ thị nhưng cô đã điều chỉnh nó một cách trực quan bằng cách sử dụng màu sắc, mô hình nêm cho mỗi tháng và mở rộng phạm vi. Đây là bằng chứng để hỗ trợ chiến dịch cải cách bệnh viện và điều dưỡng được bắt đầu.
– Peter Hall, nhà thiết kế và nghiên cứu
Poster “I’m Looking for You” của Abram Games năm 1941
Cha tôi, Abram Games, chắc chắn đã hy vọng poster của mình có thể cứu được nhiều mạng sống. Ông tin rằng các nhà thiết kế nên tạo ra lợi ích cho nhân loại và ý thức được trách nhiệm của họ. Trước, trong và sau chiến tranh, ông đã thiết kế nhiều poster cho Hiệp hội Phòng chống Tai nạn Hoàng gia và kêu gọi viện trợ cho các nạn nhân của Nội chiến Tây Ban Nha. Trong Thế chiến thứ hai, nhiều poster của ông đã được điều chỉnh cho mục đích dân sự. Ông đã thiết kế 100 poster từ năm 1940 đến năm 1945 và trở thành nghệ sĩ poster chiến tranh chính thức duy nhất vào năm 1942.
Games thiết kế các poster mang tính hướng dẫn, giáo dục và đào tạo, với thông điệp về việc tránh các tin đồn vô căn cứ và buôn bán vũ khí, đạn dược; hướng dẫn về cách tiết kiệm và chống lãng phí; thông tin chăm sóc y tế và nha khoa; một phần của chiến dịch kêu gọi hiến máu từ các nhà tài trợ và khuyến khích việc trồng thực phẩm. Poster của ông đặc biệt mang lại hiệu quả trong việc kêu gọi mọi người giúp đỡ cho các nạn nhân của Holocaust. Ông đã thiết kế phần lớn tác phẩm này miễn phí.
Ông không bao giờ quan tâm đến việc người xem có thích poster của mình không, nhưng luôn quyết tâm tạo ra poster để người khác phải chú ý. Sau năm 1945, ông hy vọng chính phủ sẽ tiếp tục xuất bản các poster với thông điệp về đạo đức, xã hội và giáo dục. Ông tiếp tục thiết kế poster để phòng chống ung thư và các chiến dịch khác. Ông đặc biệt tự hào về tấm poster “Freedom from Hunger” năm 1960 cho Liên Hợp Quốc và luôn nhận định rằng poster của mình phải mang đến sức mạnh. Nếu chúng cứu được một mạng người, ông sẽ rất hạnh phúc.
– Naomi Games, con gái của Abram Games và là tác giả của sáu cuốn sách về di sản của cha cô
Poster “VD—A Shadow on Happiness” của FHK Henrion 1943
Những tấm poster thời chiến nổi tiếng của FHK Henrion cảnh báo về sự nguy hiểm của VD (bệnh hoa liễu). Vào những năm 1940 ở Anh, poster giống như quảng cáo truyền hình ngày nay. Chúng là phiên bản ‘góc phố’ của các banner web và quảng cáo báo chí. Các poster là hệ thống thông báo tối ưu trước khi điện tử thống trị, và Henrion là một bậc thầy về loại phương tiện này.
Poster VD của Henrion đã khiến những người chưa mắc bệnh đến gặp bác sĩ địa phương của họ. Chúng thể hiện sức mạnh của thiết kế đồ họa có thể thay đổi hành vi của mọi người, nhưng thực sự thiết kế đồ họa có sức mạnh để cứu sống con người hay không?
Thiết kế đồ họa giống như làm răng, đó là một ngành học và cần một chuyên gia hiểu nó. Thiết kế đồ họa hay nha khoa không cứu người, mà chính con người làm điều đấy. Nếu tôi thiết kế một biển báo ở ngã ba đường đông đúc nhưng không thể đọc được, dẫn đến tử vong do tai nạn đường bộ, thì trong trường hợp này thiết kế đồ họa không có lỗi, lỗi nằm ở kẻ ngốc đã thiết kế biển hiệu đó – chính là tôi.
Việc quy kết rằng thiết kế đồ họa phải tự chịu mọi trách nhiệm là điều khó hiểu. Đó là lý do tôi gặp không thích các thuật ngữ như “critical design – thiết kế phê bình” ,“social design – thiết kế xã hội” hay “speculative design – thiết kế nghiên cứu”. Thiết kế không phải bản chất là một trong những điều này, nhưng bạn có thể trở thành một nhà thiết kế phê bình, nhà thiết kế xã hội và nhà thiết kế nghiên cứu.
Tuy nhiên, có lẽ với sự phát triển không thể tránh khỏi của thiết kế tự động, điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo trong tương lai, chúng ta có thể coi thiết kế là một lực lượng tự trị có thể cứu sống con người. Khi ngày đó đến (một số người nói rằng nó đã đến), cũng là lúc thiết kế đồ họa có thể phá hủy cuộc sống (thay vì cứu sống).
– Adrian Shaughnessy, nhà thiết kế và tác giả của FHK Henrion: The Complete Designer
Tờ rơi quảng cáo “Leprosy” của Marie Neurath năm 1955
Thiết kế đồ họa không thể trực tiếp cứu sống mọi người, nhưng nó có thể kích hoạt hành động đó. Thiết kế đồ họa cải thiện cuộc sống nhiều hơn là cứu người, mặc dù điều này cũng có thể xem là một trong số các yếu tố giúp cứu sống mọi người. Một ví dụ cho điều này là tác phẩm được thực hiện bởi Marie Neurath ở khu vực phía Tây Nigeria vào giữa những năm 1950. Nó minh chứng cho việc thiết kế đồ họa khuyến khích nâng cao sức khỏe, cải thiện cuộc sống, và thậm chí có thể cứu người.
Là giám đốc của Viện Isotype, Neurath đã đến thăm các bệnh viện, phòng khám, đơn vị lĩnh vực y tế và một trung tâm bệnh phong ở khu vực phía Tây. Nhận thấy nhu cầu thông tin cơ bản của người dân, cô đã dùng kinh nghiệm và kiến thức của nhân viên y tế địa phương, cùng sự hỗ trợ của bộ trưởng bộ y tế để phát hành các tờ rơi giải thích các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả bệnh phong. Thiết kế trong tờ rơi quảng cáo của bệnh phong thể hiện các dấu hiệu của bệnh nhân và cách điều trị.
Sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và bố cục đồ họa đơn giản, mục đích của thiết kế là để thông báo và kêu gọi hành động. Mọi người có thế lấy, cất giữ tờ rơi này, hoặc phát cho những người khác. Nhưng liệu nó có mang lại hiệu quả không? Điều này thực sự không thể khẳng định. 50,000 bản đã được in, một số bằng tiếng Anh, một số bằng tiếng Yoruba và được chuyển đến khu vực phía Tây.
Dù cố gắng hết sức nhưng Neurath không thể đo lường được mức độ hiệu quả, hay bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh phong, hoặc nó có giảm bớt nỗi sợ hãi của mọi người không, cho dù nó có tính chất dự báo. Tuy nhiên, đây là một ví dụ có giá trị, nó minh chứng việc thiết kế đồ họa được sử dụng để cải thiện cuộc sống của những người mắc bệnh, sự kỳ thị có thể khiến người bệnh cảm thấy suy nhược, tại thời điểm bệnh phong có thể chữa được, nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong. Vì vậy, có thể nói rằng, tác phẩm của Marie Neurath có thể trả lời được câu hỏi “Thiết kế đồ họa có thể cứu sống bạn không?” theo một hướng tích cực nhất.
– Eric Kindel, trưởng bộ môn typography & truyền thông đồ họa tại Đại học Reading; người phụ trách Bộ sưu tập Isotype của Otto và Marie Neurath
Poster “Silence=Death” của Gran Fury năm 1987
ACT UP (AIDS Coalition to Unleash Power – Liên minh phòng chống AIDS để giải phóng sức mạnh) rất năng nổ, vì họ phải như vậy. Các nhà chức trách và các phương tiện truyền thông, đặc biệt là ở Mỹ, không lắng nghe; vì vậy bằng cách nói ra, sáng tạo nghệ thuật và thể hiện nó trên đường phố, ACT UP giúp những người đồng tính nam bị nhiễm bệnh biết bằng họ sẽ không chết trong lặng lẽ. Im lặng là bị động. Tam giác màu hồng đã được tái sử dụng để trở thành một biểu tượng của hy vọng, biến sự tức giận thành một điều gì đó tích cực.
Trong các bản in tôi thực hiện trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới cho Boy George và Câu lạc bộ Văn hóa, tôi đã kết hợp hình tam giác với các biểu tượng khác như Ngôi sao của David và logo CND để tạo ra một thiết kế với hình trái tim ở trung tâm. Chúng trông giống như một vũ trụ, hỗn loạn trở thành trật tự, trật tự trở thành hỗn loạn.
Khi người dân ở New York và Vương quốc Anh bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng AIDS. Tôi nghĩ rằng poster ACT UP là ví dụ về thiết kế đồ họa có thể cứu sống mọi người, nó yêu cầu mọi người hãy suy nghĩ và hành động.
– Ben Copperwheat, nghệ sĩ và nhà thiết kế in ấn
Poster “Ebola” của Samba Cisse năm 2014
Từ kinh nghiệm của mình, chúng tôi biết rằng thiết kế đồ họa có vai trò quan trọng trong các cộng đồng xã hội có sự hiểu biết thấp, đa ngôn ngữ hoặc đa văn hóa. Trong trường hợp này, đồ họa kết nối mang lại sự hiệu quả trong giao tiếp, bao gồm cả cứu sống mạng người.
Lĩnh vực truyền thông xã hội phát triển trong nhiều năm đã khai thác tiềm năng của thiết kế đồ họa nhằm đạt được mục tiêu, cải thiện sức khỏe và sự phát triển của con người. Từ các tài liệu được sử dụng để thu hút các bên liên quan trong cộng đồng đến phương tiện truyền thông ngoài trời hay hoạt hình, nguyên tắc cốt lõi của giao tiếp trực quan là có thể hướng dẫn mọi người giao tiếp phi ngôn ngữ. Quan trọng nhất, thiết kế đồ họa giúp phá vỡ một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển và kết nối của cộng đồng, mở khóa luồng thông tin, kiến thức và giải phóng nó khỏi các khuôn khổ trước đây.
Trong thời gian dịch Ebola ở Tây Phi, thiết kế đồ họa đóng một vai trò không thể thiếu trong việc giao tiếp với dân số đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và có trình độ tối thiểu. Mặc dù đài phát thanh là một trong những phương tiện truyền thông hiệu quả nhất trong việc tiếp cận dân số cả nước, nhưng poster, tờ rơi và thẻ tư vấn thể hiện trực quan các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Các tài liệu thông tin, giáo dục và truyền thông dễ hiểu đều đã được kiểm tra trước về mặt nhận thức, hiểu biết và chấp nhận văn hóa xã hội; chúng được sử dụng bởi các nhân viên y tế, các nhà vận động xã hội để quảng bá và giáo dục người dân. Mặc dù không có nghiên cứu chính thức nào được thực hiện, nhưng qua bằng chứng thực nghiệm có thể nhận định rằng, một khi thiết kế được đưa vào cộng đồng, nó mang đến một thay đổi trong việc hiểu biết về sự phổ biến của Ebola và việc áp dụng các hành vi tích cực.
– Kshitij Joshi, trưởng phòng phát triển truyền thông tại UNICEF Sierra Leone
- Về tác giả
Lucienne Roberts là người sáng lập studio LucienneRoberts+ và đồng sáng lập sáng kiến vận động GraphicDesign&. Tốt nghiệp trường Central Saint Martins, cô là thành viên của Liên minh Quốc tế Graphique và đồng sáng lập Graphicdesign& with Rebeeca Wright, Trưởng khoa Chương trình Học thuật, Central Saint Martins, Đại học Nghệ thuật London.
Biên tập: Thao Lee
Nguồn: eyeondesign