Gợi ý phần mềm và ứng dụng 3D dành cho nhà thiết kế đồ họa
Có thể một vài phần mềm dựng 3D sẽ mang đến cảm hứng để chạm đến tâm hồn sáng tạo của bạn và đem lại nhiều ý tưởng cho công việc.
Với vai trò là nhà thiết kế đồ họa, chúng ta sử dụng nhiều phần mềm thiết kế đồ họa để hiện thực hóa ý tưởng và tầm nhìn của mình. Nếu tác phẩm có liên quan đến công đoạn in ấn, chúng ta sử dụng kết hợp Adobe Illustrator, Adobe InDesign và Adobe Photoshop để kết hợp hình ảnh và văn bản bằng kĩ thuật tốt nhất cũng như tạo nên tổng thể hài hòa nhất. Khi thiết kế trang web và phần mềm, chúng ta thường sử dụng kết hợp phần mềm Sketch, Photoshop và nhiều ứng dụng tạo nguyên mẫu như Adobe XD, Marvel và vân vân. Đối với thiết kế chuyển động, chúng ta sử dụng Adobe After Effects hay Apple Motion cùng sự hỗ trợ của nhiều công cụ chuyển đổi hay mã hóa khác nhau như Adobe Media Encoder.
(Tôi sẽ ghi “Adobe” cho tên của phần mềm bởi giờ đây bạn đã phân biệt được mỗi thứ, do đó việc ghi tên đầy đủ là không cần thiết)
Tùy vào khối lượng và tính chất công việc thiết kế đồ họa, đôi khi một số ứng dụng khác cũng được sử dụng. Nhưng tại sao những phần mềm và ứng dụng 3D lại quan trọng hơn cả?
Điều đầu tiên
Mỗi nhà thiết kế hay cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo cần một lần dùng thử các phần mềm hay ứng dụng quen thuộc mình thường gặp trong 15 đến 20 phút hoặc những phần mềm được sử dụng ở giai đoạn tiếp theo hoặc trước đó trong quy trình làm việc chung, dù không thật sự cần thiết.
Ví dụ, bạn làm việc trong lĩnh vực thiết kế bao bì, lấy Illustrator và Photoshop làm công cụ chính, sau đó sẽ có người làm quảng cáo hay thuyết trình với sản phẩm này bằng cách sử dụng After Effects hay Keynote/PowerPoint. Thường thì họ sẽ cần các tệp tin được điều chỉnh để sử dụng hợp lý và đây là lúc mà “sự tương tác” của chúng ta với các phần mềm khác cũng dừng lại. Thậm chí nếu không sử dụng các phần mềm ấy trong quá trình thiết kế bao bì, sẽ thật tuyệt nếu bạn có nghiên cứu qua chúng. Hãy thử qua các phần mềm ấy để hiểu thêm về nguyên lý hoạt động của chúng.
Điều đó sẽ giúp bạn hiểu thêm về những gì xảy ra sau đó với thiết kế của mình và có thể cho bạn cảm hứng để tiếp cận các thử thách thiết kế hoặc đơn giản là khiến bạn hiểu rõ hơn về những vấn đề mà đồng nghiệp mình đang gặp phải. Tuy nhiên tất cả những điều trên là câu chuyện dành cho lúc khác.
Trở lại với phần mềm 3D, câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta cần hoặc bắt đầu sử dụng nó nhiều hơn? Nhìn chung thì có hai lý do chính trong công việc thiết kế hằng ngày của bạn:
1) Bạn sử dụng phần mềm render 3D cho thiết kế của mình (ví dụ như vật thể hoặc phần nền)
2) Bạn làm bản mô hình cho thiết kế của mình để trình bày với đội ngũ hoặc khách hàng.
Sử dụng hình ảnh 3D như một phần trong thiết kế
Hãy xác định thời điểm nào thì các phần mềm 3D trở nên hữu ích khi bạn sử dụng các phần mềm render 3D như một phần trong thiết kế của mình. Tùy vào những gì bạn suy nghĩ, dự tính hoặc các yêu cầu của dự án, đôi khi việc có những hình ảnh 3D thật sự là một ý tưởng tốt để hiện thực hóa ý tưởng của bạn. Bình thường bạn sẽ tìm trên mạng hình ảnh phù hợp với concept của mình. Một số sẽ tái tạo ý tưởng trên Illustrator hoặc Photoshop.
Hiếm khi nào bạn có thể tìm thấy chính xác những gì mình tìm kiếm và đa phần bạn sẽ thay đổi thiết kế để phù hợp hơn với tư liệu tìm được. Hoặc có thể bạn dành thời dành để tạo vật thể trông như hình dạng 3D thật và khớp với dự định của mình. Tuy nhiên sau đó bạn lại muốn thay đổi góc nhìn một chút và thế là phải làm lại mọi thứ. Do đó, tại sao lại không tự mình tạo nên những hình ảnh 3D trong phần mềm dựng 3D và có thể thay đổi góc nhìn, chất liệu hay độ sáng tùy thích?
Phản ứng đầu tiên của bạn (có thể) là không đời nào, khó lắm hoặc bạn không muốn tìm hiểu ứng dụng mới vì bản thân không có đủ thời gian cho một thứ mà mình sẽ không sử dụng thường xuyên.
Bạn có thể bất ngờ khi biết rằng phần mềm 3D ngày nay đã trở nên tiên tiến đến mức một vài phần mềm có các phiên bản, bố cục hoặc thiết kế giao diện người dùng được điều chỉnh riêng cho nhà thiết kế đồ họa để giúp họ dễ dàng phát triển ý tưởng của mình một cách nhanh chóng. Trên hết, đa số các nhà thiết kế đều đã tư duy trong không gian 3 chiều về ý tưởng của mình trong thế giới thực, góc nhìn tối ưu nhất hoặc diện mạo của nó trong các điều kiện khí hậu và ánh sáng khác nhau. Hãy mở rộng tầm nhìn của mình từ một mặt phẳng 2 chiều sang thế giới 3 chiều và nhiều lựa chọn xuất hiện hơn.
Sử dụng mô hình (mockup) 3D để trình bày thiết kế đồ họa
Mô hình (mockup) là một trong những tài sản nhà mà thiết kế đồ họa sử dụng nhiều nhất. Bất cứ khi nào làm việc liên quan đến thiết kế bao bì, sách, tờ bướm quảng cáo, bài đăng Instagram, trang web hay phần mềm, bạn cần phải trình bày chúng với khách hàng hay bản thân/đội ngũ về diện mạo tuyệt tác của mình trong thế giới thực tế. Hàng ngàn tệp mockup xuất hiện xung quanh ta, từ bản miễn phí đến trả phí. Chỉ với một vài cú click chuột và chỉnh sửa, bạn sẽ nhanh chóng có được thiết kế để trình bày.
Tất nhiên, tất cả sẽ tỏ ra hiệu quả khi bạn có một thiết kế chuẩn mực để làm mô hình, ví dụ như bìa tạp chí, poster hoặc banner cuốn. Mọi thứ sẽ khó khăn hơn một chút khi thiết kế của bạn không theo khuôn khổ chuẩn, ví dụ như sẽ ra sao nếu poster của bạn ngắn hơn khổ A3 3cm hoặc hộp đựng giày có lỗ bên trong? Bạn sẽ khó lòng tìm được bản mockup cụ thể cho những thế kế như thế bởi người khởi tạo mockup đang cố gắng tiếp cận phạm vi khách hàng rộng hơn, do đó họ sẽ sử dụng các format chuẩn hóa hơn để phù hợp với hầu hết các trường hợp.
Do đó, tại sao lại không tạo bản mockup của riêng mình để dành cho các thiết kế như trên? Mỗi phần mềm 3D thông dụng có thư viện miễn phí (và trả phí) bao gồm các vật thể thực tế. Điều này sẽ khiến việc chỉnh sửa trở nên dễ dàng hơn để mọi thứ được vừa vặn. Đặt chúng vào môi trường, render với điều kiện ánh sáng và thêm thiết kế của mình vào trong Photoshop và bạn sẽ có ngay bản mockup. Dù sao thì nhiều tệp mockup mà bạn đang sử dụng cũng được hoàn thiện bằng phần mềm 3D. Hãy cùng nhau tìm hiểu cách thực hiện nó nhé.
Phần mềm và ứng dụng 3D dành cho nhà thiết kế
Không ai bắt bạn phải thuần thục kĩ thuật dựng mô hình hoặc tạo hiệu ứng hoạt họa y như Pixar. Chúng ta chỉ tham khảo những gì hiện đang có trên thị trường và cái nào cho nhiều kết quả trong thời gian ngắn nhất.
Mục tiêu ở đây là nhanh chóng có được kết quả mô hình 3D để hỗ trợ quá trình thực hiện công việc thiết kế đồ họa.
Dù vậy, chúng tôi đề nghị một vài phần mềm dựa theo tiêu chí đề cập phía trên. Tôi tin rằng những đồng nghiệp quan tâm việc tạo hình 3D sẽ không đồng tình với danh sách bên dưới, tuy nhiên tôi lấy góc nhìn của nhà thiết kế đồ họa và dựa vào những gì hỗ trợ mình trong quá trình thiết kế.
1. Adobe Dimensions
Nếu là người dùng đăng kí Adobe Creative Cloud và sử dụng nó phục vụ thiết kế đồ họa, bạn có thể tải Adobe Dimensions. Với những cá nhân khác, các bạn có thể dùng thử phần mềm miễn phí trong 30 ngày. Phần mềm Dimensions là một phần chuẩn của CC nhưng có nhiều cập nhật gần đây và đề cao mặt sản xuất của phần mềm. Với một vài cú click chuột, bạn có thể thiết lập phân cảnh, đặt một vài vật thể, thêm tư liệu, điều chỉnh ánh sáng, phần nền và thực hiện render. Mọi thứ sẽ trở nên siêu dễ dàng, tập trung vào phần trình bày mà không đi quá sâu vào mặt kĩ thuật 3D, tác phẩm của bạn sẽ cực kì mượt mà với Dimensions. Một phần mềm được thực hiện dành cho nhà thiết kế đồ họa và đó là lý do vì sao chúng tôi đề nghị bạn nên dùng thử nó một lần.
Dimensions được thiết kế chủ yếu để tạo mockup nhanh chóng, nơi bạn có thể đặt tư liệu và thiết kế của mình lên các vật thể khác nhau (tách cà phê, túi mua đồ, hộp đựng bách hóa hay banner cuốn). Mọi thứ đều được xác định trước và bạn có thể điều chỉnh một số khía cạnh để phù hợp hơn với ý tưởng của mình. Trong trường hợp cần một thứ gì đó không nằm trong Dimension, bạn luôn có thể nhập một mô hình 3D từ các phần mềm khác và chuẩn bị tệp tại đây. Bạn có thể tìm các mô hình miễn phí hoặc trả phí để sử dụng cho các mục đích khác nhau. Nó sẽ tiết kiệm thời gian của bạn cũng như tạo nhiều kết quả khả thi để lựa chọn trước khi thực hiện render, từ đó làm phong phú việc trình bày các yếu tố thị giác.
Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu bạn muốn tạo tác phẩm 3D có mockup không xuất từ Dimensions? Vậy thì bạn vẫn có thể làm điều đó bằng cách kết hợp bản gốc từ phần mềm với các bản được nhập vào, tổng hợp chất liệu, decal, phần nền và ánh sáng để có được tổng quát về tác phẩm. Hãy xem qua Team page nơi mà những đồng nghiệp của tôi thực hiện công việc trong Dimensions từ những bức ảnh hồ sơ thành viên đơn sơ nhất.
Ghi chú: Dimensions hỗ trợ các tính năng sử dụng nhiều hơn đối với các tác phẩm 3D, ví dụ như dựng mô hình và hoạt họa, dựng ánh sáng và chất liệu nâng cao, tuy nhiên đối với hầu hết các nhà thiết kế đồ họa, nó sẽ cho nhiều hơn những gì họ sẽ cần đến.
2. Adobe Photoshop
Ngạc nhiên chưa? Tôi đang nghĩ liệu mình có nên đề cập đến Photoshop trong danh sách này không, nhưng nghĩ lại thì những người thấy thích thú thì chỉ có thể là nhóm những nhà thiết kế đồ họa thôi, và phần mềm chỉnh sửa hình ảnh thân yêu của chúng ta là đây.
Dù sử dụng Photoshop hàng ngày hay bao lâu đi nữa thì bạn sẽ nhận ra rằng các yếu tố 3D sẽ được đề cập ở vài chỗ trong ứng dụng. Sự kết hợp giữa Photoshop và 3D chỉ dành cho những nhà thiết kế không muốn thay đổi bất kì thứ gì trong quá trình làm việc của mình, thậm chí là chuyển tệp từ phần mềm sử dụng hằng ngày. Ngày nay bạn có thể nhập video vào Photoshop và chỉnh sửa chúng, vậy thì tại sao lại không thực hiện một vài tác phẩm 3D luôn chứ?
Tất cả những gì bạn cần là nhiều lớp thiết kế để có được vật thể 3D hoặc tạo một lớp 3D mới bằng cách sử dụng một vài bản nguyên mẫu đã có (khối lập phương, khối cầu, hình trụ, vân vân). Ví dụ, bạn có thể đặt một vài logo hoặc văn bản trong một lớp mới, sau đó thực hiện tạo hình 3D bằng cách sử dụng lệnh Extrude. Bạn có thể tùy ý điều chỉnh chiều sâu, xoay vật thể, tạo góc và từ đó sẽ có được một vật thể 3D hoàn chỉnh. Ngoài ra bạn có thể điều chỉnh độ sáng, đổ bóng và camera. Bước tiếp theo là render nó và lớp 3D ấy sẽ nằm trong tệp để bạn thực hiện căn chỉnh thêm. Tất cả những việc này có thể củng cố thêm thiết kế của bạn.
Nếu bạn không hài lòng với một góc hay phần nào đó trong lớp 3D của mình, hãy xem lại, chỉnh sửa, render để có được kết quả như mong muốn. Một trong những điều hay nhất chính là bạn có thể thực hiện chỉnh sửa nó và áp dụng vào Smart object. Khi cài đặt mục properties, bạn không cần phải làm lại đối với các lớp 3D tiếp theo. Ví dụ như bạn cần trình bày nhiều logo khác nhau trong cùng một cảnh. Việc đầu tiên là hãy đặt logo vào, biến nó thành định dạng Smart object, chuyển thành 3D layer, chỉnh sửa và sau đó là thực hiện render. Giờ thì bạn chỉ cần đặt logo thứ hai vào Smart object, 3D layer sẽ tự động cập nhật và bạn chỉ cần ấn Render để hoàn thành.
Đối với các yếu tố thị giác 3D, Photoshop sẽ cho bạn nhiều lựa chọn để biến nó thành một phần của thiết kế. Nếu bạn có phần canvas định dạng lớn thì sẽ tốn nhiều bộ nhớ và tài nguyên CPU/GPU để thực hiện render. Mặt khác, bạn sẽ vẫn làm việc trong giao diện phần mềm quen thuộc và thấy được thành quả thiết kế đồ họa của mình.
3. Cinema 4D
Trước khi bắt đầu hành trình làm 3D, tôi đã thử qua một vài phần mềm hiện có, từ miễn phí đến trả phí trong nhiều năm qua. Sau khi cài đặt Maxon Cinema 4D và dành vài giờ xem qua một số hướng dẫn trên Youtube, cuối cùng tôi cảm thấy rằng đây là ứng dụng tạo hình 3D mà mình đang tìm kiếm. Đó là lý do vì sao bạn nên dùng thử nhiều phần mềm nhất có thể, dù là trong 1 hay 2 tiếng. Các phần mềm khác (ví dụ như 3DS Max, Maya, Blender, Sketchup, vân vân) có thể sẽ phù hợp với bạn. Dù là người mới vào hay dân chuyên nghiệp, đa số những phần mềm này đều có bản dùng thử và bạn không hề mất mát gì khi xem qua chúng. Hiện có hàng ngàn hướng dẫn trên blog, diễn đàn và Youtube/Vimeo để bạn có thể làm quen với phần mềm.
Thậm chí nếu C4D là phần mềm dành cho dân chuyên nghiệp, nó vẫn là một trong những phần mềm được sử dụng nhiều nhất và là lựa chọn tuyệt vời cho người mới bắt đầu vào thế giới 3D. Khi bắt đầu sử dụng phần mềm, bạn sẽ thấy rằng giao diện người dùng được trình bày và tổ chức rất tốt và hợp lý.
Với C4D, bạn có thể bắt đầu làm việc mà không cần đến bất kì một kiến thức hay kinh nghiệm làm 3D nào. Bạn chỉ cần làm những gì mình muốn (tất nhiên là không làm như cỡ Pixar rồi) và bạn sẽ có được một vài kết quả. Hãy sử dụng các bản nguyên mẫu có sẵn hoặc bạn có thể tạo bản mới bằng tệp từ Illustrator. Nhập các tệp 2D từ Illustrator vào trong Cinema 4D là việc tôi làm thường xuyên. Hãy thêm văn bản và chỉnh sửa thật sáng tạo, sau đó đặt một vài tư liệu lên và render thôi. Nhiều cài đặt render và ánh sáng khác nhau sẽ mang đến nhiều kết quả thú vị.
Tất nhiên bạn có thể thử qua tất cả mọi thứ, tuy nhiên cũng có nhiều tài nguyên miễn phí online: vật thể, tư liệu, cài đặt ánh sáng, render, vân vân. Trong công việc, chúng tôi sử dụng C4D nhiều lần để có được bản render trang sức của Intisars và dựng mô hình giải thưởng Bareec chất lượng cao, sau đó thì chúng tôi thực hiện bản render cuối cùng trong Adobe Dimension.
4. Blender
Tôi mày mò Blender mấy năm trước và những gì đọng lại từ trải nghiệm ấy là nó rất mượt và dễ sử dụng. Có rất nhiều tính năng tuyệt vời bên cạnh việc dựng mô hình và thị giác hóa, ví dụ như chỉnh sửa, đặt bố cục, khởi tạo hoặc giả lập video game.
Điều tuyệt vời ở Blender là nó miễn phí và bạn có thể tải ngay để thử nghiệm. Một điểm nữa là đây là phần mềm nguồn mở, có nghĩa nó được phát triển và mở rộng thường xuyên bên cạnh một cộng đồng đầy đam mê cung cấp những hướng dẫn, tài nguyên và giải pháp. Nếu tôi không mê mẩn với Cinema 4D (phần mềm trả tiền) thì Blender là lựa chọn ứng dụng 3D tuyệt vời.
5. Ứng dụng tạo 3D khác
Bạn có thể dùng thử các phần mềm 3D khác như Maya, 3DS Max, A360, vân vân. Ít nhất là bạn đã dùng thử và có thể một vài cảm hứng sẽ chạm đến tâm hồn sáng tạo của bạn, mang đến nhiều ý tưởng cho công việc.
Chúng tôi hy vọng bài viết này truyền cảm hứng cho bạn về những phần mềm 3D và mở rộng kiến thức liên quan đến ứng dụng tạo hình 3D trong công việc thiết kế đồ họa hằng ngày.
Tác giả: Predrag Nikolic
Người dịch: Đáo
Nguồn: Yellow Submarine