Các biểu tượng Emoji quen thuộc trông ra sao trong mùa dịch này?
Hầu hết mọi người đều đang phải làm việc tại nhà, vừa chăm sóc con nhỏ, vừa cố gắng hoàn thành tốt công việc và giữ cho tinh thần ổn định. Thế nên mỗi tối, gác chân lên ghế và “cày” vài tập phim là cách giải trí hợp lý nhất khi bạn chẳng thể đi đâu. Nhà thiết kế Ji Lee cũng rơi vào tình trạng tương tự, tuy nhiên, anh chọn cho mình một kế hoạch khác mà theo lời anh là, “tôi muốn tăng năng suất và làm việc nhiều hơn ngày thường”.
Dự án gần đây nhất của anh là phát triển bộ emoji cho mùa dịch COVID-19. Anh tạo ra 12 chiếc emoji từ chính những hình ảnh thân thuộc nhất: đôi tay cầu nguyện nay phải rửa tay bằng xà phòng, người đàn ông đứng trong nhà nhìn ra đường qua lớp cửa sổ, trái đất với biểu tượng pause ẩn dụ và tất nhiên, không thể thiếu cuộn giấy vệ sinh đã hết sạch sành sanh. “Tôi tin những gì thế giới đang phải trải qua là một giai đoạn lịch sử quan trọng, giai đoạn này sẽ tác động sâu sắc đến cách mọi người hành xử, giao tiếp và nhận thức,” Lee chia sẻ, “với niềm tin đó, tôi nghĩ chúng ta cần một bộ emoji mới có thể phản ánh chính xác những gì đang diễn ra.”
Dự án này thoạt nhìn trông khá buồn cười, song song, chúng cũng mang đến nhiều điều đáng suy ngẫm. “Emoji luôn đại diện cho thứ gì đó hài hước, nhưng lần này tôi muốn thể hiện các chủ đề nghiêm túc mang tính toàn cầu. Hài hước là một phần quan trọng trong cuộc sống chúng ta, giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn. Nếu những biểu tượng cảm xúc này có khiến bạn mỉm cười một giây phút ngắn ngủi nào đó, tôi sẽ rất hạnh phúc.”
Thời gian này, Lee cũng đang thực hiện vài dự án khác, dùng các yếu tố thị giác để ghi lại bối cảnh hiện tại. Một trong số đó là quảng cáo về chiếc khẩu trang có khả năng vừa chống-virus vừa chống-lại-sự-kì-thị vô lý của những người xung quanh khi che hết toàn bộ khuôn mặt, cú xoáy thông minh vào thứ định kiến mà những người gốc Á phải chịu đựng trong suốt thời gian diễn ra đại dịch. Ngoài ra, Lee còn tạo nên tác phẩm Nighthawks của Edward Hopper phiên bản mùa dịch khi xoá hết người trong tranh và đèn của nhà hàng thì tắt ngúm, trông như hàng triệu nhà hàng trên khắp thế giới đang phải đóng cửa vì virus.
Có lẽ, khi đại dịch qua đi, chúng ta sẽ không nhớ rõ thời sự đã đưa tin gì, số liệu chính xác ra sao… thế nhưng, những hình ảnh như kệ giấy vệ sinh trống hoác, đường phố vắng tanh, các bức minh hoạ y bác sĩ, nhân viên y tế, anh quân nhân trong cuộc chiến, những câu chuyện đau lòng và cả những hành động tử tế được lan truyền trên mạng xã hội mấy hôm nay, sẽ đọng lại trong mỗi người thành một dạng kí ức khó quên.
Nguồn: fastcompany.com
Tác giả: Mark Wilson
Người dịch: woodee