Không biết làm sao để sáng tạo hơn? Thử xem qua 10 bài tập nhỏ này nhé
Khi muốn rèn luyện cơ bắp, bạn tập tạ. Muốn về đích nhanh hơn? Chạy nước rút. Muốn cơ thể dẻo dai? Thực hành các động tác giãn cơ. Muốn sáng tạo hơn? Cũng tương tự như vậy, cách tốt nhất để dòng chảy suy nghĩ trong bạn được thông suốt, là thực hiện vài bài tập khởi động nhẹ nhàng nhằm kích thích não bộ.
Sức sáng tạo cũng như một loại cơ bắp, vì thế, chúng rất cần được rèn luyện. Nếu bạn đang bế tắc khi không cảm nhận được mối liên kết với bất kì loại cảm hứng nào, hay đang bí ý tưởng trước bản brief khách hàng mới đưa, thử xem qua 10 bài tập sáng tạo dưới đây nhé!
Bài viết bởi Deanna deBara trên trang 99designs.
Ảnh bìa: Ouch
1. Cho sáng tạo một cuộc hẹn định kì
Không dễ để dự liệu khi nào bạn rơi vào trạng thái “tối tạo”, và khi cố áp hiệu suất cho việc sáng tạo – như “Mình sẽ thiết kế xong cái logo này trong vòng 3 tiếng nữa” – bạn chỉ càng áp lực hơn mà thôi.
Thử xếp lịch hẹn với anh Sáng xem sao, cứ xem đây như thời gian bạn tới phòng gym để rèn luyện cơ bắp. Bằng cách dành khoảng thời gian riêng cho sáng tạo, bạn có thể tự do sáng tác mà không bị áp lực kì vọng, deadline hay ánh mắt dò xét của người nào. Trong một phút quý giá, bạn cởi bỏ mọi gánh nặng vô hình và cho phép bản thân “vui chơi” với ý tưởng.
Dành vài tiếng mỗi tuần cho việc này, và đừng cứ tập trung vào thiết kế, hình thức nghệ thuật nào cũng tốt cho bạn cả. Bạn có thể vẽ nguệch ngoạc trong cuốn sổ tay, hay phác thảo nhanh dáng đi của một người qua đường. Bước ra khỏi vùng an toàn của mình đi! Học chơi loại nhạc cụ mới, tham gia nhóm nhảy, viết tiểu thuyết. Làm bất cứ thứ gì bạn thấy hạnh phúc, vui vẻ và đừng tự đặt cho mình một rào cản nào.
2. Giới hạn thời gian sáng tác
Những quy tắc nghiêm ngặt thường kìm hãm sức sáng tạo, nhưng đôi khi, chúng lại giúp châm ngòi ý tưởng.
Đặt đồng hồ đếm ngược từ 5 đến 10 phút và thử thách bản thân tạo ra thứ gì đó: một bản sketch, một bức tranh, một bài thơ, một phát kiến mới… Thời gian càng ít, bạn càng được thúc đẩy để tìm ra cách mới mẻ và hiệu quả để hoàn thành tác phẩm, vì khi kim đồng hồ càng lùi dần về số 0, bạn càng cố hết sức để đạt được mục tiêu.
3. Tập trung vào số lượng thay vì chất lượng
Khi ở phòng gym, mọi người thường chú ý chất lượng hơn số lượng. Giả sử bạn chống đẩy được tận 30 lần trong 1 phút, nhưng nếu dáng tập không đúng chuẩn thì bao nhiêu cái cũng thành công cốc mà thôi.
Trong thiết kế, điều này hơi ngược lại một chút. Đôi khi việc tập trung vào số lượng thay vì chất lượng sẽ giúp dòng chảy sáng tạo trong bạn được khơi thông. Khi làm việc, ta dễ rơi vào “cái bẫy hoàn hảo”, thứ sẽ ngăn ta đến với những ý tưởng mới. Làm sao có thể nghĩ ra một ý tưởng hay ho nào đó nếu cứ ngồi sửa đi sửa lại ý tưởng đầu tiên chỉ vì không biết nên chọn độ dày nét thế nào cho phải?
Nếu đây thật sự là vấn đề bạn đang gặp, thử làm bài tập có tên ’30 vòng tròn’ nhé. Hãy vẽ 30 vòng tròn lên giấy, để đồng hồ đếm ngược 3 phút, và cố gắng lấp đầy toàn bộ hình tròn đó bằng những ý tưởng ngẫu nhiên. Mục tiêu: vẽ càng nhiều càng tốt.
Tiếp theo là học cách áp dụng phương pháp này vào công việc. Thiết kế logo ư? Thử vẽ 30 ý tưởng logo trong vòng 3 phút xem nào. Không biết nên dùng bảng màu nào cho bộ nhận diện? Hãy thử kết hợp 30 kiểu phối màu mới. Đột nhiên thấy bế tắc bí ý tưởng ghê? Vẽ 30 con quái vật nha, hay 30 hoạ tiết hình bông tuyết, hay bất cứ thứ gì bạn cảm thấy hứng thú khi nghĩ về.
Không bao giờ đủ thời gian nếu ta cứ ngồi cân đo đong đếm từng ý tưởng một, thế nên việc cần làm là nghĩ ra nhiều ý tưởng nhất có thể. Chúng không ‘phá game’ của bạn đâu, chúng chỉ giúp cơ bắp sáng tạo của bạn được làm việc nhiệt tình hơn, và chắc chắn bạn sẽ tìm ra một vài ý xịn xò nhất trong mớ ý tưởng bạn vừa vẽ xong đấy.
4. Trở thành một cỗ máy sáng tạo
Là vận động viên điền kinh, bài tập chính của bạn là chạy. Nhưng điều này không có nghĩa bạn không cần tập các môn thể thao khác, như nâng tạ, bơi lội hay yoga. Những bài tập phối hợp sẽ giúp bạn phát triển cùng lúc nhiều kĩ năng: linh hoạt, sức bền, độ dẻo dai… thứ giúp bạn thành người đầu tiên cán đít.
“The idea machine concept” – khái niệm cỗ máy sáng tạo được đề ra bởi nhà phát minh, tác giả James Altucher, khá đơn giản: Hãy đề ra 10 ý tưởng mới mỗi ngày.
Thức dậy mỗi sáng với những chủ đề khác nhau, chúng có thể liên quan đến công việc bạn đang làm – như “10 công cụ thiết kế chưa từng được phát minh” – hoặc thứ gì đó kì khôi hơn – “10 ý tưởng bom tấn cho mùa hè sắp tới”, “10 công nghệ giúp chó có thể nói chuyện được” chẳng hạn.
Sau đó, ghi lại bất cứ thứ gì hiện ra trong đầu bạn, những ý tưởng nguyên bản nhất, không cần trau chuốt gì và này nọ. Bạn sẽ không cần dùng đến mấy ý tưởng này, nhưng chuyện đó chẳng quan trọng, quan trọng là, bạn đã hình thành được những kết nối mới mẻ, bắt đầu suy nghĩ “ngoài chiếc hộp”, ngoài vùng an toàn, ngoài khuôn khổ công việc mỗi ngày.
5. Vẽ hoặc thiết kế thứ gì đó giống nhau
Tập cùng một bài tập thể dục ngày qua tháng lại sẽ giúp cơ bắp dần dần săn chắc, tương tự, vẽ đi vẽ lại một thứ sẽ giúp bạn vẽ ngày càng đẹp hơn.
Dành ít phút để vẽ thứ gì đó lặp lại mỗi ngày, đó có thể là chú chó của bạn, ổ bánh mì, logo cá nhân hay nhân vật hoạt hình yêu thích. Bạn sẽ từ từ tìm ra những cách mới mẻ hơn để thiết kế cũ trở nên khác biệt và thú vị, hay khám phá ra phương pháp sáng tạo nào đó để áp dụng vào công việc.
Sử dụng nhiều loại công cụ khác nhau khi làm bài tập này, vẽ chì, màu nước, wacom hay dùng chuột vẽ vector trên máy, càng nhiều hình thức, bạn càng có nhiều cơ hội tạo ra nhiều ý tưởng sáng tạo.
6. Ra khỏi văn phòng và tận hưởng khí trời
Máy chạy bộ là một phát minh tuyệt vời, nhưng ra ngoài và chạy ở công viên thật lòng vẫn thích hơn nhiều. Ngồi yên trong phòng, trên chiếc ghế êm ái và máy lạnh ru ru lúc nào cũng dễ chịu, nhưng cảm hứng sẽ không tới nếu bạn cứ nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính. Nếu đang thấy bế tắc, bạn cần được đi dạo một lúc, ngay bây giờ luôn!
Cảm hứng có thể ở mọi nơi, tiệm bán đồ đầu ngõ, mấy đội tập nhảy ngoài phố đi bộ, khoảng sân tennis, ban công xinh xinh nhiều cây xanh… bạn sẽ tìm được cảm hứng dành riêng cho mình.
Thực tế, những ý tưởng đỉnh cao thường xuất hiện khi người tạo tác bắt đầu ra ngoài và khám phá thế giới xung quanh. Ý tưởng để làm The Legend of Zelda đến khi Shigeru Miyamoto vào rừng và hang động gần nhà chơi. Walt Disney Studio không ngồi im ở nơi làm việc để vẽ, các animator được làm vài chuyến tới vườn thú Los Angeles hay San Diego để quan sát động vật, hoà mình vào thiên nhiên.
7. Đặt những thứ thân quen dưới một góc nhìn khác
Chạy bộ trên máy khá chán cho đến khi bạn tìm ra nhiều cách phối hợp khiến việc tập luyện thú vị hơn, chẳng hạn như thay đổi độ nghiêng của máy.
Có một phương pháp mang tên Alternative Uses Test (tạm dịch: Thay thế chức năng) phát triển bởi JP Guilford vào cuối những năm 1960. Bạn hãy chọn một món đồ thân thuộc (trong thử nghiệm ban đầu, mọi người dùng chiếc kẹp giấy) và suy nghĩ cách sử dụng mới cho nó trong vòng 2 phút.
Bài tập này khuyến khích bạn tư duy khác biệt để trở nên sáng tạo hơn.
8. Vào nhà sách chơi
Hãy đi dạo ở nhà sách hay thư viện và khám phá những lĩnh vực không liên quan đến ngành nghề, chọn một cuốn sách hoàn toàn ngoài tầm hiểu biết của bạn. Nếu là nhà thiết kế đồ họa, bạn có thể chọn sách về tâm lý học tội phạm, lịch sử âm nhạc hay bách khoa toàn thư về đại dương.
Nhúng bản thân vào nguồn thông tin khác lạ sẽ thử thách não bộ, châm ngòi cho nhiều ý tưởng mới.
9. Đơn giản hóa vấn đề
Thử thách bản thân thiết kế một tác phẩm dùng ít yếu tố nhất có thể. Bạn có thể làm gì nếu chỉ dùng mỗi hình tròn hay bảng màu chỉ 2 màu?
Sự đơn giản buộc bạn phải “tiết chế” bản thân và đặt để từng yếu tố sao cho hiệu quả, điều này giúp bạn nghĩ ra nhiều cách kết hợp mới mẻ hơn cho những bố cục tưởng như quen thuộc.
10. Freewriting – Viết tự do
Tất nhiên rồi, bạn là nhà thiết kế chứ nào phải nhà văn, nhưng điều đó không có nghĩa viết lách chẳng liên quan gì đến công việc sáng tạo của bạn.
Viết tự do là một phương pháp đúng như tên gọi của nó, thay vì đắn đo như mọi lần đặt bút, lần này bạn chỉ việc viết ra bất cứ thứ gì chợt đến trong tâm trí, thật nguyên sơ, không cần mài giũa ý tứ câu từ.
Chọn cho mình khoảng thời gian phù hợp, tầm 10-15 phút gì đấy và viết đến khi đồng hồ đếm ngược về 0. Để những suy nghĩ đi thẳng từ tâm thức vào trang giấy sẽ giúp bạn gột rửa những mối lo không đáng có, tạo không gian trống cho ý tưởng sáng tạo đến dễ dàng hơn. Ai mà biết được, nhỡ bạn tìm thấy một “kho báu” tiềm tàng từ chính những gì mình vừa viết thì sao?
Nguồn: 99designs
Biên dịch: woodee