Tư duy thiết kế và những tính chất trong hệ thống
Một cách cơ bản hơn để đối phó với tính chất tạm thời của công việc là xem xét lại bản thân chúng ta với tư cách là nhà thiết kế. Nếu chúng ta xác định mình chỉ là người giải quyết vấn đề thì công việc của chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời khi các điều kiện thay đổi trong khi đó người dùng của chúng ta phải bất lực chờ đợi để được giải cứu bằng giải pháp tiếp theo.
Trong môi trường làm việc năng động và có nhiều thứ không thể lường trước, những giải pháp được xây dựng cẩn thận nhất cũng có thể có thời hạn ứng dụng rất ngắn. Khi chúng ta chấp nhận rằng công việc của mình chỉ mang tính nhất thời và khả năng giải quyết vấn đề của bản thân có hạn, mục tiêu của chúng ta có thể thay đổi từ việc cung cấp các giải pháp đầy đủ sang phát triển công cụ, cho phép người dùng của mình tự thiết kế sao cho thích ứng.
Khi đã dành 20 năm qua trong thế giới công nghệ phục vụ lĩnh vực giáo dục và làm việc trên các sản phẩm dành cho các nhà giáo dục và học sinh, tôi đã học cách xem giáo viên và quản trị viên là nhà thiết kế, những người sử dụng nhiều công cụ và kỹ thuật để tạo ra trải nghiệm học tập cho đối tượng học sinh. Tôi tin rằng bằng cách mở rộng mô hình này và coi tất cả người dùng là nhà thiết kế, chúng ta có thể khai thác kinh nghiệm của chính mình ở mức độ sâu hơn để có được sự đồng cảm sâu sắc hơn đối với những khó khăn của họ. Khi đó, chúng ta có thể phát triển các chiến lược để thiết lập nên những người dùng trong vai trò nhà thiết kế để đương đầu với thay đổi và mơ hồ.
Nếu là một nhà thiết kế hoặc đã từng làm việc với các nhà thiết kế trong khoảng thời gian trước đây, bạn có thể quen với thuật ngữ “tư duy thiết kế”. Thông thường, tư duy thiết kế được thể hiện bằng các bước trông giống như thế này:
Có nhiều phiên bản khác nhau của sơ đồ này và chúng đưa ra rất nhiều cách mà quy trình trên có thể được thực hiện. Nó thường là một công việc kéo dài hàng tháng trời và bắt đầu bằng sự đồng cảm: Chúng ta làm quen với một nhóm người bằng cách hòa mình vào ngữ cảnh cụ thể để thấu hiểu nhiệm vụ, điểm nhức nhối và động lực của họ. Từ đó, chúng ta lưu lại những gì mình quan sát được, tìm kiếm quy luật, chủ đề và cơ hội khi củng cố định nghĩa của vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết. Sau đó, chúng ta lại cứ nghĩ ra, lập mẫu và thử nghiệm giải pháp cho đến khi có được giải pháp mà mình thấy thích (hoặc cho đến khi hết thời gian).
Cuối cùng, toàn bộ quá trình tập trung vào một mục đích đơn giản là giải quyết một vấn đề. Tất nhiên, đây không phải là một mục đích mới hay duy nhất đối với những người với cương vị “nhà thiết kế”. Trên thực tế, mặc dù tư duy thiết kế không hoàn toàn giống với phương pháp khoa học mà chúng ta đã học ở trường nhưng nó lại mang một nét tương đồng kỳ lạ:
Khi đặt tư duy thiết kế trong phân loại này, chúng ta coi nhà thiết kế giống như nhà khoa học, người chịu trách nhiệm tạo điều kiện cho hành trình khám phá và cung cấp giải pháp.
Tu duy thiết kế mang tính cộng tác cao nếu có cách ứng dụng tốt. Nó tập hợp mọi người từ bên trong và bên ngoài tổ chức để một nhóm người đa dạng, bao gồm cả những người thường không lên tiếng, có thể tham gia. Nó tập trung vào nhu cầu và cảm xúc của đối tượng mà chúng ta sẽ phục vụ. Hy vọng rằng, nó sẽ kéo chúng ta ra khỏi những kinh nghiệm và thành kiến sẵn có của chính mình, mở ra những cách suy nghĩ mới và soi sáng cho quan điểm mới. Tệ nhất là khi tư duy thiết kế được áp dụng một cách giáo điều hoặc bất cẩn, nó sẽ trở thành một phương tiện giám sát, áp đặt một cấu trúc cứng nhắc và các quy tắc không ủng hộ những phương pháp thiết kế không ủng hộ tiêu chuẩn văn hóa loại trừ.
Dù có những mặt lợi và hại cùng nhiều bàn luận xung quanh như thế, tư duy thiết kế đã trở thành nhân tố chính thức xuất hiện trong lĩnh vực phát triển phần mềm, nơi mà việc không sử dụng nó thì có nghĩa là không đúng. Không có hồ sơ năng lực của nhà thiết kế UX nào được coi hoàn chỉnh nếu không có bức ảnh rõ ràng bao gồm một nhóm người giải quyết vấn đề đang ở giữa bước “Xác định”, đang tụ tập với nhau, chăm chú nhìn vào một bức tường phủ đầy những mảnh giấy ghi chú nhiều màu. Các đồng nghiệp và tôi sử dụng ghi chú và tất cả mọi thứ thường xuyên khi chúng tôi làm việc trên các sản phẩm trong EdTech.
Với tính chất “tinh gọn”, phương pháp tư duy thiết kế đã nhanh chóng được phổ biến rộng ra khỏi lĩnh vực công nghiệp phần mềm và xuất hiện ở thế giới rộng lớn hơn. Ngày nay, bạn có thể bắt gặp yếu tố này ở các trường tiểu học, tổ chức phi lợi nhuận và trung tâm phòng thí nghiệm cải tiến thuộc chính quyền địa phương.
Giữa thế giới đầy náo nhiệt, người ta dễ dàng bỏ qua một giả định tập trung về tư duy thiết kế và điều này dường như quá rõ ràng để đề cập đến sự tồn tại của một giải pháp. Quy trình này dựa trên tiền đề rằng khi các bước tiến trình đã được thực hiện, trạng thái của vấn đề sẽ chuyển từ “chưa giải quyết” thành “đã giải quyết”. Mặc dù khung giải pháp vấn đề này mang hiệu quả rõ ràng nhưng nó cũng chưa hoàn thiện. Nếu nhìn rộng ra, chúng ta có thể thấy được giới hạn quyền lực của mình với tư cách là nhà thiết kế và sau đó chúng ta có thể xem xét những giới hạn đó có ý nghĩa như thế nào đối với cách chúng ta tiếp cận công việc của mình.
Những hỗn loạn và giới hạn trong giải quyết vấn đề
Khi chưa được kiểm chứng, việc tin tưởng vào khả năng giải quyết các vấn đề lớn bằng cách sử dụng nhiều phương pháp có thể dẫn đến một số ý tưởng khá hoành tráng. Trong cuốn sách của mình, Chaos: Making a New Science, James Gleick mô tả một giai đoạn vào những năm 1950 và 1960 khi các công nghệ điện toán và vệ tinh tiếp tục phát triển, một nhóm lớn các nhà khoa học quốc tế đã bắt tay vào một dự án mà theo họ là nghe có vẻ ngớ ngẩn. Mục tiêu của họ không chỉ là dự đoán chính xác mà còn kiểm soát được thời tiết:
“Có một ý tưởng rằng xã hội loài người sẽ tự giải phóng khỏi sự bất ổn của thời tiết và trở thành người làm chủ thay vì là đối tượng chịu ảnh hưởng bởi của nó. Các mái vòm trắc địa sẽ bao phủ các cánh đồng ngô. Máy bay sẽ tạo ra những đám mây. Các nhà khoa học sẽ học cách tạo và ngừng mưa.”
– “Chaos: Making a New Science”, James Gleick.
Ngày nay sự kiêu ngạo của họ có thể bị chế giễu nhưng vào thời điểm đó, nó là kết quả tự nhiên của một niềm tin ngày càng cao rằng với khoa học, không có vấn đề nào là quá lớn để có thể giải quyết. Điều mà các nhà khoa học đó không giải thích được là một hiện tượng thường được gọi là hiệu ứng cánh bướm và đây là yếu tố trọng tâm trong lĩnh vực lý thuyết hỗn loạn. Hiệu ứng cánh bướm mô tả sự biến động vốn có phát sinh trong các hệ thống phức tạp và liên kết với nhau. Nó được đặt tên từ một minh họa nổi tiếng về nguyên tắc: một con bướm vỗ cánh, tạo ra những nhiễu động nhỏ trong không khí xung quanh nó ở một bên của địa cầu hôm nay và có thể gây ra một cơn bão vào ngày mai ở bên kia. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiệu ứng cánh bướm tác động đến mọi thứ trong xã hội từ chính trị, kinh tế đến xu hướng thời trang.
Hệ thống hỗn loạn
Nếu chúng ta chấp nhận rằng yếu tố khí hậu, các hệ thống xã hội mà mình thiết kế và xây dựng các giải pháp là phức tạp cũng như không thể đoán trước thì sức căng sẽ trở nên rõ ràng. Tư duy thiết kế tồn tại trong bối cảnh mang bản chất hỗn loạn và không thể đoán trước nhưng hành động dự đoán lại là yếu tố trọng tâm. Bằng việc tạo mẫu và thử nghiệm, chúng ta đang thu thập bằng chứng về kết quả thiết kế của mình và liệu nó có giải quyết hiệu quả vấn đề mà chúng ta đã xác định hay không. Quá trình này kết thúc khi chúng ta cảm thấy tự tin vào dự đoán của mình và hài lòng với kết quả.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng cách tiếp cận này không sai! Chúng ta nên tin tưởng vào quy trình để xác nhận rằng thiết kế của chúng ta là hữu ích và có thể sử dụng được ngay lập tức. Đồng thời, bất cứ khi nào đưa ra một giải pháp, chúng ta sẽ giống như con bướm vỗ cánh (cùng với vô số những người khác) và đóng góp vào một dòng thay đổi liên tục. Vì vậy, mặc dù kết quả ngắn hạn thường có thể dự đoán được nhưng tầm nhìn dài hạn cho toàn bộ hệ thống và thời gian mà giải pháp của chúng ta sẽ có hiệu quả khi hệ thống thay đổi là không thể định trước được.
Tính tạm thời
Khi sử dụng tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề, làm thế nào chúng ta đối phó với thực tế rằng các giải pháp của mình được xây dựng để xác định các điều kiện sẽ thay đổi theo cách mà chúng ta không thể nào lên kế hoạch để ứng phó?
Một điều cơ bản mà chúng ta có thể làm là duy trì nhận thức về tính tạm thời của công việc và biết rằng nó được xây dựng để đáp ứng nhu cầu của một thời điểm cụ thể. Nó giống như một pháo đài bằng cây được xây dựng trong rừng hơn là một pháo đài làm từ đá. Mặc dù có thể mất nhiều năm để xây dựng lâu đài và duy trì nó trong nhiều thế kỷ, đảm bảo không bị tác động bởi thời tiết trong khi bảo vệ người sinh sống khỏi tất cả sự hỗn loạn tồn tại bên ngoài bức tường của nó, pháo đài bằng cây có mối liên hệ trực tiếp và chịu ảnh hưởng của môi trường ngay cả khi được thiết kế và xây dựng tốt. Mặc dù một pháo đài bằng cây có thể che mưa được, chúng ta không xây dựng nó với kỳ vọng rằng nó sẽ tồn tại mãi mãi mà chỉ mong là nó sẽ phục vụ chúng ta thật tốt khi nó còn ở đây. Hy vọng là thông qua kinh nghiệm xây dựng này, chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi và hoàn thiện hơn.
Tính chất tạm thời trong công việc của chúng ta không làm giảm đi tầm quan trọng của nó và cũng không cho phép chúng ta trở nên cẩu thả. Điều đó có nghĩa là khả năng thích ứng và phát triển nhanh chóng, nhất quán mà không bỏ qua mặt chức năng hoặc thẩm mỹ là cốt lõi của công tác này. Đây là lý do tại sao hệ thống thiết kế cung cấp các quy tắc, thành tố nhất quán và chất lượng cao có thể tái sử dụng là yếu tố quan trọng.
Thiết kế cho người dùng có vai trò là nhà thiết kế
Một cách cơ bản hơn để đối phó với tính chất tạm thời của công việc là xem xét lại bản thân chúng ta với tư cách là nhà thiết kế. Nếu chúng ta xác định mình chỉ là người giải quyết vấn đề thì công việc của chúng ta sẽ nhanh chóng trở nên lỗi thời khi các điều kiện thay đổi trong khi đó người dùng của chúng ta phải bất lực chờ đợi để được giải cứu bằng giải pháp tiếp theo. Trên thực tế, người dùng của chúng ta buộc phải điều chỉnh và thiết kế các giải pháp của riêng họ bằng cách sử dụng bất kỳ công cụ nào họ có theo ý của họ. Trên thực tế, họ là những nhà thiết kế cho riêng mình và từ đó công việc của chúng ta chuyển từ việc cung cấp các giải pháp cố định, đầy đủ sang cung cấp những công cụ hữu ích và có thể sử dụng được tùy theo nhu cầu của người dùng mang vai trò của người thiết kế.
Khi suy nghĩ từ góc độ này, chúng ta có thể có được sự đồng cảm với người dùng bằng cách hiểu rằng vị trí của chúng ta đều như nhau và mỗi người đều dựa vào người khác cũng giống như người khác dựa vào chúng ta.
Người dịch: Đáo