Bộ nhận diện dành cho bánh in ngũ sắc truyền thống ở xứ Huế
Nhà thiết kế Key Cre thiết kế nên bộ nhận diện thương hiệu cho loại bánh in ngũ sắc truyền thống tại Huế với mong muốn làm sống dậy nét văn hoá độc đáo này.
Ở Huế, ăn uống chính là một loại hình văn hoá, được chia ra làm hai hệ: hệ ẩm thực cung đình và hệ ẩm thực dân gian.
Ẩm thực cung đình là những món ăn ngự thiện ngày trước chuyên được chế biến để dâng vua. Những món ăn này đều thuộc loại cao lương mỹ vị, được chế biến công phu, cầu kỳ nhằm đạt được các chuẩn mực cao nhất: đẹp mắt, ngon miệng và bổ dưỡng. Chính vì vậy, các món ăn chốn cung đình không chỉ qua bàn tay đầu bếp chế biến mà còn do Thái Y Viện chịu trách nhiệm để đảm bảo có thể kết hợp ra những nguyên liệu hoàn hảo nhất.
Khởi thủy của bánh ngũ sắc
Bánh ngũ sắc là một loại bánh có xuất xứ từ Huế, được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường, các nguyên liệu khác, sau đó được ép, đúc thành khuôn. Mặt đáy của bánh có khắc các hình chữ Thọ, Phúc, Lộc và gói trong giấy ngũ sắc, được dùng trong các dịp lễ cúng tất niên hoặc mời khách ngày Tết.
Ý nghĩa về màu sắc
Bánh Ngũ Sắc là loại bánh in được gói trong giấy ngũ sắc có 5 màu là Xanh – Đỏ – Vàng – Trắng – Tím, mang ý nghĩa tượng trưng cho ngũ hành trong tự nhiên lần lượt là Mộc – Hỏa – Thổ – Kim Thùy, trong Tứ thời ứng với Xuân – Hạ – Giao mùa – Thu – Đông, trong ngũ thường nho giáo ứng với Nhân – Lễ – Tín – Nghĩa – Trí. Ngoài ra năm màu sắc này cũng chính là năm màu cơ bản trong cảm quan mỹ thuật hội họa Huế ngày xưa.
Lịch sử ra đời của bánh in
Theo lời kể của các cụ lớn tuổi làng Kim Long, nơi được cho là khởi thủy của bánh in, loại bánh này đã có từ thời Nguyễn (lúc này đang đóng đô ở Huế). Lúc ấy gần Tết Nguyên đán, khi uống trà nhạt vua cảm thấy cần có thêm một món ăn kèm để nhâm nhi thưởng trà, bèn bảo với các bô lão ở vùng Kim Long rằng: “Vùng các ngươi vốn sẵn khéo tay, nay ta lệnh làng các ngươi hãy làm một món bánh, phải vừa giản dị lại vừa ngon miệng, để ta thưởng trà”. Sau khi suy nghĩ và bàn bạc, các bô lão để ý thấy rằng ở làng có trồng nhiều đậu xanh, vậy nên họ đã kết hợp nguyên liệu này với đường cát để tạo nên thứ bánh tròn có kích thước nhỏ bằng hình đồng tiền để dâng vua, mà bên trong vẫn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất và nhất là phù hợp cho dân gian sản xuất. Sau vài tuần chế biến, chiếc bánh đậu xanh được in hình chữ “THỌ”, với ý nghĩa mong vua trường thọ, đã ra đời. Khi vua thử bánh cảm thấy rất hài lòng, bèn ban thưởng cho cả làng và ra chiếu lệnh phải giữ nghề cho đến muôn đời sau.
Đến nay, nghề làm bánh in ở làng Kim Long đã trải qua nhiều thế hệ. Hiện đã có thêm nhiều thứ bánh khác với tên và hình dáng khác nhau, nhưng vẫn mang hương vị chủ đạo là kết hợp giữa đậu xanh và đường cát như bánh hột sen, bánh tháp. Hơn nữa, dân gian còn kết hợp thêm các hương vị mới như nếp, bánh nếp, nếp dừa mè, bánh măng, nếp bột tro đậu xanh, bánh ít đen.
Đối với bánh in đậu xanh (xưa nhất), người làm phải qua các công đoạn rất cầu kỳ: đãi đậu, nấu đậu, đánh đậu, giã đậu, in bánh, sấy bánh, và đặc biệt phải gói trong giấy bóng năm màu sắc thì mới đúng là bánh in ngũ sắc. Điều này tạo nên nét truyền thống độc đáo cho loại bánh dân gian mang nhiều giá trị văn hóa và tinh thần của người Việt.
Nguồn cảm hứng
Vào dịp Tết 2018, nhà thiết kế Key Cre có xem qua một chương trình trên Youtube nói về văn hóa ẩm thực cung đình Huế, trong đó họ có đề cập đến một loại bánh in Ngũ Sắc tại Kim Long. Phóng sự tái hiện hình ảnh một làng bánh đang dần bị mai một và nghề làm bánh truyền thống đang có nguy cơ bị thất truyền vì hiện tại chỉ còn rất ít hộ làm, lý do chính là vì thu nhập bấp bênh và bánh chưa có thương hiệu chính thức nên không được biết đến rộng rãi. Từ đó, nhà thiết kế chợt nảy ra ý tưởng sẽ xây dựng một thương hiệu bánh in Ngũ Sắc mạng diện mạo mới của thời đại nhưng vẫn giữ được tinh thần mộc mạc và chân chất của bánh, với mong muốn đưa món bánh truyền thống Việt Nam vươn ra thị trường mới như không gian siêu thị hoặc các chuỗi cửa hàng bán lẻ, hoặc xa hơn là có thể xuất khẩu quốc tế. Với thông điệp khuyến khích bánh in Ngũ Sắc ngày một phát triển hơn, nhà thiết kế đã tạo ra thương hiệu bánh cung đình nhằm quảng bá rộng rãi đến bạn bè trong và ngoài nước.
Câu chuyện thương hiệu
Nhìn chung, ẩm thực cung đình hình thành dựa trên hai yếu tố chính: thứ nhất là nhờ vào điều kiện tự nhiên đặc biệt đã giúp tạo nên những món ngon mang nét riêng của xứ Huế, thứ hai là do sự ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo, những phẩm chất đạo đức, sự khắt khe đã rèn cho người Huế từ nhỏ, giúp họ trở nên khéo léo và tài hoa.
Nhân gian chan chứa lòng nhân ái
Kinh kỳ xuân sắc tỏa yêu thương
Lễ phép kính trọng người gần xa
Nhàn nhã xuân qua hạ lại về
Nghĩa khí tình sâu đậm tình thâm
Như thu lớp lớp rợp lá vàng
Trí đức vẹn toàn tinh thông lí
Đông sang thanh khiết thoảng hương quê
Tín phụng trăm năm linh hồn huế
Tiết giao mùa đất phú trời yên
Key Cre là một nhà thiết kế đồ hoạ chuyên về lĩnh vực branding hiện đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh từng thiết kế nhiều bộ nhận diện cho các thương hiệu như Asiana Plaza, nhà hàng Thái Maerach, đại học UBL….Xem thêm những dự án của nhà thiết kế tại Behance.
Nguồn: Behance