Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác thải, cú hích thay đổi bao bì cho cả thế giới
Tác giả: Dr. Andrew H. Dent
Trước đây, mỗi ngày có khoảng 1.500 container vận chuyển vật liệu tái chế được đưa lên tàu chở hàng ở Mỹ và đưa đến Trung Quốc. Không chỉ có Mỹ, châu Âu, những nước Châu Á, như Hồng Kông, Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác, cũng vận chuyển các phế thải nhựa của họ sang Trung Quốc. Từ lâu Trung Quốc được xem như trung tâm tái chế rác thải – nhà nhập khẩu rác lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi. Trung Quốc nhận thấy một lượng lớn chất thải bẩn hoặc chất thải độc hại được trộn lẫn trong chất thải rắn có thể được sử dụng làm nguyên liệu thô, bằng cách nào đó sẽ chảy ra biển. Điều này làm ô nhiễm môi trường Trung Quốc một cách nghiêm trọng. Để bảo vệ lợi ích môi trường của Trung Quốc và sức khỏe con người, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa vào tháng 07/2017, có hiệu lực chính thức từ tháng 01/2018, làm giảm đến 97% lượng rác thải nhập khẩu vào nước này.
Có thể nói, lệnh cấm của Trung Quốc đã tạo ra áp lực lớn cho ngành xử lý rác thải nhựa trên phạm vi toàn cầu. Đây hẳn là “cơ hội lịch sử” cho các nước khác trên thế giới xem xét đến các giải pháp bền vững hơn, trong đó tập trung vào các chính sách công nghiệp xanh, tạo đà cắt giảm chất thải nhựa tại nguồn, hạn chế tối đa rác thải. Đồng thời, các vật liệu có khả năng phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường sẽ được khuyến khích sử dụng thay thế cho vật liệu bằng nhựa.
Ông Francs Timmermans, chính trị gia người Hà Lan, hiện là phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu chia sẻ: “Chúng ta cần sử dụng quyết định này (của Trung Quốc) để đặt chính mình thành vấn đề. Chúng ta hãy tự hỏi tại sao người châu Âu không thể tự tái chế rác thải của chính mình?“
EU đang hướng đến một giải pháp triệt để hơn khi công bố kế hoạch nhằm tăng tốc độ tái chế các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng và 100% bao bì được tái chế đến năm 2030; giảm dần việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như ống hút, ly cà phê, hộp đựng thức ăn nhanh,… trong nỗ lực chống ô nhiễm môi trường.
Ngày 11/04/2018 mới đây, Hiệp hội Công nghiệp Nhựa và 11 Hiệp hội đối tác khác tại Hoa Kỳ cũng đã đưa ra yêu cầu đầu tư nghiên cứu và phát triển loại bao bì thân thiện với môi trường. Đặc biệt là những nỗ lực từ chính các cơ sở sản xuất để có thể sắp xếp chất liệu hiệu quả hơn và có chọn lọc. Đã có nhiều công ty sẵn sàng chi mạnh để cải thiện vật liệu, cơ sở hạ tầng và nâng cao nhận thức cộng đồng như Amazon, International Paper, Starbucks, Coca-Cola, PepsiCo, …
Đặc biệt hơn, Tập đoàn Công nghệ môi trường Zhangzhou Sanlida của Trung Quốc quyết định xây dựng cơ sở đầu tiên xử lý giấy thải và nhựa tại Nam Carolina, Mỹ. Bằng cách sử dụng các quy trình sáng tạo để tách bột giấy, nhựa và nhôm ra khỏi các thành phần không thể sử dụng khác, họ lại tiếp tục sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới.
Các dự án tái chế đang dần trở nên hiệu quả hơn với việc tái chế nhựa sử dụng hoá học và tạo ra các nguồn nguyên liệu hoàn toàn mới bởi các công ty Perpetual ở Mỹ và hiệp hội DEMETO ở EU. Ngoài ra, việc phân loại các sản phẩm làm từ giấy như là hộp nước cam Tropicana, cũng đang tiến triển tốt. Waste Management, Tropicana Products, Dean Foods và một số nhà sản xuất carton đã kết hợp và khởi động một chương trình, mà các hộ dân có thể vứt những loại hộp đựng kể trên vào thùng rác tái chế mà không tốn thêm một chi phí nào. Khởi nguồn từ Florida, dự án này đã lan tỏa sang các cộng đồng khác ở Mỹ.
Nguồn: thedieline
Ảnh bìa: Reuters
Người dịch: Cải