Loài ong hiếm làm nên những chiếc tổ tuyệt đẹp từ cánh hoa
Một điều kì lạ đã xảy ra khi những chiếc tổ ong này được hai nhóm nghiên cứu độc lập đồng thời tìm thấy trong cùng một ngày tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) và Sepidan (Iran). Họ sau đó đã cùng hợp tác cho ra một bản nghiên cứu về những chiếc tổ đầy màu sắc và đặc biệt của những loài ong đơn hiếm thấy trong hơn 20.000 loài ong trên trái đất này.
Trước tình hình số lượng loài ong đang suy giảm trên toàn cầu, rất nhiều người và tổ chức đã hành động nhằm cứu loài côn trùng chuyên thụ phấn hoa này. Nhưng không phải chỉ duy nhất con người đang nỗ lực cứu loài ong mà chính một loài ong đặc biệt cũng đã tự tìm ra cách để bảo vệ giống nòi.
Loài ong Osmia avosetta và Osmia Tergestensis là những loài ong đơn độc nên chúng chẳng thể nhờ đám ong thợ bảo vệ ấu trùng. Thay vào đó, những con ong cái sẽ nhận lấy trách nhiệm ấy bằng cách tạo ra những chiếc tổ tuyệt đẹp từ cánh hoa.

Một điều kì lạ đã xảy ra khi những chiếc tổ ong này được hai nhóm nghiên cứu độc lập đồng thời tìm thấy trong cùng một ngày tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) và Sepidan (Iran). Họ sau đó đã cùng hợp tác cho ra một bản nghiên cứu về những chiếc tổ đầy màu sắc và đặc biệt của những loài ong đơn hiếm thấy trong hơn 20.000 loài ong trên trái đất này.
Tiến sĩ Jerome Rozen, Phụ trách phần Động vật không xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (AMNH) là người dẫn đầu đội nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông mô tả những chiếc kén đầy màu sắc này như sau:
“Những cái kén này thật khác thường: chúng được xếp từ hai lớp cánh hoa đầy màu sắc, bao lấy một lớp bùn mỏng giữa. Thường thì các loài ong không thường sử dụng các bộ phận của cây để làm tổ. Các nhà sinh vật học ngày nay cần hiểu rõ hơn về loài ong hiện tại bởi chúng là loài động vật thụ phấn quan trọng nhất, có vai trò đặc biệt trong việc duy trì hệ sinh thái, không phải chỉ trong trồng trọt mà còn trong bảo tồn.”
Jerome Rozen
Những con ong mẹ cẩn trọng lựa chọn những cánh hoa vừa hữu dụng, vừa đẹp rồi mang về tổ. Chúng cắn đứt từng cánh hoa khỏi cuống và mang chúng về tổ. Chúng sẽ đào một cái hố nhỏ sâu khoảng 1,5 cm rồi xếp những cánh hoa xen kẽ cùng với bùn vào trong hố.

Khi đã lấp đầy tổ với phấn hoa và mật hoa, ong mẹ sẽ đẻ trứng lên trên cùng. Sau khi hoàn thành việc đẻ trứng, ong mẹ sẽ bịt kín tổ lại bằng cách gấp một trong các cánh hoa về phía trên tổ rồi đậy nắp lại bằng bùn. Ngay cả khi phần vỏ ngoài đã khô lại, bên trong kén vẫn sẽ đủ ẩm để ấu trùng ong phát triển qua suốt mùa đông.

Trứng ong sẽ nở sau khoảng 3-4 ngày. Sau khi ấu trùng ăn hết mật và phấn hoa trong tổ, chúng sẽ làm một chiếc kén ngay bên trong tổ. Trong thời gian đợi mùa xuân, ấu trùng sẽ phát triển và biến đổi thành một con ong trưởng thành rồi chui ra khỏi tổ vào mùa xuân.

Trong suốt 10 tháng cái kén sẽ kết cứng lại như vỏ hạt để bảo vệ ấu trùng khỏi những kẻ săn mồi như kiến và ong bắp cày, cũng như tránh bị nghiền nát bởi sức nặng của những động vật khác khi chúng di chuyển phía trên đầu tổ.

Một lần, ong mẹ sẽ làm ra khoảng 10 tổ ong. Mỗi tổ mất khoảng 1-2 ngày để hoàn thành. Tổ của loài O. tergestensis có thể được tìm thấy theo cụm khoảng 5 tổ. Còn tổ của loài O. avosetta thường được tìm thấy một mình hoặc chỉ ở cạnh một tổ khác.


Các nghiên cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cho thấy có sự khác biệt giữa tổ của các loài ở những địa điểm khác nhau: ong ở Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng chọn những cánh hoa màu vàng, hồng, xanh dương và tím; trong khi ong Iran làm tổ của chúng chỉ bằng hoa màu tía.
“Chúng tôi không hoàn toàn hiểu cách những con ong quyết định màu sắc tổ. Đó có thể là một sự khác biệt về di truyền hoặc một sự khác biệt nhỏ theo quần thể”.
Jerome Rozen


Ngoài O. avosetta và O. tergestensis, các nhà khoa học mới chỉ thấy cách làm tổ này ở hai loài ong khác. Tuy nhiên, các loài ong khác sẽ làm tổ bằng cách trộn đều hoa và bùn hoặc nhai để nghiền nát cánh hoa.
Loài ong đơn độc thường sống khoảng một năm, nhưng chỉ hoạt động trong khoảng hai tháng trong mùa xuân và mùa hè. Trong mười tháng còn lại trong năm, ấu trùng ong chỉ ngủ trong lòng đất bên trong chiếc tổ bằng cánh hoa của mình.
“Tuổi thọ của chúng không quá dài nên chúng sẽ làm tổ rất nhanh rồi chết đi. Và ngay khi đó thế hệ sau đã bắt đầu lớn lên rồi.”
Jerome Rozen

Theo kết quả theo dõi từ khoảng 11 địa điểm từ nhiều vùng khác nhau thì những loài ong sử dụng cách làm tổ như trên có vẻ khá ưu ái cho những cây thuộc tông Hedysareae, họ Đậu.
Nguồn: National Geographic, NPR và Nhóm nghiên cứu
Biên tập: Xanh Va
Ảnh: Nhóm nghiên cứu
iDesign Must-try

Khám phá Bogobrush - thương hiệu bàn chải đánh răng bền vững

Bureo - xưởng tái chế lưới đánh cá thành đồ chơi

Thiết kế bện cỏ thành cầu treo cuối cùng của nền văn hóa Inca

Hà Lan xây trang trại nổi đầu tiên đối phó với biến đổi khí hậu

Ngay cả cún yêu cũng có mái nhà xanh
