5 bí kíp để chụp street food cực chất bạn đã biết chưa?
Nếu bạn làm theo những mẹo chụp ảnh street food dưới đây, iDesign tin rằng bạn hoàn toàn có thể biến những bữa ăn bình dân của mình thành một tác phẩm nghệ thuật với bất cứ máy chụp ảnh chuyên nghiệp hay thiết bị di động thông thường.
Bạn muốn sở hữu những bức ảnh món ăn đường phố cực chất như các “food bloggers”? Hay muốn lưu lại hình ảnh street food tại những địa điểm du lịch như là khoảnh khắc kỉ niệm? Lưu lại ngay những mẹo chụp ảnh street food dưới đây nhé, iDesign tin rằng bạn hoàn toàn có thể biến những bữa ăn bình dân của mình thành một tác phẩm nghệ thuật với bất cứ thiết bị di động thông thường hay máy chụp ảnh chuyên nghiệp nào.
Chuẩn bị sẵn một số vật dụng trang trí
Trong thế giới nhiếp ảnh, có một khái niệm cực kì quan trọng mà bất cứ ai cũng phải biết, đó là “props”. Props là từ dùng để chỉ những vật dụng trang trí xung quanh chủ thể chính, được sắp đặt một cách có chủ ý với mục đích tôn lên nét đẹp của chủ thể đồng thời tạo bối cảnh, không gian cho bức ảnh được hài hòa và chỉnh chu hơn. Trong nhiếp ảnh street food, props cũng đóng vai trò thiết yếu tương tự.
Hãy mua thứ gì đó nhẹ và nhỏ gọn để dễ dàng mang theo khi di chuyển giữa các quán ăn. Những chiếc thìa, nĩa, đũa (chuẩn bị khi chụp món châu Á) hoặc dao nhỏ (chuẩn bị khi chụp các món Âu), được làm bằng gỗ hoặc gốm sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho bạn để có thể tạo thêm nét chuyên nghiệp cho những bức ảnh. Tuyệt đối không nên sử dụng props bằng nhựa vì sẽ làm giảm sự “ngon” cho món ăn khi lên hình.
Nhánh cây, bông hoa, giấy báo, khăn tay hoặc khăn lót chén đĩa đều là những props phù hợp cho các buổi chụp street food bởi sự gọn nhẹ và khả năng linh hoạt của chúng khi sử dụng. Chúng cũng rất dễ tìm mua và chi phí hợp lý nữa.
Ảnh: Toa Heftiba Ảnh: Timothy Dykes
Kết hợp yếu tố con người vào bức ảnh
Một tip tiếp theo để những “tay máy nghiệp dư” có thể sáng tạo được những bức ảnh street food trông vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng đó là hãy kết hợp yếu tố con người vào khung hình của mình. Yếu tố con người được nhắc đến ở đây có thể là người bán, là khách hàng hoặc chính những người bạn đang đi cùng.
Người xem sẽ bị thu hút bởi những bức ảnh street food nếu bạn đưa vào khung hình một bàn tay đang gắp thức ăn hoặc bất cứ hành động nào tương tác với món ăn mà bạn nhắm đến. Kim chỉ nam để có bức ảnh đẹp là khi chụp hãy lấy nét vào thức ăn, tuyệt đối không lấy nét vào bàn tay hay mặt người nhé.
Việc kết hợp yếu tố con người sẽ tạo nên cảm giác gần gũi cho người xem, giúp người xem có cảm giác như đang đứng trước món ăn đó. Hơn nữa, mẹo này còn đặc biệt có ý nghĩa khi bạn chụp những món ăn đã quen thuộc với mọi người bởi vì chính sự xuất hiện của con người là làn gió mới lạ thổi vào linh hồn của bức ảnh.
Ảnh: Ian Valerio Ảnh: Vernon Raineil Cenzon
Ảnh: Stephan Valentin. Ảnh: Elevate
Sử dụng hậu cảnh đặc trưng của món ăn
Cách này đặc biệt hiệu quả đối với những món thức ăn có thể cầm trên tay như kem, bánh mì hoặc sinh tố. Lựa chọn hậu cảnh là biển tên thương hiệu, quầy thức ăn hoặc bất cứ phông nền nào có liên quan đến thực phẩm chính mà bạn đang cầm trên tay để tăng nội dung cho bức ảnh. Bạn có thể áp dụng cách này như là phương án “chữa cháy” cho những lúc không tìm đc props phù hợp hay đang “bí” ý tưởng nhé.
Ảnh: Q.U.I Ảnh: Wanhua Ảnh: Tanya Trukyr
Tôn trọng người bán hàng
Một trong những quy tắc chụp ảnh đường phố là chụp đối tượng của bạn một cách chân thực nhất có thể. Và dù bạn đã bỏ tiền ra để mua món ăn đó rồi nhưng khi bạn muốn chụp ảnh tại quán của họ thì bạn đều cần xin phép họ trước (đặc biệt là chụp ảnh khi đi du lịch nước ngoài bởi vì bạn sẽ không muốn kẹt vào các rắc rối về sự khác biệt phong tục, tập quán đâu.)
Không chụp người đang nhai thức ăn
Bạn có thể chụp ảnh người đó chuẩn bị cho thức ăn vào miệng nhưng đừng bao giờ chụp ảnh ai đó đang nhai bởi vì như vậy thật là thô lỗ. Lúc đang nhai thức ăn là lúc khuôn miệng khó kiểm soát nhất dẫn đến nhân vật trong ảnh trở nên gượng gạo và thậm chí là xấu xí. Vì thế, tốt nhất bạn hãy chụp lúc họ đang gắp thức ăn vào chén, chuẩn bị cho vào miệng hoặc sau khi nhai gần xong để vừa giữ được nội dung chân thật mà bạn mong muốn, đồng thời không làm mất đi tính thẩm mỹ của tổng thể bức ảnh.
Và còn nhiều mẹo hay khác về ánh sáng, căn chỉnh bố cục, góc chụp… để giúp bạn có thể tạo ra một bức ảnh street food “triệu like” trên mạng xã hội. Hãy để lại bình luận và chia sẻ cho iDesign biết các bạn muốn iDesign tổng hợp bí kíp chụp ảnh nào tiếp theo nhé!
Tổng hợp và biên tập: Thùy Vân
Nguồn: Beer&Croissants, SnapshotCanon