Những bức tranh tường ẩn mình dưới làn nước của Sean Yoro
Bằng tình yêu với vẻ đẹp xanh thẳm của đại dương bao la, họa sĩ đường phố Sean Yoro đã tạo nên những bức tranh tường nằm giữa lằn ranh mặt nước với hiệu ứng thị giác độc đáo khi triều cường dâng lên, qua đó truyền tải câu chuyện về biến đổi khí hậu đang diễn ra mỗi ngày.
Nếu có dịp đến với Los Angeles, Mỹ các bạn sẽ thi thoảng bắt gặp một vài tác phẩm đường phố nằm lặng lẽ trên những mảng tường cạnh cửa biển, một trong số chúng có lẽ thuộc về Sean Yoro.
Sinh ra và lớn lên ở Hawaii, họa sĩ Sean Yoro, được nhiều người biết đến với nghệ danh HULA, sớm rong ruổi theo những ngọn sóng tự do và đầy phóng khoáng của vùng biển Thái Bình Dương cùng người anh trai khi mới lên 6 tuổi. Chính điều này đã tạo cho anh một tình yêu vô bờ với thế giới đại dương và cũng là nguồn cảm hứng để sau này Yoro biến nó thành một phần trong nghệ thuật của mình.
Năm 18 tuổi, anh chuyển đến New York với kế hoạch mơ mộng của chàng trai trẻ là trở thành họa sĩ trong studio và bán tác phẩm của mình cho khắp các phòng tranh trên thế giới. Sau 4 năm theo đuổi kế hoạch như đã dự định, anh nhận ra rằng không gian trong bốn bức tường chưa bao giờ phù hợp và cho bản thân cảm giác tự do sáng tạo. Vậy nên, chàng họa sĩ gốc Hawaii quyết định chuyển sang lĩnh vực nghệ thuật đường phố và kết hợp những gì mình yêu thích lại với nhau.
Nói về khoảnh khắc đó anh chia sẻ: “Tôi luôn coi đại dương như một phần đam mê tiềm ẩn, nơi tôi thực sự muốn dành hết cuộc đời của mình trong đó. Cũng vì vậy mà nó như nguồn cảm hứng để tôi kết hợp trong lĩnh vực mỹ thuật, trực tiếp sử dụng chúng để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đường phố và hình thành nên một khái niệm hoàn hảo như bây giờ.”
Hiểu được giá trị mà những vùng biển đem lại, Yoro biết tầm ảnh hưởng của việc bảo vệ môi trường là quan trọng như thế nào. Bắt đầu hành trình đường phố bằng những tác phẩm dọc theo các mảng tường trong bến tàu bỏ hoang, anh sử dụng màu thân thiện môi trường tự mình sản xuất bằng cách trộn bột màu tự nhiên với dầu thực vật làm chất kết dính để thay thế cho loại Acrylic phổ thông.
Tuy nhiên sử dụng vật liệu như vậy khiến tuổi thọ các tác phẩm nghệ thuật nhanh chóng bị phá hỏng trong môi trường tự nhiên, đặc biệt là tiếp xúc nước biển. Nhưng đó cũng là khía cạnh để anh nêu bật những câu chuyện thông điệp về sự bền vững và nhận thức với mọi người xung quanh. Sự lên xuống của thủy triều tạo nên khám phá bất ngờ cho các tác phẩm, đi cùng với đó là câu chuyện về hiện hữu và tan biến.
Hình ảnh những bức tranh tường “dập dìu” giữa làn nước giống như một báo hiệu công cộng về thế giới tự nhiên cho con người chiêm nghiệm. Thế giới tươi đẹp sẽ không tồn tại mãi mãi nếu con người thờ ơ với những gì trái đất đang phải trải qua: hiệu ứng nhà kính, băng tan, lũ lụt, nước biển xâm lấn đất liền,….
Năm 2015, Sean Yoro đã thực hiện một dự án vẽ tranh trên những tảng băng trôi với tên gọi A’o ‘Ana (tạm dịch: Cảnh báo), tạo nên những chấm phá nổi bật trong khung cảnh hoang tàn, cằn cỗi của dòng sông băng ở Bắc Mỹ. Hồi tưởng về dự án anh kể: “Trong thời gian ngắn ở đó [tại sông băng], tôi đã tận mắt chứng kiến tốc độ tan chảy và âm thanh trồi sụt cực mạnh của tiếng băng nứt khi vẽ tranh. Vài tuần sau đó, những tác phẩm này đã vĩnh viễn biến mất, nhưng tôi hy vọng chúng sẽ khơi dậy cảm giác cấp bách trong mỗi người. Các bức tranh trong A’o ‘Ana là đại diện cho hàng triệu người cần sự giúp đỡ, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu vẫn âm thầm xảy ra”.
Theo thống kê từ tạp chí The Cryosphere, các nhà khoa học cho biết tốc độ tan băng mỗi năm hiện nay nhanh hơn khoảng 57% so với trước kia, mực nước biển trung bình trên toàn cầu dâng thêm 3,5cm trong 30 năm qua. Nhiệt độ khí quyển trên Trái Đất đã tăng 1,1 độ C kể từ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, tại Bắc Cực tốc độ ấm lên còn tăng gấp hơn hai lần so với tốc độ trung bình trên toàn cầu.
Tuy nhiên khi đại dịch Covid-19 ập đến khiến mọi hoạt động sản xuất của con người gần như chững lại, nó vô tình đem đến một chút dấu hiệu tích cực dành cho môi trường thiên nhiên! Lượng khí thải nhà kính và những rung động địa chấn do phương tiện di chuyển của con người gây ra giảm đi đáng kể. Một vài vùng biển cận bờ còn cho thấy sự xuất hiện của các loài cá trước kia chỉ sống ở những tầng biển sâu.
Hay ở Venice khi lệnh phong tỏa đất nước ban hành đầu năm 2020, dừng phương tiện giao thông đường thủy cùng hoạt động du lịch, các kênh rạch cho thấy màu trong trở lại và có thể nhìn thấy rõ những con cá bơi dưới nước. Một số người dân ở Venice còn bắt gặp vài chú thiên nga trắng muốt xuất hiện trên những con kênh trong thành phố. Nhiều đài phun nước ở Rome cũng trở nên lạ lẫm vì có sự xuất hiện của những chú vịt tung tăng bơi lội.
Trở lại với Sean Yoro, năm 2019 đánh dấu cho thử thách phi thường nhất về cả thể chất lẫn tinh thần mà anh từng thực hiện. Dưới mặt nước biển Hawaii yêu dấu, Yoro cho ra đời “Deep Seads” với 3 tác phẩm vẽ dưới nước khi anh lặn tự do (bao gồm nín thở và không có bình oxy). Dự án này đã được anh ấp ủ từ lâu để hướng đến nâng cao nhận thức mọi người về các rạn san hô đang chết dần dưới đáy biển, sức nóng vùng biển do biến đổi khí hậu đang gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô trên toàn thế giới.
Sau 2 năm thực hiện “Deep Seads“, thời điểm hiện tại, Sean Yoro vẫn đang miệt mài cùng chiếc ván quen thuộc tìm đến những nơi có địa hình khó khăn, đầy thử thách để hoàn thành thêm nhiều các dự án tranh tường hơn nữa. Bên cạnh đó, anh cũng tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng về môi trường và truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo.
Để tìm hiểu nhiều hơn những dự án sáng tạo của nghệ sĩ Sean Yoro, các bạn có thể xem tại:
Biên tập: Hoàng