Hannah Streefkerk: Khi nghệ thuật ‘chắp nối’ tự nhiên

Thông qua sự can thiệp của Hannah Steefkerk vào tự nhiên bằng nghệ thuật: từ trong rừng, trên cánh đồng và bờ sông, các tác phẩm sắp đặt của cô minh họa một cách tinh tế sự trôi đi của thời gian, sự lớn dần lên và suy tàn rồi tiếp nối của cuộc sống.

Cabinet of natural (Sjuhäradsrundan) memories (2017)

Các tác phẩm nghệ thuật của Hannah Streefkerk thường hướng về thiên nhiên, lấy cảm hứng từ các yếu tố tự nhiên như sự hình thành của nước và đất, cây cối, hoa và phong cảnh nơi sỏi đá. Với sự nhạy cảm nhất định đối với nhịp điệu, cấu trúc và họa tiết, cô trích xuất tinh chất từ các hình thức khác nhau trong tự nhiên và biến chúng thành các tác phẩm nghệ thuật đặc trưng cho một nơi nhất định.

Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, nghệ sĩ thảo luận về những bước đầu tiên trong sự nghiệp mình. Cô giải thích tại sao việc ‘chắp vá’ môi trường là một chủ đề thường xuất hiện trong tác phẩm của bản thân và điều gì thúc đẩy cô tạo ra tác phẩm với quy mô lớn.


Đặc tính thiền của nhiều kỹ thuật dệt là điều thu hút tôi nhất, và thực tế là bạn hầu như không cần các công cụ to lớn, một cây kim là đủ để bạn thực hiện!


Điều gì thu hút bạn đến với thủ công dệt may (textiles) như một phương tiện nghệ thuật?

Hannah Streefkerk: Tôi lớn lên trong một gia đình lớn nặng về tôn giáo với sáu chị em gái và một anh trai. Mẹ tôi làm việc bán thời gian với tư cách là giáo viên dạy may vá ở trường tiểu học. Mỗi tối bà dành một tiếng dạy tôi và các chị một số kỹ thuật thủ công ấy.

Tôi lớn lên mà không có tivi và trong giờ khắc này mỗi tối, tôi tự hỏi liệu đấy có phải là cách mẹ đã chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành của những đứa con mình? Cứ đến vào cái khung giờ ấy thì lòng tôi lại lẫn lộn vô vàn cảm xúc khi ngồi quanh bàn lớn với tất cả các chị em gái, nhưng làm việc với đôi tay thì không phải là gì quá to tát cả. Bởi đó là điều tôi phải làm, dù không phải lúc nào cũng hứng khởi vì nhiều lúc tôi chẳng hề có tâm trạng cho việc ấy, hoặc kĩ thuật được dạy ngày hôm đó không gây hứng thú nào cả, ví dụ như đan chẳng hạn.

Tôi thật sự thích làm việc với vải vóc và tôi còn nhớ như in công việc thêu chữ thập đầu tiên của mình. Tôi thật sự yêu thích nó! Tôi cũng nhớ một chiếc túi mà mình đã làm với kỹ thuật smocking*, một loại kỹ thuật ma thuật! Đặc tính thiền của nhiều kỹ thuật dệt là điều thu hút tôi nhất, và thực tế là bạn hầu như không cần các công cụ to lớn, một cây kim là đủ để bạn thực hiện!

*Smocking (thêu dún vải) là kỹ thuật thêu được ứng dụng để tạo hiệu ứng thị giác trên mặt vải. Người thợ dùng đường chỉ để giữ những nếp gấp, làm cho bề mặt vải trở nên bồng bềnh hơn với các hiệu ứng họa tiết đẹp mắt.


Oraki Art, Oraki, Phần Lan, 2013

Con đường của bạn để trở thành một nghệ sĩ như thế nào?

Khi còn nhỏ, tôi thích làm việc bằng đôi tay của mình và luôn biết bản thân muốn trở thành một nghệ sĩ. Khi học trung học, tôi quyết định giai đoạn tiếp theo hẳn phải là tìm một học viện nghệ thuật.

Bố mẹ tôi ít hài lòng với lựa chọn này và cả nhà đã thỏa thuận nhau rằng tôi sẽ học để trở thành một giáo viên mỹ thuật vì ít nhất, tôi có thể kiếm được một ít tiền như bố mẹ mong muốn.

Tại Học viện Nghệ thuật Maastricht (Hà Lan), tôi đã học để trở thành một giáo viên nghệ thuật lẫn điêu khắc. Trong năm đầu tiên, tôi phát hiện và thật sự yêu thích điêu khắc. Sau hai năm ở Maastricht, tôi quyết định chuyển đến phía bắc Hà Lan và tiếp tục học tại Học viện Nghệ thuật Groningen.

Năm 1997, tôi lấy bằng thạc sĩ nghệ thuật liên ngành. Trong suốt quá trình học, tôi không bao giờ sử dụng vải hay kỹ thuật dệt. Theo một cách nào đó, nó được kết nối với gia đình và hòn đảo nơi tôi lớn lên.

Vào năm 2006, với việc có một cuộc triển lãm tại một phòng trưng bày nghệ thuật ở Groningen, tôi tạo ra một tác phẩm sắp đặt với sự tương tác giữa các máy tính. Khi thiết kế, tôi đã nghĩ rằng nó hoạt động khá tốt nhưng vẫn mang sự khô khốc và hời hợt. Tôi cần một cảm giác ‘ấm áp’ hơn. Tác phẩm ấy là về sự giao tiếp giữa những người đang yêu, và tôi quyết định thêu vài chiếc gối với hình ảnh các cặp đôi hôn nhau.

Vào lúc ấy, tôi muốn làm một cái gì đó rườm rà và vì vậy, việc thêu thùa khá phù hợp. Trong nhiều giờ thêu những chiếc gối này, từ trong cơ thể và trí óc tôi tự cảm nhận được mình đã bỏ lỡ kiểu làm việc này với đôi tay từ lâu. Sau đó, tôi đã thay đổi hoàn toàn tác phẩm cũng như việc thực hiện nghệ thuật sắp đặt. Từ đó, tôi dần khám phá ra các biểu thức và kỹ thuật dệt mà mình yêu thích.

Tôi không bao giờ tự nhận mình như một nghệ sĩ về chất liệu, tôi thấy mình là một nghệ sĩ làm việc rất nhiều với kỹ thuật dệt may khi cần. Tôi thực hiện rất nhiều tác phẩm với ý tưởng rằng bản thân mình muốn ‘hàn gắn’ thiên nhiên để khiến ta thêm nhận thức về các vấn đề môi trường. Chỉ sợi và các mũi kim khâu là kết nối hoàn hảo cho việc ‘chắp vá’.



Tôi muốn cảm nhận được tâm hồn người nghệ sĩ trong một tác phẩm, câu chuyện đằng sau nó. Tôi thấy mình hoàn toàn là một nghệ sĩ đương đại, vì tôi là một sản phẩm của thời đại mình sống.


Hãy cho chúng tôi biết thêm một chút về các kỹ thuật bạn đã chọn.

Tôi thích thêu nhất hoặc nói đúng hơn, tôi thích sử dụng một mũi khâu. Nó có khả năng thể hiện rất nhiều. Tôi chủ yếu thích sử dụng các mũi khâu trong tình huống mà bạn hầu như không mong đợi chúng, ví dụ như để ‘vá’ một cái cây chả hạn. Một mũi khâu nhỏ mà ta thường phớt lờ trở thành một thứ gì đó mạnh mẽ và có ý nghĩa khi nó được sử dụng trong bối cảnh khác.

Bên cạnh sử dụng một mũi khâu duy nhất, tôi thích đặc tính thiền của thêu và đó là một kỹ thuật rất tốn thời gian. Theo một cách thì các tác phẩm của tôi là về bản chất của thời gian, và đầu tư nhiều thời gian vào một tác phẩm càng nhấn mạnh khái niệm này.
Ngoài thêu, tôi thích đan móc, chủ yếu vì nó cho tôi điều chỉnh sự thành hình với nó. Với một công cụ duy nhất, tôi có thể tạo bất cứ thứ gì tôi muốn. Tôi không thực sự là một họa sĩ 2D theo nghĩa rằng tôi không bao giờ vẽ hay tô màu, mà tôi thích thế giới 3D và đan móc phù hợp với tôi hơn.



Bạn tự mô tả tác phẩm của mình ra sao và nghĩ rằng nó được đặt ở đâu trong nghệ thuật đương đại?

Có thể nói tóm gọn trong một câu rằng: tác phẩm của tôi là về việc hàn gắn và bản chất của thời gian. Tôi muốn gây nhận thức về các vấn đề môi trường bằng tác phẩm của mình cũng như để mọi người nhìn lại xung quanh lần nữa. Chúng ta sống trong một thế giới rất bận rộn, mọi thứ dường như xoay quanh tiền bạc và công việc. Stress là một căn bệnh mới và dường như chúng ta quên mất mối quan hệ với thiên nhiên.

Tôi nhận thức được thực tế rằng đây là những từ lớn, nhưng tôi thực sự cảm thấy lo lắng về thế giới mình đang sống. Đối với tôi, điều rất mực quan trọng trong nghệ thuật là có một điều gì đó lớn hơn là một tác phẩm chỉ trông ‘đẹp mắt’. Những tác phẩm chỉ được làm vì vẻ ngoài hầu như không khiến tôi quan tâm. Tôi muốn cảm nhận được tâm hồn người nghệ sĩ trong một tác phẩm, câu chuyện đằng sau nó. Tôi thấy mình hoàn toàn là một nghệ sĩ đương đại, vì tôi là một sản phẩm của thời đại mình sống.

Tôi quan tâm đến môi trường nhưng đồng thời, tôi sử dụng nhựa v.v … Tôi không giỏi hơn bất kỳ ai khác. Tôi nghĩ những cảm giác hỗn độn này rất hiện đại. Ta biết rằng sẽ tốt hơn nếu bản thân có thề thay đổi mọi thứ, nhưng áp lực trong cuộc sống hàng ngày là vô cùng lớn lao.

Lời khuyên của bạn cho các nghệ sĩ chất liệu mới vào nghề là gì?

Đừng giới hạn bản thân mình.




Với Streefkerk, dường như cô muốn bày tỏ rằng tự nhiên trong tất cả các khía cạnh của nó không bao giờ ngưng đem lại sự ngạc nhiên cho tâm trí của cô và từ đó, nghệ sĩ mời người xem tham gia vào hành trình khám phá của riêng mình. Mỗi tác phẩm có thể được xem như phép ẩn dụ trực quan cho trách nhiệm chung của con người về việc bảo vệ thiên nhiên và giảm tác động của ta lên môi trường. Đồng thời, chúng còn như nhắc ta dừng lại, chiêm nghiệm về môi trường sống cũng như sự kết nối giữa những sự sống với nhau trên hành tinh này.

Bạn có thể xem thêm các tác phẩm của Hannah Streefkerk tại website của cô.


Tổng hợp và biên tập: Lệ Lin
Nguồn: textile artist, hannahstreefkerk

Cùng tác giả

#Tag

eco art Hannah Streefkerk nghệ thuật sắp đặt Nghệ thuật thị giác nghệ thuật đương đại thiên nhiên

iDesign Must-try

Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Thiên nhiên sống động qua nét bút đơn sắc của Tomoaki Murayama
Với niềm say mê đặc biệt dành cho nghệ thuật và tình yêu thiên nhiên ngay từ thuở bé, Tomoaki Murayama, một nghệ sĩ Nhật Bản đã tạo nên vô…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
Maybe bạn nên … Đi! Tháng 10/2023
/Maybe bạn nên …Đi!/ là series giới thiệu những sự kiện nổi bật trong tuần hoặc trong tháng mà bạn không nên bỏ lỡ. 1. Triển lãm “Thủy triều cảm…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…
Cuộc thi tìm kiếm giải pháp bảo vệ nền khí hậu toàn cầu - Net Zero Challenge 2023
Cuộc thi tìm kiếm giải pháp bảo vệ nền khí hậu toàn cầu - Net Zero Challenge 2023
Net Zero Challenge 2023 – Cuộc thi tìm kiếm những giải pháp thiết thực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới một tươi lai xanh…