|Bản đồ chất liệu| Bàn một chút về chất liệu vải tự nhiên

Vải tự nhiên thường được coi là chất liệu ít gây tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, một sản phẩm “thân thiện với môi trường” không có nghĩa nó sẽ được khai thác thoải mái.

Thời trang là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất trên thế giới. Việc lựa chọn chất liệu vải ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tìm kiếm nguyên liệu thô, xử lý nguyên liệu và tiềm năng ứng dụng. Mỗi một chiếc váy, quần jean hay áo thun đều có chi phí ẩn đằng sau nhưng không được chú ý nhiều và đó là chi phí về mặt tác động đến môi trường.

Các sợi vải và chất liệu tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật và động vật. Đây được coi là những lựa chọn thân thiện với môi trường hơn là các chất liệu từ quá trình sản xuất vải tổng hợp. Tuy nhiên, nếu phải tiêu tốn gần 3 nghìn lít nước để sản xuất ra 1 chiếc ảo vải cotton thì liệu các nguyên liệu thiên nhiên này có thật sự mang lại tác động tích cực cho môi trường?

Chất liệu cotton

Con người đã trồng nguyên liệu, sản xuất và mặc trang phục cotton từ thời cổ đại. Từ khu vực Pakistan khoảng 3000 năm trước công nguyên đến những vùng đất Trung Hoa, Mỹ và Brazil, cotton từ lâu đã trở thành chất liệu phổ biến nhất thế giới. Nó có thể là chất liệu nhẹ và thoáng nhưng không phải lúc nào cũng có màu trắng và mịn màng. Quy trình sản xuất cotton đã tác động nghiêm trọng đến môi trường trong nhiều năm. Cây bông là loại cây trồng khan nước và được canh tác trong điều kiện đất khô cằn. Hơn nữa cần đến 2700 lít nước để sản xuất ra một chiếc áo vải cotton.

Cây bông là một giống cây khan nước và cần rất nhiều nước để có vụ mùa bông thành công.

Việc sản xuất vải cotton cũng liên quan đến một thời đại bóc lột công nhân kéo dài. Ngành sản xuất này từ lâu đã trở nên suy đồi nghiêm trọng tại Uzbekistan, nơi chính quyền bắt hàng triệu công dân đi thu hoạch vụ bông. Các công ty và chính quyền trên khắp thế giới tẩy chay hàng vải cotton Uzbekistan như động thái chống lại phương pháp thúc ép lao động và bóc lột trẻ em.

Đa số các hạt giống cây bông đều được điều chỉnh gen. Chất liệu cotton được điều chỉnh gen có khả năng chống lại côn trùng và cỏ dại, tuy nhiên giống cây bông này không thể sinh sôi một cách tự nhiên. Điều này có nghĩa là bạn cần phải mua và trồng giống cây mới vào mỗi vụ mùa. Cùng với sự toàn cầu hóa của ngành công nghiệp sản xuất cotton, việc đưa vào giống cây được điều chỉnh gen có thể đặt ra nhiều thách thức tại các nước đang phát triển.

Vải cotton là chất liệu khá phổ biến trong thời trang may mặc.

Vải cotton hữu cơ

Quy trình sản xuất chất liệu cotton hữu cơ không sử dụng các chất hóa học hay thuốc trừ sâu hại. Điều này khiến quá trình thu hoạch được an toàn hơn và sản phẩm làm ra cũng thân thiện với môi trường hơn. Các thương hiệu thời trang hữu cơ thường có chứng nhận Tiêu chuẩn chất liệu hữu cơ toàn cầu (GOTS) hay Tiêu chuẩn chất liệu thương mại.

Một ví dụ điển hình là Kowtow, một thương hiệu New Zealand chỉ sử dụng chất liệu cotton hữu cơ thương mại trong dòng sản phẩm phong cách tối giản đầy ấn tượng của mình.

Vải cây gai dầu (vải Hemp)

Nguồn: BBC.

Cây gai dầu là loài thực vật tuyệt vời với tính linh hoạt cao. Với lịch sử hàng trăm năm được canh tác và sử dụng như một chất liệu vải, cây gai dầu giờ đây được khai thác phục vụ làm thức ăn, vật liệu xây dựng, chăm sóc cơ thể và nguyên liệu sinh học. Nguyên liệu này được tìm thấy trong các ngôi mộ vào 8000 năm trước công nguyên.

Vải Hemp được đánh giá rất cao với rất nhiều ưu điểm.

Vải Hemp được làm từ thân cây gai dầu, bao gồm hai lớp: lớp ngoài được cấu tạo từ các sợi xơ giống như dây thừng và được sử dụng làm thành vải; lớp bên trong là ruột gỗ được dùng để làm nhiên liệu, vật liệu xây dựng và đệm lót cho động vật. Người ta sẽ tước lớp bên ngoài của cây, sau đó được xử lý và làm thành dây hoặc sợi. Sợi Hemp này có thể bền đến mức nó được sử dụng để làm dây căng buồm. Ngoài ra nó còn là chất liệu tuyệt vời để sản xuất quần áo, vượt qua cả vải cotton và vải sợi tổng hợp.

Vải Hemp có rất nhiều ưu điểm như khả năng hút ẩm cực kỳ tốt, tạo cảm giác vô cùng mát mẻ cho người sử dụng, giúp làn da của bạn trở nên mịn màng hơn, có khả năng chống tia cực tím và rất tốt cho sức khỏe. Càng giặc và mặc vải Hemp nhiều thì nó càng trở nên mềm mại. Loài cây giàu chất dinh dưỡng và nhiều công dụng này là người bạn thân thiết với môi trường vì nó tiêu thụ ít nước, không cần thuốc trừ sâu và tự động làm đất trồng trở nên tươi tốt.

Xơ Hemp thô được xử lý kỹ lưỡng để trở thành sợi vải Hemp hoàn chỉnh phục vụ làm chất liệu vải.

Các lợi ích của chất liệu vải Hemp có thể kể đến như:

  • Ít nước – Cần 10000 lít nước để tạo ra 1 kg bông, trong khi cây gai dầu chỉ cần khoảng một nửa số lượng ấy.
  • Không hóa chất – Cây gai dầu không cần thuốc diệt cỏ hoặc thuốc trừ sâu, đồng thời tán cây rậm rạp của nó giúp loại bỏ cỏ dại.
  • Không chất thải – Mọi bộ phận của cây gai dầu đều có thể được tận dụng.
  • Ít không gian hơn – Cây gai dầu cần ít diện tích đất để tạo ra cùng một lượng sợi vải hơn các loại cây khác.
  • Phát triển nhanh – Nó phát triển cực kỳ nhanh chóng, chỉ mất 100 ngày từ khi trồng đến lúc thu hoạch.
  • Cải tạo đất – Cây gai dầu trả lại 60 – 70% chất dinh dưỡng mà nó đã sử dụng vào trong đất.
  • Giảm lượng carbon – Nó giữ được nhiều hơn 230% lượng carbon mỗi năm so với những loài cây họ bạch đàn.
Trang phục vải Hemp là một lựa chọn tuyệt vời.

Vải lông thỏ họ Angora

Chất liệu này xuất phát từ một loài thỏ họ Angora có bộ lông vô cùng mượt mà. Loại lông mịn màn này thường được kết hợp với nhiều loại vải len khác nhau để tạo nên các trang phục mềm và ấm áp. Dù lông thỏ có thể rụng tự nhiên, một số nơi đã “thu hoạch” lông thỏ số lượng lớn bằng cách nhổ lông của chúng. Điều này gây đau đớn tột cùng cho các con vật và chúng sẽ bị giết khi lộng mọc lại quá chậm. Đây là phương pháp sản xuất phi nhân tính và bị lên án rất nhiều.

Chất vải Angora sẽ trông như thế này.

Ngoài ra, thỏ nuôi phục vụ cho mục đích thương mại thường được nhốt một mình trong lồng để tránh việc cắn nhau và làm bẩn bộ lông quý giá của mình. Ngành công nghiệp vải lông thỏ Angora lớn nhất đặt ở Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 90% nguồn cung vải Angora trên thế giới. Lông được thu hoạch ba đến bốn lần mỗi năm từ hơn 50 triệu con thỏ Angora. Khi thỏ già đi, chúng cho ít lông hơn và sẽ bị giết sau một vài năm sản xuất lông. Trung Quốc không có quy định nào để điều chỉnh việc đối xử với những con thỏ được sử dụng trong ngành công nghiệp vải Angora và cũng không có hình phạt nào để áp dụng khi có hành vi ngược đãi động vật.

Vải len lông cừu

Vải len là chất liệu thường thấy trong thời tiết mùa đông.

Trang phục được làm từ lông cừu có thể được sử dụng lâu dài cho những tháng ngày mùa đông lạnh giá. Nếu được bảo quản cẩn thận, trang phục len có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài mà vẫn giữ nguyên chất lượng của nó. Tuy nhiên vì nằm trong quy trình sản xuất sử dụng lông từ động vật phục vụ cho mục đích thương mại, chất liệu này cũng phát sinh nhiều vấn đề đạo đức xoay quanh việc thu gom và xử lý lông. Khi lấy lông cừu, có khả năng người lấy sẽ cắt vào da cừu ở vị trí chân sau hoặc mông và có thể gây đau đớn tột cùng cho chúng.

Việc chăn nuôi cừu số lượng lớn cũng liên quan đến các phương pháp gây hại cho môi trường. Quy trình chăn thả gia súc theo quy mô lớn có thể làm tăng quá trình suy thoái đất. Tuy vậy, cũng có các phương pháp quản lý đất toàn diện đối với việc chăn thả động vật tại các khu đất nhỏ trong thời gian ngắn hơn để phục hồi lượng cỏ bị mất đi. Thật không may, những phương pháp này chưa phổ biến nhưng chúng đang được áp dụng rộng rãi và ủng hộ.

Chất vải lụa

Lụa là một trong những chất liệu sang trọng nhất.

Từ lâu, lụa được coi là một trong những chất liệu sang trọng nhất trên toàn thế giới. Sợi vải làm nên lụa chính là sợi tơ được dệt từ kén của con tằm. Các con tằm tiêu thụ lá dâu và sản sinh ra những chiếc kén trong quá trình lớn lên của chúng. Điều này khiến quá trình khai thác tơ tằm không tác động nhiều đến môi trường cũng như việc nuôi trồng và khai thác cũng dễ dàng hơn.

Những cái kén tằm trong khay đang chờ thu hoạch.

Tuy nhiên, những người sản xuất vải lụa cần phải bỏ những cái kén tằm vào trong nước sôi để trích được tơ tằm ra và điều này có nghĩa là hàng triệu con tằm bị giết chết trong quá trình ấy. Đồng thời, theo thời gian những con tằm sẽ bị thuần hóa. Những con bướm sẽ không thể bay và chúng chỉ có thể dựa vào sự trợ giúp của con người để tìm bạn tình giao phối. Điều này khiến khả năng sống sót của chúng có thể bị hạn chế khi thoát khỏi kén. Tuy nhiên, có một phương pháp không đi theo cách làm dã man này là lụa Ahimsa hay còn gọi là “peace silk”. Quy trình này sẽ rút con tằm ra khỏi kén của nó trước khi bị đun sôi. Một vài chất vải lụa theo phương pháp Ahimsa là “lụa Eri” và “lụa Tussar”.

Vải lanh (Linen)

Sợi linen có nguồn gốc từ cây lanh. Loại cây này cần ít nước, thuốc diệt côn trùng và thậm chí có thể sống trong môi trường đất nghèo. Phần xơ dài từ bên trong thân cây được trích xuất thông qua công đoạn làm ẩm bằng nước hóa chất và được kết thành sợi. Khi chưa được xử lý, linen là một loại chất vải có thể phân hủy nên bạn không cần phải lo lắng bộ quần áo mình đang mặc sẽ trở thành rác thải sau này. Ngoài ra nó cũng rất bền và càng bị giặt nhiều sẽ càng mềm hơn. Đó là lý do vì sao nó được coi là chất liệu sang trọng.

Tuy nhiên, vì tính chất của sợi vải nên để có được một tấm vải lanh trắng tinh, nó phải trải qua một quá trình tẩy trắng cực mạnh. Hãy chắc rằng bạn lựa chọn màu sắc tự nhiên của nó sẽ đảm bảo tính toàn vẹn và sự thân thiện với môi trường hơn. Thuốc nhuộm cũng gây ra nhiều vấn đề. Nếu bạn mua vải lanh không rõ nguồn gốc hữu cơ, tuyên bố không có thuốc nhuộm độc hại nào đã được sử dụng không thể được đảm bảo.

Các màu sắc tự nhiên của chất vải lanh.

Vải tre

Vải tre được coi là chất liệu tự nhiên tuyệt vời thay thế cho các chất liệu tổng hợp vì cây tre có quá trình phát triển nhanh chóng và không cần sử dụng nhiều quá chất như các loại sợi vải tự nhiên khác. Do đó khi được canh tác và sản xuất theo phương pháp hữu cơ, vải tre là một lựa chọn thân thiện với môi trường.

Bạn có đang dùng vải tự nhiên?

Tuy nhiên khi cây tre được trồng phục vụ cho mục đích thương mại, người nuôi trồng có thể sử dụng phân bón hóa chất để tăng sản lượng. Để những cây tre được sử dụng làm vải viscose (một loại vải tổng hợp từ bột gỗ của một số loại cây, trong đó có tre), người sản xuất sẽ trộn dung dịch hóa học hòa tan vào trong gỗ tre. Hơn nữa, nhu cầu vải tre ngày càng tăng cao đồng nghĩa với việc các vùng đất trồng rừng bị xóa sổ để phục vụ canh tác cây tre, từ đó đặt ra nguy cơ cho loài gấu trúc.

Tuy nhiên một chất liệu giúp bạn thay thế các trang phục vải viscose tổng hợp là vải Tencel. Đây là chất liệu được làm từ lyocell vốn xuất phát từ bột gỗ hoặc bột tre và được sản xuất theo quy trình khép kín để giảm lượng chất thải độc hại. Sản xuất vải Tencel không tiêu thụ nhiều năng lượng và nước như vải cotton. Một nhà sản xuất Lenzing AG đang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động của chúng. Đồng thời chất liệu này cũng thấm hút nhanh hơn 50% so với loại vải cotton thông thường và đây là lựa chọn lý tưởng cho các trang phục thể thao năng động.

Sợi vải Tencel có thể là giải pháp cho việc chặt phá rừng tre hàng loạt.

Mỗi loại chất liệu đều có tác động nhất định. Dù quá trình sản xuất sợi vải tổng hợp có liên quan đến việc tiêu thụ nhiều hóa chất và nhiên liệu, chúng ta không lấy đó làm lý do để mua các trang phục vải tự nhiên mà không cần suy nghĩ. Nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng cao và không ngừng của chúng ta đối với chất liệu vải tự nhiên đã đặt ra nhiều vấn đề về môi trường và đạo đức. Do đó hãy mua sắm có điều độ và thông minh hơn.

Biên tập: Đáo


/Bản đồ chất liệu/ Series bài viết bàn về các chất liệu vải sử dụng trong thời trang, chia sẻ kiến thức về ngành công nghiệp may mặc cũng như tác động của nó với môi trường. Loạt bài viết sẽ được cập nhật trên website idesign.vn mỗi thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.

Cùng tác giả

#Tag

cotton cotton hữu cơ fashion lúa natural fabrics Series Bản đồ chất liệu vải hemp vải lanh Vải len lông cừu Vải lông thỏ Angora vải tre vải tự nhiên đảo

iDesign Must-try

Thế giới thời trang hoa lệ qua nét vẽ của giám đốc nghệ thuật Spiros Halaris
Thế giới thời trang hoa lệ qua nét vẽ của giám đốc nghệ thuật Spiros Halaris
Spiros Halaris là họa sĩ, nhà thiết kế đồ họa kiêm giám đốc nghệ thuật hoạt động trong đa lĩnh vực. Tác phẩm của anh là sự kết hợp giữa…
Mối lương duyên giữa thời trang và nội thất
Mối lương duyên giữa thời trang và nội thất
“Mặc thời trang, ở thời trang, ăn thời trang và ngủ thời trang là một lối sống.” Nhiều nhà mốt cao cấp và các thương hiệu thời trang bình dân…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Để khách hàng ghi nhớ tên thương hiệu, bạn cần phải thể hiện nhiều hơn là vẻ đẹp về mặt hình ảnh. Trong phần 2 của bài viết này, các…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Nếu bạn đang muốn tạo dựng một thương hiệu, tân trang lại mọi thứ hoặc đơn giản là muốn cập nhật các phong cách xây dựng thương hiệu mới nhất…
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hoạt động cắt dán thúc đẩy phá vỡ các quy tắc và kết hợp những yếu tố khác nhau theo nhiều cách bất ngờ. Hãy cùng iDesign khám phá một…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta sẽ cùng điểm qua các bức tranh nổi tiếng về loài chó, khỉ và cừu cùng những câu chuyện thú…