|Bản đồ chất liệu| Sợi bông - Vị thế phổ biến và tác động đằng sau

Vải bông (Cotton) là loại vải nắm vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp thời trang. Mỗi chiếc tủ quần áo đều có sự hiện diện của chất liệu cotton và vị thế của nó cũng đi kèm nhiều tác động nhất định.

Lịch sử về sợi bông

Không ai biết chính xác cây bông xuất hiện từ khi nào. Trong lúc khám phá những hang động tại Mexico, các nhà khoa học đã tìm thấy những nang bông và mảnh vải bông ít nhất 7000 năm tuổi. Họ cũng phát hiện ra rằng cây bông ấy rất giống với cây bông được trồng ở Mỹ ngày nay.

Tại Thung lũng Indus River ở Pakistan, bông đã được trồng, kéo sợi và dệt thành vải từ 3000 năm trước Công nguyên. Cùng lúc đó, người bản địa ở thung lũng sông Nile của Ai Cập cũng đã may và mặc quần áo bằng vải sợi bông.

Buổi đầu nền văn minh ở thung lũng Indus River đã có dấp dáng của sợi cotton.

Các thương nhân người Ả Rập đã mang vải bông đến châu Âu vào khoảng năm 800 sau Công nguyên. Khi Columbus khám phá ra châu Mỹ vào năm 1492, ông đã phát hiện cây bông đang được trồng ở quần đảo Bahama. Đến năm 1500, cây bông trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Hạt giống cây bông được trồng ở Florida vào năm 1556 và Virginia năm 1607. Đến năm 1616, những người thực dân đã trồng cây bông dọc theo sông James ở Virginia.

Bông được kéo thành sợi lần đầu tiên bằng máy ở Anh vào năm 1730. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh và việc phát minh ra máy tỉa bông ở Hoa Kỳ đã tạo điều kiện để cây bông nắm giữ vị trí quan trọng trên thế giới như hôm nay.

Hình ảnh chiếc máy tỉa bông đầu tiên được phát minh.

Eli Whitney, người gốc Massachusetts, đã được cấp bằng sáng chế về máy tỉa bông vào năm 1793. Dù các ghi nhận từ văn phòng bằng sáng chế cho thấy chiếc máy tỉa bông đầu tiên có thể được chế tạo bởi một người thợ máy tên là Noah Homes hai năm trước khi bằng sáng chế của Whitney được trình nộp. Máy tỉa bông có thể thực hiện công việc nhanh hơn gấp 10 lần so với quy trình thủ công. Loại máy này có thể cung cấp một lượng lớn sợi bông cho ngành công nghiệp dệt may đang trên đà phát triển nhanh chóng. Trong vòng 10 năm, giá trị sản lượng bông của Mỹ đã tăng từ 150000 đô la lên hơn 8 triệu đô la.

Quy trình sản xuất sợi bông

Chuẩn bị

Để tạo nên sợi vải, bông hạt thô cần được làm sạch và loại bỏ vụn. Hạt, cuống, bụi bẩn, thân và lá được loại bỏ trong công đoạn này. Cụ thể, sau khi được thu hoạch, bông sẽ được cho vào máy tỉa. Sau đó, chúng được đưa qua máy sấy và nhiều máy làm sạch để loại bỏ các chi tiết không cần thiết như cuống, bụi bẩn, thân và lá cây bông.

Bông “chưa tỉa” và bông “đã được tỉa”.

Sau khi đã được làm sạch và sấy khô kĩ càng, bông sẽ được đưa đến khu vực giá máy tỉa với những chiếc cưa tròn có răng nhỏ và bén để lấy sợi ra khỏi hạt. Quá trình này làm cho xơ bông mịn hơn để có thể tạo ra các sợi bông đồng đều hơn. Sau đó, bông được đóng gói chặt chẽ thành kiện và sẵn sàng để xử lý.

Các kiện bông phơi ngoài trời để làm khô và loại bỏ nấm mốc.

Các sợi xơ bông sẽ được đưa qua các máy chải sợi để tạo nên những sợi bông mảnh và đồng đều. Các sợi này sẽ được kết lại với độ xoắn nhẹ để tạo thành những sợi dày hơn một chút nhằm tăng độ bền cho sợi chỉ và được cuốn theo cuộn.

Kéo sợi

Thiết bị kéo sợi lấy sợi bông từ các cuộn chỉ phía trên và thực hiện quay lên đến 2500 vòng để biến xơ thành sợi dệt hoặc đan thành vải. Kéo sợi là bước cuối cùng trong quy trình tạo nên sợi vải hoàn chỉnh.

Máy quay sợi cotton vào thế kỉ 18. Nguồn: Wellcome Library, Luân Đôn.
Các suốt chỉ cotton được xếp thành hàng phục vụ công đoạn kéo sợi.

Các nhà máy ngày nay kéo và xoắn sợi bông lưu động thành sợi chỉ và đặt nó trên suốt chỉ. Công đoạn này được thực hiện khá hiệu quả. Trong 30 ngày, một nhà máy lớn và hiện đại có thể sản xuất đủ sợi bông để quấn quanh Trái Đất 2300 lần hoặc đi “khứ hồi” đến mặt trăng 235 lần. Với việc sử dụng cuộn dây tự động, các suốt chỉ này được chuyển sang các suốt chỉ lớn hơn được gọi là cuộn chỉ hình nón. Những cuộn chỉ hình nón pho mát này có thể được lưu trữ cho đến lúc cần thiết trong quá trình dệt.

Dệt sợi

Các máy dệt sợi sẽ dệt các sợi bông thành vải tương tự như cách các khung dệt thủ công làm. Máy dệt hiện đại hoạt động với tốc độ lớn để đan giữa các sợi dài (dọc) và sợi chéo (ngang) lại với nhau.

Nghề dệt thủ công truyền thống ở núi Guatemalan rất phát triển.

Để có được sợi dọc để dệt, hàng trăm sợi bông được quấn từ cuộn chỉ hình nón lên một trục cuốn chỉ lớn. Sợi chỉ trên trục này sẽ được phủ một hỗn hợp bột (hợp chất hồ dính) để tăng thêm độ bền cho quá trình dệt.

Sợi ngang là những sợi chạy theo chiều ngang và có thể được gọi là sợi lấp. Chất hồ không được bôi vào sợi ngang vì chúng cần có sự linh hoạt trong quá trình dệt. Trong các nhà máy hiện đại nhất ngày nay, sợi ngang được đưa vào khung dệt từ cuộn chỉ hình nón với tốc độ cao đến mức chuyển động của nó không thể nhìn thấy.

Vải đã dệt sẽ được đưa đến nhà máy xử lý, nơi chúng được tẩy trắng, làm cho co trước để khi giặt không bị co vải, nhuộm màu, in và hoàn thiện trước khi được sản xuất thành quần áo hoặc các sản phẩm cho gia đình.

Các loại sợi cotton

Có bốn loại sợi cotton khác nhau và mỗi loại đều có đặc điểm riêng.

Bông Pima: Đây được coi là loại cotton tốt nhất trên thế giới bởi nó cực kì mềm mại và sợi bông cũng khá dài. Loại bông này có nguồn gốc từ Nam Mỹ và Tây Nam Mỹ. Vải bông Pima rất được săn đón vì nó có khả năng chống phai màu, rách và nhăn.

Bông Ai Cập: Bông Ai Cập có đặc tính rất giống bông Pima, cả hai loại bông đều thuộc cùng một lớp thực vật gossypium barbadense. Loại bông này được trồng ở Thung lũng sông Nile ở Ai Cập.

Bông vùng cao: Bông vùng cao có sợi rất ngắn và chiếm khoảng 90% tổng sản lượng bông của thế giới. Loại cây này có nguồn gốc và được trồng ở Trung Mỹ, Mexico, Caribe và nam Florida.

Bông hữu cơ: Bông hữu cơ là bất kỳ loại bông nào được trồng mà không sử dụng hóa chất và xuất phát từ cây trồng không biến đổi gen.

Đặc tính của sợi bông

Sợi bông mang nhiều đặc điểm vượt trội và do đó trở thành sợi vải được ứng dụng khá nhiều trong ngành công nghiệp thời trang.
  • Sự mềm mại: Cây bông cho cảm giác mềm mại, tạo ra những nang bông xù và kết quả là chúng ta có được loại sợi thừa kế sự mềm mại đó.
  • Bền bỉ: Cấu trúc tế bào của cây bông rất mạnh, tạo nên một loại sợi dai và khó bị đứt.
  • Khả năng thấm hút: Cotton là loại vải có độ thấm hút cao vì giữa các sợi bông có nhiều khoảng trống.
  • Nhuộm tốt: Do có tính thấm hút, bông rất dễ dàng thấm thuốc nhuộm và có thể tạo thành sợi vải nhiều màu sắc khác nhau.
  • Độ thông thoáng: Cấu trúc sợi cotton giúp vải bông trở nên thoáng khí hơn so với sợi vải tổng hợp.

Ứng dụng vải cotton

Với những đặc tính tuyệt vời, cotton xuất hiện ở mọi ngóc ngách trong ngôi nhà bạn và có mặt ở nhiều lĩnh vực khác. Cotton là loại sợi vải được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và các nhà sản xuất có thể biến sợi vải này thành vô số loại sản phẩm khác nhau.

Vải dệt: Sợi bông được sử dụng để tạo nên nhiều loại vải dệt khác nhau như vải bạt, denim, vải gấm hoa, vải nỉ, vâng vâng.

Nhắm mắt lấy tay sờ vào thớ vải bất kì ở chợ vải, có khả năng cao đó là sợi cotton.

Quần áo: Bông là một nhân vật bất di bất dịch của ngành dệt may do được sản xuất hàng loạt, nó tạo cảm giác mềm mại, độ bền cao và khả năng thấm hút mạnh. Cotton thường được sử dụng làm áo phông, quần jean, váy, áo dài tay, vâng vâng.

Khăn trải giường và khăn tắm: Vì cực kỳ mềm mại và có độ thấm hút cao, sợi bông là một loại vải lý tưởng để nâng niu bạn trong phòng ngủ và làm khăn tắm.

Bạn có đang sử dụng sợi cotton không?

Đồ lót: Vì lý do tương tự như trên, cotton làm nên những chiếc áo và quần lót cực kì thoải mái và bền.

Trang trí nội thất: Sợi bông cũng được sử dụng trong ngôi nhà của bạn để miếng bọc ghế, rèm cửa, thảm, gối.

Cotton là chất liệu tuyệt vời dành cho đồ trang trí nội thất, thảm và rèm cửa.

Sợi bông mềm nhưng tác động không “mềm”

35 triệu ha bông đang được canh tác trên phạm vi toàn cầu. Do nhu cầu sản phẩm sợi bông ở mức rất cao, việc sản xuất bông gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến tính bền vững và đạo đức.

Cây bông “khát nước”

Sản xuất bông cần tiêu thụ nước và thực tế là rất nhiều nước. Cần khoảng 2700 lít nước để tạo ra một chiếc áo thun cotton. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Quy trình sản xuất sợi bông không chỉ tiêu tốn nhiều nước mà nó còn là chất liệu sử dụng nhiều nước nhất trong số các mặt hàng nông nghiệp do nguồn nước bề mặt và nước ngầm cần được di chuyển để phục vụ tưới tiêu cho ruộng bông. Điều này dẫn đến vấn đề nguồn nước ngọt dần bị mất đi do chiến lược quản lý không hiệu quả.

Những cánh đồng trồng bông xanh ngát thế này có thể không “xanh” như bạn mong đợi.

Bạn đã bao giờ nghe đến biển Aral chưa? Đây là vùng biển nằm ở Trung Á và từng là hồ nước lớn thứ 4 trên thế giới. Tuy nhiên đến năm 2020, nó gần như đã biến mất hoàn toàn khi 85% lượng nước không còn được duy trì. Sông Indus ở Pakistan cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi ngành công nghiệp sản xuất sợi bông vì 97% lượng nước ở sông được luân chuyển phục vụ sản xuất bông. Tại Hoa Kỳ nơi mà các ruộng bông được canh tác, mực nước ngầm đã giảm hơn 240 cm từ năm 2004 đến năm 2014 do việc tiêu thụ nước của vụ bông trong thời kỳ hạn hán.

Một phân tích đầu tiên về rủi ro khí hậu từ việc sản xuất bông trên phạm vi toàn cầu cho thấy vào năm 2040, tình trạng khan hiếm nước và lượng mưa (từ mức không đủ ở một số vùng đến mức khan hiếm ở những vùng khác) sẽ tăng rủi ro đối với các vùng trồng bông có năng suất lớn nhất thế giới. Nếu không có chiến lược quản lý tốt, việc sản xuất bông có thể tiêu thụ và làm ô nhiễm một lượng nước đáng kể.

Sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học

Khi không được canh tác theo các phương pháp nông nghiệp bền vững, việc sản xuất sợi bông có thể sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu và phân bón gốc dầu. Dù việc sử dụng chúng đã giảm trong những năm gần đây, hiện tại 2,5% diện tích đất canh tác trên toàn thế giới để trồng cây bông và 10% các hóa chất nông nghiệp như thuốc trừ sâu và phân bón hóa học cũng được sử dụng cho nó.

Một vụ mùa bông tiêu thụ khá nhiều nước và hóa chất nông nghiệp.

Năm 2009, các đơn vị sản xuất bông chiếm 6,2% tổng doanh số bán thuốc trừ sâu trên toàn cầu và 14,1% doanh số bán thuốc trừ sâu của tất cả các loại cây trồng. Khi được sử dụng không thích hợp, thuốc trừ sâu và phân bón có thể làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng và giảm độ phì nhiêu của đất. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể gây hại đáng kể đến sức khỏe con người và đa dạng sinh học. Sản xuất và sử dụng phân bón có thể góp phần tăng lượng khí thải nhà kính.

Vấn đề về lao động

Bộ Lao động Hoa Kỳ đã có báo cáo năm 2016 rằng tình trạng sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức đã diễn ra trong quá trình sản xuất sợi bông ở 18 quốc gia, bao gồm một vài nước trong danh sách 6 quốc gia sản xuất bông hàng đầu (Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Brazil). Năm 2018, Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu bông từ Turkmenistan do phát hiện tình trạng lao động nô lệ bị nhà nước cưỡng chế. Đáng mừng là gần đây đã có những cải thiện về quyền lao động ở một số khu vực, đặc biệt là Uzbekistan mặc dù cần phải thực hiện nhiều chiến lược tiến bộ hơn.

Phá hủy đất trồng

Như các loại cây trồng khác, việc canh tác bông có thể dẫn đến tình trạng xói mòn và ô nhiễm đất, làm mất tính đa dạng sinh học của đất. Đồng thời, các phương pháp trồng trọt kém có thể làm mất độ phì nhiêu của đất và giảm năng suất vụ mùa.

Giải pháp thay thế – Organic cotton

Chúng ta đều biết rằng người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm tốt hơn cho họ và cho môi trường. Việc tìm kiếm các sản phẩm ‘hữu cơ’ đã khởi đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm và hiện đang diễn ra ở ngành công nghiệp thời trang. Điều đó thể hiện qua việc ngày càng có nhiều thương hiệu bắt đầu cung cấp các lựa chọn thân thiện hơn.

Cotton hữu cơ là một giải pháp bền vững khi cây bông được trồng mà không sử dụng thuốc trừ sâu và xuất phát từ hạt giống không bị biến đổi gen. Các phương pháp canh tác hữu cơ tránh việc sử dụng các hóa chất độc hại, đồng thời hướng tới sự bền vững về môi trường và sử dụng ít tài nguyên hơn. Đất nông nghiệp không bị tác động bởi hóa chất có thể màu mỡ hơn nhiều so với đất bị ngấm thuốc trừ sâu liên tục, vì vậy nhìn chung người dân trồng bông hữu cơ có thể duy trì vụ mùa bông lâu hơn so với các loại đất khác.

Những lợi ích mà nó đem lại cũng rất rõ ràng. Việc sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn đồng nghĩa với sức khỏe của người lao động được cải thiện đáng kể, xã hội có thể tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm và nước sạch, đất trồng có tuổi thọ cao hơn do không bị hóa chất hủy hoại.

Tiêu chuẩn Global Organic Textile Standard (GOTS) trên sản phẩm, bao gồm quy trình xử lý, sản xuất, đóng gói, dán nhãn, kinh doanh và phân phối chất liệu, sẽ giúp đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, ví dụ như điều kiện làm việc an toàn và hợp vệ sinh, không có sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc và mức chi trả công bằng.

Bằng cách chọn các sản phẩm sợi bông hữu cơ trong tiêu dùng hàng ngày, bạn có thể chung tay hành động hướng đến mặt đạo đức và tính bền vững thông qua việc khuyến khích sản xuất bông không dùng thuốc trừ sâu, giảm tác hại đến hành tinh và con người.

Biên tập: Đáo


/Bản đồ chất liệu/ Series bài viết bàn về các chất liệu vải sử dụng trong thời trang, chia sẻ kiến thức về ngành công nghiệp may mặc cũng như tác động của nó với môi trường. Loạt bài viết sẽ được cập nhật trên website idesign.vn mỗi thứ 2 và thứ 5 hàng tuần.

Cùng tác giả

#Tag

cotton fabric Series Bản đồ chất liệu sợi bông sợi cotton đảo

iDesign Must-try

Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Để khách hàng ghi nhớ tên thương hiệu, bạn cần phải thể hiện nhiều hơn là vẻ đẹp về mặt hình ảnh. Trong phần 2 của bài viết này, các…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Nếu bạn đang muốn tạo dựng một thương hiệu, tân trang lại mọi thứ hoặc đơn giản là muốn cập nhật các phong cách xây dựng thương hiệu mới nhất…
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hướng dẫn tự làm tác phẩm nghệ thuật cắt dán chủ đề siêu thực
Hoạt động cắt dán thúc đẩy phá vỡ các quy tắc và kết hợp những yếu tố khác nhau theo nhiều cách bất ngờ. Hãy cùng iDesign khám phá một…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta sẽ cùng điểm qua các bức tranh nổi tiếng về loài chó, khỉ và cừu cùng những câu chuyện thú…
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 1)
Những bức tranh về động vật nổi tiếng và nơi tìm ra chúng (Phần 1)
Từ những bức tranh trong hang động cổ xưa đến những tác phẩm sống động khắc họa các loài vật, những bức tranh về động vật nổi tiếng đã xuất…
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 2)
8 xu hướng thiết kế đồ họa lên ngôi năm 2022 (Phần 2)
Tiếp nối phần 1, ở bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu thêm những xu hướng thiết kế đồ họa nào sẽ là lựa chọn hoàn hảo để xây…