Xem Hoàng Tiến Quyết thổi hồn động vật bằng kỹ thuật “gấp ướt” Origami
Khác với Origami truyền thống cùng những nét vuốt sắc sảo và tạo hình góc cạnh, kỹ thuật “gấp ướt” mang đến sự mềm mại và sức sống cho tác phẩm. Cùng iDesign tìm hiểu về phong cách độc đáo này qua những chia sẻ của nghệ nhân Hoàng Tiến Quyết.
Nếu là một fan hâm mộ nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản, chắc hẳn bạn không còn xa lạ với kỹ thuật “gấp ướt” (wet-folding) do “cây đại thụ” Akira Yoshizawa sáng tạo. Và một trong những người tiên phong phát triển và mang phong cách này đến gần các bạn trẻ Việt Nam không thể không kể đến Hoàng Tiến Quyết.
Khó mà xác định được số năm chính thức gắn Tiến Quyết với Origami bởi niềm yêu thích môn nghệ thuật độc đáo này đã có từ khi anh còn bé. Tiến Quyết cho biết ý tưởng sáng tác đến một cách tự nhiên sau thời gian dài tham khảo mẫu gấp của những tác giả khác, tìm hiểu sâu về những kỹ thuật gấp giấy khác nhau cũng như trao đổi với bạn bè.
Nói về sự giống và khác nhau giữa hai kỹ thuật, anh chia sẻ: “Trong Origami truyền thống, các nếp gấp được thể hiện rất rõ ràng, thường là những nếp gấp thẳng, sắc cạnh, mẫu hoàn thiện vì vậy thường khá vuông vức, có tính hình học cao. Với gấp ướt, thông qua việc tẩm ướt trước và trong quá trình gấp, tờ giấy trở nên mềm hơn, thuận tiện cho việc nắn, tạo hình mẫu mềm mại uyển chuyển hơn. Các tác phẩm gấp ướt qua đó gần với điêu khắc hơn. Nhờ gấp ướt, mình có thể đẩy các sáng tác đi xa hơn cách gấp khô truyền thống. Mỗi kỹ thuật gấp có các thế mạnh riêng, mang đến phong cách tạo hình riêng biệt, đa dạng cho thế giới Origami.”
Thông thường, quá trình sáng tác một mẫu Origami được chia làm hai công đoạn: Thiết kế và Gấp chi tiết. Trong đó, công đoạn lên ý tưởng và thiết kế bộ khung luôn chiếm thời gian lâu nhất, lên đến 90 – 95%. Tùy vào độ phức tạp, mỗi tác phẩm có thể mất vài ngày, hoặc nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để hoàn thiện.
Nếu tìm hiểu về những tác phẩm của anh, có thể dễ dàng nhận thấy động vật là một chủ đề quen thuộc. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến dự án thiết kế 12 con giáp vô cùng kỳ công cho chiến dịch mừng Xuân Đinh Dậu 2017 của hãng mỹ phẩm Lancôme. “Với mình, mỗi loài vật đều có tính cách, tâm hồn như con người, và mình cũng thấy bản thân trong từng loài vật đó. Mình luôn thích thú với việc thể hiện được hình ảnh của các loài vật với tính cách của chúng, cũng như gửi gắm một chút cái tôi của bản thân vào tác phẩm” – Tiến Quyết cho biết. Với sức lan tỏa của chiến dịch, cái tên Hoàng Tiến Quyết đã không những khẳng định chỗ đứng đối với cộng đồng yêu Origami trong nước mà còn gây được tiếng vang quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở đó, Hoàng Tiến Quyết còn thử thách bản thân với nhiều chủ đề “khó nhằn” khác. Đương cử như tác phẩm tượng nữ thần Durga cho lễ hội ở Kolkata, Ấn Độ với kích thước như người thật. Việc thể hiện đúng tính chất của một sự vật vốn đã khó, chưa kể đến việc phải làm bật được cái thần của biểu tượng đại diện cho một niềm tín ngưỡng, một nền văn hóa khác. Có thể nói, tác phẩm đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trên hành trình khẳng định bản thân của anh.
Hiện tại, anh đang tiếp tục theo học Hội họa với hy vọng qua đó có thể mang lại thêm những điều mới mẻ cho các tác phẩm của mình. Mời bạn chiêm ngưỡng thêm những tác phẩm của Hoàng Tiến Quyết tại trang web chính thức và kênh youtube của anh.
Thực hiện bởi: Khoa Nghi
Ảnh do nhân vật cung cấp