Unsplash và tương lai của ngành Nhiếp ảnh
Mục đích của Unsplash không phải để tái cơ cấu ngành nhiếp ảnh. Chúng tôi tạo ra Unsplash vì chúng tôi nghĩ nó sẽ rất hữu ích cho mọi người.
Unsplash là một cộng đồng nhiếp ảnh – nơi mọi người chia sẻ miễn phí ảnh chụp chất lượng cao, bất kì ai cũng có thể tải về sử dụng cho mọi mục đích mà không lo vấn đề bản quyền hay kiện tụng. Lúc đầu, đây chỉ đơn thuần là một trang blog trên Tumblr với vỏn vẹn 10 bức hình thừa từ một buổi chụp ảnh. Thay vì để những tấm hình đó chết dí trên ổ cứng, chúng tôi nghĩ rằng biết đâu những tấm hình này có thể giúp ích cho các dự án sáng tạo khác; một nhà thiết kế tự do có thể chọn vài bức hình làm background; một doanh nghiệp start-up đang gặp khó khăn về tài chính có thể trang hoàng trang website bằng ảnh nền tuyệt đẹp chẳng hạn.
Chúng tôi tin rằng lợi ích từ việc cho đi những bức hình đó có thể xứng đáng hơn nhiều so với việc kiếm vài đồng lẻ từ tiền phí.
Quyền năng của Nhiếp ảnh
Chúng tôi đã chứng minh được những gì mình tin tưởng là hoàn toàn chính xác. Bằng cách cung cấp những tấm hình miễn phí, Unsplash đã trở thành một thứ mang lại ý nghĩa to lớn, lớn hơn nhiều so với vài trăm đô la chúng tôi sẽ nhận được khi bán chúng. 10 bức hình đầu tiên đó đã được xem 58 triệu lần. Unsplash giờ đây đã trở thành một cộng đồng vững mạnh với hơn 20 triệu người cùng chung tay góp sức. Tất cả những người từ khắp mọi miền thế giới đã đóng góp hơn 250,000 bức hình, thông qua đó tạo động lực phát triển các dự án sáng tạo khác.
Mức độ phủ sóng của Unsplash trên thế giới
Những bức ảnh của Unsplash không chỉ đơn thuần giúp các nhà thiết kế tạo ra bản mẫu hay giúp doanh nhân trang hoàng website nữa, mà đây còn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho tất cả mọi người: Từ giáo viên, các tổ chức phi lợi nhuận cho tới những nhà sáng tạo hoạt động độc lập.
Những dự án được hoàn thiện nhờ Unsplash
Những người đóng góp cho Unsplash chia sẻ những bức hình của mình để tạo ra ảnh hưởng, và nhiệm vụ của chúng tôi là giúp lan toả sức ảnh hưởng đó hiệu quả hơn bất kỳ nền tảng nào có thể. Ngày nay, một bức hình trên Unsplash sẽ tiếp cận được với người xem nhiều hơn các nền tảng khác; nhiều hơn cả Instagram hay trang nhất trên mặt báo New York Times.
Bạn không cần phải có người xem hay phải có công ty đại diện nào “chống lưng” để có thể nổi tiếng trên Unsplash cả. Chúng tôi sẽ mang người xem đến cho bạn.
Mang sản phẩm trực tiếp tới ‘tận tay’ người dùng
Là một nhà thiết kế độc lập, tôi hiểu rằng bạn chẳng thể nào cứ đăng hình lên miễn phí mãi được, bởi vì nó sẽ chẳng giúp bạn chi trả chi phí sinh hoạt đắt đỏ ngoài kia. Nhưng bạn cũng không thể hoàn toàn phủ nhận giá trị của việc đăng hình miễn phí.
Tất cả nghệ sĩ đều cần có người xem để tồn tại. Tại sao bạn dành thời gian đăng hình lên Instagram mặc dù chả nhận được đồng cắc nào cả? Bởi vì những bài đăng ấy sẽ xây dựng cộng đồng người xem cho bạn theo thời gian.
Trong 10 năm gần đây, nhiều nền tảng như YouTube, Twitter, Instagram, SoundCloud và Medium đã giúp chúng ta thể hiện bản thân và kết nối với thế giới. Thỉnh thoảng, tất cả sự thể hiện và kết nối đó cũng chỉ để cho vui. Bạn chẳng nhận được gì ngoài việc tạo ra thứ gì đó mới. Hoặc có khi bạn có thể xây dựng cộng đồng người xem để phục vụ mục đích gì đó khác. Các nhà làm phim đăng các đoạn trailer miễn phí để bán được nhiều vé chiếu rạp hơn. Các nhạc sĩ đăng tải các bài hát hoặc thậm chí cả album miễn phí lên SoundCloud để bán được nhiều vé cho các buổi hoà nhạc. Các tác giả đăng một vài chương sách miễn phí hoặc dành hàng tiếng đồng hồ viết blog chỉ để quảng bá cho sách bán chạy hơn.
Những nền tảng mới không giết chết một ngành công nghiệp, nó chỉ thay đổi dòng phân phối sản phẩm mà thôi.
Những nền tảng trực tuyến đã mở ra cơ hội giúp mọi người có thể dễ dàng chia sẻ thành quả của mình một cách nhanh chóng. Chúng tạo ra những kênh phân phối đa dạng và cộng đồng người dùng rộng lớn mà chúng ta khó lòng có được. Chính vì vậy, những nhà sáng tạo nội dung và sản phẩm được hỗ trợ “tận răng”, thật tuyệt vời có phải không?
Tim Ferris, tác giả của hai tác phẩm bán chạy số một trên New York Times, đã từng bị cấm xuất bản sách trên hệ thống Barnes & Noble, sau đó ông quyết định đăng tải các trích đoạn trong tác phẩm của mình miễn phí thông qua BitTorrent (BitTorrent là một giao thức chia sẻ tài nguyên trên mạng ngang hàng, đồng thời là tên của một chương trình chia sẻ tài nguyên ngang hàng – người dịch) để có thể bán được sách. Nhà văn Leo Babauta đã gỡ bỏ bản quyền tất cả bài viết trên trang blog nổi tiếng của ông, Zen Habits, để rồi các tác phẩm đó được chuyền tay và lan xa tới mức ông không thể ngờ. Chance the Rapper là nghệ sĩ đầu tiên giành được giải Grammy mà không cần phải bán một đĩa album nào cả, hầu hết nhạc của chàng rapper này đều miễn phí.
Những ví dụ nêu trên đều có một điểm chung, đó là những nhà sáng tạo nội dung không hề nhận được lợi nhuận nào lúc mới bắt đầu, thậm chí có khi họ còn phải chịu tổn thất. Nhưng dù cho phải đánh đổi điều gì đi nữa, việc họ chia sẻ tác phẩm của mình một cách miễn phí và rộng rãi đã mang lại cho họ lợi ích cực kỳ lớn. Chance the Rapper chia sẻ:
“Tôi nhận ra rằng thế mạnh của tôi là việc chia sẻ miễn phí những tác phẩm tuyệt vời nhất mà tôi có.
Tôi kiếm được lợi nhuận thông qua việc đi tour và bán các ấn phẩm hàng hoá đi kèm thương hiệu của mình. Tôi thật sự tin rằng nếu bạn dành trọn công sức và làm việc nghiêm túc cho điều gì đó, bạn sẽ không phải phụ thuộc vào phương pháp truyền thống nữa.”
Unsplash thật sự đem lại điều khác biệt…
Unsplash dường như là một nền tảng rất bổ ích cho các nhiếp ảnh gia tự do, vì họ có thể kiếm tiền từ nhiều nơi khác nhau. Nhưng còn những nhiếp ảnh gia thương mại thì sao?
Đối với những nhiếp ảnh gia thương mại, chúng tôi hiểu được rằng việc chia sẻ ảnh miễn phí lên Unsplash đồng nghĩa với việc mất đi phí bản quyền. Khi nói tới vấn đề này, chúng ta cần phải hiểu rõ được vai trò của bản quyền là gì. Bản quyền là công cụ giúp bạn bảo vệ hình ảnh của mình khỏi việc sử dụng vào mục đích thương mại một cách trái phép.
Trước thời đại Internet, việc giữ bản quyền mang lại rất nhiều lợi ích bởi phí nhượng quyền khá cao. Nhưng ngày nay, giá trị của việc nhượng quyền tác phẩm ngày càng có xu hướng giảm do người mua không mấy mặn mà với những cái giá “cắt cổ” nữa. Giả sử nếu bạn đăng ảnh lên một trang stock, bạn sẽ nhận được tầm $511/năm cho bộ sưu tập ảnh của mình – chỉ bằng một nửa so với 2 năm về trước.
Dữ liệu từ Shutterstock
Trên thực tế là ngày nay, hầu hết mục đích sử dụng hình ảnh của người dùng cũng đã thay đổi khá nhiều. Theo thống kê cho thấy, 70% người dùng tải ảnh từ Unsplash chưa bao giờ tải ảnh từ các trang ảnh stock trước đây. Và mục đích sử dụng những bức ảnh được tải hầu hết là để làm thuyết trình, viết blog hoặc các dự án cá nhân.
Đồng thời, chi phí để tạo ra một bức ảnh đẹp cũng có chiều hướng giảm đáng kể. Năm công ty có giá trị cao nhất trên thế giới đều đang cạnh tranh trong lĩnh vực máy chụp ảnh. Mặc dù các công cụ chụp ảnh chuyên nghiệp vẫn còn khá mắc, nhưng bù lại camera dành cho điện thoại lại đang phát triển rất mạnh, việc sở hữu một máy ảnh bỏ túi chuyên nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn trong tương lai gần.
Số ‘chấm’ trên camera điện thoại có xu hướng tăng mạnh
Cứ mỗi 2 phút, số lượng ảnh được chụp ngày nay nhiều hơn tất cả những bức hình tồn tại 150 năm về trước. Không thể phủ nhận rằng muốn có một bức ảnh tuyệt đẹp thì cần phải có kiến thức cũng như máu nghệ sĩ, nhưng thật sự mà nói, nghệ thuật nhiếp ảnh đang dần trở nên bão hoà – điều này đồng nghĩa với việc mua bản quyền hình ảnh đang dần trở nên rất hiếm hoi.
Có cung ắt hẳn sẽ có cầu. Nhưng cầu thay đổi thì cung cũng phải đổi thay. Mua bán bản quyền hình ảnh đã trở nên lỗi thời.
Những bức hình trở thành cầu nối cho các mối quan hệ
Hầu hết các nhiếp ảnh gia bắt đầu có xu hướng sử dụng những tác phẩm của mình như một công cụ để xây dựng mối quan hệ. Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng hình chụp lúc rảnh rỗi để kết nối với những khách hàng tiềm năng. Giả sử những khách hàng tiềm năng đó có hứng thú với những tác phẩm bạn đăng trên trang portfolio hay Instagram, biết đâu họ sẽ thuê bạn cho một buổi chụp hình chẳng hạn. Những nhiếp ảnh gia tự do có thể sử dụng tác phẩm của mình để xây dựng cộng đồng người xem, từ đó định hướng xem cách nào có thể thu được lợi nhuận, hoặc đơn giản chỉ để nâng cao tay nghề.
Bộ não của con người được liên kết với hình ảnh, vậy nên hình ảnh sẽ luôn được tìm kiếm và không bao giờ lỗi mốt. Chính vì thế, chúng tôi tin rằng Unsplash là một công cụ thích hợp giúp cho hình ảnh thực hiện tốt nhiệm vụ kết nối của mình. Việc từ bỏ bản quyền thoạt nghe có vẻ tệ, nhưng thực chất đó lại là cách tuyệt vời nhất để tạo ra được sự kết nối lớn chưa từng có.
Gần đây, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những bài báo được chia sẻ nhiều nhất của báo New York Times là những bài mang tính ứng dụng thực tiễn cao nhất. Những thứ hữu ích sẽ tạo ra được ảnh hưởng lan rộng tới mọi người. Khi bạn kết hợp 2 yếu tố quyền năng lại với nhau: chia sẻ và nhiếp ảnh, kết quả nhận được sẽ là sức ảnh hưởng vượt ngoài trí tưởng tượng.
Nhiều thành viên của chúng tôi chia sẻ rằng họ đã nhận được rất nhiều thứ khi chia sẻ ảnh lên Unsplash hơn bất kỳ nền tảng nào khác. Nhiều người được khách hàng gọi điện hợp tác sau khi đăng chỉ vài bức ảnh. Một vài người được làm việc tại các buổi chụp hình vòng quanh thế giới. Một vài người kiếm được thu nhập ổn định nhờ vào nghề nhiếp ảnh và rời bỏ công việc hiện tại. Một vài người tạo dựng nên một cộng đồng người xem vững mạnh cho các tác phẩm của mình. Chúng tôi đã có dịp trò chuyện với vài thành viên của Unsplash, và tất cả đều hài lòng với sức ảnh hưởng sáng tạo từ những tác phẩm của mình.
Nhưng cũng có những người đáng lẽ sẽ bỏ tiền ra thuê nhiếp ảnh gia nếu như không có những bức ảnh miễn phí của Unsplash – ừ, ý kiến đó cũng đúng, nhưng thử nhìn vào khía cạnh khác xem. Bằng cách chia sẻ những bức hình của mình, những thành viên của Unsplash đã tạo cơ hội cho hàng triệu người khác có công ăn việc làm ổn định.
Giả sử một người cần một bức hình cho buổi thuyết trình trong nội bộ cơ quan với chỉ vài đồng nghiệp tham dự, liệu có cần thiết bỏ tiền ra cho một bức hình không? Tất nhiên là không. Không có hình miễn phí để dùng, người đó cũng chẳng cần phải đi thuê một nhiếp ảnh gia làm gì. Vì vậy chẳng có mối quan hệ nào được xây dựng cả. Nhưng nếu người đó tìm kiếm hình trên Unsplash, một sợi dây liên kết đã được hình thành. Lần sau nếu người đó có nhu cầu thuê nhiếp ảnh gia, sợi dây liên kết kia sẽ là thứ cực kỳ hữu dụng. Chính những mối quan hệ, những liên kết đến từ Unsplash là thứ truyền cảm hứng cho các thành viên của chúng tôi.
Chúng tôi nhận thức được điều này và đang từng ngày thúc đẩy nguồn cảm hứng quý giá đó đến với các thành viên của Unsplash.
Chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện thư viện lưu trữ những thành quả đến từ những bức hình của Unsplash, đây chính là sợi dây kết nối giữa người cho và người được nhận. Vào tháng trước, chúng tôi đã ra mắt tính năng “Say Thanks” để vinh danh những thành viên đóng góp những bức hình tuyệt đẹp đến cho Unsplash. Hiện tại chúng tôi đang bắt đầu phát triển tính năng tìm kiếm thành viên giúp cho việc thuê nhiếp ảnh gia cũng như chuyên gia cho các công việc sáng tạo trở nên dễ dàng hơn.
Điều chúng tôi muốn hướng tới chính là biến mỗi bức hình thành một biển quảng cáo cho tác giả của nó. Và mô hình kinh doanh của Unsplash trong tương lai đó chính là làm cầu nối cho những mối quan hệ thông qua mỗi bức ảnh chụp.
Tương lai của ngành nhiếp ảnh
Theo ước tính riêng, số lượt tìm kiếm hình ảnh trên mạng đã tăng hơn 100 lần so với thập kỷ trước. Việc sử dụng hình ảnh đang ngày càng trở nên phổ biến, đây cũng chính là cơ hội cho những mô hình kinh doanh mới phát triển tốt hơn cho người dùng.
Sức ảnh hưởng của nhiếp ảnh là rất lớn – không cần phải nghi ngờ điều này. Nhiếp ảnh thực sự rất quyền năng. Câu hỏi đặt ra ở đây không phải là liệu nó có giữ vững được quyền năng của mình hay không, mà là làm thế nào để tạo ra những giá trị cao đẹp từ nhiếp ảnh. Câu hỏi này thực sự cần thời gian để suy nghĩ và đưa ra câu trả lời. Mặc dù hiện tại chúng tôi vẫn chưa biết mọi việc sẽ ra sao, nhưng chúng tôi đảm bảo rằng sẽ luôn minh bạch và cho mọi người biết hướng phát triển một cách cụ thể nhất.
Ngành công nghiệp nào rồi cũng sẽ phát triển. Mọi thứ rồi cũng sẽ thay đổi. Chúng tôi cũng không thể đi ngược lại sự thay đổi được, mặc dù cho chúng tôi có đem đến cho người dùng bao nhiêu lợi ích đi chăng nữa. Chúng tôi phải đối mặt với điều mà tất cả nghệ sĩ cũng như các doanh nghiệp gặp phải: những gì chúng tôi cung cấp ngày hôm nay rồi cũng sẽ bị lỗi thời. Chúng tôi chỉ có hai lựa chọn, hoặc ngồi khóc than, rên rỉ với sự phũ phàng này, hoặc mạnh mẽ chấp nhận sự thật và không ngừng thích nghi với nó.
Nếu bạn đi đúng hướng, bạn sẽ bứt phá giới hạn của bản thân. Bạn sẽ là con sói đầu đàn. Bạn sẽ là người đưa ra chuẩn giá trị mới. Đó là những gì chúng tôi muốn làm với nhiếp ảnh. Đó là những gì chúng tôi mong muốn cống hiến cho cộng đồng sáng tạo này. Chúng ta đều đứng chung một chiến tuyến. Khi ngành công nghiệp sáng tạo được quan tâm và phát triển, chúng ta cũng sẽ gặt hái được thành quả xứng đáng.
Tác giả: Mikael Cho – Founder / CEO của Unsplash
Nguồn: medium.com
Người dịch: Hà Đình Nhân